skip to Main Content

 Lời Cảnh Tỉnh Của Chúa Giêsu

3.4 Thứ Hai Tuần Thánh

Is 42:1-7; Tv 27:1,2,3,13-14; Ga 12:1-11

Lời Cảnh Tỉnh Của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại vỏn vẹn 33 năm trời ngắn ngủi. Ba mươi năm trước là quãng đường lao động Chúa ân thầm sửa soạn cho 3 năm  cuối cùng. Nhưng rồi Ngài đã thu gặt được những gì ? Thưa sự phản bội vô ơn của một dân tộc, sự chống đối và sự chết từ phía người biệt phái. Các môn đệ thân tín thì bỏ trốn, Giuda thì nối giáo cho giặc nộp thầy mình. Và cái chết nơi vườn cây dầu luôn luôn là một ám ảnh. Giữa những đau thương cay đắng ấy, đời Chúa còn gặp được một niềm vui nho nhỏ nhưng đầy an ủi. Đó là bình thuốc thơm của chị Maria, quê ở Betania (khác với Maria Madalêna ở Galile Lc 7, 46). Cả 3 thánh sử đều ghi nhận việc xức dầu thơm này của chị Maria (Mt 26, 7. Mc 14, 3).

Theo thánh Matheu và Marcô, đó là một bình nước hoa bằng đá ngọc rất quí, dùng cho người quyền quí. Bình này chứa khoảng 327 gr nước hoa hảo hạng rút từ nguyên chất cây tùng hương, là thứ cây dùng tẩm liệm. Thánh Gioan lại kể rằng thánh nữ đây đã rưới thuốc thơm trên chân Chúa. Đáng lẽ người ta dùng vài giọt nước lã là quá đủ rồi. Thánh Mc (14, 3) còn nói là chị ta đã đập bể cổ bình và dốc đổ hết đến nỗi cả nhà thơm nực ngào ngạt, rồi chị Maria lấy tóc lau đi.

Trước sự phung phí ấy, Giuda không giữ được miệng. Ông đã bộc lộ chân tướng để phản bội. Lòng dạ đã bị tiền bạc đầu độc lại viện cớ giúp kẻ nghèo thì tốt hơn. Đó là một cách che đậy giả hình thôi, chứ chưa chắc Giuda đã thương kẻ nghèo bằng thương lọ nước hoa. Thấy lọ nước hoa đập bể, Giuda đã tiếc xót như là xé rách 300 đồng bạc hơn một tấm lòng thống hối… Và hẳn là Giuda cũng thầm nghĩ tới 30 đồng mà ông sẽ bán được thầy mình. Phải rồi, tiền bạc làm con người mù quáng, dễ phản bội. Trong cuộc đời có những đứa con từng phản bội lại cha mẹ… Nhưng ít khi học trò  phản bội thầy mình. Hiếm có, Giuda là một trong số hiếm có đó. Giuda đã quyết định phản bội Chúa, đã sa ngã vì tiền của vì trước đó Giuda đã có những tham lam nho nhỏ như tiếc xót bình dầu đây chẳng hạn.

Tin Mừng hôm nay gợi lên trong chúng ta nhiều ý nghĩ. Sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn luôn là một dấu gây mâu thuẫn. Nhiều người tin Chúa, mến Chúa, thương Chúa, mà cũng có nhiều người khác dèm pha, chống đối và muốn loại trừ. Những kẻ thuộc nhóm ủng hộ Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay là những người dọn tiệc đãi Chúa ở Bêtania là Lazarô, là Maria – người lấy dầu thơm xức chân Chúa. Những kẻ chống đối Chúa hay sắp đi vào con đường chống đối Ngài là các thượng tế ganh tị, là Giuđa Iscariốt – người thủ quĩ của nhóm môn đệ chung quanh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quan sát thêm thái độ của những kẻ chống đối Ngài, các thượng tế, những người lãnh đạo của dân Do Thái và là những kẻ được dân chúng kính nể như những trí thức và đạo đức. Nhưng phải chăng đây là cái vẻ bên ngoài, vì bên trong tâm hồn xem ra như chứa đầy những chuyện xấu xa, mưu mô, ganh tị, tham quyền, sợ dân bỏ họ mà theo Chúa Giêsu? Vì thế, họ có ý định giết luôn cả Lazarô, xóa bỏ luôn cả dấu chỉ hiển nhiên của Thiên Chúa quyền năng hiện diện giữa con người.

Quyền năng Thiên Chúa được thể hiện nơi dấu lạ cho Lazarô đã chết được sống lại. Ghét Chúa, những thượng tế kia muốn xóa bỏ cả những dấu chỉ, những chứng tá về Chúa để lương tâm họ được yên, không còn bị quấy rầy nữa. Chúng ta có hành xử giống như những vị thượng tế Do Thái này hay không, hay chúng ta hành xử giống như Giuđa Iscariốt. Giuđa chưa phản bội Chúa, nhưng đang trên đường phản bội Chúa với những hành động xấu được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ham mê tiền của, lấy của công để lo cho tư lợi riêng, lạm dụng danh nghĩa người nghèo, miệng nói lo cho người nghèo nhưng hành động ngược lại. Ðây là tội mà ngày nay có thể gọi là kinh doanh trên sự nghèo cùng của anh chị em.

Hơn nữa, khi phê bình hành động tốt lành của cô Maria, xức dầu thơm nơi chân Chúa như là một việc làm phí của, thì Giuđa cho thấy tâm địa hẹp hòi của mình, Giuđa xem đồng tiền lợi lộc vật chất trọng hơn chính Chúa Giêsu và mối tương quan thân thiện với Ngài. Thường tình, nếu là bạn tốt với nhau, thì khi một người sắp ra đi, kẻ ở lại phải làm vừa ý người ra đi, để nói lên lòng quí mến của mình, nhưng Giuđa đã không hành xử như vậy với Chúa Giêsu.

Là một trong mười hai tông đồ sống bên cạnh Chúa, chắc chắn Giuđa đã nghe nói đến sự ra đi đầy đau thương của Ngài tại Giêrusalem, nhưng Giuđa xem ra lãnh đạm vô tâm, vô tình với biến cố, vả lại Giuđa đã công kích hành động tốt của Maria, cho đó là một việc làm phung phí, vô ích. Giuđa đã mất đi ý thức bén nhạy để phán đoán điều gì tốt, điều gì không. Giuđa xét đoán không theo sự việc khách quan mà theo tâm tình hèn hạ của mình. Tâm hồn Giuđa thì xấu, nên xét việc tốt cũng thành xấu. Chúng ta có hành xử đúng như vậy hay không.

Tin mừng cho chúng ta gặp lại Marta và Maria. Tuy lần ghé trước Marta đã nghe Chúa Giêsu nói chỉ có một việc cần đó là lắng nghe lời Chúa. Nhưng lần này, Marta cũng chẳng dừng được, đã biến cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu thành một yến tiệc, bởi lẽ theo chị nầu những món ăn thiết thiết đãi Chúa và các môn đệ là để tỏ lòng hiếu khách, Thiên Chúa là tỏ lòng biết ơn Chúa đã cải tử hoàn sinh cho Lazarô. Phần Maria còn đi xa hơn : chị lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau.

Qua cử chỉ ấy chúng ta thấy rõ chiều âu mốii tình của chị đối với Chúa Giêsu. Mối tình không tính toán khiến chị sử dụng dầu thơm quí giá mà theo ước tính củ Giuđa có thể lên tới 300 đồng bạc Chúa Giêsu tức 300 ngày công. Mối tình khiêm nhu, vì theo tục lệ thời đó, chủ nhà hay bất cứ phần tử nào trong gia đình thường xức thuốc thơm trên đầu người khác để tỏ lòng quí mến, nhưng Maria khiêm tốn nghĩ mình chỉ đáng xức dầu thơm vào chân Thầy thôi. Mối tình tự hạ, thể hiện qua việc lấy tóc mình để lau chân Chúa. Chúa Giêsu chấp nhận cử chỉ nói lên lòng kính trọng, yêu thương của Maria, cũng như vui lòng ngồi vào bàn tiệc do Marta khoản đãi

Với mẫu gương yêu mến của Marta và Maria đối với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn để ôn lại, để chấp nhận và để đáp lại mối tình bao la của Thiên Chúa đã thí ban người Con Một vị phần tỗi nhân loại, cũng như để đáp lại mối tình của Chúa Giêsu đã sẵn lòng đón nhận cái chết ô nhục vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mỗi người chúng ta.

 

 

 

Back To Top