KINH MÂN CÔI, CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT SINH TỬ …
YÊU THƯƠNG DẬP TAN HẬN THÙ
27/2 Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
St 26:16-19; Tv 119:1-2,4-5,7-8; Mt 5:43-48
YÊU THƯƠNG DẬP TAN HẬN THÙ
Đọc Tin Mừng, ta thấy những giá trị đích thực trong giáo huấn yêu thương và công bằng của Chúa Giêsu:
Thời Cựu ước, luật yêu thương được hiểu là không hại người anh em, phải yêu thương đồng loại “ngươi không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (LV 19, 18).
Và ta thấy trong sách Huấn Ca, tác giả cũng nhắc nhở dân rằng không được oán hờn, giận dữ anh em mình, vì nến ghét đồng loại. Nhìn chung, trong Cựu ước luật yêu thương là yêu thương những người đồng bào –nghĩa là những người Do Thái. Còn những người khác là ngoại bang, là kẻ thù, không được thương và cũng không được giúp đỡ; phải tránh xa (Đnl 20, 13-17; 23, 4-5; 25, 17-19). Luật công bằng cũng hiểu là: “mắt đền mắt, răng đền răng”.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Chúa Giêsu rất thông hiểu về luật lệ Do Thái, có lẽ chính vì hiểu rất rõ những điều còn thiếu sót trong luật lệ Do Thái, nên Chúa Giêsu đã kiện toàn và làm trọn vẹn Luật Yêu Thương một cách độc đáo và triệt để. Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: ‘Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con’” (Mt 5,43-44). Thánh Phaolô cũng tiếp lời giáo huấn của Chúa Giêsu khi nói: “Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ… Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn; nó khát hãy cho nó uống. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12:14, 20-21).
Và ta thấy Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải khước từ báo oán, phải tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù nữa, bởi vì: “Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Ngài mời gọi các môn đệ hãy tha thứ vô điều kiện: “Không phải chỉ tha 7 lần nhưng là 70 lần 7”.
Giáo luật yêu thương của Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Luật yêu thương của Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù.
Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan và tránh được vòng luẩn quẩn của bạo động và chiến tranh. Chọn lựa con đường bất bạo động không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay là chọn lựa của kẻ yếu thế, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý; chọn lựa con đường bất bạo động, và không trả thù là sự am hiểu thấu đáo và lòng tin tưởng rất lớn nơi khả năng yêu thương và được yêu thương tận đáy thâm sâu của mỗi con người; chọn lựa con đường yêu thương hòa bình đòi hỏi sự kiên nhẫn, chấp nhận chịu thua thiệt, bị đàn ác…nhưng có thể mở ra một chuyển đổi mới cho một trật tự mới.
Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn nếu nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ: “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đó là một chân lý! Đức Khổng Tử cũng đã dạy học trò: “Dĩ đức báo oán”, nghĩa là phải làm điều tốt để đáp lại điều xấu của kẻ thù của mình. Đức Phật Thích Ca suốt đời tìm cách giải thoát con người khỏi đau khổ, cũng dạy các đệ tử như sau: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”.
Và Thánh Gandhi của dân tộc Ấn độ, đã nêu ra học thuyết “bất bạo động” làm phương thế đấu tranh và đã giải phóng được nước Ấn thoát khỏi ách khỏi ách thống trị của thực dân Anh, cũng nói như sau: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ cho nhau”. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác.”
Học biết yêu thương, tha thứ và hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù là điều chắc chắn không đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được. Chúa Giêsu đã làm điều đó và cũng nhiều môn đệ của Chúa Giêsu đã noi theo. Xin Chúa cho mỗi người chúng con mỗi ngày biết học nơi Chúa giáo luật biết yêu thương và cầu nguyện cho người khác-ngay cả những người xem ra đối kháng, chống đối và thậm chí bách hại chúng con.