skip to Main Content

Yếu tố thinh lặng của phụng vụ giờ kinh

Yếu tố thinh lặng của phụng vụ giờ kinh

Khi nói đến thành phần của Phụng vụ Giờ kinh, chúng ta có thể dễ dàng kể ra các yếu tố như: thánh vịnh, thánh ca, thánh thi, các bài đọc [Sách Thánh; Giáo phụ; Văn sĩ Công giáo], lời chuyển cầu và nghĩ như vậy là đủ. Thật ra, một yếu tố không thể thiếu và hay bị quên lãng khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh chính là thinh lặng. Thiết lập nên phụng vụ không những bao gồm các thành tố như biểu tượng, ngôn từ, tư thế- cử điệu, di chuyển và âm nhạc mà còn cần phải có sự thinh lặng nữa. Thinh lặng là chiều kích sống động của kinh nguyện phụng vụ và phải coi đó là một hoạt động của cộng đồng khi quy tụ nhau lại để cử hành phụng vụ. Bấy giờ, thinh lặng, tĩnh lặng và lắng nghe có vẻ như là “thụ động” nhưng đúng ra lại là một “sự thụ động tích cực” (active passivity) và biểu lộ sự tham dự tích cực vào phụng vụ.1

HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH

Để các Giờ kinh thật sự khơi dậy trong lòng các tín hữu những tâm tình đạo đức sốt sắng, đồng thời nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, thì trong bộ sách mới “Các Giờ kinh Phụng vụ”,  Giáo hội đã giảm bớt phần nào số kinh phải đọc hằng ngày, và chọn nhiều đoạn văn khác nhau cho thêm phần linh động, cũng như dựa vào một vài yếu tố mới giúp suy niệm thánh vịnh như: tiêu đề, điệp ca, lời cầu, và cả những lúc thinh lặng thích hợp. Nhờ đó, “các tín hữu sẽ làm sống lại được tinh thần cầu nguyện liên lỉ mà Chúa Giêsu đòi hỏi Hội Thánh phải có” (Xc. Laudis Canticum 3).

Xin nêu ra hai văn kiện nói trực tiếp đến vần đề thinh lặng khi cử hành phụng vụ:

A] Hiến chế Phụng vụ Thánh (PV)

Ðể phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần phải giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc của nó (PV 30).

B] Văn kiện Trình bày và Quy định Các Giờ kinh Phụng vụ (QCGK)

Văn kiện này đề nghị cụ thể một số chỗ thinh lặng như sau:

lSau mỗi thánh vịnh, sau khi đã lặp lại câu điệp ca [nhất là khi đọc một mình, có thể dừng lại lâu hơn để suy ngắm một câu nào khiến mình cảm kích]; hoặc sau các bài đọc dài hay vắn, và trước hay sau câu xướng đáp (QCGK 202-203).

lSau bài đọc hay bài giảng vắn (QCGK 48).

lTrong lời cầu của kinh Sáng và kinh Chiều, ngoài cách thức linh mục hay thừa tác viên đọc cả hai phần, rồi cộng đoàn đáp lại bằng một câu như nhau từ đầu chí cuối hoặc linh mục hay thừa tác viên đọc phần thứ nhất thôi, rồi cộng đoàn đọc phần thứ hai, có thể áp dụng việc giữ im lặng trong giây lát sau mỗi ý nguyện (QCGK 193).

lTrong Giờ kinh Tối, nên dành ra một lúc thinh lặng để xét mình hoặc sám hối theo công thức trong Sách lễ Rôma (QCGK 86).

ÔN CỐ TRI TÂN ÐỂ THỰC HÀNH

Đứng trước Thiên Chúa vĩ đại và toàn năng được nhận biết qua công trình sáng tạo, lòng thương xót và những ân huệ của Ngài, con người chỉ có thể diễn tả sự thán phục của mình qua sự thinh lặng hoặc qua ngôn từ và bài ca. Ngài không chỉ là chân lý được chúng ta nhận biết. Ngài còn là sự thiện lay động chúng ta yêu mến Ngài. Ngài cũng là vẻ đẹp toàn vẹn khiến chúng ta phải chiêm ngưỡng trong thinh lặng và thốt lên lời tán dương ca ngợi.

Ngay từ xưa, Quy luật Tôn sư (Regula magistri) đã khẳng định phải luôn luôn có khoảng thời gian thinh lặng ngắn giữa các thánh vịnh hầu tránh mối nguy cho bất cứ anh em nào rơi vào cơn buồn ngủ hay bị cám dỗ bởi những tư tưởng xấu xa (chap. 48).2 Theo Cassiano, phương thức hát thánh vịnh được các dòng đan tu Ai Cập sử dụng và đôi khi còn lưu hành tại Đông phương là một người xướng và tất cả cộng đoàn im lặng lắng nghe. Hát xong, cộng đoàn vẫn còn thinh lặng ít phút để suy gẫm về thánh vịnh vừa công bố, sau đó vị chủ tọa mới nhân danh cộng đồng mà đọc lời tổng nguyện.3

Tại xứ Gaule, những lời nguyện chuyển cầu mặc hình thức một chuỗi những câu thánh vịnh, chúng ta còn nhận thấy di tích của chúng trong những lời nguyện ngày thường trong Thần vụ Rôma cổ được khuyến khích bởi Công đồng Agde năm 506. Tại Tây Ban Nha, có một lời khuyên của phó tế, gọi là supplicatio (khẩn cầu) và sau một giây lát thinh lặng, dân chúng đáp “Xin Chúa thương xót chúng con”.

Có những nhà phụng vụ và tu đức quả quyết đời sống phụng vụ bắt đầu với sự thinh lặng. Thinh lặng là tiền giả định đầu tiên của mọi hành động thánh. Không có thinh lặng thì mọi thứ trở nên vô dụng và rỗng tuếch (Romano Guardini).4 Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh và lời kinh khẩu nguyện mà còn qua thing lặng; Thinh lặng là quê hương của Thượng Đế; Thiên Chúa là sự thinh lặng vĩnh cửu và cư ngụ nơi thinh lặng; Thiên Chúa là bạn hữu của thinh lặng (Mẹ Têrêsa Calcutta); Thinh lặng là ngôn ngữ đầu tiên của Thiên Chúa; Ngôn ngữ mà Thiên Chúa nghe rõ nhất là tình yêu thinh lặng (thánh Gioan Thánh giá); những ý tưởng này không khác gì với những lời của nhà thần bí Meister Eckart: tôi đã không nói Thiên Chúa yêu thích sự thinh lặng hay yêu thích những người phụng thờ thầm lặng, mà là Thiên Chúa giống như sự thinh lặng.Những lời trồng tréo đan chen nhau, những lời phát xuất từ thinh lặng hay hướng đến thinh lặng quả thực sẽ là một cảm nghiệm đích thực về lắng nghe và đáp lại: một trải nghiệm đúng nghĩa về cuộc đối thoại.6

Theo chỉ dẫn của Công đồng Vatican II như đã trích dẫn ở trên: “Ðể phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần phải giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc của nó” (PV 30). Tinh thần này đã được “Văn kiện Trình bày và Quy định Các Giờ kinh Phụng vụ” nhắc lại: “Khi cử hành phụng vụ nói chung, thường phải liệu sao cho ‘có những khoảng thời gian thinh lặng vào những lúc thích hợp’; khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh, cũng phải giữ như thế” (QCGK 201). Văn kiện này đã phục hồi và xác định rõ giá trị cùng chỗ đứng của thinh lặng trong cử hành Phụng vụ Giờ kinh như các đan sĩ xưa nay vẫn giữ: họ không lo lấp đầy bầu khí bằng lời, nhưng cho phép bản thân mỗi người thinh lặng để có nhiều thời gian hơn tiêu hóa những lời đã đọc, đã tụng hay đã hát và nhịp điệu của ngôn ngữ cùng sự thinh lặng chính là ân phúc, là quà tặng, là sự tươi mới.

Theo đó, thinh lặng không chỉ đơn thuần là tạm dừng theo nghi thức hay không lời, không cử chỉ, mà còn là một hành vi phụng vụ thực sự chuyển tải một cách mạnh mẽ ý nghĩa của mầu nhiệm, thần khí và Giáo hội. Chúng ta sẽ cầu nguyện thực sự khi đi vào trong khoảng không giữa các lời và cho phép ánh sáng nội tại của Thánh Thần làm cho các ca vịnh, Lời Chúa và lời nguyện tỏa rạng chân lý và vinh quang. Văn kiện xác định: “Mục đích của thinh lặng để cho tiếng Chúa Thánh Thần dễ vang dội mãnh liệt hơn trong tâm hồn, và để lời cầu nguyện riêng của mỗi người được kết hợp chặt chẽ hơn với Lời Chúa và lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh” (QCGK 202). Thật vậy, thinh lặng mang chiều kích thần khí, liên quan đến sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Linh, không có Ngài kể như không có kinh nguyện Kitô giáo vì chính Thánh Thần là mối dây liên kết Hội Thánh, dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Con (QCGK 8).

THAY LỜI KẾT

Như vậy, sự cân bằng hợp lý khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh là gồm một số những yếu tố được đọc, một phần được hát và một khoàng thời gian dành cho thinh lặng. Ở đây, các giáo sĩ và những người đứng đầu các cộng đoàn đóng một vai trò quan trọng trong việc sử dụng hợp lý những thời khắc thinh lặng trong Giờ kinh bằng cách cố gắng sở hữu cảm thức mục vụ thực sự và từ từ hướng dẫn cộng đoàn có được cảm nghiệm sâu xa hơn về mầu nhiệm thinh lặng cũng như giá trị lớn lao của mầu nhiệm này trong đời cầu nguyện của họ. Nhờ những thời khắc thinh lặng này, cộng đoàn có cơ hội nội tâm hoá những gì được đọc, được nghe, và được hát. Cộng đoàn sẽ có cảm nhận sống động và sâu xa hơn trong kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa chứ không phải thực thi nhiệm vụ của lời và bài hát.7

Tóm lại, để đối thoại với Thiên Chúa một cách thâm sâu và sinh nhiều ơn ích thì không những chúng ta sử dụng phương thế thích hợp là cử hành kinh nguyện hàng ngày mà còn chen lẫn vào đó những giây phút thinh lặng như truyền thống cổ kính vẫn thực hành.

Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

___________________________________________________

1 Xc. Address of Pope John Paul II to Bishops of the United States

“On Active Participation in the Liturgy” (09-10-1998) từ http://www.adoremus.org/JPIIadlim1198.html.

2 Xc. Paul F. Bradshaw, Two Ways of Praying (Maryville, Tennessee: OSL Publications, 2007), 14.

3 Xc. Massey H. Shepherd Jr., The Psalms in Christian Worship (Collegeville, Minnesota: Augsburg Publishing House: 1976), 57.

4 Xc. Silvano Maggiani, OSM, “The Language of Liturgy” trong  Handbook for Liturgical Studies, vol. II, Fundamental Liturgy, ed. Anscar J. Chupungco, OSB (Quezon City: Claretian Publications, 2014), 244.

5 Laurence Freeman OSB, “The Eucharist and Silence” (Lecture at The School of Prayer, Archdiocese of Melbourne, 20th April 2005).

6 Xc. Alceste Catella, “Theology of the Liturgy” trong  Handbook for Liturgical Studies, vol. II, Fundamental Liturgy, ed. Anscar J. Chupungco, OSB (Quezon City: Claretian Publications, 2014), 26.

7 Xc. A. M. Roguet, OP, The Liturgy of the Hours: The General Instruction with Commentary, dịch bởi Peter Coughlan và Peter Purdue (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1971), 124.

Back To Top