Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
THANH TẨY TÂM HỒN
07CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
– Ca vịnh tuần III.
– Chúa Nhật hôm nay cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ nhất cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 152-166).
– Không cử hành lễ Thánh nữ Pe-pê-tu-a và Thánh nữ Phê-li-xi-ta, Tử đạo. Và không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: Xh 20,1-17 (hoặc Xh 20,1-3.7-8.12-17); 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25.
THANH TẨY TÂM HỒN
Đời sống tôn giáo của người Do Thái gắn chặt với đền thờ.
Đền thờ là trung tâm của Đạo.
Đền thờ là nơi có Hòm Bia Thánh – nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa.
Trong cựu ước, dân Do Thái dùng lễ vật chiên bò hay bồ câu để hiến dâng cho Thiên Chúa, biểu tỏ hành vi thờ phượng. Vì thế mới có chuyện buôn bán trong đền thờ như được thuật lại trong Tin mừng hôm nay. Trong tân ước, Đền thờ mới chính là Đức Giêsu. Ngài vừa là tế nhân vừa là tế vật. Ngài dâng lên Chúa Cha của lễ là chính thân thể được sát tế của Ngài, đồng thời Ngài cũng là vị Thượng tế đời đời một cách đúng nghĩa nhất.
Và rồi chúng ta nhớ lại điều tương tự khi Chúa nói với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp : “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem.. Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và Chân lý (Ga 4, 21- 24).
Chúa Giêsu muốn vén mở cho đám đông về chân dung cứu thế của Ngài, và dung mạo Messia nơi Ngài sẽ được hiển thị cách tròn đầy ngang qua Thập giá. Vì thế, Giáo hội chọn bài đọc hai trong phụng vụ hôm nay để trình bày về linh đạo của thánh Phaolô, đồng thời đó cũng phải là sự chọn lựa duy nhất mà mỗi người chúng ta cần thể hiện. Thánh tông đồ viết : “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ (1 Cr 1, 22 – 23).
Sau đó thánh Phaolô giải thích cho giáo đoàn biết rằng, đây là một nghịch lý vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã thể hiện ngang qua cái chết của Chúa Giêsu. Quả thật, đây là một nghịch lý đối với não trạng con người, bởi vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người. Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Nghịch lý còn được các thánh ký nói tới rất nhiều lần. Một Thiên Chúa cao cả lại trở nên thấp kém trong kiếp người hèn hạ, một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện lại bị kết án và chết cách nhục nhã như một tên tội phạm. Nghịch lý này cũng được lập lại một lần nữa trong bài Tin mừng hôm nay, khi Chúa vén mở về sự phục sinh vinh thắng của Ngài. “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây lại”.
Lễ Vượt Qua nhằm vào ngày thứ mười lăm tháng Nisan, tức khoảng tháng tư dương lịch, và theo luật pháp Do Thái, mọi người nam Do Thái sống cách Jerusalem trong vòng hai mươi lăm cây số, bắt buộc phải về dự lễ. Không phải chỉ có người Do Thái ở trong xứ Palestine về dự lễ Vượt Qua mà thời bấy giờ dân Do Thái tản lạc khắp thế giới, họ chẳng bao giờ quên tôn giáo và đất nước của tổ tiên họ. Người Do Thái dầu sống ở xứ sở nào, họ vẫn mơ ước và hi vọng được dự lễ Vượt Qua tại Jerusalem ít nhất một lần.
Riêng đối với Chúa Giêsu lần này, thì Chúa có mặt tại đây không phải chỉ với danh nghĩa một người Do Thái mà đây còn là dịp để Chúa chu toàn chức vụ của Ngài. Bởi vậy mà Ngài đã vào đền thờ như một Đấng có uy quyền.
Cuộc sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng là một con đường, và con đường đó phải hướng về đền thờ đích thực là chính Chúa Giêsu. Ngài là ‘Đền thờ mới’ của Tân ước, là trung tâm của mọi sinh hoạt phượng tự và cũng là đối tượng của niềm tin mà chúng ta phải quy chiếu vào. Đây là sứ điệp nồng cốt mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay diễn bày.
Giáo Hội cũng muốn chúng ta làm một cuộc “thanh tẩy”, không phải đền thờ vật chất nhưng là đền thờ tâm hồn của mỗi người như lời thánh Phaolô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16)
Thiên Chúa không cần nhà vì: “Trời là ngai của Người, đất là bệ dưới chân Người” (Is 66, 1) .Đền thờ vẫn cần thiết nhưng con người vẫn trọng hơn đền thờ, phải làm sao cho có những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực, chứ không phải là lo sao cho có đền thờ. Vì đền thờ trần gian với năm tháng sẽ bị hư hại, xụp đổ nhưng con người luôn tồn tại và vững bền.
Mùa Chay thánh trong năm thánh hóa gia đình, người Kitô hữu phải hoán cải, làm cho gia đình mình mới, sống đạo, thực thi đạo hơn là giữ đạo cách máy móc, bề ngoài. Người Kitô hữu cũng phải xét lại cách giữ đạo, hành đạo của gia đình mình, của cá nhân, của giáo xứ, Giáo Hội và mau mắn đổi mới đời sống, lòng tin, cách thực hành đạo, siêng năng cầu nguyện và lần chuỗi làm cho đền thờ tâm hồn mỗi người đẹp hơn, tốt hơn.
Vì đam mê chạy theo tiền bạc mà chúng ta sao lãng những bổn phận đối với Chúa. Vì đam mê chạy theo tiền bạc, chúng ta sẵn sàng gian tham, chèn ép và đối xử bất công với những người chung quanh. Vì đam mê chạy theo tiền bạc, chúng ta sẵn sàng trộm cắp, ăn gian nói dối, ăn hối lộ… Tất cả những tội lỗi phát sinh từ lòng đam mê chạy theo tiền bạc ấy, đã biến tâm hồn chúng ta trở nên như một cái chợ, một hang ổ trộm cướp, chứ không còn phải là một gian cung thánh, một ngôi đền thờ sống động cho Chúa nữa.
Vậy hôm nay, Khi thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa cũng muốn thanh tẩy ngôi đền thờ tâm hồn mỗi người chúng ta.