skip to Main Content

Triết gia Denis Moreau: Chúng ta phải phát triển một linh đạo thông minh”

 

Mùa Chay là thời gian thuận lợi để thực hành các công việc của lòng thương xót thiêng liêng. Triển khai từ sách này qua sách kia một linh đạo thông minh, triết gia Denis Moreau giới thiệu với quý độc giả việc làm của lòng thương xót hướng tới người khác.

Tôi được ơn ở trong đạo công giáo khi còn nhỏ. Cha mẹ tôi giáo dục tôi theo con đường này vì họ nghĩ điều này tốt cho tôi. Họ truyền cho tôi một kitô giáo thầm lặng mà tôi tiếp nhận như một chuyện dĩ nhiên.

Nhưng năm 18 tuổi, khi tôi về Paris để học triết, tôi là sinh viên tỉnh lẻ ngây thơ, đã có một chút khủng hoảng về đức tin. Không có gì bi thảm, nhưng tôi ý thức có một tách rời, thậm chí là một hố sâu ngăn cách, giữa đức tin ngây thơ vẫn còn của một đứa bé 12 tuổi, và những gì tôi bắt đầu nghĩ khi tôi là một thanh niên.

Phải nói sách giáo lý thời thơ ấu của tôi nhẹ về quan điểm giáo lý và bầu khí trí thức vào cuối những năm 1980 không còn thuận lợi cho kitô giáo. Với các giáo sư của tôi, câu “Chúa đã chết” là điều hiển nhiên và bạn phải là người cuối cùng của những kẻ ngu ngốc mới nhận mình là người công giáo!

“Là người kitô giáo và thông minh, không phải là không tương thích”

Tuy nhiên, quyết tâm ngừng cầu nguyện của tôi không kéo dài được bao lâu. Nhanh chóng, tôi cảm thấy thiếu thốn đến mức tôi tự nhủ: tại sao lại bỏ đi và cố tình làm tổn thương chính mình? Vào thời điểm đó, tôi gặp nhiều người công giáo cánh tả, họ rất dấn thân trong công việc bác ái: họ thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ chương 25 của Tin Mừng theo Thánh Mátthêu.

Lời chứng của họ cũng như đức tin của một số trí thức vĩ đại can đảm, trong bối cảnh thù nghịch đã nuôi dưỡng đức tin đang dao động của tôi, đó là các ông: Jean-Luc Marion hoặc Jean-Louis Chrétien, Jean Delumeau hoặc René Rémond đã thuyết phục tôi, một tín hữu kitô và thông minh không phải là không tương thích. Thật nhẹ nhõm (cười). Sau đó, trong khi tiếp tục học tại Trường Cao đẳng Hành chánh (École Normale Supérieure), tôi phát hiện ra một số câu nói triết học đã làm phong phú đức tin của tôi và hỗ tương cho nhau.

Người hâm mộ Descartes và diễn từ của ông về Chúa

Tôi mắc nợ Thánh Augutinô và Thánh Tôma Aquinô rất nhiều, tôi cũng mắc nợ triết gia Descartes. Bất kể truyền thống chống chủ nghĩa Descartes đang hoạt động trong Giáo hội, tôi thấy những lập luận của ông ủng hộ sự tồn tại của Chúa và sự bất tử của linh hồn là tốt. Tôi thích cách tiếp cận và làm sáng tỏ vấn đề về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí một cách thanh thản của ông.

Cùng với Descartes và các môn đệ của ông, đặc biệt là Malebranche và Spinoza, tôi xác quyết có thể có một diễn từ về Chúa với sự trợ giúp của lý trí. Có thể, và thậm chí đáng mong đợi vì tính đặc thù của kitô giáo nằm trong cuộc phối hợp này giữa một bên là nguồn gốc sêmita, Mạc khải như được ghi lại trong Kinh thánh, và bên kia là sự hợp lý của hy lạp.

Trong phần mở đầu Tin Mừng của ngài, Thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu là Logos, có nghĩa là “lý trí”. Trong suốt lịch sử, những cuộc tình giữa kitô giáo và triết học đã luôn bị chỉ trích. Khi Celsus hay Nietzsche cho rằng cội nguồn do thái đã làm hỏng tính duy lý đẹp đẽ của hy lạp, thì những người khác đổ lỗi cho tính duy lý triết học đã làm ung thối kitô giáo: chỉ cần đức tin thôi là đủ.

Lý trí là khả năng của cái phổ quát

Tôi lo lắng về sự trỗi dậy hiện nay của trào lưu tín ngưỡng này. Xin lưu ý! Mẹ tôi là hậu duệ của nông dân Berrichon, là những người có đức tin sâu sắc, tôi rất kính trọng “đức tin của người thợ mỏ than”.

Nhưng chúng ta nên ngay thẳng: ngày nay, đại đa số người công giáo là dân thành thị có học và có tư duy. Nhưng nhiều người trong số họ bác bỏ bất kỳ sự hợp lý nào trong các vấn đề tôn giáo. Họ bằng lòng với một đức tin bị giản lược thành cảm tính và rút vào “nội tâm”.

Chủ nghĩa phản-trí thức này làm tôi khó chịu vì nó thể hiện xu hướng bản sắc hướng tới chủ nghĩa cộng đồng. Lý trí là khả năng của cái phổ quát, cái cho phép đối thoại, chia sẻ và trao đổi: vì thế không dùng đến nó chẳng khác nào thu mình vào chính mình. Và thái độ này mâu thuẫn với tầm nhìn phổ quát, nghĩa là công giáo, với thông điệp kitô giáo.

Về phần mình, tôi chưa bao giờ bị cám dỗ để phải nương náu trong một diễn từ mang tính cảm xúc. Có lẽ vì tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Tôi không xem đây là một thảm kịch. Và theo một cách nào đó, thậm chí là một may mắn, vì nếu không tôi buộc phải nghiêm túc thực hiện lệnh truyền của Thánh Phêrô: “Anh em hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3:15).

Dạy những học sinh có ao ước muốn học…

Công việc giải thích này lại càng cần thiết hơn vì trường đại học công lập nơi tôi có niềm vui dạy triết là “vùng ngoại vi” tuyệt đẹp, theo cách nói của Đức Phanxicô. Trên thực tế, mặc dù rất thiện cảm với tôi, nhưng các đồng nghiệp của tôi lại nhìn tôi như một gã hơi kỳ quặc, tin vào những điều kỳ lạ.

Còn với các sinh viên của tôi, hầu hết bây giờ không biết gì về kitô giáo, nhưng tôi ấn tượng vì ước ao mong muốn tìm hiểu của họ, chẳng hạn trong các môn tùy chọn, tôi đề nghị văn hóa Kinh thánh với họ. Ở bên cạnh những người thông minh, những người không nghĩ giống tôi là một kinh nghiệm quý giá. Tôi liên tục bị đặt vấn đề và khi làm như vậy, tôi không thể hoàn toàn thoải mái với những chứng cứ riêng của tôi, để thanh thản trong đức tin của tôi.

“Bảo vệ đức tin đang bị đe dọa ở châu Âu”

Tháng 5 năm 2007, tôi được mời tham dự một đại hội của các trí thức kitô giáo được tổ chức tại Vatican. Với tôi, lời mời thật bất ngờ vì tôi chỉ là một giáo sư đại học bình thường! Tôi đã viết một số sách và bài báo, nhưng với tư cách là một chuyên gia về triết học của thế kỷ 17 (vì thế đó là các tác phẩm học thuật, đầy những ghi chú bằng tiếng hy lạp và tiếng la-tinh, về lý thuyết Bất chấp tất cả, tôi đã nhận lời mời và khi đến đó, tôi có cảm giác mình không… ở đúng vị trí của mình. Cho đến khi Đức Bênêđictô XVI tiếp chúng tôi trong buổi tiếp kiến riêng. Bài phát biểu của ngài đã đánh động tôi: “Tôi đưa quý vị đến đây vì chúng tôi cần quý vị bảo vệ đức tin đang bị đe dọa ở châu Âu. Tôi trông cậy vào quý vị.”

Trên máy bay trở về, tôi tự nhủ tôi không còn giới hạn tôi trong công việc học thuật hàn lâm nữa, và bắt tay vào công việc biện hộ. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa quan phòng, nhưng giáo hoàng rõ ràng là một tác nhân giúp tôi định hướng lại sự nghiệp của tôi; vợ tôi nói tôi trong cơn “khủng hoảng tuổi trung niên” (cười).

Tập trung vào các triết gia duy lý kitô giáo

Kể từ đó, tôi khiêm tốn tán thành truyền thống tốt đẹp của các triết gia duy lý kitô. Những tác giả vĩ đại này, từ Thánh Augutinô đến Bênêđictô XVI, từ Thánh Anselm xứ Canterbury đến Paul Ricœur, những người đã phát triển một linh đạo trí tuệ. Tham vọng của tôi không phải là đổi mới, mà là làm mọi người yêu thích những thứ cũ kỹ.

Để làm cho giáo lý công giáo trở nên dễ hiểu với người cùng thời với tôi, mặc dù không hoàn toàn hợp lý, nhưng dưới mắt tôi, nó đi từ bên này qua bên kia của hợp lý. Ví dụ, trong quyển sách đầu tiên của tôi về biện giáo, Các con đường cứu rỗi (Les Voies du salut), tôi đã cố gắng giải thích lại khái niệm “cứu rỗi”, vốn đã trở nên khó hiểu, bằng những thuật ngữ dễ tiếp cận hơn về “cứu rỗi”.

Người công giáo không thể cứ thường xuyên chống đối hoặc chỉ trích, ngoại trừ việc đồng ý với Nietzsche, người mà với ông, kitô giáo chỉ là một học thuyết phản ứng. Họ không thể chỉ bằng lòng “chống lại”. Chúng ta phải đề xuất một cách tích cực, trở thành sức mạnh của nhập thể, và cho thấy đức tin kitô có thể có những tác động hữu ích như thế nào đối với sự tồn tại của con người.

Một neo vững chắc trong bão tố

Thành thật mà nói, tôi không nghĩ việc trở thành một tín hữu kitô sẽ thay đổi cơ bản cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi chỉ cố gắng hành động như một “người chân chính” và tôi biết có những người vô than, họ có lòng bác ái hoặc chính trực hơn tôi. Vì thế, tôi không thoải mái với ý tưởng cho rằng, “nếu Chúa không tồn tại, đạo đức sẽ sụp đổ” hay với chủ đề “khốn khổ cho con người nếu họ không có Chúa” của triết gia Pascal.

Mặt khác, khi một viên gạch thực sự rơi trên đầu bạn (và ai có thể tránh được?), bạn nên có một thiết bị siêu hình có một chút hiệu quả. Kitô giáo là một trong những truyền thống tâm linh vĩ đại đã được lịch sử chứng minh có thể đóng vai trò đó. Trọng tâm của nó là câu chuyện về ba ngày Tuần thánh, từ tuyệt vọng tuyệt đối của Cuộc khổ nạn đến chổi dậy Phục sinh, nó cung cấp nguồn lực nội tâm để cố gắng vượt qua, bằng cách nào đó, những cơn bão hiện sinh.

Đây là chủ đề của quyển sách mới nhất của tôi, Những lần sống lại, vượt qua những đêm tối cuộc đời chúng ta (Résurrections, traverser les nuits de nos vies). Trong quyển sách này cũng như trong các quyển sách  khác, mục tiêu của tôi không phải là áp đặt đức tin tin của tôi hay hoán cải bất kỳ ai (không có việc trở lại nào có được nhờ lập luận), mà chỉ đơn giản là nói với mọi người: Này, nó tồn tại, và nó thật thú vị!

Triết gia Denis Moreau

1967 Sinh tại Bordeaux.

1987 Học tại Trường Cao đẳng Hành chánh, École Normale Supérieure.

1990 Thạc sĩ triết.

1992 Kết hôn với bà Anne-Sophie và có bốn người con.

1996 Luận án về Malebranche. Dạy triết tại Đại học Nantes.

2010 Xuất bản Những con đường cứu rỗi (Voies du salut, nxb. Bayard), một tiểu luận triết học.

2014 Vì cuộc sống? Luận ngắn về hôn nhân và ly thân (Pour la vie , nxb. Seuil).

2017 Thần chết, chiến thắng của bạn nằm ở đâu? (Mort, où est ta victoire, nxb. Bayard).

2018 Làm thế nào để có thể là người công giáo, (Comment peut-on être catholique, nxb. Seuil).

Marta An Nguyễn dịch

 

Back To Top