Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Kẻ chết sống lại
7.6
Thứ Tư trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm
Tb 3:1-11,16; Tv 25:2-4,4-5,6-7,8-9; Mc 12:18-27
Kẻ chết sống lại
Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quý tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Ðối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.
Thật thế, dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa có con, thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.
Họ đặt ra trường hợp một người đàn bà có bảy đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy người anh em vì tất cả đã lấy bà làm vợ? Những người Sađốc hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để đùa giỡn với sự thật mà thôi.
Chúa Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ: Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh và quyền năng của Thiên Chúa; thứ hai, hoàn cảnh con người sau khi sống lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này. Chúa Giêsu nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán: “Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob”, Ngài không là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.
Hơn thế nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.
Nỗi bận tâm của những người thuộc phe Xađốc ở thời nào cũng có, dẫu rằng ngày nay người ta diễn tả không y như trước. “Chúng ta sẽ sống với những người thân của chúng ta sao? Tuổi đời đời là bao nhiêu? Có sẽ thoát khỏi những dị hình dị tật, những khuyết điểm của ta không?” Bảng liệt kê sẽ có thể dài dài đến vô tận. Đã thấy có những người lên mặt mô phạm dám đưa ra những câu trả lời cho tất cả những âu lo này, đang khi tự khởi đầu người ta đã đặt vấn đề không đúng; chúng ta sẽ không phải là những xác chết được sống lại để sẽ tiếp tục sống trên trái đất được sửa sang lại, nhưng là những con người mới trong một thế giới mới.
Phải nhận rằng chính Chúa Giêsu không cho ta biết mấy về tình trạng những người đã được phục sinh. Kiểu nói “giống như các thiên thần trên trời” chỉ có ý nói đến một cách thức hiện hữu khác biệt mà thôi. Nếu Thiên Chúa đã cho là tốt việc giữ yên lặng gần như hoàn toàn về tình trạng của đời sống hưởng phúc mai sau, thì thiết tưởng con người vì không đủ tư cách nên cũng đừng nói gì về đời sống xã hội ở đời sau. Những người đã được tuyển chọn hưởng phúc kia có thăm viếng ta hay không, điều đó chẳng ai biết được hay sẽ biết.
Những đối thủ mà hôm nay Chúa Giêsu phải gặp là những người Sa-đốc thuộc giới tư tế. Vì họ không tin có việc kẻ chết sống lại nên họ đặt ra một câu chuyện (một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ “thế huynh”) để cho thấy sống lại là một sự lố bịch. Trả lời họ, Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào. Trước hết, cuộc sống đời sau không giống cuộc sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nòi giống và bởi thế không cần có vợ có chồng. Tiếp theo, cuộc sống ấy “giống như các thiên thần” : nghĩa là không quan tâm đến gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta thấy những người phái Sa-đốc tuy là tư tế nhưng không quan tâm tới những việc đạo đức cho bằng tới những đặc quyền đặc lợi của họ.
Để bảo vệ những quyền lợi ấy, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ chế độ nào đang cầm quyền, cho dù đó là chính quyền đế quốc Rôma đang xâm lược đất nước họ. Chính vì thế, họ không tin sự sống lại và không tin đời sau là phải, bởi vì ai càng coi trọng đời này và những giá trị đời này thì càng coi nhẹ đời sau và các giá trị đời sau. Càng thiên về xác thịt thì càng yếu về tinh thần. Đức tin dạy chúng ta rằng cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “như các thiên thần” nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khoẻ và mọi thứ của cải trên thế gian.
Chúa Giêsu cũng đã dùng Kinh Thánh để minh chứng cho giáo lý của Người: “Các ông đã không đọc trong sách Môsê sao: Ta là Chúa của Abraham. Chúa của Isaac và Chúa của Giacóp. Người không phải là Chúa của kẻ chết. Nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to” (Mc 12,26-27). Họ đề cập đến Kinh Thánh, Chúa Giêsu lật ngược lý chứng của họ, bằng cách trích dẫn một đoạn trong Ngũ Kinh (Xh 3,6), là sách Thánh duy nhất được Nhóm Xa-đốc thừa nhận. Một lần nữa, chúng ta khám phá ra một Chúa Giêsu hiểu biết Kinh Thánh rất tinh tường và Người có thể trích dẫn theo trí nhớ từng câu một để chống lại mọi cuộc tranh luận.
Từ khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.