Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Giá Trị Của Khổ Ðau
5.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Tám Mùa Quanh Năm
Nk 2:1,3; Đnl 32:35-36,39,41; Mt 16:24-28
Giá Trị Của Khổ Ðau
Tin mừng hôm nay trực tiếp đưa chúng ta đối diện với thế gian. Một sự đối diện thẳng thắn chứ không phải nửa vời, “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24). Trong nhiều trường hợp, khi đối diện với sự đau khổ tạo ra bởi chính mình hoặc bởi người khác, chúng ta có thể thường nghe hay thường tự nhủ, “Chúng ta phải chấp nhận những đau khổ mà Chúa gởi đến; Đây là ý Chúa…,” và chúng ta tiếp tục tiếp nhận những hy sinh trong cùng một cách thức mà chúng ta thường thu nhặt những giấy biên nhận buôn bán, với hy vọng sau này sẽ trình với bộ phận kiểm tra sổ sách trên thiên đàng khi đến ngày chúng ta được gọi đến trình diện trước mặt Chúa để trao sổ sách của mình cho Người.
Tuy nhiên, vếu làm vì lý do này, đau khổ tự nó sẽ có rất ít giá trị bởi vì Chúa Giêsu không phải là người vô cảm giác: Người đang đói khát, Người đang mệt mỏi, Người không muốn bị bỏ rơi. Người chờ đợi người khác giúp đỡ …Và ở đâu có thể, Người xoa dịu sự đau đớn, thể lý hoặc tâm linh. Chúng ta phải làm gì?
Rất đơn giản. Trước khi vác Thánh giá của chính mình thì điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là theo Chúa Giêsu. Đây không phải vấn đề phải đau khổ trước rồi mới theo Chúa nhưng là phải yêu trước rồi bước theo Chúa, để từ đó chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của hy sinh và từ bỏ chính mình là gì, “Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống” (Mt 16:25). Yêu thương và thương xót có thể dẫn chúng ta đến hy sinh.
Bất cứ tình yêu đích thực nào, cách này hay cách khác, đều phát sinh từ một vài loại hy sinh, nhưng không phải tất cả sự hy sinh đều phát sinh từ tình yêu. Thiên Chúa không phải là vật tế thần nhưng là Tình Yêu. Và chỉ từ khía cạnh đau khổ, mệt mỏi đó mà Thánh giá chúng ta vác mới có ý nghĩa. Thánh Augustinô nói: “khi một người yêu thương, người đó không đau khổ, nhưng nếu một người đau khổ, đau khổ đó được yêu thương.”
Trong những biến cố xảy ra trong cuộc sống, chúng ta không cần tìm kiếm cách để lý giải về nguồn gốc những hy sinh và thiếu xót của chúng ta, “Tại sao Chúa lại gởi đến tôi điều này,” nhưng thay vào đó hãy tìm kiếm một dấu chỉ tâm linh cho chúng, “Làm sao tôi có thể biến đổi điều này thành một hành động của đức tin và tình yêu?.” Từ đó, chúng ta tự định giá cách mà chúng ta theo Chúa Giêsu và làm thế nào để chúng ta có thể xứng đáng nhận lấy cái nhìn thương xót của Chúa, cái nhìn mà Chúa Cha đã nhìn Chúa Con trên Thánh Giá.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Thập giá luôn là điều khó chấp nhận trong mọi thời đại, nhất là trong thời đại của chúng ta. Chẳng ai muốn vác thập giá, đó là lẽ tự nhiên. Thánh Phêrô khi nghe thấy Chúa nói Ngài sẽ phải lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, ông đã cản ngăn. Đó phản ứng của bản năng tự vệ. Chúa Giêsu cũng đã tỏ ra sợ hãi trước cuộc tử nạn của Ngài, nhưng Chúa đã vâng theo thánh ý Chúa Cha để đi trọn con đường của Ngài, con đường từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày.
Phải từ bỏ chính mình: tức là khước từ lòng tự ái, sự nuông chiều bản thân, từ bỏ mọi tính hư tật xấu. Vác thập giá hằng ngày có nghĩa là hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Theo Thầy: nghĩa là thành môn đệ của Chúa, cộng tác với ngài trong việc loan báo Tin mừng.
Lời mời gọi này đòi hỏi chúng ta một đàng phải liên tục và kiên nhẫn thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân. Mặt khác chúng ta phải cố mỗi ngày nên giống Chúa hơn
Chúa không giúp ta tiêu diệt thập giá đời mình, nhưng nếu ta có Chúa đồng hành, nếu mỗi ngày ta thấm nhuần lời Chúa dạy, thì chúng ta sẽ chẳng còn sợ gì thập giá khổ đau. Xin Chúa đồng hành và nâng đỡ và tăng thêm sức mạnh để chúng ta đầu can đảm vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, để mai sau hưởng hạnh phúc vĩnh hằng mà Chúa dành cho những ai dõi bước theo Ngài.