skip to Main Content

Giải đáp của Bộ PT-KLBT về CHUẨN BỊ LỄ VẬT; XÔNG HƯƠNG; NGHI LỄ RỬA TAY

Giải đáp của Bộ PT-KLBT về CHUẨN BỊ LỄ VẬT; XÔNG HƯƠNG; NGHI LỄ RỬA TAY

CHUẨN BỊ LỄ VẬT

Câu hỏi: Ý nghĩa đích thực của nghi thức dâng lễ là gì? Mô tả về phần dâng lễ trong thánh lễ đã chỉ ra rằng nghi thức này chỉ là sự “chuẩn bị” lễ vật và đặt chúng trên bàn thờ. Ðây là những lễ phẩm của dân chúng dành cho Giáo hội và cho người nghèo, hoàn toàn không phải là việc “tiến dâng” hy tế.

Trả lời: Lịch sử dạy rằng nghi thức dâng lễ là một hành động chuẩn bị cho hy tế trong đó linh mục và các thừa tác viên tiếp nhận lễ vật do dân chúng mang lên. Ðây là những yếu tố dành cho việc cử hành (bánh và rượu) và những lễ phẩm khác có ý định dành cho Giáo hội cũng như cho người nghèo. Ý nghĩa của sự chuẩn bị này luôn luôn được coi như thể là dâng lễ, mặc dù các công thức thực ra đã không diễn tả một cách đầy đủ đây là dâng lễ và cũng không được viết ra trong ngôn ngữ hy tế. Nghi thức mới làm nổi bật nét riêng này trong một ánh sáng rõ ràng hơn qua các phương thế: đó là sự tham gia tích cực của các tín hữu trong việc trình bày lễ vật cũng như bằng các công thức mà vị chủ tế đọc khi đặt các yếu tố [bánh & rượu] dùng cho việc cử hành Thánh Thể lên trên bàn thờ (Notitiae 6 [1970] 37, no. 25).

Cập nhật: Các tài liệu của Giáo Hội hiện nay như Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma [2002] và Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo [1992](= GLCG) gọi phần chuẩn bị các yếu tố vật chất để dâng lễ là chuẩn bị lễ vật (praeparatio dononum – QCSL, các số 73; 77; 214) hay trình bày lễ vật (praesentatio dononum – QCSL, các số 306; 390; GLCG, số 1350) thay cho hạn từ “dâng lễ” (offertorium) trước đây (vốn được sử dụng từ Sách lễ 1570) vì muốn dành từ ngữ “dâng lễ” cho việc hiến dâng Mình và Máu Ðức Giêsu diễn ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể. Chỉ sau khi bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, lúc ấy chúng ta mới chính thức tiến dâng lên Chúa Cha Của Lễ là chính Chúa Kitô (QCSL 79f).

XÔNG HƯƠNG

Câu hỏi: Trong thánh lễ được cử hành khá long trọng với sự tham dự của cộng đoàn, những cách thức xông hương khác nhau vẫn được sử dụng: cách thứ nhất, đơn giản và không rườm ra; còn cách kia, tương tự như nghi lễ xông hương được quy định trong Sách lễ Rôma trước đây. Vậy ta nên theo cách nào?

Trả lời: Ðừng bao giờ quên rằng Sách lễ của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI (từ năm 1970) đã thay thế Sách lễ vốn được gọi không đúng lắm là “Sách lễ của thánh Piô V”, và đây là sự thay thế hoàn toàn, trong cả bản văn lẫn chữ đỏ. Bởi vậy, khi chữ đỏ trong Sách lễ của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI không nói gì hoặc chỉ nói một chút về những điều cụ thể ở một số chỗ, thì không nên suy đoán rằng phải tuân giữ theo nghi thức cũ. Do đó, các cử chỉ phức tạp và rườm rà khi xông hương như được quy định trong Sách lễ cũ (xem “Missale Romanum”, Vatican Polyglot Press, 1962: “Ritus servandus” VIII and “Ordo incensandi” pp. LXXXLXXXIII) sẽ không được tiếp tục nữa. Trong khi xông hương, vị chủ tế (x. QCSL [1975] các số 51 và 105) tiến hành như sau: (a) đối với các lễ phẩm: ngài xông 3 lần y như khi thầy phó tế xông hương Sách Phúc âm (giữa – trái – phải); (b) đối với thánh giá: ngài xông hương 3 lần khi tới trước đối tượng này; (c) đối với bàn thờ: ngài xông hương liên tục khi đi quanh bàn thờ, không phân biệt giữa bàn thờ và chân bàn thờ (Notitiae 14 [1978] 301-302, no. 2).

NGHI LỄ RỬA TAY

Câu hỏi: Có thể bỏ nghi lễ rửa tay khi cử hành thánh lễ không?

Trả lời: Không được. (1) Cả QCSL [1970] (số 52, 106, 222) và Nghi thức Thánh lễ [1969] (Thánh lễ với cộng đoàn, số 24; không có cộng đoàn, số 18) đều tỏ cho thấy rửa tay (“Lavabo”) là một trong những nghi lễ đã được quy định trong phần chuẩn bị lễ vật. Chúng ta không thể bỏ đi nghi thức này vì ý nghĩa của nó là “nói lên lòng ao ước được thanh tẩy nội tâm [của linh mục]” (QCSL [1970] số 52). Trong quá trình làm việc của Consilium liên quan đến Nghi thức Thánh lễ, đã có một số cuộc tranh luận về giá trị và vị trí được chỉ định đối với nghi lễ rửa tay “Lavabo”, ví dụ, liệu nghi thức này nên được cử hành trong im lặng hay đi kèm với một bản văn; tuy nhiên, điều người ta nhất trí là phải giữ lại nghi lễ rửa tay. Mặc dù không thấy bất cứ có lý do thực tế nào cho hành động rửa tay kể từ lúc khởi đầu thời Trung cổ, nhưng biểu tượng của nó là hiển nhiên và được mọi người hiểu thấu (x. PV 34). Nghi thức này được áp dụng trong tất cả các nghi lễ của phương Tây. (2) Hiến chế Phụng vụ Thánh (PV 37-40) đã phác thảo ra những phần thích nghi của nghi lễ vốn được đề xuất bởi các Hội đồng Giám mục và rồi đệ trình lên Tòa Thánh. Những thích nghi như vậy phải dựa trên những lý do nghiêm trọng, chẳng hạn, do văn hóa và quan điểm đặc thù của dân chúng, do cách sử dụng trái ngược và không thể thay đổi, do thiếu khả năng thích ứng thực tế đối với một số nghi thức mới mẻ vì chúng xa lạ với bản tính của người dân. (3) Ngoài những khoản miễn trừ đã được hình dung không nằm trong chữ đỏ và các bản dịch khác nhau của bản văn (x. Consilium, Instr. 25/01/1969), Nghi thức Thánh lễ được trình bày như một đơn vị duy nhất có cấu trúc tổng quát và các thành phần riêng lẻ mà phải được tôn trọng một cách chính xác. Sự lựa chọn tùy ý cử hành hay không theo ý cá nhân hoặc ý cộng đồng sẽ sớm dẫn đến sự hủy hoại cả một công trình đã được xây dựng cách chu đáo và kiên trì (Notitiae 6 [1970] 38-39, no. 27).

LM Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

Back To Top