skip to Main Content

KINH “THÁNH! THÁNH! CHÍ THÁNH!” TRONG THÁNH LỄ

KINH “THÁNH! THÁNH! CHÍ THÁNH!” TRONG THÁNH LỄ

I] LỊCH SỬ

   Đây là lời kinh kết hợp giữa:

   a] Lời tung hô của các thiên thần Seraphim được ghi lại trong sách Isaia 6,3:

Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!

   b] Lời tung hô reo hò của dân chúng khi Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38):

Hoan hô Con vua Đavit! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.

   Đoạn văn Is 6,3 có lẽ đã được thêm vào bản văn nghi lễ sau này vì không thấy có trong Kinh Tạ Ơn của thánh Hippôlytô. Tuy nhiên, bản văn Sanctus đã được trích dẫn trong sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ và Đức Giám mục Clêmentê của Roma được cho là đã biết đến bản văn này rồi như được nhắc đến trong thư của ngài gởi cho giáo đoàn Côrinhtô trước năm 100 (88-97) cũng như người ta đã thấy những lời này trong phụng vụ hội đường Do Thái từ khoảng năm 200. Sanctus vẫn được những người Do Thái hát trong giờ phụng vụ ban sáng (Kedusha) ít là từ thế kỷ II. Điều này có nghĩa là kinh Sanctus đã được chuyển rất sớm từ cách dùng Do Thái sang cách dùng Kitô giáo.[1]

Khoảng thế kỷ III, kinh Sanctus nằm trong số những bài giáo huấn về vai trò và vinh quang của Chúa Thánh Thần. Nơi đầu tiên đoạn Is 6,3 được đưa vào trong cử hành Thánh Thể có lẽ là tại thành Alexandia (Ai Cập) dưới quyền cai quản của Đức Giám mục Dionysius (247-264) và thời gian là vào hậu bán thế kỷ III. Ở đây, chúng ta không hiểu tại sao bản văn Sanctus của Do Thái được mang vào Anaphora trong khi nó chẳng liên hệ gì đến phụng vụ bữa ăn của người Do Thái. Còn bản văn Mt 21,9 thì được bổ sung sau đó bởi Giáo Hội Syria vào khoảng giữa thế kỷ IV.[2]

Đến cuối thế kỷ IV, do ảnh hưởng của người Kitô hữu gốc Do Thái, lời tung hô Sanctus này được đưa vào Kinh Tạ Ơn trong hầu hết các nền phụng vụ Đông phương bao gồm phụng vụ thánh Giacôbê ở Giêrusalem, phụng vụ thánh Maccô, phụng vụ thánh Basil hay phụng vụ Byzantin tại Costantinopoli, và phụng vụ Armênia cùng với phần tung hô Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem trích từ Tân Ước như đề cập ở trên (x. Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38) và được gọi là “bài ca chiến thắng” (ton epinikion hymnon).[3]

Về căn bản, công thức này mượn các câu 25, và 26 của Thánh vịnh 127. Việc Giáo Hội Tây phương thêm lời tung hô Chúa Kitô (Mt 21,9) là nhằm chống lại giáo lý sai lầm của Ariô: phủ nhận thần tính của Chúa Kitô. Qua đó, Hội Thánh khẳng định Chúa Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa, là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài cùng được chúc tụng như Chúa Cha.[4]

Vào giữa thế kỷ V, toàn bộ lời tung hô “Thánh! Thánh!…” mới được đưa vào phụng vụ Tây phương như một phần trong Kinh Tạ Ơn vì các sách phụng vụ như Sacramentarium Veronese và bản Supplementum Anianense cho cuốn Sacramentarium Gregorianum có chứa kinh Tiền tụng nhưng không thấy có kinh Sanctus. Lời tung hô Chúa Kitô được tháp nhập vào kinh Thánh! Thánh! Thánh!…ở Pháp vào giữa thế kỷ VI do quyết định của Công đồng Vaison năm 529 và ở Roma vào thế kỷ thứ VII.[5]

Từ ban đầu và kéo dài cho tới thế kỷ XII, kinh Thánh! Thánh! Thánh! được toàn thể cộng đoàn hát cùng với vị tư tế. Nhưng vào đầu thời kỳ Trung cổ, kinh này lại được chỉ định riêng cho ca đoàn hát. Việc phát triển những giai điệu phức tạp (đa âm) dẫn đến chỗ hát Benedictus (Chúc tụng) sau bản văn Tường thuật lập Bí tích Thánh Thể (tức sau truyền phép) tách biệt với kinh Sanctus như được ghi trong sách Lễ nghi Giám mục (Caeremoniale episcoporum) hồi năm 1600. Ngày nay, người ta nối kết kinh Thánh! Thánh! Thánh! và Chúc tụng (Sanctus et Benedictus) lại với nhau [như sách lễ Missale Romanum thời xưa đã xác định] làm thành lời tung hô và được cộng đồng và vị tư tế cùng hát (đọc) để kết thúc lời Tiền tụng trước khi tiếp tục phần còn lại của Kinh nguyện Thánh Thể.[6]

Việc rung chuông khi hát Sanctus là nhằm báo trước Lễ quy (Canon) sắp bắt đầu. Theo như Ivo thành Chartres (1116) và sách phụng vụ của Giám mục Durandus (1296- Rationale, IV, 41, §53) cho biết: rung chuông khi hát Sanctus có từ thời Trung cổ và được phát triển từ việc rung chuông từ thế kỷ XIII vào lúc vị tư tế nâng Mình Thánh lên sau truyền phép (levatio sacramenti) nhằm mời gọi dân chúng đến nhà thờ để chiêm ngưỡng Chúa.[7] Bên cạnh chuông nhỏ, nhiều nơi còn sử dụng cả chuông lớn để những ai không đến nhà thờ cũng biết được thời điểm truyền phép mà ngưng mọi công việc, cầm trí thờ lạy Chúa.[8]

II] Ý NGHĨA

Sau đây là bản văn được đọc hay hát trong Thánh lễ với nguồn Kinh Thánh kèm theo:

Thánh! Thánh! Thánh! Thiên Chúa, Chúa các đạo binh là Đấng Thánh (Is 6,3; Kh 4,8).

Trời đất đầy vinh quang Chúa (Is 6,3).

Hoan hô Chúa trên các tầng trời (Mt 21,9; Mc 11,10).

Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa (Tv 118,26; Mt 21,9; Mc 11; Lc 19,38; Pl 2,11).

Hoan hô Chúa trên các tầng trời (Mt 21,9; Mc 11,10; Ga 12,1-3; Tv 118,25).

Đoạn văn Is 6,3 được thần hứng trong thị kiến khai mạc sứ vụ của Ngôn sứ Isaia khoảng năm 740 trước công nguyên. Lúc đó, ngôn sứ ở trong đền thờ, ngài tự thấy mình là tội nhân, “miệng lưỡi dơ bẩn giữa một dân miệng lưỡi cũng dơ bẩn”. Đang băn khoăn như vậy, bỗng ngài thấy trời mở ra trước mặt để rồi ngài được chứng kiến thiên cảnh Chúa ngự trên ngai cao, có các thiên thần Sêraphim đứng chung quanh hầu cận, và đang khi bay lượn, các vị trao đổi nhau lời tung hô nói trên. Khi xuất hiện trên trần gian, các thiên thần hát bài Gloria, nhưng khi ở trên trời, các ngài hát ca tung hô Thiên Chúa 3 lần thánh, tức bài Sanctus và rồi dân Chúa đã học biết bài ca bất tận này từ các ngài.

Chúa là Thiên Chúa các đạo binh là một tước hiệu Semit cổ xưa. Đối với tôn giáo đa thần, chúng ám chỉ thần của các vị tinh tú trên bầu trời (St 2,1; Tv 32,6). Còn đối với Do Thái, đạo binh ở đây là các thiên thần. Có một sự khác biệt ở đây: trong thị kiến của Isaia thì chỉ có các thiên thần Sêraphim hát, còn trong kinh Sanctus, có “vô số thiên thần và chư thánh”, “toàn thể triều thần thiên quốc”. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến thị kiến của ngôn sứ Đanien: “Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan (Đn 7,10).[9]

Trời đất đầy vinh quang Chúa là vì sau khi Đức Kitô đã về trời thì bài ca Thánh! Thánh! Thánh! này không phải chỉ được cất lên từ trời với muôn thiên thần mà thôi nhưng loài người dưới thế cũng được hợp tiếng để ca tụng Thiên Chúa – Đấng cứu thoát họ.[10]

Tiếng hosana có gốc từ tiếng Hipri (hosa-nnah) có nghĩa đen là “Xin cứu vớt” hay “Xin ban ơn cứu độ” và được lấy từ Tv 118,25, nhưng trong thực tiễn hạn từ này nhiều khi được để nguyên mà không dịch như một lời hô hoán hay một thán từ về cuộc khải hoàn gần như hạn từ Halleluia vậy (Mt 21,9). Trong phụng vụ hội đường, lời kêu xin này trở thành lời tung hô tôn vinh và chúc tụng những ai cứu giúp. Vào ngày lễ Lều, dân chúng làm thành đoàn rước lá, họ vừa đi vừa hát hosana. Câu “Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa” vay mượn từ Tv 118,26 chỉ với ý định xin Chúa chúc lành cho những người hành hương tiến vào đền thờ. Nhưng rồi hosana đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy là “Xin cứu vớt”, truyền thống đã đổi thành lời tung hô vui mừng và chiến thắng, là lời chúc tụng dành cho Đức Kitô trong ngày khải hoàn bước vào thành Giêrusalem (Mt 21,9) và gợi lên cho chúng ta Thánh vịnh 118,26: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA”.[11] Từ “chúc tụng” (benedictus) mang đặc nét của một lời tung hô và biểu lộ mối liên hệ của nó với thực hành kinh nguyện Do Thái: đó là lời chúc tụng được dâng lên bởi vị chủ tọa luôn luôn được theo sau bởi sự thừa nhận của dân chúng.[12]

Chữ Thánh có nghĩa là tách biệt ra, là siêu việt, là thuộc về trời cao đối lại với đất thấp và như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới là thánh theo bản tính. Khi tung hô Thiên Chúa “Thánh! Thánh! Thánh!, tức lặp lại 3 lần chữ Thánh, một thể thức văn chương trong tiếng Hipri nhằm nhấn mạnh một phẩm tính nào đó ở mức rất cao, người Do Thái hiểu ngay rằng những lời ấy muốn diễn tả Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối, Ngài là Đấng chí thánh, cực thánh, toàn thánh, là Chúa trên các chúa, Thần trên các thần. Sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa là một trong những tư tưởng chủ chốt của ngôn sứ Isaia. Tung hô Thiên Chúa 3 lần Thánh làm rõ nét một điều: Thánh lễ không chỉ là lời cầu nguyện và chúc tụng của một số người hiện đang tụ họp trong một ngôi Nhà thờ nhưng là của toàn thể Giáo Hội trên khắp hoàn cầu.

Không những thế, kinh Sanctus còn cho phép, khi cất lên bài ca này trong Thánh lễ, chúng ta trở thành như ngôn sứ Isaia và tông đồ Gioan (Is 6,3; Kh 1,10. 17; 4,8), vượt biên giới của Giáo Hội tại thế, vượt ra khỏi không gian trái đất mà hòa nhập vào phụng vụ của Giáo Hội trên thiên quốc, nơi các thiên thần và các thánh không ngừng cất tiếng tung hô Thiên Chúa (Is 6,3), hát khen chúc tụng Con Chiên bị sát tế (Kh 5:12).[13] Rõ ràng là bản văn Isaia 6,3 chỉ nói đến “Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!, tức vẻ rạng rỡ huy hoàng của Chúa được biểu lộ qua các loài thọ tạo (Tv 8,1; 19,1-6; 24,1-3). Trong khi đó, kinh Sanctus mở rộng ra cả trời và đất (caeli et terra gloria tua) nghĩa là vinh quang Chúa không những được biểu tỏ trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà còn nơi con người được cứu, và nhất là nơi Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống thế để hoàn thành công trình cứu độ. Đoạn văn thứ hai của kinh Sanctus là lời tung hô reo hò của dân chúng khi đón rước Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38). Câu này trích từ Thánh vịnh 118,25-26a và có ngụ ý chúc tụng Chúa Giêsu sắp ngự xuống trên bàn thờ vào lúc truyền phép. Mỗi lần Chúa đến torng Thánh lễ là mỗi lần vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Như vậy, kinh Sanctus vừa mang chiều kích tung hô Thiên Chúa vừa mang chiều kích Kitô. Ngoài ra, đây còn là lời kinh chúc tụng mang chiều kích Ba Ngôi vì lời tung hô ba lần thánh gợi lên ý tưởng về tam vị.[14]

III] THỰC HÀNH

Việc tung hô: toàn thể cộng đoàn hợp cùng các thần thánh trên trời, hát “Thánh, Thánh, Thánh”. Lời tung hô này là thành phần của chính Kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và vị tư tế cùng hát (QCSL 79b).

Sau những lời cuối cùng của kinh Tiền tụng, nhạc công chỉ nên bắt nốt nhạc bài Sanctus thật ngắn và thật nhỏ để làm cho lời tung hô này bùng lên lập tức và đúng lúc.[15]

Nên hát Thánh, Thánh, Thánh trong mọi Thánh lễ, kể cả ngày thường, dù trong một cộng đoàn nhỏ và dù không có đàn đệm, bởi vì:

a] Thứ nhất, Sanctus [cùng với tung hô Tin Mừng; Tung hô Tưởng niệm “Đây là mầu nhiệm đức tin – Chúng con loan…” và Amen long trọng sau Vinh tụng ca “Chính nhờ Người, với Người…”] thuộc về một trong những bản văn quan trọng của Thánh lễ mà các tín hữu ưu tiên hát hơn bất cứ một bài ca nào khác được thêm vào trong phụng vụ. [16] Lý do những phần này ưu tiên được hát và nên luôn luôn hát là vì chúng thuộc về Thánh lễ tự bản chất và âm nhạc vừa tôn cao sự hợp nhất (mọi người cùng hát với nhau) vừa giúp nhấn mạnh tầm quan trọng này (QCSL 40). Âm nhạc làm cho phần trọng tâm này của Thánh lễ thêm phần trang trọng và đúng mức.[17]

b] Thứ hai, trong việc tung hô chúc tụng này, cộng đoàn dưới thế hợp với lời ca tiếng hát của các thiên thần trên trời như vẫn được nhắc đến trong hầu hết các kinh Tiền tụng: “Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng;”[18] “Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng;”[19] “Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng.”[20]

c] Thứ ba, theo dòng lịch sử, vào ngày lễ Lều, dân Do Thái làm thành đoàn rước lá, họ vừa đi vừa hát hosana. Đối với phụng vụ Do Thái, từ khoảng năm 200, Sanctus được hát trong giờ phụng vụ ban sáng (Kedusha) trong hội đường. Còn trong phụng vụ Công giáo, ngay từ ban đầu, kinh Sanctus được toàn thể cộng đoàn hát. Nếu dành riêng cho ca đoàn thể hiện như xảy ra vào đầu thời kỳ Trung cổ, thì ca đoàn cũng hát chứ không đọc.

Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS


[1] Xc. Edward McNamara, “The Sanctus” trong The ZENIT Daily Dispatch
© Innovative Media, Inc. (ROME, 17 Nov. 2009); Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist: The Origin of the Rite and the Development of Its Interpretation (Collegeville, Minnesota: A Pueblo Book/ The Liturgical Press, 1999), 285; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 129.

[2] Xc. Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist: The Origin of the Rite and the Development of Its Interpretation, 286.

[3] Xc. Adrian Fortescue, “Sanctus”, trong The Catholic Encyclopedia, vol. 13 (New York: Robert Appleton Company, 1912), http://www.newadvent.org/cathen/13432a.htm (3 Jan. 2018).

[4] Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể,123; Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 190.

[5] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC/ NE, 2003)81; Xc. Robert Cabié, “The Eucharist” trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 94-95.

[6] Xc. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith,  81.

[7] Xc. Adrian Fortescue, “Sanctus”, trong The Catholic Encyclopedia, vol. 13 (New York: Robert Appleton Company, 1912), http://www.newadvent.org/cathen/13432a.htm (3 Jan. 2018).

[8] Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ (knxb, 1999), 405-406.

[9] Xc.  Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ (knxb, 1999), 405.

[10] Xc. Ibid.

[11] Xc. Lucien Deiss, The Mass (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 72-73.

[12] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997),181.

[13] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist – According to A Ritual Approach, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 121-122.

[14] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 190; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể,124.

[15] Xc. David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 78.

[16] Xc. Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 75-76.

[17] Xc. James Martin, SJ, Celebrating Good Liturgy (Chicago: Loyola Press, 2005)22; Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New York: Paulist Press, 1999), 144-145.

[18] Kinh Tiền tụng [Mùa Vọng I; Giáng Sinh I; Lễ Hiển Linh; Mùa Chay I; Chúa Nhật Thường Niên I+ II; Thánh Thể I; Các Tông Ðồ I; Chung I; Cầu cho Tín hữu Qua đời I].

[19] Kinh Tiền tụng [Chúa nhật Thường niên IV; Các Thánh Mục tử; Các Thánh Trinh nữ và Tu sĩ].

[20] Kinh Tiền tụng [Phục sinh I + II+ III+ IV+ V; Thăng Thiên I+ II].

Back To Top