18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
Đồng thân đồng phận
17 04 Tm Thứ Năm tuần 3 MV.
St 49,2.8-10; Mt 1,1-17
ĐỒNG THÂN ĐỒNG PHẬN
Ðể ứng nghiệm Lời Chúa hứa ban ơn cứu chuộc sau khi Adam và Eva tổ tiên con người phạm tội, Kinh Thánh đã có câu: „Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta“.
Thánh Mátthêu đã sắp xếp gia phả của Chúa Giêsu cho chúng ta tìm thấy ý nghĩa của con số bảy. Mỗi một chuỗi tên đầu toàn hảo, hoàn toàn: Chuỗi của Áp-ra-ham, chuỗi các thẩm phán, chuỗi các vua. Đức Giêsu đứng đầu chuỗi thứ bảy là chuỗi hoàn hảo trọn vẹn, Người đến làm hoàn hảo lịch sử tôn giáo của dân tộc được tuyển chọn, Người đến khởi đầu một thời đại mới đầy hứa hẹn tốt hơn, hoàn toàn hoàn hảo.
Thánh Matthêu đã kể lại gia phả của Chúa Giêsu để gợi lên cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi của Ngài trải qua dòng thời gian rất lâu dài, chu đáo và kỹ lưỡng. Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham là mẫu gương cho những ai tin Ngài và Abraham được gọi là cha các kẻ tin.
Khi nghe gia phả Đức Giêsu, chúng ta thấy khi chọn con số 14 để chia gia phả làm ba giai đoạn bằng nhau, Matthêu gợi lên sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Số 3 và số 7 là hai con số đạo đức được coi là biểu tượng của sự hoàn chỉnh; 14 là hai lần 7; ba chuổi 14 diễn tả sự đều đặn kỳ diệu trong lịch sử Apraham đến Chúa Giêsu. Sau những hàng chữ khô khan của bản kê khai ấy, ta thấy được cả một lịch sử yêu thương của Thiên Chúa đối với dân người và đối với tất cả nhân loại.
Hơn nữa, Chúa Giêsu tuy sinh ra sau cùng nhưng Ngài lại đứng đầu. Điều này chứng tỏ Ngài là cùng đích của lịch sử, và như thế ơn cứu chuộc của Thiên Chúa chảy ra trên mọi dân tộc chứ không dành riêng cho một hạng người nào. Đây cũng là đặc điểm của Giáo hội Công giáo. Chúng ta hãy trung thành theo Chúa để hưởng ơn cứu chuộc của Chúa ban cho từng người chúng ta qua dòng lịch sử.
Tin mừng hôm nay đề cập đến ba danh hiệu trọng đại: Abraham, Davít, Giêsu. Abraham là người đã lãnh nhận lời hứa và đức tin để trở thành cha của những kẻ tin. Davít là người đã nhân danh Chúa các đạo binh chiến đấu cho Đấng Tối cao và biến Yêrusalem nên thành trì Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng đã đích thân thực hiện mọi lời hứa, hình thành một dân tộc ưu tú gồm những kẻ tin vào Ngài, chiến thắng quân thù thiêng liêng của Thiên Chúa, xây đắp Yêrusalem mới và vương quốc thiêng liêng.
Qua việc Ngôi Lời Nhập thể làm người, Thiên Chúa đã hạ mình xuống giữa nhân loại, mang lấy giòng lịch sử và quá khứ của nhân loại cũng như thừa kế gia tài qua các thế hệ. Đó là bản lý lịch chính thức.
Xét theo máu mủ, Ngài sinh ra từ dòng dõi Davít, thuộc về một dân tộc, trong đó không thiếu những bậc tổ tiên là người tội lỗi và người ngoại giáo, như Davít, Salomon, Tamar, Rahab, Bethsabê, Ruth. Đó là những yếu tố rất tầm thường, nhưng đã được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình của Ngài, vì Thiên Chúa đã hứa và trung thành hoàn tất lời hứa.
Trong cuộc đời của bốn người phụ nữ, bạn đồng hội đồng thuyền của Đức Maria, có một điều gì đó bất thường. Bốn bà là dân ngoại tộc, các bà đã sinh con của mình bên ngoài các quy luật bình thường và không tương ứng với những Quy Luật của đức khiết tịnh vào thời của Chúa Giêsu.
Bà Tamar, người Canaan, một góa phụ, bà giả dạng thành một cô gái mãi dâm để bắt buộc Tổ Phụ nhà Giuđa phải trung thành với Lề Luật, phải làm nhiệm vụ của mình và cho bà ta một người con trai (St 28:1-30).
Bà Raháb, một người phụ nữ Canaan từ thành Giêricô, là một cô gái điếm, người đã giúp cho dân Do Thái bước vào Miền Đất Hứa (Ys 2:1-21).
Bà Rút, một người phụ nữ Môáp, bá góa nghèo, đã chọn đi theo bà Naomi và tuân theo các lề luật của Dân Chúa (Rt 1:16-18). Bà đã chủ động bắt chước bà Tamar và đi nghỉ đêm bên cạnh đống lúa, cùng với ông Bôát, bắt buộc ông tuân giữ Lề Luật và cho bà một đứa con. Từ mối quan hệ giữa hai người, ông Ôbéd đã được sinh ra, là tổ phụ của vua Đavít (Rt 3:1-15; 4:13-17).
Bà Bátshêba, người Hêtít, vợ của ông Uria, đã bị du dỗ, bị cưỡng bức và bà đã mang thai với vua Đavít, nhà vua lại còn ra lệnh cho chồng của người phụ nữ này phải chết (2Sm 11:1-27). Phương cách hành xử của bốn người phụ nữ này không phù hợp với quy tắc truyền thống.
Trong khi đó, đây là những sáng kiến, thực sự bất thường, đã làm liên tục dòng dõi của Chúa Giêsu và dẫn đưa tất cả mọi người đến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Tất cả điều này khiến cho chúng ta suy nghĩ và thách đố chúng ta khi chúng ta đặt quá nhiều giá trị vào sự cứng nhắc của các quy luật.
Bài tính về ba lần của mười bốn thế hệ (Mt 1, 17) có một ý nghĩa tượng trưng. Số ba là con số của Thiên Chúa. Số mười bốn là số bảy nhân đôi. Số bảy là số hoàn hảo. Bằng biểu tượng này, thánh Mátthêu thể hiện niềm tin của các Kitô hữu tiên khởi vào Chúa Giêsu, Đấng xuất hiện theo tiến trình thời gian thành lập bởi Thiên Chúa. Với lịch sử sắp đến của Ngài tiến tới sự phong phú và viên mãn của nó.
Bên trong bản gia phả khô khan, đã hàm ngụ một Tin mừng “Thiên Chúa đã nhập thể trong Đức Kitô” bất chấp những khiếm khuyết và tội lỗi của nhân loại. Bài mở đầu Tin mừng Mathêu còn gây cho ta một xác tín: Thiên Chúa có thể nhìn đến và sử dụng chúng ta, không gì có thể cưỡng lại được ý định của Ngài, dù đó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của chúng ta.
Bởi vì trong Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, những gì hèn hạ đã trở nên cao trọng, những gì xấu xa được thanh tẩy, những gì vô nghĩa mặc một giá trị, và những gì trần tục sẽ được thần linh hoá.
Gia phả của Chúa Giêsu hướng chúng ta trở về nguồn gốc của Kitô giáo, đó là: chúng ta là dòng dõi của Đức Kitô, chúng ta chuẩn bị thời đại cuối cùng, thời đại biểu lộ toàn vẹn, chúng ta sửa soạn một lễ Noel cuối cùng: Đấng sẽ là tất cả trong mọi sự, hiện diện ở mọi tạo vật.