skip to Main Content

Cập nhật quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2002 (P2)

Cập nhật quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2002 (P2)

NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA QCSL [2000] VÀ QCSL [2002]

Sau khi xuất bản QCSL [2000] rồi, Giáo hội đã nhận ra bản văn này bộc lộ một nhược điểm là có nhiều chỗ không thống nhất. Kết quả là khi ấn bản Sách Lễ Rôma lần III ra đời năm 2002, bản văn của QCSL [2000] vẫn đang còn đang được tiếp tục chỉnh sửa (chỉ mới tới số 210 trong số 399 số của toàn bản văn) cũng như sửa lại một loạt các chú thích (footnotes). Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc chỉnh sửa chỉ liên quan đến những chi tiết vụn vặt như chữ hoa, dấu chấm phẩy, văn phạm trong tiếng La Tinh, tìm từ ngữ cho thật phù hợp hoặc là thêm thắt, bổ sung chỗ này chỗ khác, sửa lại những chú thích1…. Vì vậy, QCSL [2000] và QCSL [2002] đều gồm tất cả 399 số nhưng có một vài khác biệt giữa chúng như sau:

1) Theo QCSL [2000] 43, cộng đoàn “sẽ quỳ, khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được… Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô ‘Thánh, Thánh, chí Thánh’ cho đến hết Kinh nguyện Thánh Thể, thì đó là điều đáng khen nên duy trì. Trong khi đó, QCSL [2002] 43 thì thêm nội dung “Được phép quỳ sau kinh Chiên Thiên Chúa [nếu Hội đồng Giám mục quyết định như vậy]” và đây cũng là điều đáng ca ngợi và duy trì.

Như vậy, theo bản văn, có hai lần quỳ: i] Lần quỳ thứ I trong Kinh nguyện Thánh Thể, các tín hữu quỳ khi truyền phép sau kinh Sanctus (Thánh, Thánh, chí Thánh), nhưng tiếp đó, họ có thể đứng lên như Nghi thức Thánh lễ đề nghị. Đây là điều canh tân của Nghi thức Thánh lễ trong đó tín hữu có thể thay đổi tư thế trong Kinh nguyện Thánh Thể vì khác với nghi thức Trento vốn coi kinh Tiền tụng không thuộc về Lễ Quy, Nghi thức Thánh lễ cải cách khẳng định kinh Tiền tụng và Sanctus là những yếu tố không thể tách rời của Kinh nguyện Thánh Thể. Tuy nhiên, họ có thể quỳ cho tới hết Kinh nguyện Thánh Thể; ii] Lần quỳ thứ II là sau kinh Chiên Thiên Chúa, đây chỉ là một đề nghị tùy nghi chọn lựa theo quyết định của Hội đồng Giám mục chứ không phải là chọn lựa tùy ý của linh mục chủ tế hay cộng đoàn địa phương. Tại Việt Nam, chúng ta chọn lựa cả hai lần quỳ này.2

2) Ca tiếp liên đổi từ sau Halleluia ra trước Halleluia (QCSL [2002] 64);

QCSL[2000] 64 viết rằng: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát sau Halleluia”. Trong khi đó, QCSL [2002] 64 lại viết: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát  trước Halleluia”.

QCSL [1970] 40 và QCSL [1975] 40 đều nói như QCSL [2000 và 2002] 64 là ngoài lễ Phục sinh và lễ Hiện xuống thì được tùy ý hát Ca tiếp liên chứ không đề cập đến việc hát Ca tiếp liên trước hay sau Halleluia. Dường như tại Việt Nam, chúng ta vẫn quen hát Ca tiếp liên trước Halleluia trong một thời gian dài đến độ khi QCSL [2000] đã đổi là hát Ca tiếp liên ra sau Halleluia, chúng ta cũng không để ý thực hành. Thật may mắn, chỉ sau 2 năm, QCSL [2002] lại dời hát Ca tiếp liên ra trước Halleluia, cho nên lúc này chúng ta nghiễm nhiên đang thực hành đúng với QCSL mới nhất..

Trong Hội Thánh đã từng tồn tại đến 5000 Ca tiếp liên vào thời Trung cổ, nhưng hầu hết đã bị loại bỏ bởi Công đồng Trentô. Sách lễ Roma 1570 chỉ giữ lại 4 Ca tiếp liên được sử dụng phổ biến: 2 Ca tiếp liên cho mùa Phục sinh (Victimae Paschali Laudes) và cho lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Veni, Sanctae Spiritus); 2 Ca tiếp liên cho lễ Mình và Máu Chúa Kitô (Lauda Sion) và lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Stabat Mater). Ca tiếp liên Dies irae trước đây được hát vào Chúa nhật I mùa Vọng vì nói đến ngày phán xét, sau thêm vào 6 triệt nữa và dành cho lễ Cầu hồn (An táng). Nay Dies irae không còn nằm trong Sách lễ nữa, nhưng có thể dùng trong Giờ kinh Thần vụ tuần XXXIV của năm.3

Trong năm phụng vụ, như chỉ dẫn của QCSL [2002] 64 ở trên, chỉ có duy nhất hai ngày bó buộc phải hát Ca tiếp liên là vào lễ Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cho nên cần tuân thủ quy định này, nếu không hát được thì ít là đọc Ca tiếp liên.

3) Bài hát Dâng lễ (Chuẩn bị Lễ vật) có thể hát ngay cả nếu không có đoàn rước dâng lễ phẩm (QCSL [2002]74).

Toàn văn của QCSL[2002] 74 là: “Khi rước lễ phẩm lên, thì đồng thời hát Ca tiến lễ và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Quy luật về cách hát Ca tiến lễ cũng giống như cách hát Ca nhập lễ. Bài hát có thể luôn luôn đi theo Nghi thức tiến dâng, ngay cả nếu không có cuộc rước dâng lễ phẩm.

Một trong những tập tục của Hội Thánh đến độ trở thành một nguyên tắc trong cử hành phụng vụ đó là cuộc rước luôn luôn có bài hát kèm theo. Bởi vậy, nếu có đoàn rước dâng lễ phẩm, hát Chuẩn bị lễ vật là chuyện bình thường. QCSL[2002] 74 thêm vào ý tưởng là có thể hát “ngay cả nếu không có cuộc rước dâng lễ phẩm” có lẽ vì e rằng nếu không có đoàn rước rõ rệt, như xảy ra thường xuyên hơn trong các Thánh lễ, người ta có thể không dám hát Ca tiến lễ. Thật ra, về phương diện mục vụ phụng vụ, có thể lựa chọn những cách thực hành khác nhau. Ngoài hai thực hành được cho phép trong QCSL và Nghi thức Thánh lễ là: i] Hát Ca tiến lễ; ii] Vị chủ tế đọc “Lạy Chúa là Chúa cả trời đất..” và cộng đoàn đáp lại “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời” như được ghi trong Nghi thức Thánh lễ; chúng ta có thể: iii] Dạo đàn trong khi cộng đoàn thinh lặng; iv] Cộng đoàn thinh lặng – không hát và không dạo đàn.4

Cần lưu ý ba điểm sau: i] Thứ nhất, nếu hát Ca tiến lễ thì “kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ”, nghĩa là đừng kéo dài bài Ca tiến lễ quá mức đến độ chủ tế phải đứng chờ tại bàn thờ quá lâu. Tốt hơn nên kết thúc Ca tiến lễ ngay lập tức sau khi chủ tế rửa tay; ii] Thứ hai, nếu đã hát hết câu mà chủ tế chưa rửa tay xong, nên dạo đàn cho đến khi chủ tế kết thúc hành động này nhằm nhấn mạnh sự hợp nhất của các hành động;5iii] Thứ ba, nên chọn bài Ca tiến lễ đơn giản bởi vì sẽ thiếu khôn ngoan nếu hát Ca tiến lễ với những bài hát thật nhiều bè hay phức tạp trong khi chẳng mảy may để ý đến việc hát những phần như: Thánh vịnh Đáp ca, Tung hô Tin Mừng, Tung hô Tưởng niệm và Amen long trọng sau Vinh tụng ca trong Kinh Tạ Ơn vốn là những phần quan trọng hơn bài Ca tiến lễ rất nhiều.

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái Dòng Thánh Thể

__________________________________________

1  QCSL[2000] có 160 chú thích, trong khi đó QCSL[2002] có tới 165 chú thích.

2  Xc. Edward Foley (ed), “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts” trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal,131-132; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on theGeneral Instruction of the Roman Missal, 30.

3  Xc. Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite” trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal,166.

4  Xc. Edward Foley (ed), “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts” trong Ibid., 168;

5  Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on theGeneral Instruction of the Roman Missal, 59.

Back To Top