Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Báo La Nación phỏng vấn Đức Phanxicô: “Ý thức hệ phái tính là một trong những ý thức hệ thực dân nguy hiểm nhất”
Trong cuộc đối thoại kéo dài gần một giờ, Đức Phanxicô nói “có chỗ cho tất cả mọi người trong Giáo hội”, nhưng ngài lên tiếng chống lại hệ tư tưởng giới tính; ngài hài lòng với những thay đổi trong Giáo triều Rôma.
lanacion.com, Elisabetta Piqué, Rôma, 2023-03-10
“Vào thời điểm này, ý thức hệ giới tính là một trong những ý thức hệ thực dân nguy hiểm nhất”
Trong cuộc phỏng vấn với báo Argentina La Nación, Đức Phanxicô cho biết, điều làm ngài hạnh phúc nhất trong mười năm này là “có chỗ cho mọi người trong Giáo hội”, khi được hỏi liệu ngài có đang viết một thông điệp mới không, ngài nói không và cũng phủ nhận việc ngài được yêu cầu viết một tài liệu về giới tính. Về vấn đề này, ngài xem nhân chủng học về giới tính là “cực kỳ nguy hiểm” vì nó hủy những khác biệt và hủy tình nhân loại”, ngài phân biệt với chăm sóc mục vụ cho những người có khuynh hướng tình dục đa dạng.
Ngài cho biết, ngài không biết gì về vụ bê bối nổ ra trong tuần này ở Ba Lan, khi một quyển sách và một cuốn phim tài liệu về Đức Gioan-Phaolô II tiết lộ ngài đã bao che cho một linh mục ấu dâm, khi ngài còn là tổng giám mục Krakow.
Bà Elisabeth Piqué. Cha có đang viết một thông điệp mới hoặc một tài liệu quan trọng không?
Đức Phanxicô. Không.
Cha có được yêu cầu viết một tài liệu về chủ đề giới tính không?
Không, không ai xin tôi viết. Có, họ có xin tôi làm rõ. Tôi luôn phân biệt giữa việc chăm sóc mục vụ cho những người có khuynh hướng tính dục khác và thế nào là hệ tư tưởng giới tính. Đó là hai việc khác nhau. Vào thời điểm này, hệ tư tưởng giới tính là một trong những hệ tư tưởng thực dân nguy hiểm nhất. Nó vượt ra ngoài tính dục. Tại sao nó nguy hiểm? Vì nó xóa đi các khác biệt, sự phong phú của nam nữ và của cả nhân loại là ở sự căng thẳng của những khác biệt. Nó lớn lên qua sự căng thẳng của những khác biệt. Vấn đề giới tính làm xóa đi các khác biệt, tạo một thế giới bình đẳng, thẳng thắn, tất cả đều giống nhau. Và điều đó đi ngược lại ơn gọi của con người.
Cha nhớ ở Argentina, lần cuối cùng khi tôi đến đó, tôi phải điền vào giấy tờ ghi rõ giới tính nam, nữ hoặc không giới tính không?
Kinh nghiệm của trường phái vị lai về chuyện này, tôi đã có từ nhiều năm trước khi tôi đọc quyển tiểu thuyết mà tôi luôn giới thiệu, Chúa tể thế giới (The Lord of the World), của Robert Hugh Benson viết năm 1907. Nó có vẻ rất hiện đại. Đoạn giữa hơi nặng nhưng có vài chương rất hay. Mở ra một tương lai trong đó những khác biệt biến mất, tất cả giống nhau, mọi thứ đều thống nhất, một ông chủ duy nhất cho cả thế giới. Một nhà tiên tri của trường phái vị lai. Ở đó tôi thấy khuynh hướng muốn làm rút ngắn các khác biệt. Điều phong phú mà nhân loại có là các văn hóa, các khác biệt…
Nhưng cuối cùng thì tôi cũng không rõ, họ có có viết một cái gì về giới tính không?
Không, không, không. Tôi nói về nó. Tôi nói vì có những người hơi ngây thơ nghĩ rằng đó là con đường tiến bộ và không phân biệt thế nào là tôn trọng sự đa dạng của tính dục hoặc các lựa chọn tình dục khác nhau với cái đã là nhân học về giới, điều cực kỳ nguy hiểm vì nó hủy bỏ các khác biệt, nó hủy bỏ nhân loại, hủy bỏ phong phú của nhân loại, cá tính, văn hóa và xã hội, các khác biệt, các căng thẳng giữa những khác biệt.
Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Elisabetta Piqué ở Vatican / Cristian Gennari
Trong thực tế, cha luôn nói về khối đa diện.
Luôn như thế.
Trong một số cuộc phỏng vấn, cha thừa nhận đã phạm sai lầm trong mười năm này. Cha có thể xác định một hoặc hai chuyện không?
Tôi sẽ lặp đi lặp lại, ở bất kỳ lỗi nào là một chút thiếu kiên nhẫn phải không? Đôi khi nó đến quá nhanh trong đầu, tôi mất kiên nhẫn, mất bình an, tôi bị trượt té, tôi phạm sai lầm. Phải biết cách chờ đợi, mình phải chờ các quy trình…
Và khi nào cha mất kiên nhẫn?
Hơn một lần. Nó không xuất hiện trên báo, nhưng hơn một lần. Bà sẽ cười… nhưng đừng lo, chúng ta đi từ từ và các tiến trình này sẽ từ từ diễn ra.
Có điều gì trong mười năm qua làm cha đặc biệt hạnh phúc không?
Tất cả những gì trong đường hướng mục vụ của tha thứ và hiểu giáo dân.
Tất cả mọi người đều có chỗ trong Giáo Hội. ước mơ của cha hôm nay là gì? Cha có ước mơ nào không?
Tôi rất thực tế, tôi thích chạm vào mọi thứ, tôi thực tế (Cười)… Khát vọng bơi về phía trước, mở ra những cánh cửa. Mở những cánh cửa, điều này giúp cho tôi rất nhiều. Mở cửa và đường đi.
Cha hình dung Giáo hội công giáo trong 20 năm nữa như thế nào?
Nếu câu hỏi này đặt ra cho bất cứ ai đã từng làm việc với Thánh Phaolô VI, họ sẽ trả lời sai. Tôi sẽ sai.
Không, tôi hình dung một Giáo hội mục vụ hơn, công bằng hơn, cởi mở hơn. Tôi không thể nói bất cứ điều gì khác, tôi không biết tại sao. Thật buồn cười, lịch sử không ngừng thay đổi cục diện của các tình huống và nó sẽ đi theo một cách khác. Nói một cách khác, việc truyền giáo theo một hướng khác. Hướng của tôi là chân trời luôn mở rộng và sống cho ngày hôm nay. Có một tưởng tượng mà người ta có thể nói là đường hướng dẫn, đó là điều mà các tài liệu công đồng, các tài liệu của các giám mục, cho chúng ta thấy chúng ta phải đi theo con đường này. Bây giờ, và cụ thể hóa điều này, thật khó.
Mười năm đã trôi qua, cha có nghĩ cuộc bầu chọn như ngày hôm qua? Nó có đi nhanh không? Chậm? Cha cảm thấy như thế nào?
Nó đi qua nhanh, giống như tất cả cuộc sống. Tôi nghĩ đến các công việc của tôi. Hôm nay tôi nói về trường trung học của tôi, nó có vẻ như ngày hôm qua. Thật lạ lùng, làm thế nào mà ngày hôm qua lại trở nên ngắn và có vẻ như mới hôm qua. Và chúng trôi qua nhanh chóng.
Tôi biết cha không thích làm bảng kế toán, nhưng nhìn lại, cha có cảm thấy cha đã đạt được mục tiêu của cha không? Như nhiều lần cha đã nói, nhiệm vụ của các cuộc họp tiền mật nghị là tìm một tân giáo hoàng làm trong sạch tài chánh của Vatican, mang lại trật tự cho giáo triều sau một số vụ tai tiếng… cha có đạt được những mục tiêu đó không?
Tôi đã bắt đầu làm. Chẳng hạn trong phần kinh tế, tôi muốn tri ân cố hồng y Pell, người đã giúp rất tôi nhiều, một người vĩ đại. Thật không may, ngài đã gặp vấn đề nhưng sau đó ngài được vô tội. Vô tội nhưng ngài phải ngồi tù mười bốn tháng và ngài không thể tiếp tục. Nhưng chính hồng y là người bắt đầu cuộc cải cách kinh tế và tôi rất biết ơn ngài.
Còn cải cách giáo triều?
Các bộ đã được sắp xếp lại và ngay cả bây giờ Hồng y đoàn cũng được tự do hơn.
Trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium của cha, cha nói về hoán cải ngôi giáo hoàng… Cha có cảm thấy cha đã thực hiện được hoán cải này không? Cha không hiện thân của một Giáo hoàng Vua, cha là giáo hoàng không kiểu cách, gần gũi hơn, cởi mở hơn và khiêm tốn hơn. Hoặc, cha sẽ thực hiện thay đổi nào khác với chức vụ giáo hoàng không?
Tôi muốn nói việc hoán cải ngôi giáo hoàng không bắt đầu từ tôi. Chẳng hạn, nếu muốn đánh dấu các lãnh vực trong giai đoạn cuối cùng này, thì phải bắt đầu với Đức Phaolô VI, người đầu tiên đi ra nước ngoài. Đó là hoán cải của ngai Thánh Phêrô, ngài đã hưởng di sản thừa kế của tất cả những giáo hoàng đi trước, đã kết thúc Công đồng và đưa vào hoạt động. Một vĩ nhân, một vị thánh. Nếu nói về một triều giáo hoàng hiện đại nhất hiện nay với những cách cung cách mới thì phải nói Đức Phaolô VI là người đầu tiên. Và khi bắt đầu, với các sắc thái bên này, bên kia của nó, nó tiến lên phía trước. Thánh Gioan Phaolô II, nhà truyền giáo vĩ đại; Đức Gioan Phaolô I với số ngày ngắn ngủi là mục tử gần gũi, ngài muốn chấm dứt một số điều không suôn sẻ và Đức Bênêđictô với chiều sâu giáo huấn, ngài là người dũng cảm. Ngài là giáo hoàng đầu tiên chính thức giải quyết vấn đề lạm dụng. Một nhà thần học vĩ đại, tôi nhớ ngài vì ở ngài là cả một công trình.
Cha vừa nói về Đức Gioan-Phaolô II và các vụ lạm dụng… Tôi không biết cha có biết trong tuần này, một vụ tai tiếng khủng khiếp đã bùng ra ở Ba Lan, một cuốn phim tài liệu trong đó nói đến một bức thư ngài viết cho hồng y Kưnig ở Vienna để xin hồng y nhận một linh mục là người lạm dụng, và ở Ba Lan vụ này là một vụ tai tiếng lớn. Một quyển sách cũng đã xuất bản… Câu hỏi của tôi là Đức Gioan-Phaolô II có được phong thánh quá sớm không?
Chúng ta phải đưa sự việc về thời của nó. Không phù với thời luôn là một chuyện không tốt. Vào thời điểm đó, mọi thứ đều bị bao che. Cho đến khi vụ tai tiếng Boston xảy ra, mọi thứ đều bị che đậy. Từ vụ Boston, Giáo hội mới bắt đầu xem lại vấn đề này. Từ đó, Giáo hội luôn trung thành với việc làm sáng tỏ mọi thứ. Giải pháp là thay đổi cha xứ địa phương, hoặc cùng lắm là rút lại nếu không có giải pháp nào, nhưng không gây tai tiếng. Thật không may, ngày nay điều này vẫn còn xảy ra trong gia đình và trong khu phố. Nhiều ít, theo con số thống kê, đó là 42% trường hợp xảy ra trong gia đình, khu phố rồi đến trường học. Và bây giờ vẫn bị che đậy để không nảy sinh xung đột, đó là cách tiến hành. Giáo hội cũng thế, bưng bít, thuyên chuyển… đôi khi không có cách nào khác là phải loại trừ và dứt khoát làm, nhưng cũng có nghĩa là thuyên chuyển đi nơi khác. Nói cách khác, mỗi thời phải được nhìn theo thời của nó.
Trên thực tế, có người nói thư của hồng y Wojtyla viết cho hồng y Franz König, trong đó ngài nói linh mục sẽ học khoa tâm lý học, đó là cách mã hóa để nói linh mục là người lạm dụng… vì tài liệu này ở ngoài lưu khố.
Tôi không biết trường hợp này, nhưng đó là bình thường. Để che đậy hoặc một cách trực tiếp, khi không có biện pháp nào khắc phục thì gởi họ đi. Che đậy. Như ngày nay các gia đình không may vẫn còn làm. Khi vấn đề là do người ông, người chú bác, người láng giềng, đó là những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình. Tạ ơn Chúa vì Đức Bênêđictô XVI là người đầu tiên phát hiện ra vấn đề của Binh đoàn Kitô. Ngài thật dũng cảm. Hôm nay Giáo hội đã tiếp tục. Sau vụ tai tiếng Boston, Giáo hội bắt đầu có thái độ mới… Nắm ngay cái khó để giải quyết.
Đổi chủ đề… Cách đây 10 năm cha nói: “Tôi muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo.” Có điều gì đó đã thay đổi trong chuyện này ở Vatican không và Giáo hội ngày nay vẫn còn quá nhiều các ‘giám mục là ông hoàng’?
Thái độ cho thấy rõ. Trong kinh tế không còn các đặc quyền kinh tế, các khoản tiền thưởng hoặc chúng đã bị loại bỏ, một tình trạng tiến bộ kinh tế đã được ổn định để tốt hơn, nhưng nó phát sinh từ sự làm sạch, không có những đầu tư bẩn, tất cả những loại như thế. Và Ban kinh tế đã giúp tôi rất nhiều, trước hết là linh mục Guerrero, trong hơn ba năm rưỡi cha đã hệ thống hóa mọi thứ và bây giờ là ông Maximino Caballero, một giáo dân.
Như thế có thể nói cha hài lòng vì cảm thấy có được không khí cải cách?
Tôi xin lỗi, chúng ta vẫn phải còn đi tới đằng trước.
Có thể nói, trong 10 năm này, cha đã tìm lại được những con chiên đi lạc, vì nhiều người đã rời Giáo hội, nhưng ai là người về lại với cha, một giáo hoàng khác… nhưng đồng thời cha cũng đặt vấn đề với “những người công giáo hoàn hảo”, họ vẫn ở trong khủng hoảng giống như người anh cả trong dụ ngôn Người con hoang đàng trở về…
Điều đó luôn luôn xảy ra. Nó luôn xảy ra. Một từ quan trọng của Chúa Giêsu là “mọi người”. Theo tôi, đây là chìa khóa để mục vụ được mở ra. Ai cũng vào nhà. Đủ mọi tình trạng rối ren nhưng ai cũng ở trong nhà.
Trước khi được bầu làm giáo hoàng, cha không thích đi Rôma, hoặc đi càng ít càng tốt vì xem đây là nơi phức tạp, với những âm mưu nội bộ. Mười năm sau, từ những gì đã thấy sau cái chết của Đức Bênêđictô XVI và những quyển sách xuất bản sau đó, liệu những âm mưu đó có còn ở đây hay đã có thay đổi?
Luôn còn lại một số, nhưng đó không phải là môi trường … Tôi đã không thay đổi nó, chính lịch sử đã thay đổi. Trong các cuộc họp chuẩn bị của các hồng y, mọi thứ đã được làm sau đó. Cũng chính các hồng y này đã nói “ở đây, ở đây, ở đây.” Đó là điều tuyệt vời, đó là chính Hồng y đoàn thiết đặt. Tôi chỉ mới bắt đầu điều đó. Thật thích thú.
Cha có cảm thấy cha có nhiều phản kháng và kẻ thù không? Và cha nghĩ vì sao có sự phản đối về tầm nhìn Giáo hội mà cha vừa đề cập, một Giáo hội mở ra cho tất cả mọi người, bao gồm tất cả, một Giáo hội mà cha đã xác định ngay từ đầu với một hình ảnh tốt đẹp, là bệnh viện dã chiến để điều trị cho những người bị tổn thương ngày nay?
Phản kháng luôn luôn có, ở mọi nơi. Trước bất kỳ tiến bộ nào, bất kỳ thay đổi nào… Chúa Giêsu đã có đủ phản kháng, tôi không so sánh. Nhưng luôn có phản kháng. Vào thời của Ngài, Chúa Giêsu không muốn đối thoại với tất cả. Ngài nói chuyện, nhưng Ngài không làm theo dự án, Ngài làm theo dự án riêng của Ngài. Ngài không phải là người pharisêu, người sa-đốc, người e-sê-niô, người zêlôta cuồng nhiệt. Vì Ngài là người mang thông điệp: ở đây chúng ta không buộc phải tham gia một đảng phái chính trị nào, bên trong giáo hội. Sự tự do của Chúa Thánh Thần, lắng nghe ý dân, tham khảo và tìm ý Chúa.
Cha luôn nói về các quy trình, đã bắt đầu, và cha đã làm nhiều. Cha nghĩ có chủ đề nào đang chờ xử lý hoặc điều gì đó mà cha muốn xem đã hoàn thành không?
Tôi không nghĩ như vậy. Tôi thích các quy trình chứ không đánh giá. Lạ lùng là tôi không thích đánh giá, tôi cũng không biết làm cách nào. Các quy trình, có, nhưng vì tôi muốn chúng tiến về phía trước. Nhưng không bao giờ có cái gì bị bỏ lại, và nhiều thứ phải còn lại, điều đó không đúng. Trường hợp điển hình là các chủng viện. Cần phải xem xét lại các chủng viện, thực tế là đang có các cuộc thăm viếng, để điều chỉnh việc đào tạo các linh mục tương lai. Một cái gì đó đang được tiến hành.
Thượng hội đồng hiệp hành đang diễn ra là một thách thức lớn lúc này, phải không?
À, nói theo thuật ngữ bóng đá thì người đá quả bóng lần đầu là Đức Phaolô VI. Khi kết thúc Công đồng, Đức Phaolô VI nhận ra Giáo hội ở phương Tây đã đánh mất chiều kích đồng nghị. Giáo hội phương Đông còn duy trì. Sau đó, ngài thành lập ban thư ký cho thượng hội đồng giám mục, họp bốn năm một lần. Tôi đã dự hai lần. Có một quy trình quyết định đã chín muồi, nhưng không phải quy trình đã tồn tại trước đây, đã có nhiều bổ sung thêm. Khoảng mười năm trước, đã có một suy tư nghiêm túc và đã có một tài liệu được thành lập, tôi đã ký vào đó với các nhà thần học, theo tôi, đó là công việc của một cộng đồng. Điều đó đánh dấu “chúng ta đã đến mức này, bây giờ còn thiếu một cái gì khác”. Và chúng ta chưa làm rõ những gì còn thiếu, nhưng tự nó đã được đánh dấu để làm cho tính đồng nghị được trở nên rõ ràng. Ví dụ, việc phụ nữ trước đây không được bầu, bây giờ tất cả đã chấp nhận cho họ được bầu. Vì thế trong thượng hội đồng về vùng Amazon, người ta đã đặt câu hỏi vì sao phụ nữ không được bỏ phiếu? Họ có phải là tín hữu kitô hạng hai không? Nói cách khác, càng ngày các vấn đề quan trọng được đặt ra để cải thiện.
Bây giờ cha sẽ cho một số hay cho tất cả bỏ phiếu?
Bất cứ ai tham gia thượng hội đồng sẽ được bỏ phiếu. Ai là khách mời hoặc quan sát viên sẽ không bỏ phiếu. Bất cứ ai tham gia vào thượng hội đồng đều có quyền bỏ phiếu. Dù là nam hay nữ. Mọi người, mọi người. Với tôi, từ ‘mọi người’ là từ là chính.
Cha là hồng y ở Buenos Aires, cha gần như không trả lời phỏng vấn. Bây giờ trong dịp kỷ niệm 10 năm, cha đã trả lời phỏng vấn rất nhiều, kể cả với truyền thông Argentina, tôi nghĩ tôi là người cuối cùng trong số này. Việc cha trả lời phỏng vấn như thế này… điều gì đã thay đổi?
Tôi không thích trả lời phỏng vấn. Tôi làm nhưng không thích mấy. Người giới thiệu tôi đến với giới truyền thông ở Buenos Aires là linh mục Guillermo Marcó, cựu phát ngôn viên, cha đã cất nỗi sợ của tôi. Trong những lần gặp đầu tiên với giới truyền thông ở giáo phận, tôi gặp được những những người tốt… Ở đó, tôi gặp ông Joaquín Morales Solá, ông đến gặp tôi mỗi năm, chúng tôi có quan hệ tốt. Ngoài ra tôi có ông Julio Bárbaro, từ một hệ tư tưởng khác và những mối quan hệ này vẫn còn duy trì. Nhưng tôi không biết, với tôi nó có vẻ theo mốt, nhưng tôi sống như vậy. Bây giờ sau mười năm, tôi không có quyền không nói. Tôi nghĩ, không được đùa nữa, bây giờ là phục vụ, và phải trả lời phỏng vấn. Ngắn gọn, đó là một cách giải thích.
Xin cám ơn cha đã giải thích.
Tôi cũng cám ơn bà về những gì bà làm. Làm nhà báo không dễ, đưa tin không dễ, giữ được sự chú ý giữa thực tế, khách quan và tò mò không dễ, đúng không? Vì luôn phải có một cái móc để khơi câu chuyện. Xin cám ơn bà về chuyến đi Ukraine, bà thật can đảm!
Xin cám ơn cha vì tiếng nói của cha rất cần thiết, không chỉ trên thế giới, mà còn ở đất nước Argentina.
Marta An Nguyễn dịch