skip to Main Content

Từ Bergoglio đến Phanxicô: đổi mới và truyền thống của một giáo hoàng trong lịch sử

 

Đức Gioan-Phaolô II và hồng y Bergoglio tại công nghị  năm 2001

Một tài liệu được giáo sư Massimo Borghesi biên tập và được nhà xuất bản Studium phát hành, thu thập các ý kiến của mười bốn chuyên gia về nhiều chủ đề liên quan đến giáo hoàng. Từ mối quan hệ với các vị tiền nhiệm, đến mối quan hệ với vùng ngoại vi, với văn hóa Nam Mỹ, và đến vai trò của ngài trên chính trường quốc tế.

vaticannews.va, Michele Raviart, Vatican, 2021-02-10

Kể lại mười năm sâu đậm, đôi khi đầy kịch tính trong triều giáo hoàng Phanxicô bắt đầu từ kinh nghiệm của ngài ở Buenos Aires đến việc hình dung ra tương lai của Giáo hội. Đây là điều mà mười bốn chuyên gia và học giả đề xuất trong các tiểu luận của họ được thu thập trong tập “Từ Bergoglio đến Phanxicô. Một triều giáo hoàng trong lịch sử”, được giáo sư Massimo Borghesi, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Perugia biên tập, được nhà xuất bản Studium phát hành và giới thiệu hôm qua tại Đại học Lumsa ở Rôma.

Từ mối quan hệ với những vị tiền nhiệm, đến mối quan hệ với các vùng ngoại vi và văn hóa Nam Mỹ, đến sự đóng góp của Fratelli Tutti và vai trò trên chính trường quốc tế, mục tiêu là để hiểu giáo hoàng Phanxicô đổi mới như thế nào và trong sự tiếp nối với truyền thống.

Giáo hội truyền giáo và Giáo hội mở ra của Đức Phanxicô

Giáo sư Massimo Borghesi giải thích: “Sự đóng góp ban đầu chắc chắn nằm ở việc phục hồi một Giáo hội đã thu vào chính mình và như chính Đức Phanxicô từng nói, như thế là có nguy cơ thành ‘giáo quyền’, để khởi động lại Giáo hội trong viễn cảnh truyền giáo và mở ra như Đức Phanxicô thường nhấn mạnh: ‘Đó là phạm trù của một Giáo hội ra đi, một Giáo hội là bệnh viện dã chiến, tiêu chuẩn cho một chiều kích đức tin mà toàn thể Giáo hội được mời gọi khám phá lại’. Và đây là chiều kích người nghèo, đi theo trục lộ chính là lòng thương xót, mà đức tin có thể đến được với con người hiện đại.”

Tornielli: Con đường của lòng thương xót và gặp gỡ

Trên thực tế, con đường của lòng thương xót như ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông nhấn mạnh, là một trong những chìa khóa để giải thích triều của ngài. Một khái niệm đã được nói lên trong giờ Kinh Truyền Tin đầu tiên ngày 17 tháng 3 năm 2013 và sau đó được lặp lại trong Năm Thánh ngoại thường dành cho chủ đề lòng thương xót. Lòng thương xót không phải chỉ là một ‘việc tốt’ và không bao giờ là đủ, vì như một bà cụ muốn được giám mục phụ tá giáo phận Buenos Aires, Bergoglio lúc đó giải tội, bà nói, “nếu Thiên Chúa không tha thứ, thì cả thế giới này sẽ không tồn tại”. Bản thân Giáo hội, như chính Đức Phanxicô nhắc lại, không ở trong thế giới để lên án nhưng để cho phép cuộc gặp chủ yếu với lòng thương xót của Thiên Chúa. Như thế phải trở về với loan báo đầu tiên, vì tình yêu đến trước cuộc gặp và lòng thương xót Chúa, đó là việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên.

Buttiglione: nối tiếp với Đức Gioan Phaolô II

Ông Rocco Buttiglione, cựu Bộ trưởng Di sản và Hoạt động Văn hóa Ý, nhấn mạnh cuộc gặp với Chúa Kitô là vấn đề của tình yêu. Thật vậy, một người trở thành kitô hữu khi họ đặt trung tâm cảm xúc của mình vào Chúa Kitô, một khái niệm không trừu tượng, nhưng được thực hiện với cuộc gặp với các tín hữu kitô cụ thể, sau đó là với Giáo hội. Trong bài tiểu luận của mình, ông Buttiglione nhấn mạnh một số điểm liên tục giữa Đức Phanxicô và Đức Gioan Phaolô II, ông cố gắng vượt qua một số khuôn mẫu. Trong chuyến tông du quốc tế đầu tiên của giáo hoàng Wojtyla tới Mexico năm 1979, sự đóng góp của nhóm các nhà thần học thân cận với Bergoglio rất quan trọng, với các bài phát biểu lên án thần học giải phóng lệch lạc của chủ nghĩa mác-xít, đồng thời nhìn nhận sự cần thiết của một thần học đặc thù cho châu Mỹ Latinh. Về vấn đề người ly dị, việc mở ra với tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia không gì khác hơn là hệ quả của con đường mà Đức Gioan Phaolô II đã bắt đầu với việc hủy bỏ vạ tuyệt thông.

Pierangeli: Những nhà văn yêu thích của Đức Phanxicô

Giáo sư Fabio Pierangeli, giáo sư văn học tại Đại học Rôma Tor Vergata và là tác giả của một bài tiểu luận dành riêng cho chủ đề này, là một trong số các nhà văn yêu thích của Đức Phanxicô, ông nói: “Borges, Camus, Hưlderling là những nhà văn yêu thích của Đức Phanxicô. Nếu tôi phải chọn một từ liên kết họ với nhau, thì đó sẽ là ‘bồn chồn’, một từ mà Đức Phanxicô triển khai trong hướng đi tới đức tin của ngài. Còn tác giả Ý thì có Manzoni, tôi nghĩ đến trang tuyệt vời Không tên, một trong những trang Đức Phanxicô nghiên cứu nhiều nhất và luôn theo sát ngài như lời cảnh báo về nhận thức một cuộc gặp mà với ngài, nó đã thay đổi cuộc đời ngài.” Ông kết luận: “Trong các bài phát biểu của ngài có hai yếu tố, những trích dẫn trực tiếp từ những tác giả này và sau đó là tính văn học làm chúng ta nhận ra, dù ngài không trích dẫn chúng, sự có mặt của các tác giả này trong các bài phát biểu của ngài. Vì vậy, có hai hướng dẫn: những trích dẫn rõ ràng từ các nhà thơ châu Âu và Argentina và những trích dẫn khó hiểu hơn một chút là một phần trong nền tảng văn hóa của ngài.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Back To Top