skip to Main Content

Tuyên tín

4.8 Thánh Gioan Vianney, Lm

Gr 31:31-34; Tv 51:12-13,14-15,18-19; Mt 16:13-23

Tuyên tín

Thánh Gioan Vianney chức linh mục vì ngài lớn tuổi và trí tuệ không được như nhiều người khác. Ngài được lãnh sứ vụ linh mục năm 1815. Năm 1818, ngài được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một giáo xứ bé nhỏ, ít giáo dân thuộc miền Dombes. Ngài là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Ngài qua đời năm 1859.

Thánh linh mục Gioan Maria Vianney là một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử, thực thi lòng bác ái tuyệt đỉnh, con người đầy tình thương xót và chạnh lòng tha thứ…

“Con Người là ai?” –Một câu hỏi liên quan trực tiếp đến ơn cứu độ. Nếu không biết Đức Giêsu là ai, thì không thể đi theo Ngài, không thể tin vào Ngài và không thể lãnh ơn cứu độ từ Ngài. Người ta có những cái nhìn khác nhau về Đức Giêsu: là Gioan Tẩy Giả; là Êlia; là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ… Người ta có thể hiểu lệch lạc, nhưng người môn đệ thì không thể, vì họ là những chứng nhân về Đức Giêsu. Ngay cả thánh Phêrô, người đã đưa ra câu trả lời chính xác về câu hỏi “Thầy là ai?” (c.16) nhưng rồi cũng không thể hiểu hết ý nghĩa danh xưng ấy là gì. Biết Thầy là ai, không phải để can thiệp cho Thầy (c.22); mà là để bước theo Thầy (c.23).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chương 16 câu 13-23, chúng ta cùng chú ý về 2 nhân vật chính trong cuộc đối thoại khá lý thú này. Đó là Đức Giêsu và Tông đố Phê-rô.

Khi Thầy trò đến thành Xê-da-rê Philipphê, thì Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình một vấn nạn mà dân chúng đang xôn xao về danh tánh của Ngài. Người ta thắc mắc và bàn luận với nhau, có kẻ cho rằng Ngài là một vị ngôn sứ thời xưa, thậm chí là Gioan Tẩy Giả mới bị trảm quyết. Điều Chúa Giêsu quan tâm không phải là danh tánh của Ngài đã được dân chúng thừa nhận hoặc suy tôn, nhưng là “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c.15).

Chúa Giêsu muốn các môn đệ không nghe dân chúng xôn xao bàn luận mà ngả theo, nhưng là lập trường của chính các ông: Thầy là ai, đối với anh? Thầy ở đâu? Chiếm vị trí nào trong tâm trí, trong suy nghĩ của các anh? Các anh là những người theo Thầy bấy lâu, vậy các anh nghĩ gì về Thầy? Câu hỏi này có lẽ khiến các môn đệ dừng lại suy nghĩ không ít. Và thánh sử viết tiếp: “Simon, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c.16). Có lẽ bấy giờ Phêrô trả lời, nhưng chẳng hiểu mình đang nói gì hoặc ông đã trích dẫn lời Kinh Thánh của ngôn sứ Nathan trong 2 Sm7,14; bởi vì sau đó ông đã ngăn cản con đường Thập Giá của Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng, lời Phêrô vừa nói ra do chính Chúa Cha mặc khải.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng đang tra vấn mỗi người chúng ta: “Phần con, con nói Ta là ai?”, nhất là đối với những người đang làm công tác rao giảng Tin Mừng. Vì khi chúng ta xác định: Đức Kitô là ai, chúng ta là ai, thì lời rao giảng mới có thần lực, mới không bị lệch lạc. Nhiều khi mang danh là dẫn người khác đến với Chúa, chúng ta lại đưa họ đến với cá nhân chúng ta qua việc khẳng định cái tôi trong lời giảng dạy hoặc trong tổ chức lúc đó. Đức Kitô bị lu mờ trong lối sống “cha chú”, ăn trên ngồi trước hoặc tư tưởng sai khiến” của chúng ta, chứ không còn là lòng yêu thương, tinh thần phục vụ và dấn thân cho người nghèo khổ.

Con đường Đức Kitô đi là con đường Thập Giá mà người tông đồ xưa đã cản và chính chúng ta ngày nay cũng cố tình “phớt lờ” hoặc né tránh. Chúa Giêsu nói với Phêrô cũng là nói với chúng ta “lui lại đàng sau Thầy…” (c.23) vì đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, không là cách thức riêng của Thầy.

Ngày nay, trên bước đường truyền giáo, người tông đồ có ngồi bên chân Chúa để kiểm duyệt lại xem đây có phải là tư tưởng của Chúa hay của cá nhân tôi? Công việc tôi đang làm có tôn vinh Chúa hay mưu cầu lợi ích cá nhân tôi? Tôi đang làm cho danh Chúa cả sáng hay làm rạng rỡ tên tuổi của tôi? “Lui lại đàng sau Thầy” là hãy bước vào con đường của Thầy giẫm lên dấu chân của Thầy. Đường của Thầy là con đường Thập Giá, là hi sinh tính mạng vì bạn hữu, là yêu đến cùng, không tính toán, vô vị lợi.

Lời của Chúa Giêsu không còn chỉ là một lời thách đố tận cùng, nhưng còn là lời của Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống. Đó hiển nhiên là lời hứa cho mai sau, nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay, ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Kitô, vì niềm say mê Tin Mừng của Ngài.

Dù cho người ta nói Đức Giêsu là ai, mỗi người chúng ta cần phải tự mình khám phá một câu trả lời trọn vẹn cho chính mình. Câu trả lời trọn vẹn về Chúa Giêsu chỉ đến từ Thiên Chúa và Kinh Thánh là nguồn mạc khải chính xác về Ngài. Nói như thánh Giêrônimô: “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Và hơn nữa, “biết Đức Kitô” không chỉ về mặt tri thức mà là biết với tất cả tâm tình yêu mến và bằng cả cuộc sống nữa.

Back To Top