skip to Main Content

Vấn đề nêu “một lô” ý lễ trong kinh nguyện Thánh Thể (P1)

Vấn đề nêu “một lô” ý lễ trong kinh nguyện Thánh Thể (P1)

Hiện nay, tại nhiều thánh đường của chúng ta, có thể hàng chục ý lễ đã được xướng lên trong Thánh lễ. Thông thường, ý lễ cũng được xướng đọc chen giữa Kinh nguyện Thánh Thể. Thực hành này phổ biến đến độ hầu như làm cho đông đảo tín hữu nghĩ rằng đây là một điều bình thường, đúng đắn và sốt sắng. Nếu cha chủ tế nào không xướng đọc ý lễ, cụ thể là không đọc vào thời điểm này (giữa Kinh nguyện Thánh Thể) tên “linh hồn” của tín hữu đã qua đời do giáo dân xin lễ hôm ấy, nhiều người sẽ cho là sự quên sót, bất thường và khiếm khuyết. Bài viết sau đây sẽ trình bày cho thấy: 1) Đây là một thực hành cần bàn luận thêm để đi đến chọn lựa thích hợp nhất; 2) Khi cần phải xướng đọc ý lễ thì nên làm như thế nào?

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Về mặt nguyên tắc, không có luật chung trong toàn Giáo Hội liên quan đến việc đề cập ý lễ trong Thánh lễ. Có lẽ, chỉ một vài giáo phận đưa ra quy tắc hướng dẫn các linh mục thuộc giáo phận mình. Chẳng hạn, theo giáo phận Rôma, linh mục không cần nói ra ý lễ trong Thánh lễ.

Tuy linh mục không buộc phải nêu ý lễ một cách tỏ tường và công khai trong khi đang cử hành Thánh lễ, nhưng nếu cá nhân hay gia đình nào thỉnh cầu, ngài có thể thực hiện. Ngoài ý lễ vị chủ tế đã chấp nhận cử hành với bổng lễ, vì Thánh lễ vô giá, ngài cũng có thể thêm vào những ý lễ khác nữa mà có thể hay không được phản ánh trong công thức Thánh lễ.[1] Chẳng hạn, một tư tế khi dâng Thánh lễ cầu cho người quá cố, ngài đồng thời có thể mời gọi cộng đoàn cầu cho “các ơn gọi” theo ý nguyện của cá nhân để xin Thiên Chúa chúc phúc cho Hội Thánh được dồi dào ơn thiên triệu. Nếu vị tư tế quên đọc ý lễ hay đọc sai tên các “linh hồn” cũng không sao, miễn là ngài có ý lễ đó từ trước.

II. NHỮNG CÁCH THỨC XƯỚNG ĐỌC Ý LỄ

Ở đây, để dễ hiểu và dễ áp dụng, đồng thời căn cứ vào điều 954 của Bộ Giáo luật, tạm thời có thể phân biệt ra hai loại ý lễ sau:

* Loại ý lễ thứ nhất: chỉ được xướng lên như một thông tin cho người xin lễ biết là đã nhận được.

* Loại ý lễ thứ hai: ý lễ được dâng với bổng lễ theo ý các tín hữu xin trong Thánh lễ hôm đó.

Lý do để người xin lễ được biết và hiệp thông trong Thánh lễ (Loại ý lễ thứ hai), như nhiều vị tư tế đã tỏ bày, được coi là hợp lý. Muốn vậy, chúng ta áp dụng những cách thức sau:

1] Đăng tất cả những ý lễ giáo dân xin trên tờ thông tin của giáo xứ

Tất nhiên, cách này chỉ thích hợp với những ý lễ đã xin từ lâu trước khi phát hành tờ thông tin và thường chỉ áp dụng cho Loại ý lễ thứ hai. Vì thế, đối với những ý lễ xin sau, nếu cần phải nêu ra, chúng ta có thể chọn những thời điểm thích hợp để loan báo. Những thời điểm đó là:

2] Thứ nhất, trước khi Thánh lễ bắt đầu

Không những thời điểm này thích hợp để nêu ra ý lễ cử hành với bổng lễ (Loại ý lễ thứ hai)[2] mà còn có thể nêu ra tất cả những ý lễ cầu cho người sống cũng như người đã ly trần (có khi lên đến hàng chục) người ta xin trước đó. Mục đích là cho mọi người biết đây là những ý lễ người ta xin (Loại ý lễ thứ nhất) chứ không phải chủ tế sẽ cử hành Thánh lễ với những ý chỉ này kèm theo bổng lễ vì “Theo tập tục đã được Giáo Hội công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt” (GL 945#1). “Khi tư tế dâng nhiều Thánh lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại” (GL 951#1). Những ý lễ còn lại, theo Giáo luật: ”Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại” (GL 954). Phải nói rõ thêm rằng việc “xin cử hành lễ quá số” thường nảy sinh ra lễ gộp vì dù vị chủ tế đã có ý lễ định dâng với bổng lễ trong Thánh lễ sắp cử hành nhưng một số người khác đến sau cũng muốn xin lễ trong cùng Thánh lễ đó. Để không dễ dàng lạm dụng hình thức lễ gộp, Bộ Giáo sĩ đã ban hành Sắc lệnh chỉ dẫn như sau:[3]

* Phải cho người xin lễ biết, và được họ đồng ý là lễ họ xin được dâng chung với một ý lễ khác.

* Thời gian và nơi chốn dâng lễ gộp ở nơi công khai.

* Không được gộp hơn 2 lần trong một tuần.

* Bổng lễ theo như Giáo phận chỉ định.

* Tuân giữ quy định của khoản Giáo luật 951 #1: “Khi tư tế dâng nhiều Thánh lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.”

Cần lưu ý là bản văn ở trong Sách lễ Roma không nói đọc tên các linh hồn, nhưng chỉ ra cách đọc tên người quá cố là T. (theo ấn bản tiếng Việt năm 1971) và OBACE T. hay T. (theo ấn bản tiếng Việt năm 1992), nghĩa là tùy theo người tín hữu đã qua đời là ai mà vị chủ tế sẽ xướng lên là ông (bà, anh, chị hay em). Khi cần nêu tên thì thêm tên của họ sau ông (bà, anh, chị hay em). Hoặc đơn giản chỉ đọc tên (T.) của người quá cố mà không đề cập đến ông (bà, anh, chị hay em).[4] Dựa vào chỉ dẫn này, chúng ta nên ghi vào giấy xin lễ cũng như đọc đầy đủ tên của tín hữu đã qua đời, chẳng hạn ông Giuse Nguyễn Văn X, anh Giuse Phạm Văn Y, bà Maria Nguyễn Thị A, chị Maria Trần Thị B…

Chọn lựa nêu đầy đủ tên người quá cố có những lợi điểm sau:

– Thứ nhất, phản ánh toàn thể con người của tín hữu đã ly trần gồm cả linh hồn và thân xác đang được cộng đoàn tín hữu nguyện xin Thiên Chúa cứu độ vì chúng ta biết rằng mục tiêu cuối cùng của người Kitô hữu không phải là linh hồn bất tử nhưng là thân xác được phục sinh;[5]

– Thứ hai, chiếu theo chiều kích cộng đồng của cử hành Thánh lễ, thực này giúp mọi người tham dự biết người quá cố là ai để không những hiệp thông cầu nguyện cho người qua đời mà còn hiệp thông với gia đình của họ nữa;

– Thứ ba, cách đọc này nhằm tránh xảy ra sự trùng lặp tên thánh giữa người này với người kia vì người Việt Nam ta thường có tên thánh giống nhau (Giuse hay Maria chẳng hạn hoặc có những giáo xứ mà tất cả nam giới đều mang một tên thánh là Lôrensô).

Tuy nhiên, thực hành này chỉ có thể áp dụng được khi người xin lễ nêu ra đầy đủ tên của người quá cố chứ không giản lược chỉ là xin lễ cầu cho linh hồn A hay B…

Cách đọc tên linh hồn đã không còn được sử dụng trong Sách lễ Roma nữa, có lẽ vì ba nhược điểm sau:

– Thứ nhất, linh hồn không phải là toàn thể con người;

– Thứ hai, sẽ xảy ra tình trạng nêu tổng số các linh hồn (đó là cầu cho 10 linh hồn Giuse, 3 linh hồn Maria, 2 linh hồn Phêrô…) khiến cho người tham dự chẳng biết những linh hồn đó là ông nào bà nào.

Như vậy, nếu đọc đầy đủ tên của người quá cố mà không phải theo cách tổng gộp các linh hồn (10 linh hồn Giuse, 3 linh hồn Maria, 2 linh hồn Phêrô..), thì việc nêu ra tất cả ý lễ người ta xin chỉ có một chỗ duy nhất thích hợp là ở thời điểm này, tức thời điểm ngoài Thánh lễ. Chắc không một vị tư tế nào dám cả gan xướng đọc mười mấy hay mấy chục tên riêng (ý lễ) như thế vào giữa Kinh nguyện Thánh Thể.

3] Thứ hai, ngay lập tức sau lời chào của chủ tế

Tức là khi vào đến cung thánh trong phần rước đầu lễ, chủ tế (cùng với các thừa tác viên khác) sẽ chào kính bàn thờ rồi về ghế chủ tọa của mình. Tại đây, ngài làm dấu Thánh giá và chào cộng đoàn bằng một trong 3 công thức lời chào được in trong Sách lễ Rôma. Sau lời chào này, chủ tế tùy nghi nói một ít lời dẫn nhập trước khi vào nghi thức thống hối. Chính trong lời dẫn nhập này, chủ tế có thể mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những người xin lễ với chỉ vài ba ý nguyện cụ thể mà thôi. Thời điểm này chỉ thích hợp để nêu Loại ý lễ thứ hai;

4] Thứ ba, trong phần Lời nguyện Tín hữu.

Thông thường, có thể nêu ra 4 ý nguyện trong phần Lời nguyện Tín hữu. Sau ý nguyện thứ IV, có thể thêm một ý nguyện nữa nhằm nêu ra những ý lễ của người xin cầu cho người sống và người chết, trong đó có thể nêu cả danh tánh một vài tín hữu đã qua đời theo ý chỉ tương ứng với bổng lễ vị tư tế đã nhận (Loại ý lễ thứ hai). Nếu Loại ý lễ thứ nhất chỉ có một vài, thì cũng có thể xướng đọc tại thời điểm này luôn.

Tất cả những phương cách trên đây đều được khuyến khích. Thiết nghĩ rằng chúng là một giải pháp tốt để cho những người xin lễ cũng như cộng đoàn dân Chúa được biết và hiệp thông cầu nguyện cùng với chủ tế.

Còn việc đưa các ý lễ vào giữa Kinh nguyện Thánh Thể mà được gọi là Memento (tức là Tưởng nhớ đến và cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết) là một vấn đề chúng ta cần bàn luận thêm.

(còn tiếp)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái – Dòng Thánh Thể

___________________________________________

1 Giáo luật 901.

2 Ibid., 945#1; 948.

3 Ban ngày 22 tháng Giêng năm 1991, AAS 83 (1991) 443-446, BCL Newsletter 27 (1991).

4 Xc. Sách lễ Roma, “Chú thích về cách trình bày” (ấn bản tiếng Việt mẫu thứ II, 1992), 998.

5 Xc. Cassian Folsom, OSB, “Sacred Signs and Active Participation at Mass: What Do These Actions Mean, and Why Are They So Important?” trong Adoramus Bulletin Online Edition -Vol. IV, No. 3: May/June 1998.

Back To Top