skip to Main Content

Cùng Chúa lên Giêrusalem

2.4 Chúa Nhật Lễ Lá

Mt 21:1-11; Is 50:4-7; Tv 22:8-9,17-18,19-20,23-24; Pl 2:6-11; Mt 26:1427; Mt 27:11-54

Cùng Chúa lên Giêrusalem

Nội dung chính yếu của cử hành phụng vụ Tuần Thánh là cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài là người tôi tớ đau khổ của Chúa Giêsu. Ngài đón nhận Thập giá tủi nhục thất bại, và đã biến đổi Thập giá thành nguồn ơn cứu độ, tình thương tha thứ cho nhân loại tội lỗi.

Bước vào tuần thánh, chúng ta tiếp bước Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem. Cùng với Ngài, Chúng ta đi từ vinh quang sáng chói, khi được toàn dân đón chào, đến cái chết bi thương và nhục nhã trên Thập giá. Thoạt đầu, dân chúng tôn vinh Chúa như một lãnh tụ oai hùng, nhưng cuối cùng họ đã trở mặt. Tất cả đồng thanh đả đảo và kết án Ngài như một tên tội phạm.

Đỉnh điểm của mùa chay là cuộc hành trình lên Giêrusalem, một thành phố đầy những mâu thuẫn trái ngược. Giêrusalem là nơi có đền thờ thánh thiêng để tôn kính Giêsu, đồng thời cũng là nơi sùng bái những ngẫu tượng. Đây là kinh thành biểu thị niềm tin tôn giáo, nhưng cũng là nơi đầy gương mù khủng khiếp. Giêrusalem là kinh thành của ánh sáng, nhưng cũng là một thế giới ngập tràn bóng tối. Dân Do thái từ chỗ đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Giêsu, nhưng sau đó lòng họ chất đầy phẫn nộ và sự căm thù. Giuđa bán đứng vị tôn sư khả kính. Trò gian ác phản thầy.

Các đầu mục tôn giáo thì quá quỷ quyệt đã dàn dựng một phiên tòa giả dối. Các môn sinh nghĩa thiết nhất đã vội quên mất thầy mình. Họ ngủ vùi trong mệt mỏi và cuối cùng đã lặng lẽ tháo lui. Phêrô thì thẳng thừng chối bỏ người Thầy đáng kính. Còn Philatô, giống như một kẻ đồng lõa, đã kết án Chúa Giêsu cho dù ông biết Ngài hoàn toàn vô tội. Lính gác và đám đông thì tha hồ mỉa mai chửi bới và không tiếc lời lăng mạ. Điều trớ trêu nhất, là dân chúng lại xin tha Baraba và đòi giết Chúa Giêsu. Baraba, theo từ ngữ Aram, có nghĩa là ‘con của cha’. Họ đã chọn để xin tha một người ‘con’ với quá khứ đặc kín tội ác, và đòi kết án người ‘Con’ duy nhất của Chúa Cha, Đấng hoàn toàn vô tội đã gánh trên vai tội lỗi của cả trần gian. Giêrusalem quả là nơi nhức nhối đầy những đối nghịch và mâu thuẫn.

Sự kiên định trong niềm tin nơi Chúa Giêsu giữa bóng tối của Thập giá là một chứng tá và cũng là khuôn mẫu tuyệt hảo để chúng ta dõi theo. Trong thơ gửi giáo đoàn Philip mà Giáo hội đọc lên trong phụng vụ hôm nay, Thánh Phaolô nêu bật cho chúng ta khuôn mẫu này. Thánh nhân chiêm ngắm sự tự hạ và biến mình ra không nơi Chúa Giêsu, để dẫn đến vinh quang. Các nhà chú giải cho rằng Phaolô đã trích dẫn một bài thánh thi rất quen thuộc thời xưa. Phần dẫn nhập do chính thánh nhân biên soạn. Ngài đã viết những câu giới thiệu như sau: “ Nếu Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau…, anh em hãy có những tâm tình như chính Chúa Giêsu Kitô (Phil 2,1-5).

Sau đó, vị Tông đồ đã viết trọn bài Thánh thi với lời mở: “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ”. Bài Thánh Thi đã mô tả Thập Giá như cách diễn bày sự khiêm nhường và vâng phục sâu thẳm nơi Chúa Giêsu. Kết quả của hành vi tự biến mình ra không, là “Thiên Chúa đã tôn vinh Người và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa”.

Thông thường, người ta vẫn hiểu rằng Thánh Phaolô đề cao chức phận làm con của Chúa Giêsu, được hiện lộ nơi dáng vẻ bi thương của Thập Giá. Chúa Giêsu đã hạ mình, giấu bỏ thần tính cao sang để mặc lấy kiếp người hèn hạ cho đến chết và chết trên Thập Gía. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy có một hình ảnh song đối, nhưng khác nhau hoàn toàn giữa Chúa Giêsu và Ađam. Ađam được tạo thành, giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26-28), nhưng lại muốn trở nên ngang bằng Thiên Chúa, vì kiêu ngạo và bất tuân (3,5t). Hệ quả là Ađam đã sa ngã trong tội dẫn đến cái chết.

Ngược lại, Chúa Giêsu –  Ađam mới, đã sống khiêm tốn và vâng phục, trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa. Kết quả là Ngài được siêu thăng và đã mở ra cho nhân loại chân trời ơn cứu độ. Bản văn soi sáng để chúng ta thấu đạt cả hai cách diễn nghĩa liên kết với nhau. Chúa Giêsu là Ađam mới, và cũng là người con thực sự của Chúa Cha. Ngài đã tự hư vô hoá mình, mang lấy tình trạng tội lỗi của Ađam xưa, đó là tình trạng sống kiếp nô lệ, và tiến nhận cái chết để cứu chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ và thân phận phải chết.

Khi suy gẫm việc Chúa Giêsu đi vào mầu nhiệm tự hủy, chứng tá cho niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và đã trải qua những giờ phút hãi hùng trên Thập giá, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ tưởng rằng Ngài đã biết trước những gì sẽ xảy ra. Nếu quả như thế và Đức Giêsu không thể có một chọn lựa nào khác, rồi sau đó Ngài biết chắc chắn Chúa Cha sẽ cho Ngài phục sinh vinh quang, thì những giây phút hấp hối kinh hoàng của Chúa trong vườn cây dầu chẳng còn ý nghĩa gì. Tại sao Chúa lại phải khiếp sợ, phải căng thẳng, mồ hôi và máu phải tuôn đổ đến mức thảm thiết như vậy? Tại sao Chúa phải lớn tiếng rơi lệ khẩn xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7) :“ Cha ơi, nếu có thể, xin hãy cất chén đắng này xa con”?

Và nếu như Ngài biết trước, và phải miễn cưỡng chấp nhận, thì tại sao trên Thánh giá Ngài phải gào thét một cách não nuột: “Cha ơi, sao Cha bỏ rơi con”? Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy rằng, vì Đức Kitô đã hư vô hóa mình, đã tự nguyện đi sâu vào mầu nhiệm tự hủy, nên Ngài đã hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, tín thác tận căn, đặc biệt giữa bóng tối dầy đặc của mầu nhiệm Thập giá và cái chết. Nếu Chúa Giêsu biết trước Ngài sẽ sớm được phục sinh trong vinh quang, thì ngày thứ Sáu tuần thánh không còn là một ngày đen tối đầy u ám nữa. Nhưng, khi mang thân phận con người giống hệt chúng ta, cho dù có thể Ngài biết, Ngài vẫn phải trải qua những phút giây khủng khiếp nhất, kinh hoàng nhất và đã hoàn toàn tín thác vào Cha Ngài.

Chúng ta phải nhìn vào bóng tối phủ kín nơi Chúa Giêsu, với tất cả vẻ bi thương trong kiếp người, mang trên vai mọi tội lỗi trần gian, để có thể nhận ra nơi Ngài một niềm tin sâu thẳm và một sự vâng phục tuyệt đối. Đây là nguyên mẫu đức tin cho chúng ta, khi chúng ta đối diện trước những bầm dập và tan nát trong cuộc đời. Có bao giờ chúng ta đã kinh qua những phút giây bi thương như thế không, khi chúng ta bị mất mát, bị nhấn chìm trong bóng tối của khiếp hãi? Khi gặp những bầm dập cay đắng, khi bị bạn bè xa tránh, bị rơi vào chán chường hay tuyệt vọng…, chúng ta có cảm thấy như đang bị Thiên Chúa bỏ rơi hay không? Chúa Giêsu đã trải nghiệm như thế, ở Giêrusalem và ở trên Thập giá. Sự bi thương của Ngài còn gấp cả ngàn lần, triệu lần so với những khổ đau mà chúng ta gặp phải.

Khi thuật lại việc Chúa vào thành hôm nay, Matthêô không những chỉ muốn giới thiệu Người là Ðấng Thiên sai cứu thế hiền từ và khiêm nhu, đến để chịu nạn; nhưng tác giả còn muốn nhắc nhở chúng ta về thân phận của Hội Thánh, của mọi cộng đoàn Dân Chúa, của mọi tín hữu hết thảy đã đến từ dân ngoại: tất cả chỉ là hiện thân của Vị Tiên tri thành Nagiarét xứ Galilê đang đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế mà vẫn bị hất hủi. Thế thì chúng ta phải xin Người cho chúng ta được những tâm tình của Người để làm công việc vào Ðền Thờ hôm nay, để rồi vào đời cứu thế như Người. Chúng ta hết thảy hãy tiến lên với những tâm tình ấy.

Trong tuần này, Giáo hội muốn chúng ta cùng với Chúa Giêsu đi vào lộ trình lên Giêrusalem, để thông dự vào những giờ khắc đen tối nhất trong cuộc đời tại thế của Ngài.

Back To Top