Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Đức Phanxicô: “Tôi không biết tôi bao nhiêu tuổi, nhưng tôi cảm thấy tôi còn trẻ.”
Hai tác giả Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti tái hợp để nói chuyện với giáo hoàng về mười năm triều giáo hoàng của ngài. Đời sống cá nhân cũng như các vấn đề phá thai, chủ nghĩa tư bản, lạm dụng tình dục và một bí ẩn: ngài có phải là người theo chủ nghĩa Peron không?
Mối quan hệ giữa các tác giả của quyển sách Người Mục tử (El Pastor) và nhân vật chính là Đức Phanxicô không phải là mới. Năm 2010 họ đã xuất bản quyển Tu sĩ Dòng Tên (El Jesuita). Những cuộc trò chuyện với Jorge Bergoglio, quyển sách phỏng vấn linh mục Argentina. Khi Jorge Bergoglio là giáo hoàng năm 2013, quyển Tu sĩ Dòng Tên đã thành quyển sách bán chạy của thế giới. Hai tác giả giải thích với nhà xuất bản Penguin: “Lẽ ra nó phải là phần kết của một hồng y sắp về hưu thì nó lại thành phần mở đầu của giáo hoàng đến từ tận cùng thế giới.”
Kể từ năm 2013 và cho đến nay, hai tác giả Rubin và Ambrogetti vẫn tiếp tục nói chuyện với Đức Phanxicô và đó là thành quả của quyển sách Người Mục tử sẽ được xuất bản trong trong vài ngày sắp tới.
Quý vị đã nói về cái gì?
Chủ yếu là từ những thách thức mà chức vụ giáo hoàng đặt ra cho ngài. Bảo vệ môi trường và hòa bình thế giới. Quyển sách giải thích những đấu tranh của ngài: “Chống tai họa lạm dụng và ủng hộ sự minh bạch về tài chính của Vatican”. Và làm thế nào để Giáo hội ngày càng hiểu rõ hơn những thực tại của thời đại đang chạm đến Giáo hội, dấn thân cho người nghèo và những người bị loại trừ.
Ở đây có một số cụm từ quan trọng xuất hiện trong quyển sách và sau đó là một loạt các câu hỏi cá nhân và câu trả lời của ngài.
Đức Phanxicô trong mười câu:
1. “Điều quan trọng là luôn bảo vệ sự sống, không chỉ từ khi thụ thai, nhưng cho đến khi chết tự nhiên. Hơn nữa, việc phản đối phá thai và không quan tâm đến người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn là chưa đủ. Chúng ta phải đồng hành với người đã phá thai vì chắc chắn đây là một quyết định đau buồn với những hậu quả tâm lý kèm theo.”
2. “Tiền bạc là một cám dỗ rất mạnh. Ma quỷ chui vào túi, tham nhũng bắt đầu bằng tiền và lương tâm được mua bằng tiền. Không may điều này đã xảy ra trong Giáo hội. Nói một cách đơn giản, tại IOR (ngân hàng Vatican) tôi đã phải bị ‘chặt đầu’.”
3. “Không có chỗ nào trong Kinh thánh mà không có điều răn cho khó nghèo. Đúng vậy, người có tâm hồn nghèo khó, người không ham của cải được chúc phúc. Nhưng không có nghĩa sản xuất của cải vì lợi ích của tất cả mọi người là sai. Tôi xin nói thêm: sản xuất là một hành động công lý.”
Đức Phanxicô trong thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô Vatican ngày 31 tháng 12 năm 2021. (REUTERS / Remo Casilli)
4. “Lạm dụng tình dục không chỉ là một tội ác thường nhưng là tội ác nghiêm trọng, thiệt hại của nó là không thể khắc phục được và rõ ràng cần phải có một bản án nghiêm khắc. Quá trình chống lại lạm dụng đã bắt đầu trong Giáo hội trước cuộc bầu cử của tôi đang có kết quả. Báo cáo của bộ Tư pháp Pennsylvania, Mỹ công bố năm 2018 đã phát hiện rất ít trường hợp kể từ năm 2002.
5. “Tôi không lên án chủ nghĩa tư bản như một số người phán xét tôi. Tôi cũng không chống lại thị trường, nhưng ủng hộ điều mà Đức Gioan Phaolô II định nghĩa là “nền kinh tế thị trường xã hội”. Điều này bao gồm sự hiện diện của Nhà nước trong vai trò điều tiết, Nhà nước phải làm trung gian hòa giải giữa các bên. Đó là cái bàn ba chân: Nhà nước, tư bản và lao động.”
6. “Đối với những người bị ‘Giáo hội ruồng bỏ’ (vì tình trạng đồng tính của họ), tôi muốn cho họ biết, đó không phải là ‘Giáo hội ruồng bỏ’ mà là ‘những người trong Giáo hội’; Giáo hội là mẹ và quy tụ tất cả con cái của mình. Còn trường hợp cha mẹ (có con đồng tính) phớt lờ con, lại còn đẩy con đi thì cha mẹ đó thiếu tình phụ tử, mẫu tử.”
Người Mục tử, quyển sách mới về các cuộc trò chuyện với Đức Phanxicô.
7. Hỗ trợ kinh tế của nhà nước cho người thất nghiệp phải là tạm thời để không ảnh hưởng đến công việc. Ngoài ra, chúng ta hãy ghi nhớ, công việc góp phần nâng cao phẩm giá con người, sống nhờ từ thiện và kiếm sống bằng chính nỗ lực của mình lại là chuyện khác.”
8. “Sự vi phạm nhân phẩm và quyền lợi của người lao động không chỉ đến từ một số chủ nhân, mà còn đến từ những công đoàn đã trở nên bệnh hoạn, vì lãnh đạo của họ nâng cao mức sống của họ mà quên đi những người họ đại diện.”
9. “Tôi chưa bao giờ liên kết với đảng Peron, ngay cả tôi cũng không phải là chiến binh hay người ủng hộ chủ nghĩa Peron. Quy cho tôi như thế là nói dối. Tôi cũng không liên kết với Iron Guard. Nhưng trong giả thuyết, có một quan niệm Peron về chính trị, có điều gì sai ở đó không?
10. “Đi Argentina luôn vẫn còn đó. Thật không đúng khi nói tôi không muốn đi”.
Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn
Trước khi làm linh mục, cha có nghĩ đến một con đường khác không?
Đức Phanxicô. Tôi học hóa học ở một trường trung học kỹ thuật và tôi tốt nghiệp sau ba năm thực tập ở một phòng thí nghiệm thực phẩm. Lẽ ra tôi đã tìm được việc ngay lúc đó, nhưng không hiểu vì sao tôi lại không thích. Tôi thích học ngành y hơn và chuẩn bị vào đại học thì ơn gọi đến với tôi.
Cha có nghĩ mình sẽ là bác sĩ không?
Có, có thể, nhưng nó là một cái gì mơ hồ, tôi không thấy rõ lắm. Trên thực tế, những gì tôi thực sự muốn là tôi đã làm.
Em gái của cha nói cha học trong một căn phòng nhỏ và một ngày nọ, khi mẹ cha dọn dẹp phòng, bà thấy các sách vở của cha là sách thần học. Khi mẹ hỏi vì sao không có sách y khoa, cha nói cha sẽ là bác sĩ của linh hồn.
Đúng, tôi nhớ rõ chi tiết này.
Là người mê bóng đá. Đức Phanxicô với Diego Maradona năm 2018.
Hầu hết những người chung quanh giáo hoàng là những người thân tín, những người biết cha, những bạn thân. Vì sao cha không mời ai từ Argentina về với cha?
Đúng vậy, tôi không có. Trong những năm đầu tôi có linh mục người Argentina Fabián Pedacchio làm thư ký, nhưng linh mục đã ở Rôma trước rồi. Tôi thích làm thủ môn. Trong cuộc sống, mình phải bắt quả bóng khi chúng đến.
Khi còn trẻ cha có là thủ môn không?
Có, nhưng vì một lý do khác: như người Argentina hay nói, đó là “cú đá”.
Và có cứu được không?
Có, nó bị chận lại.
Như khi còn ở Buenos Aires, cha tiếp tục gọi điện cho nhiều người để mừng sinh nhật họ. Làm thế nào để cha nhớ tất cả mọi người?
Rất đơn giản, tôi có quyển sổ. Nhưng những người trong gia đình thì tôi nhớ hết. Đúng là tôi có một trí nhớ tốt, dù đôi khi trí nhớ của tôi chọn lọc. Có những thứ tôi không muốn nhớ, nhưng có những thứ khác lại ở trong đầu tôi.
Không có điện thoại di động. Đức Phanxicô đang nghe tin nhắn từ điện thoại của một nhà báo năm 2017. (REUTERS / Stefano Rellandini)
Ngoài những ngày sinh nhật, số lượng người cha gọi điện, những người cha đích thân viết và viết tay thật đáng ngạc nhiên. Làm sao cha có đủ thì giờ để làm?
Tôi tìm thì giờ, nhưng đừng quên là tôi ngủ ít. Liên lạc với mọi người là rất quan trọng với tôi và người quen của tôi biết điều này. Khi có thể, tôi gọi cho những người viết thư cho tôi, đặc biệt là những người cần được an ủi hoặc những người lớn tuổi neo đơn. Tôi luôn như vậy.
Cha có dùng điện thoại di động không?
Tôi không có điện thoại di động. Người ta có cho tôi một lần, nhưng tôi đã trả lại.
Cha từng nói cha là giáo hoàng 24 giờ một ngày, dù đôi khi cha giao việc cho Chúa Thánh Thần. Mức độ làm việc của cha như thế nào?
Điều này tùy vào hoàn cảnh, nhưng đôi khi tôi cũng phải tự nhủ: phải chăm sóc bản thân.
Chữ nào là chữ chính cho triều giáo hoàng của cha?
Gần gũi.
Lòng thương xót?
Sự gần gũi dẫn đến lòng thương xót.
Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti, các tác giả của –Người Mục tử”
Giáo hoàng có nhận lương không?
Không, và vì thế tôi xin các cộng sự của tôi xem lại đơn xin tăng lương của họ.
Một nhân vật trong giới văn hóa Ý nói cha là một nghệ sĩ vì đầu óc sáng tạo của cha khi cha làm giáo hoàng. Cha có cảm thấy như vậy chút nào không?
Là nghệ sĩ là điều rất cao quý. Thế giới sẽ ra sao nếu không có nghệ sĩ! Nhưng trong trường hợp của tôi, vì nhiệm vụ của tôi, nó giống như một nhân cách đôi. Như thể tôi đang kể lại một vai diễn, đại diện cho một điều mà tôi không phải vậy. Đúng là đôi khi tôi làm những điều mới mẻ đến từ một giáo hoàng. Theo nghĩa đó, đúng, tôi cảm thấy tôi có một chút tinh thần sáng tạo.
Jorge Bergoglio khác với Phanxicô như thế nào?
Không khác gì và khác tất cả.
Có nghĩa là?
Trong sự phát triển của mỗi người luôn có sự nối tiếp và khác biệt. Về bản chất, một người là cùng một người, và chúng ta phải trau dồi ý thức liên tục, nhưng chúng ta thay đổi khi đối diện với các tình huống và cách chúng ta giải quyết chúng.
Còn hơn thế, những người như chúng tôi đã biết cha ở Buenos Aires, chúng tôi thấy cha vẫn là con người cũ…
Tôi cũng nghĩ vậy. Như tôi đã nói trước đây, nếu bây giờ tôi thay đổi, tôi sẽ thành lố bịch.
Năm tháng trôi qua… Cha có thấy mình già không?
Tôi thường dùng từ đó để định nghĩa những người ở tuổi tôi, nhưng tôi không cảm thấy như vậy… Tôi cảm thấy mình còn trẻ. Tôi không biết mình bao nhiêu tuổi, nhưng tôi cảm thấy mình còn trẻ.
Trái tim còn trẻ, Đức Phanxicô thổi bánh sinh nhật năm 2015. (EFE)
Khi nhớ lại thời thơ ấu, cha có xem đó là giai đoạn tươi đẹp trong cuộc đời mà cha đã hạnh phúc. Bây giờ cha có hạnh phúc không?
Có, tôi là người hạnh phúc. Tôi trong thời thơ ấu và trong suốt cuộc đời linh mục của tôi. Tôi vẫn vậy.
Cha có công thức không?
Tôi hạnh phúc vì tôi theo đuổi ơn gọi của tôi và tôi có thể phát triển nó. Nhưng tôi không có công thức, nếu có, tôi đã bán rồi…
Là chìa khóa để mở ra với người khác?
Đúng, nó rất hữu ích. Than van với vết đau không bao giờ làm mình hạnh phúc.
Nỗi buồn được chia sẻ là nỗi buồn ít hơn…
Người ta nói trong hôn nhân: chia sẻ niềm vui là niềm vui nhân đôi và chia sẻ nỗi buồn là nỗi buồn vơi một nửa.
Cha đã nói với chúng tôi, điều tốt nhất khi làm giáo hoàng là có thể mang an ủi đến cho nhiều người, và điều tệ nhất là không thể làm những gì mình muốn làm. Điều gì cha muốn làm mà không được?
Đi ra đường.
Đức Bênêđictô XVI bị suy yếu và quyết định từ nhiệm. Cha thường nói ngài tạo một tiền lệ?
Đúng. Ngài đã thể chế hóa việc từ nhiệm. Chúng ta nên nhớ bây giờ con người sống thọ hơn, nhưng năm tháng trôi qua sẽ không làm cho mình còn sức sống nữa, đó là chuyện tự nhiên.
Một câu hỏi giả định: nếu cha từ nhiệm, cha sẽ sống những năm cuối đời ở đâu?
Nói chung, một giám mục ở lại trong giáo phận cuối cùng của mình. Vì tôi là giám mục của Rôma nên tôi sẽ đến nhà hưu dưỡng của các cha già ở Rôma.
Cha có nghĩ trong tương lai cha sẽ từ nhiệm không?
Cho đến bây giờ tôi chưa nghĩ, nhưng đơn từ nhiệm của tôi đã ở đó…
Ý cha ‘ở đó’ là sao?
Là đã ký. Nó nằm trong ngăn kéo trong trường hợp tôi bị bệnh, tôi không thể tiếp tục được…
Chân dung của người kế nhiệm cha nên như thế nào?
Đó là của Chúa Thánh Thần, Ngài nhìn thấy…
Marta An Nguyễn dịch