Đây là một số thắc mắc thường được đặt ra liên quan đến việc đọc/ hát Thánh vịnh Đáp ca trong Thánh lễ: Đọc/ hát Thánh vịnh Đáp ca ở đâu? Chỉ một người hát/ đọc Thánh vịnh Đáp ca từ đầu đến cuối được không? Cả cộng đoàn cùng đọc/ hát Thánh vịnh Đáp ca được không hay cần một người đọc/ hát xướng từng triệt của Thánh vịnh còn cộng đoàn đáp lại bằng một câu điệp khúc? Sau khi đọc xong Bài đọc [I], độc viên Sách Thánh có nên ở lại giảng đài để tiếp tục đọc/ hát Thánh vịnh Đáp ca hay không? … Bài viết sau đây trước hết sẽ lược qua vài nét về lịch sử và ý nghĩa của Thánh vịnh Đáp ca trong cử hành phụng vụ Thánh lễ [theo phương pháp thông thường của khoa thần học phụng vụ], sau đó, sẽ lần lượt giải đáp những câu hỏi vừa nêu.
I] LỊCH SỬ
Nối tiếp thực hành của phụng tự hội đường Do Thái, theo truyền thống, các Kitô hữu hát Thánh vịnh hay một bài Thánh ca Kinh Thánh sau Bài đọc I. Ca khúc này thoạt tiên được gọi là Đáp ca “Responsum” rồi “Responsorium”. Còn trong cuốn “Graduale Romanum”, nó được mang tên là “Gradulae” nghĩa là “Ca khúc trên bậc” hay “Bài ca Tiến cấp” vì vào thời cổ ở Roma, một ca viên hay thầy phụ phó tế tiến đến giảng đài, đứng ở bậc thấp hơn của giảng đài và bắt đầu hát; hay vào thời Trung cổ, người xướng không đứng tại giảng đài nhưng tại bậc tam cấp của cung thánh mà hát.[1]
Trước thời kỳ bình yên của Giáo Hội (năm 313), có rất ít bằng chứng về việc sử dụng Thánh vịnh làm lời đáp đối với Bài đọc Sách Thánh vừa được công bố. Vào thế kỷ III, Tertulianô đã viết: “Trước tiên, chúng tôi nghe đọc một đoạn sách các Tông đồ, rồi hát một Thánh vịnh, và cuối cùng nghe đọc bài Tin Mừng về 10 người phong cùi.” Thánh Augustinô (thế kỷ IV), trong cuốn “Những tường thuật về các Thánh vịnh”, cũng thường nói đến những Thánh vịnh Đáp ca: “Thánh vịnh mà chúng tôi nghe hát và chúng tôi hát câu đáp, thì vắn.”[2] Ngài cũng mô tả quang cảnh một buổi cử hành phụng vụ Chúa nhật liên quan đến Thánh vịnh Đáp ca như sau:
Bài đọc vừa dứt, Đức Giám mục chúc bình an cho độc viên, rồi ngài quay sang nói với một người giúp lễ gần đó: “Thánh vịnh 29.” Vị này ghé xuống rỉ tai cho một ca viên đồng thời cũng là một độc viên. Ông này liền đi lên giảng đài để ngâm các phiên khúc của Thánh vịnh vừa được chỉ định: “Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.” Dân chúng ngay sau đó lặp lại câu này, đọc dằn lại đôi chút nhưng chưa có vẻ đồng nhất bao nhiêu. Câu Thánh vịnh đó sẽ dùng làm điệp khúc, vì người ta còn trung thành với kiểu đáp Thánh vịnh Đáp ca cố hữu. Xướng viên Thánh vịnh tiếp tục hát và cứ sau mỗi câu, dân chúng liền hát xen vào bằng câu điệp khúc trên…rồi cứ thế tiếp tục cho đến khi hết câu cuối cùng, Điệp ca một lần nữa vang lên hoan hỉ: “Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.”[3]
Trong thế kỷ IV và thế kỷ V, dưới thời Đức Celestine I (422-432), ngài đã quyết định đưa 150 Thánh vịnh [của Đavit] vào Thánh lễ. Vì thế, trong thời trị vì của Đức Lêô Cả (440- 461), người ta thường hát Thánh vịnh và hát theo lối bình dân với sự tham gia đáp lại của dân chúng bằng một câu Điệp ca vắn gọn sau mỗi triệt được trích từ chính Thánh vịnh đó.
Đến thế kỷ VIII, sách Ordo Romanus I đã mô tả rằng một thừa tác viên tiến đến giảng đài với cuốn Cantatorium (sách dùng cho nhạc Đáp ca) trong tay để xướng Đáp ca và một thừa tác viên khác thì xướng Halleluia. Những phiên bản khác của cuốn Ordo Romanus I nói thêm những điểm: i] Đáp ca được sách Sacramentarium Gregorianum gọi là Gradale (nghĩa là “Ca khúc trên bậc” hay “Bài ca Tiến cấp”) vì một ca viên đứng ở bậc thấp hơn của giảng đài mà xướng; ii] Vào mùa phụng vụ riêng, Halleluia được thay thế bởi Tractus (còn gọi là “Thánh vịnh hát một mạch” hay “Bài ca liên xướng”);[4] iii] Tối thiểu Đáp ca được thể hiện bởi một mình thừa tác viên, bằng không như Ordo Romanus V cho biết ca viên hát luân phiên với ca đoàn. Những sách được ca viên sử dụng xướng hát Đáp ca có lịch sử riêng và có nhiều tên gọi khác nhau như: Cantatorium; Gradale, Graduale, Antiphonale và nhiều tên gọi khác nữa.[5]
Vào thời Trung cổ, hậu Trung cổ và Cận đại, có hai điểm đặc biệt xảy ra:
- Ca tiến cấp mất đi ý nghĩa và bản chất của Đáp ca: từ một ca khúc để suy niệm và đáp lại Lời Chúa vừa nghe, chúng trở thành một “phút giải lao” cho dân chúng. Lý do là vì truyền thống nhạc bình ca phát triển; Thánh vịnh bị cắt xén đi, bị thu vắn lại chỉ còn một hai câu, vì người ta đã sử dụng những giai điệu hoa mỹ phức tạp và phong phú, tức “trang mỹ hóa” Thánh vịnh, biến nó thành những ca khúc khó hát đến độ cần có ca sĩ chuyên nghiệp mới hát nổi. Thế là ca hát Thánh vịnh trở thành công việc của riêng ca đoàn. Dân chúng không phải làm gì khác ngoài việc ngồi nghe các giáo sĩ hoặc ca đoàn ngâm nga hàng chục phút;[6]
- Phát triển thực hành vị tư tế cử hành Thánh Thể một mình và làm mọi sự cho nên chính ngài đọc luôn Đáp ca. Sách lễ Roma 1570 đã quy định thành luật rằng linh mục đọc luôn tất cả Thánh thư, Ca tiến cấp (Đáp ca), Halleluia hay Tractus (thay cho Halleluia trong mùa Chay, Tiền mùa Chay, lễ cầu hồn hay những dịp thống hối) và Ca tiếp liên. Trong Thánh lễ trọng, tư tế đọc Ca tiến cấp và Halleluia [hay Tractus] nhưng những phần này cũng được ca đoàn hát. Cuối cùng, mẫu của bản căn Ca tiến cấp được cố định thành một lời đáp, là một đoạn trích từ một Thánh vịnh và Đáp ca được lặp đi lặp lại sau mỗi triệt của Thánh vịnh.[7]
Hiện nay, Thánh vịnh Đáp ca được phục hồi trở lại vị trí quan trọng đặc biệt trong Phụng vụ Lời Chúa. Những điểm sau chứng tỏ như vậy:
- Thứ nhất, thay vì nói là “Bài ca giữa các Bài đọc” (Cantus inter lectiones occurentes) như trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma (= QCSL) năm 1971 và 1975 (số 36), thì QCSL số 61 của năm 2002 đã thay đổi và sử dụng lại hạn từ “Thánh vịnh Đáp ca” (Psalmus Responsorius);[8]
- Thứ hai, QCSL (2002) số 61 thêm vào cụm từ “có tầm quan trọng lớn về phụng vụ và mục vụ”(magnum momentum liturgicum et pastorale);
- Thứ ba, sử dụng lại danh từ người xướng Thánh vịnh (psalmista) sau nhiều năm danh từ này biến mất khỏi phụng vụ để cho thấy người này có một vai trò đặc biệt trong cử hành phụng vụ cũng như nhằm đề cao ý nghĩa của Thánh vịnh trong Thánh lễ;[9]
- Thứ tư, hành động của thừa tác viên được thay đổi một chút, từ “đọc” (dicit) trong QCSL (1975) số 89 được đổi thành “cung cấp, trao tặng hay hiến tặng” (profert) trong QCSL (2002) số 129 mà có thể dịch là “xướng” hay chính xác hơn là “công bố”, nghĩa là thừa tác viên có thể đọc, ngâm vịnh hay hát Thánh vịnh.[10]
Thông thường, Thánh vịnh Đáp ca được hát và toàn thể cộng đoàn hát đáp lại bằng một câu Đáp ca. Rất thường xuyên, Thánh vịnh có mối liên hệ về bản văn hay về ý nghĩa thiêng liêng với một trong các Bài đọc. Theo truyền thống, nhiều lúc, các Thánh vịnh cũng có mối tương quan với các mùa phụng vụ, chẳng hạn, Thánh vịnh 118 và 66 được sử dụng trong mùa Phục sinh. Khi không có mối liên hệ nào về phụng vụ hay chủ đề đặc biệt với các bản văn Kinh Thánh hoặc mùa phụng vụ, Sách Bài đọc sẽ chỉ ra một số Thánh vịnh khác để dân chúng có thể tiếp xúc với toàn bộ Sách Thánh vịnh . Nhằm giúp cho cộng đoàn hát Thánh vịnh dễ dàng, Sách Bài đọc cũng đưa ra một số những Thánh vịnh và những câu đáp có thể sử dụng suốt trong những mùa phụng vụ khác nhau như được chỉ dẫn trong QCSL 61.[11]
II] Ý NGHĨA
Sau khi lắng nghe Lời Chúa qua Bài đọc I, dân chúng sẽ đáp lại bằng việc hát hay đọc Thánh vịnh Đáp ca cũng như Dân Chúa xưa kia khi thấy những việc kỳ diệu Chúa đã làm, họ đáp lại bằng những lời chúc tụng ngợi khen Ngài. Chẳng hạn:
- Khi Thiên Chúa dẫn đưa dân Ngài qua Biển Đỏ, Myriam đã đáp lại bằng việc tán tụng Chúa vì đã xô đẩy chiến mã cùng kỵ binh của Pharaon xuống lòng biển (x. Xh 15 -21);
- Khi Thiên Chúa cho bà Anna một mụn con, nghĩa là giải thoát bà khỏi nỗi tủi nhục hiếm muộn con cái, bà cũng đáp lại bằng lời ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã làm cho phụ nữ son sẻ sinh con bảy lần (x. 1Sm 2, 5);
- Khi Thiên Chúa giải thoát Tôbia khỏi đui mù, ông cũng đáp lại bằng lời ca khen Đấng đã tỏa sáng trên Giêrusalem và nơi tâm hồn ông (x. Tb 13, 11);
- [Điều này được thấy rõ ràng hơn trong Tân Ước], khi Thiên Chúa làm cho Đức Maria thụ thai mà vẫn còn khiết trinh, Mẹ đã cất lời hoan ca nhảy mừng trong Thiên Chúa là “Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1, 45-55).
Hội Thánh đã dùng Thánh vịnh để diễn tả cùng một tâm tình như thế để đáp lại tình thương của Thiên Chúa, nhằm dâng lên Ngài lời ca khen chúc tụng, vì trước hết, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bộ Thánh vịnh chính là sách nguyện của Hội Thánh. Thánh vịnh chứa đựng hàng loạt các mức độ tình cảm khác nhau của con người và phản ánh những thăng trầm thiêng liêng mà dân Do Thái ngày xưa và các tín hữu ngày nay thường trải qua: kinh ngạc, thán phục, tán dương, thống hối, sầu đau, vui mừng, tín thác…Các Thánh vịnh là những lời nguyện được cả dân Itraen và Hội Thánh Kitô giáo hát lên.
Theo truyền thống phụng vụ Hội Đường Do-thái giáo, trước và sau các Bài đọc Thánh Kinh có các bài hát trích từ Thánh Kinh, nhất là Thánh vịnh. Truyền thống Kitô giáo có từ thời các Tông đồ cho rằng khi nghe Thánh vịnh là tín hữu nghe tiếng Chúa Kitô hoặc nghe tiếng Hội Thánh là Thân Thể của Người.
Rất thường xuyên, Bài đọc I và Thánh vịnh Đáp ca đan kết với nhau. Chúng có mối liên hệ với nhau xét về bản văn hay về ý nghĩa thiêng liêng. Theo quan điểm của Peter Purdue, Thánh vịnh Đáp ca là ‘Lời đáp của dân chúng đối với Lời Chúa mà họ nghe trong tất cả ba Bài đọc.’[12] Tác giả Jean- Piere Prévost cho rằng vai trò của Thánh vịnh Đáp ca là hành động có giá trị như một cầu nối giữa Bài đọc I và bài Tin Mừng.[13] Vì thế, Đáp ca còn được coi là “âm vang” của Bài đọc I.[14] Tuy nhiên, trong tiếng La-tinh, bài Đáp ca được gọi là Responsorium, không chỉ hiểu là đáp lại Lời Chúa, nhưng còn muốn nói đến thể văn xướng – đáp giữa ca viên với cộng đoàn nữa.[15]
Hát Thánh vịnh tạo cho cộng đoàn một cơ hội để cầu nguyện và suy niệm về những gì vừa được công bố bởi vì Thánh vịnh là kinh nguyện của dân Itraen. Chính Đức Kitô (x. Mt 26, 30), các Tông đồ và các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai cũng dùng Thánh vịnh để cầu nguyện (x. Cl 3, 16). Nói cách khác, chức năng đầu tiên của Thánh vịnh Đáp ca là cung cấp “khoảng không gian” nào đó cho cộng đoàn, để họ cá nhân hóa Lời Chúa vừa được công bố vì Thánh vịnh Đáp ca thường vang vọng chủ đề của chính bài Sách Thánh, nhất là được tóm tắt trong lời “Đáp ca” (Điệp ca ) mà cộng đoàn lập lại vài lần.[16] Như vậy, Thánh vịnh Đáp ca giúp cộng đoàn hiểu ý nghĩa Bài đọc Thánh Kinh hơn, nhất là tạo ra nơi tâm hồn tín hữu một tâm tình đáp lại Lời Chúa, vì Thiên Chúa vừa mới nói với chúng ta qua bản văn Bài đọc. Bài ca này như là một đáp ứng của lòng tin vào Lời Chúa.[17]
Câu Điệp ca giải thích ý nghĩa Kitô giáo của Thánh vịnh. Thông thường, câu này được rút ra từ chính Thánh vịnh Đáp ca nhưng đôi khi lại được lấy từ một Thánh vịnh khác, hay từ một sách Cựu Ước hoặc Tân Ước. Nhờ câu Điệp ca, cộng đoàn bắt đầu đáp lại Lời Chúa, họ sẽ sử dụng chính Lời Chúa để suy niệm và hấp thụ Lời Chúa vì Thánh vịnh Đáp ca không chỉ liên quan đến Lời Chúa mà còn là chính Lời Chúa được linh hứng bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần (QCSL 61). Câu Điệp ca còn giúp mở đầu cuộc đối thoại cho các phần sau của Phụng vụ Lời Chúa cũng như trong phần Phụng vụ Thánh Thể tiếp theo.[18]
Có thể nói, Thánh vịnh tóm tắt lịch sử cứu độ. Khi đọc Thánh vịnh Đáp ca, không những cộng đoàn cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, mà còn gia tăng ơn sủng trong đời sống đức tin.[19]
III] NGƯỜI XƯỚNG THÁNH VỊNH
Người xướng Thánh vịnh có nhiệm vụ đọc hoặc hát Thánh vịnh hay Thánh ca Thánh Kinh xen giữa các Bài đọc Sách Thánh.
Thánh vịnh Đáp ca là lời đáp của dân chúng được hát lên sau khi nghe Bài đọc I và hầu như luôn luôn là từ các Thánh vịnh. Chỉ trong một vài dịp lễ, bản văn sử dụng làm Thánh vịnh Đáp ca không phải từ bộ Thánh vịnh mà được lấy từ một trong số những bài Thánh ca Kinh thánh. Chẳng hạn như Thánh vịnh Đáp ca của ngày lễ Chúa nhật III mùa Vọng năm B chính là bài Thánh ca Tin Mừng Magnificat (Lc 1, 46-50, 53-54)…[20] Việc hát Thánh vịnh Đáp ca giúp chúng ta rút lấy ý nghĩa của Thánh vịnh / Thánh ca xét như là nó liên quan đến Bài đọc trước đó. Thánh vịnh / Thánh ca này có thể coi là thanh âm vang vọng bằng âm nhạc cân bằng giữa hành vi công bố bản văn với việc cầu nguyện của cá nhân cho thích ứng với bản văn qua Thánh vịnh / Thánh ca.
Một vai trò khác nữa của Thánh vịnh Đáp ca là tóm tắt ý tưởng của Lời Chúa trong Phụng vụ Lời Chúa hay nói cách khác là chìa khóa mở ra cánh cửa ý nghĩa của Phụng vụ Lời Chúa, cho nên tác giả Irene Nowell mới coi Thánh vịnh Đáp ca là con đường để dẫn đến chỗ hiểu được toàn bộ Phụng vụ Lời Chúa trong mỗi Thánh lễ. Chính vì vậy, để thể hiện được tốt nhất bài Thánh vịnh Đáp ca, người xướng Thánh vịnh nên đọc và nghiền ngẫm trước toàn bộ các Bài đọc trong Thánh lễ.[21]
Ngoài việc đọc hay hát Thánh vịnh, khi cần thiết, xướng vịnh viên cũng có thể xướng câu hát cho cộng đoàn hát hoặc đọc/ hát câu tung hô trước Tin Mừng. [22]
Tóm lại, để chu toàn phần việc của mình, những đòi hỏi phải có đối với một xướng vịnh viên là (QCSL 102):[23]
- Biết ca hát, có nghệ thuật đọc (hát) Thánh vịnh;
- Có khả năng phát âm và đọc cho đúng;
- Đọc và nghiền ngẫm trước toàn bộ các Bài đọc trong Thánh lễ;
- Thi hành chức năng của mình cách một rõ ràng, tự tin và truyền cảm đối với bản văn, bản nhạc và những người đang lắng nghe;
- Nên mặc áo Alba hoặc áo đồng phục ca đoàn, nhưng phải luôn sạch sẽ, chỉnh tề và bằng thứ vải nhã nhặn.
IV] ĐỘC VIÊN SÁCH THÁNH XƯỚNG LUÔN THÁNH VỊNH ĐÁP CA?
Thói quen tại nhiều nơi là người công bố Bài đọc I thường ở lại giảng đài để xướng Thánh vịnh Đáp ca luôn. Thực hành không hay này đã tồn tại một thời gian lâu dài tại Việt Nam và một số nơi trên thế giới bởi lẽ danh từ “người xướng Thánh vịnh” (psalmista) biến mất khỏi phụng vụ nhiều năm trời. Bây giờ, khi Giáo Hội đã khôi phục lại chỗ đứng và vai trò đặc biệt của “người xướng Thánh vịnh” cũng như đề cao ý nghĩa của Thánh vịnh trong Thánh lễ, thì rất tiếc, nhiều nơi vẫn chưa cập nhật và thay đổi thực hành cũ kỹ của mình.[24]
Ví vậy, không nên áp dụng cách thực hành độc viên Sách Thánh [tức người đọc Bài đọc I] ở lại giảng đài và xướng luôn Thánh vịnh Đáp ca nữa bởi vì chức năng của độc viên không phải là xướng Thánh vịnh Đáp ca. Không phải là không có lý do khi Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma phân biệt cách rõ ràng vai trò hoàn toàn khác biệt của người xướng Thánh vịnh (hay hát Thánh vịnh) với lĩnh xướng viên hay độc viên Sách Thánh (x. Các số 61; 99; 102; 196; 352).
Như chúng ta biết, có nhiều tác viên phụng vụ với những chức năng khác nhau trong một cử hành phụng vụ. Cho nên, trong trường hợp không thiếu thốn nhân sự trầm trọng thì ai nấy nên hoàn thành chức năng của mình theo châm ngôn ‘người nào việc nấy’ chứ đừng giẫm lên chân của người khác.[25]
Người đọc Bài đọc I có chức năng công bố Sách Thánh chứ không phải chức năng xướng (hát) Thánh vịnh Đáp ca. Bởi vậy, nếu thiếu người, họ có thể đọc luôn Bài đọc II trong những Thánh lễ có Bài đọc II vì cùng thuộc chức năng của độc viên. Còn xướng (hay hát) Thánh vịnh Đáp ca lại thuộc về một chức năng khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tốt nhất vẫn là có 3 thừa tác viên: 2 thừa tác viên làm độc viên Sách Thánh để công bố Bài đọc I và II, còn một thừa tác viên khác giữ vai trò đọc / hát Thánh vịnh Đáp ca.
V] NÊN ĐỌC HAY HÁT THÁNH VỊNH ĐÁP CA?
Mặc dù trong cử hành phụng vụ Thánh lễ, người xướng Thánh vịnh có thể đọc hay hát Thánh vịnh Đáp ca, nhưng nên hát Thánh vịnh Đáp ca hơn, bởi vì, theo hướng dẫn của Giáo Hội:
- Các Thánh vịnh không phải là những bản văn dễ đọc, cũng chẳng phải là những lời kinh theo thể văn thường, mà là những bài thơ ca ngợi. Dù đôi khi, chúng ta có dùng Thánh vịnh làm Bài đọc, nhưng chính ra xét theo thể văn, đó là những bài ca tụng: trong tiếng Híp-ri, gọi là Tehilim, nghĩa là những bài “thánh ca ngợi khen”, và trong tiếng Hy-lạp, gọi là psalmoi, nghĩa là những bài “thánh ca để hát theo tiếng hạc cầm”.[26] Quả vậy, các Thánh vịnh đều có nhạc tính, nên phải hát mới thích hợp. Vì thế, dù chỉ đọc mà không hát, ngay cả lúc yên lặng đọc một mình, vẫn phải đọc sao cho nổi bật nhạc tính. Đã hẳn, Thánh vịnh cho ta một bản văn để suy niệm, nhưng trước hết nó nhằm kích động người ngâm vịnh hay nghe ca hát, và nhất là những người chơi đàn hạc cầm và huyền cầm.[27]
- Thánh Tông đồ khuyên Kitô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46) (QCSL 39).
- Các Hội đồng Giám mục phải lo sao cho bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong cử hành Thánh lễ, được thực hiện với sự cẩn thận đặc biệt. Thật vậy, người ta trích từ Thánh Kinh các bài để đọc và để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những Thánh vịnh để hát (QCSL 391).
Trong trường hợp không thể hát Thánh vịnh Đáp ca, chúng ta mới đọc. Đọc Thánh vịnh Đáp ca chỉ như “đọc” là cách thức bất đắc dĩ khi không còn phương cách nào khác. Tuy nhiên, đọc ở đây không phải là kiểu đọc bình thường, nhưng phải hiểu là đọc cách nào đó để dẫn và giúp người ta dễ dàng suy niệm, chẳng hạn cách “ngâm đọc” mà người Việt Nam vẫn sử dụng khi đọc các kinh Kính Mừng, Lạy Cha, Sáng Danh…mà không cần phải sáng tác ra những công thức ngâm vịnh này nọ. Cũng có thể đệm đàn (phong cầm) thật nhẹ nhàng để làm cho việc “đọc” Thánh vịnh như thế mang mầu sắc thơ nhạc hơn.[28]
Nên có ít lời giải thích trước khi hát Thánh vịnh (x. BĐ 19) từ bên ngoài giảng đài (x. QCSL 105b; BĐ 33); cũng nên có khoảng thinh lặng từ sau Bài đọc I đến lúc hát hay đọc Thánh vịnh. Sự thay đổi người bằng cách độc viên rời khỏi giảng đài và người xướng Thánh vịnh tiến đến giảng đài để đọc/ hát Thánh vịnh Đáp ca có thể tạo ra khoảng thinh lặng cần thiết này.
Để bắt đầu, người hát (xướng) Thánh vịnh Đáp ca sẽ hát (đọc) câu Điệp khúc cho mọi người nhắc lại rồi mới hát (đọc) vào bản văn. Suốt mùa Phục sinh hay một số ngày khác, Sách Bài đọc cho phép thay thế câu Đáp ca bằng Halleluia.
Trong Thánh Lễ dành cho thiếu nhi, phần hát Đáp ca có thể thay thế bằng thinh lặng.[29]
Khi tiến vào cung thánh đến chỗ giảng đài để hát (đọc) Thánh vịnh Đáp ca cũng như sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ để trở về chỗ của mình, người hát (đọc) Thánh vịnh Đáp ca nhớ cúi chào bàn thờ.[30]
V] TOÀN THỂ CỘNG ĐOÀN ĐỌC/ HÁT THÁNH VỊNH ĐÁP CA?
Dựa theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, hiện nay có hai thể thức để hát Thánh vịnh Đáp ca (BĐ 20; QCSL 61):
- Thể thức Xướng đáp: người xướng Thánh vịnh hay lĩnh xướng viên hát các câu Thánh vịnh, còn toàn thể dân chúng đáp lại bằng việc hát câu Đáp ca;
- Thể thức Trực tiếp: toàn bộ bài Thánh vịnh Đáp ca được hát liên tục từ đầu đến cuối (không chêm vào câu Đáp ca) hoặc bởi người xướng Thánh vịnh [hay lĩnh xướng viên] (hát solo) còn mọi người thinh lặng lắng nghe; hoặc bởi toàn thể cộng đoàn hát chung với nhau.
Như vậy, toàn thể cộng đoàn có thể hát chung với nhau Thánh vịnh Đáp ca từ đầu đến cuối mà không chêm vào câu Đáp ca. Cách này thuộc về thể thức trực tiếp.
Tuy nhiên, giữa hai thể thức vừa nêu trên (Xướng đáp – Trực tiếp), nên ưu tiên chọn hát Thánh vịnh Đáp ca theo thể thức thứ I, tức Xướng Đáp giữa người xướng Thánh vịnh hay lĩnh xướng viên với toàn thể dân chúng bởi vì Thánh vịnh Đáp ca thuộc về cộng đoàn hơn là được phân bổ cho ca đoàn hay một nhóm khác (QCSL 61; BĐ 20).[31]
VI] THỂ HIỆN THÁNH VỊNH Ở ĐÂU?
Muốn biết đích xác vị trí để hát/ đọc Thánh vịnh Đáp ca, chúng ta xem xét những chỉ dẫn sau:
A] MỤC LỤC CÁC BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ 1981 (=BĐ)
Thánh vịnh đi theo Bài đọc, nếu không hát, thì đọc theo cách thuận tiện giúp cho việc suy niệm Lời Chúa (QCSL 39; 63). Thánh vịnh Đáp ca do một người đọc hoặc hát tại giảng đài (QCSL 272; 309) (Số 22).
B] QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ ROMA 2002 (= QCSL)
Sau Bài đọc thứ nhất là Thánh vịnh Đáp ca, bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm Lời Chúa. Thánh vịnh Đáp ca phải thích hợp với mỗi Bài đọc và thường phải lấy từ Sách Bài đọc. Nên hát Thánh vịnh Đáp ca, ít là câu đáp của cộng đoàn. Người xướng hoặc hát Thánh vịnh sẽ xướng hoặc hát Thánh vịnh tại giảng đài hoặc tại một nơi thích hợp, đang khi toàn thể cộng đoàn ngồi nghe và hơn thế, thông thường còn tham dự bằng những câu đáp, trừ khi Thánh vịnh được hát liên tục, nghĩa là không có câu đáp. (QCSL 61).
C] TÔNG HUẤN LỜI CHÚA 2010 (Verbum Domini = VD)
Phải đặc biệt chú trọng tới bục đọc sách (ambo) như là không gian phụng vụ từ đó lời Chúa được công bố. Nên đặt nó ở một nơi ai cũng thấy rõ khiến tín hữu tự nhiên chú tâm tới nó trong phần phụng vụ lời Chúa. Nó nên ở một nơi nhất định và được trang trí một cách hài hòa thẩm mỹ đối với bàn thờ, để nói lên một cách hữu hình ý nghĩa thần học của chiếc bàn kép cả lời Chúa lẫn Thánh Thể. Các Bài đọc, Thánh vịnh Đáp ca và kinh Exultet (Hãy Vui Lên) phải được công bố từ bục đọc sách; bục này cũng có thể được sử dụng cho bài giảng và phần lời nguyện giáo dân (239). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng đề nghị các nhà thờ nên dành một chỗ danh dự để đặt Sách Thánh, ngay cả ở bên ngoài các cử hành phụng vụ (240). Cuốn sách chứa lời Chúa đương nhiên phải được hưởng chỗ danh dự ai cũng thấy ở bên trong đền thờ Kitô Giáo, mà không phương hại tới vị trí trung tâm dành riêng cho Nhà Chầu để chứa Mình Thánh Chúa (Số 68).
Như vậy, các văn kiện trên đây cho phép “người hát Thánh vịnh hay một ca viên Thánh vịnh được xướng hay hát Thánh vịnh Đáp ca tại giảng đài hay tại một nơi thuận tiện”. Thế nhưng tốt nhất, nên thể hiện Thánh vịnh Đáp ca tại giảng đài vì không những Thánh vịnh Đáp ca là Lời Chúa mà còn nhằm phân biệt việc hát Thánh vịnh Đáp ca khác với những phần hát khác trong Thánh lễ.[32]
VIII] THAY THẾ THÁNH VỊNH ĐÁP CA BẰNG BẢN VĂN KHÁC?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta dựa vào những hướng dẫn sau đây:
- …không được phép thay thế các Bài đọc và Thánh vịnh Đáp ca chứa đựng Lời Chúa bằng các bản văn ngoài Thánh Kinh (QCSL 57)
- Tuy nhiên, để cộng đoàn có thể hát những câu đáp dễ dàng hơn, một số bản văn của các câu đáp và các Thánh vịnh đã được chọn sẵn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng bậc thánh nhân, để mỗi khi hát Thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn tương ứng với Bài đọc.[33] Nếu không thể hát Thánh vịnh, thì đọc cách nào cho phù hợp để giúp suy niệm Lời Chúa. Thay thế cho Thánh vịnh được chỉ định trong Sách Bài đọc, cũng có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách “Các Bài ca Tiến cấp của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum) hoặc Thánh vịnh Đáp ca, hoặc Thánh vịnh Đáp ca và lời tung hô Halleluia lấy ở sách “Các Bài ca Tiến cấp Đơn giản của Phụng vụ Rôma” (Graduale simplex), như được trình bày trong các sách đó (QCSL 61).
- Trong các bài ca, thì Thánh vịnh, tức bài ca theo sau Bài đọc I giữ một địa vị quan trọng. Thông thường phải đọc hoặc hát Thánh vịnh được chỉ định, trừ khi đọc những Bài đọc thuộc phần chung các thánh, phần thuộc những lễ có nghi thức riêng, cầu cho những nhu cầu khác nhau, những lễ ngoại lịch và cầu cho những người đã qua đời, trong những trường hợp này chủ tế có quyền lựa chọn theo lợi ích mục vụ của những người tham dự. Tuy nhiên để dân chúng có thể thưa câu đáp dễ dàng, có thể dùng một số bản văn Thánh vịnh và câu đáp dành cho những mùa khác nhau trong năm, hoặc chung cho những nhóm các thánh khác nhau có sẵn trong “Sách Mục lục các Bài đọc”, thay thế cho Thánh vịnh Đáp ca được chỉ định cho Bài đọc liên hệ, mỗi khi hát Thánh vịnh Đáp ca (BĐ 89).
- Thượng Hội Đồng cũng tái khẳng định một cách rõ ràng một điểm vốn đã được luật phụng vụ qui định tức việc không bao giờ được thay thế các Bài đọc rút từ Sách Thánh bằng các bản văn khác, dù các bản văn khác này có ý nghĩa đến bao nhiêu về phương diện thiêng liêng hay mục vụ: “Không một bản văn tu đức hay văn chương nào có thể ngang tầm giá trị và sự phong phú chứa đựng trong Sách Thánh, tức lời Chúa”. Đây là một qui luật rất cổ xưa của Giáo Hội mà ta cần duy trì (244). Đứng trước một số lạm dụng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng lặp lại tầm quan trọng của việc không bao giờ được dùng các Bài đọc khác thay thế cho Sách Thánh. Cũng cần ghi nhớ rằng Thánh vịnh Đáp ca cũng là lời Chúa, và do đó, không được thay thế nó bằng các bản văn khác; thực sự, điều thích hợp hơn cả là hát Thánh vịnh này (VD 69) .
Rõ ràng, không được thay thế Thánh vịnh Đáp ca bằng bài hát khác (x. QCSL 57; 61; BĐ 89; VD 69) mà chỉ có thể thay thế bằng bản văn Đáp ca đã được Hội Thánh soạn sẵn hay Thánh vịnh khác phù hợp với Bài đọc Sách Thánh trước đó và việc thay thế này chỉ nhằm mục đích giúp cho các tín hữu có thể hòa nhập vào việc đọc hay hát Thánh vịnh Đáp ca một cách sẵn sàng và dễ dàng hơn.[34]
Không nên lấy những bài ca ‘suy niệm’ hoàn toàn không phải là Thánh vịnh và cũng không dựa trên Kinh Thánh để thay thế cho Thánh vịnh Đáp ca. Cũng không sử dụng ngay cả một bài hát cảm hứng theo Thánh vịnh hay có những ý tưởng lấy trong Thánh vịnh để thay thế cho Thánh vịnh Đáp ca, mà phải là chính Thánh vịnh khác với những lời y như trong Thánh vịnh. Trong phụng vụ bản văn chi phối âm nhạc, chứ không phải ngược lại. Đó là luật chung.[35]
Cần biết rằng, thể loại văn chương Thánh vịnh rất đặc biệt. Đó là bài thánh ca của cộng đồng dâng lên Thiên Chúa hoặc chúc tụng Ngài và nhằm phục vụ một mục đích đặc biệt trong Phụng vụ Lời Chúa. Cộng đoàn sử dụng Lời Chúa để ca hát đáp ứng lại Lời Chúa vừa được công bố. Vì thế, nên cố gắng hết sức để hát Thánh vịnh Đáp ca và sử dụng Thánh vịnh thích hợp làm Đáp ca. Lý tưởng là toàn thể cộng đoàn có thể tham gia một cách nhiệt tình vào việc hát Thánh vịnh Đáp ca sau khi nghe công bố Bài đọc I và sử dụng Thánh vịnh Đáp ca theo ngày. Được phép sử dụng Thánh vịnh khác thay thế nhằm giúp cho cộng đoàn dễ dàng tham gia ca hát chúc tụng những kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Để dễ dàng hơn và giúp mọi người tự tin hơn, cộng đoàn có thể hát Điệp khúc theo mùa phụng vụ,[36] còn lĩnh xướng viên hát Thánh vịnh Đáp ca theo ngày.[37]
Chọn sử dụng Thánh vịnh nào đều là một quyết định mục vụ dựa trên tiêu chuẩn là đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đoàn (x. QCSL 360-361). Do bản chất, Thánh vịnh phải được hát (x. QCSL 61; OM 11; BĐ 20; VD 69). Điều này khiến cho một số cộng đoàn gặp khó khăn khi phải hát những Thánh vịnh Đáp ca mới mỗi tuần; cũng không dễ dàng cho các lĩnh xướng viên khi phải tập hát bản văn Thánh vịnh Đáp ca mới mỗi tuần. Trong trường hợp này, chúng ta nên sử dụng Đáp ca và Thánh vịnh theo mùa phụng vụ để sử dụng trong vài tuần lễ.[38] Nếu cộng đoàn nào có khả năng, hát Thánh vịnh Đáp ca theo ngày vẫn tốt hơn, vì nó chứa đựng những tâm tình vang vọng và phản ánh chủ đề của Bài đọc thứ I cũng như Tin Mừng của ngày lễ hôm ấy.
[1] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 67; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 2001), 56.
[2] CCL 40:1776, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 29.
[3] Trích lại trong Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ ơn (Tủ sách Đại Kết, 1996), 79-80.
[4] Chẳng hạn như trong mùa Chay, lễ An táng hay những dịp cử hành thống hối. Tractus được hình thành bởi những câu của cùng một Thánh vịnh chứ không lấy hoàn toàn Thánh vịnh. Tractus được viết đầy đủ hơn là Psalmus Tractus nghĩa là Thánh vịnh hát một mạch hay còn gọi là Bài ca liên xướng.
[5] OR I, no 57; OR V, no 30 trích lại trong Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite” trong A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville, Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 164.
[6] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 54; Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 67.
[7] Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, 164.
[8] Phù hớp với Huấn thị “Về Âm nhạc trong Phụng vụ” Musicam Sacram, số 33.
[9] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 29.
[10] Martin Connell – Sharon McMillan, “The Different Forms of Celebrating Mass” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley, Edward (Collegeville, Minnesota : The Liturgical Press, 2011), 241.
[11] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 34.
[12] Trích lại trong Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Collegeville, Minnesota: The Liturgy Press, 2004), 46-47.
[13] Ibid.
[14] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, 63.
[15] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 163.
[16] Xc. Erasto Fernandez, SSS, The Eucharist – Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 38.
[17] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 63.
[18] Xc. Nguyễn Cao Luật, Hãy Làm Việc Này, 74.
[19] Ibid., 73.
[20] Xc. Regina A. Boisclair, The Word of the Lord at Mass (Chicago: Liturgy Training Publication, 2015), 52.
[21] Trích lại trong Kathleen Harmon, The Ministry of Music, 48; 56.
[22] Xc. Uỷ ban Thánh nhạc (HĐGM Việt Nam), Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 37.
[23] Ibid., số 38-39.
[24] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 29.
[25] Xc. Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 29.
[26] Hạc cầm là một nhạc cụ thuộc bộ dây với rất nhiều dây tương đương như đàn piano [nhưng thông dụng là 10 dây] và từng thông dụng ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ cũng như châu Á và là một trong những dụng cụ âm nhạc có nguồn gốc lâu đời nhất trên thế giới. Nguyên thủy của hạc cầm được cho là bắt nguồn từ ý tưởng của cây cung. Trong thời cổ, chiếc hạc cầm được phản ánh trong các nền văn hóa, là loại nhạc cụ gắn liền với những câu chuyện thần tiên, thường thấy nhất là hình ảnh những thiên thần cầm đàn hạc và hát múa kết hợp với khung cảnh tráng lệ của cung điện, đền đài, nơi mà các vị vua chúa, giới quý tộc thời cổ đại thường tụ tập, vui chơi ca hát.
[27] Văn kiện Trình bày và Quy đinh các Giờ kinh Phụng vụ, số 103.
[28] J. Leben, Để Sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 94.
[29] Xc. Chỉ dẫn Thánh lễ với trẻ em (1973), số 46.
[30] Xc. Lễ nghi Giám mục, số 72.
[31]Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 143.
[32] Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 42.
[33] Sách Lectionarium, cuốn I, trang 861-874 có liệt kê các bản văn và các Thánh vịnh đó.
[34] Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma cho phép sử dụng các Thánh vịnh thay thế có trong sách Graduale Romanum hay Graduale simplex. Tuy nhiên, hiếm khi dân chúng có được bộ các bản văn này.
[35] Thông cáo số 3 của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Thánh Nhạc “Hướng dẫn Sáng tác và Sử dụng các Bài hát trong Thánh lễ” (ngày 24 tháng 9 năm 1994). Nếu phải dệt nhạc cho Thánh vịnh mà giữ đúng nguyên lời của Thánh vịnh thì đúng là khó cho các nhạc sĩ và cũng khó hay nữa. Tuy nhiên, nếu viết theo kiểu ngâm ngợi với câu nhạc đáp là chính thì thiết tưởng cũng có thể thực hiện được. Vả lại, theo như thông báo trên, khi dệt nhạc, các nhạc sĩ được thay đổi ngôn từ để tạo nét nhạc hoàn mỹ. Cố gắng viết câu đáp đơn sơ, dễ hát vì đây là câu hát của cộng đoàn.
[36] Mùa Vọng: Tv 24 (như CN I Vọng – C); Tv 84 (như CN II Vọng – B); Mùa Giáng sinh: Tv 97 (như lễ Giáng sinh – ban ngày); Tuần lễ Hiển linh: Tv 71; Mùa Chay: Tv 50 (như thứ Tư lễ Tro); Tv 90 (như CN I Chay – C); Tv 129 (như CN V Chay – A); Tuần Thánh: Tv 21 (như CN lễ Lá); Mùa Phục sinh: Tv 117 (như CN Phục sinh); Tv 65 (như CN VI PS – A); Mùa Thường niên: Tv 18B (như CN III TN – C); Tv 26 (như CN III TN – A); Tv 33 (như CN 19 TN – B); Tv 62 (như CN XII TN – C); Tv 94 (như CN IV TN – B); Tv 99 (như CN XI TN – A); Tv 102 (như CN VII TN – A); Tv 144 (như CN XIV TN – A).
[37] Dennis C. Smolarski, Q & A: The Mass (Chicago, Liturgy Training Publications, 2002), 21-23.
[38] Như footnote 36.
Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS