Tại hội thảo thánh nhạc lần thứ 46 diễn ra ở Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM vừa rồi, một số vấn đề xoay quanh việc chuẩn nhận thánh nhạc và sử dụng thánh ca trong phụng vụ đã được đặt ra. Linh mục nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc HÐGMVN đã dành cho phóng viên báo Công giáo và Dân tộc cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV: Xin cha cho biết về quy trình chuẩn nhận các bài thánh nhạc hiện nay?
– Linh mục nhạc sĩ Rôcô: Ðể một bài hát mới sáng tác được dùng trong phụng vụ, tác giả gởi bài hát đến Ban Thánh nhạc giáo phận hay Ủy ban Thánh nhạc để xin duyệt lời ca và nhạc (giai điệu, hòa âm…). Các anh em trong Ban Thánh nhạc sẽ duyệt và góp ý sửa lời ca cho đúng giáo lý và nhạc đúng với quy luật sáng tác. Nếu tác giả đồng ý, cha Trưởng Ban Thánh nhạc giáo phận, hoặc cha Thư ký Ban Thánh nhạc xác nhận không có gì ngăn trở (Nihil obstat). Căn cứ bài hát đã được xác nhận Nihil obstat, Giám mục sẽ ký cho phép dùng trong Phụng vụ (Imprimatur).
Ủy ban Thánh nhạc trong thời gian vừa qua đã có những hoạt động, đóng góp như thế nào trong việc phê chuẩn các bài thánh nhạc?
– Trong thời gian vừa qua, từ các cuộc hội thảo và Ðại hội Thánh nhạc, UBTN đã nhiều lần lưu ý các nhạc sĩ cần nắm vững những tiêu chuẩn và đòi hỏi của một bài thánh ca mà Giáo hội hướng dẫn khi muốn sáng tác một bài thánh ca mới. Chúng tôi cũng đã phổ biến các ý kiến của Ðức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, cha giáo Kim Long, cha Mi Trầm về những kinh nghiệm để viết thánh ca, góp ý về việc sáng tác thánh ca (đã in trong nội san Hương Trầm 7, 8, 9, 10). Sau khi được góp ý, các tác giả cũng đã được trang bị thêm nhiều hiểu biết và kinh nghiệm sáng tác thánh ca.
Có những thuận lợi và khó khăn gì trong mục vụ này, thưa cha?
– Khó khăn trước hết là nhân sự và thời gian, các bài hát mới gởi về cho Ủy ban Thánh nhạc thì quá nhiều mà anh em chỉ gặp nhau mỗi tuần 2 lần, ít thời gian nên những người sáng tác phải chờ lâu. Một khó khăn nữa là các tác giả viết nhanh và muốn duyệt nhanh nên hối thúc Ủy ban Thánh nhạc sớm trả lời. Nhiều khi, họ chưa nhận ra ý nghĩa đích thực của thánh ca, đó không phải là thứ “mì ăn liền” nên cần có thời gian cầu nguyện và suy nghĩ. Tuy nhiên, Ủy ban Thánh nhạc qua tiến trình duyệt xét các bài hát mới đã có những gợi ý cho các đề tài thuyết trình; càng nhiều người viết sẽ làm phong phú thêm kho tàng thánh nhạc Việt Nam.
Các ca đoàn cần chọn lựa bài hát cho hợp với tinh thần phụng vụ |
Một trong những yêu cầu khi sử dụng thánh nhạc là chọn bài hát sao cho đúng tinh thần phụng vụ. Chúng con rất mong cha giải thích và gợi mở thêm về điều này?
– Ðể chọn bài hát sao cho đúng tinh thần phụng vụ, ca trưởng cần nắm vững văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (HDMVTN) các số từ 116 đến 125, nghĩa là cần lưu ý xem xét rồi mới chọn bài theo những tiêu chuẩn sau:
- Về phương diện phụng vụ: Trong nghi thức cụ thể này, bài hát này có đáp ứng được những đòi hỏi về bản văn và cấu trúc mà sách phụng vụ đã xác lập không? Thí dụ: bài ca nhập lễ khác bài ca tiến lễ…
- Về phương diện mục vụ: Xét đến cộng đoàn nhất định, quy tụ lại để cử hành phụng vụ ở một nơi nhất định và vào một thời điểm nhất định, bài hát này có góp phần tăng thêm sự thánh hóa các thành phần trong cộng đoàn phụng vụ bằng cách giúp họ đến gần hơn với mầu nhiệm thánh đang được cử hành không? Tác phẩm có tăng cường việc giáo dục đức tin cho họ bằng cách mở lòng họ trước mầu nhiệm được cử hành trong dịp lễ này hoặc trong mùa phụng vụ này không? Bản thánh ca có khả năng diễn tả đức tin mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ và kêu gọi họ đến cử hành không? (HDMVTN, số 120). Và trả lời câu hỏi xưa nay: Bài hát này có thôi thúc được những con người này đến gần với mầu nhiệm Ðức Kitô là trọng tâm của cuộc cử hành phụng vụ này không? (x. HDMVTN, số 122)
- Về phương diện Âm nhạc: hãy đặt câu hỏi rằng bài hát (hoặc đoạn nhạc) sẽ chọn có những đặc tính thẩm mỹ cần thiết hay không, hầu có thể chuyển tải được ý nghĩa phong phú của những mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Một câu hỏi khác nữa là: Bài hát này có giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và biểu cảm không? (x. HDMVTN, số 123)
Cha có thể chia sẻ đôi nét những định hướng, chương trình hoạt động của Ủy ban Thánh nhạc trong thời gian sắp tới?
– Ủy ban Thánh nhạc sẽ tiếp tục xem xét và cẩn trọng chọn những bài thánh ca còn lại (mà chưa chọn trong Thánh ca Việt Nam, quyển 1 và 2) để phổ biến tuyển tập Thánh ca Việt Nam, quyển 3. Hướng dẫn cách dệt nhạc Cung Chủ tế và hoàn thành một Cung Chủ tế chung cho các cộng đoàn; Giới thiệu một Bộ lễ chung cho các cộng đoàn; Soạn Cung hát Thánh vịnh Ðáp ca (sau khi sách Bài Ðọc trong thánh lễ được Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức ban hành và phổ biến, qua Ủy ban Phụng tự đảm nhiệm dịch thuật và in ấn).
Ước mong tất cả là “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn!”.
Chúng con xin cảm ơn cha!