skip to Main Content

Linh Mục Trần Công Vang, chỗ dựa của đồng bào sắc tộc nghèo Tây Nguyên

“Tôi đi tu không phải muốn trở thành một tông đồ dấn thân trọn đời, hay có ước mơ cao cả hơn là muốn trở thành một vị Thánh phụng sự Chúa, phụng sự nhân loại. Ước mơ đơn giản của thằng bé 12 tuổi lúc đó, muốn vào nhà dòng chỉ vì trong đó được đá banh thôi.”

Chất giọng Huế của Linh Mục Trần Công Vang nhẹ nhàng gợi lại chuyện xưa với một nụ cười hiền lành và đôi mắt ánh lên niềm vui của cậu bé được lăn tròn cùng trái bóng trên mặt sân thơm mùi cỏ của Chủng Viện Huế, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

Đi tu vì được đá banh

“Lúc đó là năm 1962,” Linh Mục Trần Công Vang nhớ lại.

“Tôi sinh ra ở Đà Nẵng. Quê tôi nghèo lắm nên lũ trẻ chúng tôi làm gì có banh mà đá. Chúng tôi lấy giấy báo cũ ngâm nước xong cuộn tròn lại. Cứ cuộn lớp này đến lớp khác, cho đến lúc nó lớn bằng trái banh thì chia phe đá. Bọn tôi đá bất cứ đâu, nhưng chỉ có sân đất, chân đất thôi, mà đá sỏi thì lởm chởm.”

Có một trái bóng thiệt, một sân cỏ mềm như nhung để “đá cho sướng” là một ước mơ xa vời, nhưng không vô vọng. “Trong Chủng Viện Huế, có sân cỏ, có banh thiệt. Các chủng sinh được đá nửa tiếng mỗi ngày, cuối tuần được đá 45 phút,” Linh Mục Trần Công Vang kể tiếp.

“Nghe kể thôi, tôi đã mê rồi. Mà tôi thấy chiếc áo dòng của các Cha truyền giáo sao đẹp quá! Rồi lối sống của họ, tinh thần của họ cao thượng quá! Thế là tôi nói với cha mẹ là tôi muốn đi tu ở Dòng Chúa Cứu Thế.”

Dù đạt được ước mơ đá được bạnh thiệt, trên sân cỏ thực sự, thế nhưng ông “không bao giờ hay, nhưng cuộc đời mình lại đổi thay,” như ông tự nhận sau này. Cái suy nghĩ hời hợt, chỉ nghĩ đến trái banh của “thằng bé 12 tuổi” được tấm gương sống của những linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bóc ra, thay vào đó là tinh thần cống hiến.

Linh Mục Trần Công Vang (ngồi giữa) tại một ngôi làng người sắc tộc ở Tây Nguyên. (Hình: Linh Mục Trần Công Vang cung cấp)

Dấn thân trong “thời chiến tranh, loạn lạc”

“Được các Cha giáo dục, tôi dần thấy sự gắn bó của mình với Chúa, gắn bó với đời sống tông đồ,” Linh Mục Trần Công Vang tiếp tục câu chuyện.

“Sự cảm nghiệm về lẽ sống ngày càng đậm màu, như có sự mời gọi, và tôi dùng chính đời sống của mình đáp lại tiếng gọi của Chúa.”

Khoảng năm 1968, sau khi tốt nghiệp trung học tại Chủng Viện Huế, Linh Mục Trần Công Vang chính thức bước vào chương trình “Vào Đời” kéo dài bốn năm. Trong bốn năm này, các chủng sinh ra ngoài học hành, làm việc, và dấn thân vào xã hội để cảm nghiệm đức tin.

“Hai năm đầu, tôi lo những chương trình của trại tỵ nạn Quảng-Biên ở Biên Hòa, nơi tiếp nhận đồng bào tỵ nạn Cộng Sản từ Quảng Trị. Hai năm sau, tôi cùng một người bạn thành lập một trung tâm lo cho trẻ bụi đời Sài Gòn.”

Giúp đỡ người tị nạn, ông ngày càng thấy cuộc đời mình gắn bó với nhiều người bất hạnh. Ông nhận ra những người khốn khổ đó không chỉ cần miếng cơm, manh áo, mà còn cần củng cố đức tin để tinh thần họ được bình an hơn trong chiến tranh. Chính vì thế, sau bốn năm vào đời, ông quyết định quay lại Dòng Chúa Cứu Thế tiếp tục cuộc đời tu sĩ. Ông được ra Nha Trang thụ huấn đặc biệt một năm ở Nhà Tập, để chuẩn bị khấn dòng.

Nhưng ông chỉ mới vào Nhà Tập được bốn tháng thì mất nước. Biến cố Tháng Tư, 1975, làm đảo lộn cả Miền Nam, tan nát hàng triệu gia đình.

Ông kể: “Tôi về Sài Gòn, rồi ra khỏi nước ngày 29 Tháng Tư. Tám anh chị em tôi đi thoát, cha mẹ tôi về Sài Gòn trễ một ngày nên kẹt lại. Mười năm sau chúng tôi mới được đoàn tụ.”

Tìm thấy hạnh phúc thực sự của đời người

Định cư tại Florida, anh chị em ông nương tựa nhau nơi xứ người. Ông làm đủ nghề, từ thợ máy, thợ điện, kể cả thợ xây dựng… “Tôi làm đủ thứ nghề, ai kêu cũng làm,” ông nhớ lại thời gian đầu cùng anh chị em bươn chải, gầy dựng lại cuộc sống.

Linh Mục Trần Công Vang kể, một năm sau, ông đưa cho người anh toàn bộ số tiền ông dành dụm được và nói: “Em chỉ gom được có bấy nhiêu thôi. Anh cầm số tiền này lo cho gia đình, em sẽ tiếp tục đi tu.”

Quyết định đó đã được ông ấp ủ từ sáu tháng sau khi ông đặt chân tới Mỹ. Ông đã tìm hiểu các nhà dòng ở Mỹ, rồi liên lạc với các linh mục phụ trách để từ từ chuẩn bị quay trở lại với Chúa.

“Một năm đó tôi suy nghĩ rất nhiều. Cũng có những thứ khác để mình chọn lựa, kể cả tình yêu đôi lứa, cuộc sống gia đình, con cái… Nhưng cuối cùng tôi thấy, hạnh phúc thực sự là đời tu. Tôi đã chọn, và trung thành với điều đó.”

Từ giã gia đình, ông tiếp tục vào Nhà Tập ở Winconsin, rồi học hai năm triết học ở Connecticut, bốn năm thần học ở New York. Năm 1983, ông chịu chức linh mục ở New York. Chỉ buồn một điều là cha mẹ ông không được chứng kiến giây phút quan trọng và thiêng liêng đó.

Sau đó là những năm dấn thân. Giáo xứ nghèo nhất tại Miami, Florida, là nơi đầu tiên ông về. “Đó là một giáo xứ nghèo. Nghèo lắm, mà có tới 26 sắc dân,” ông kể.

“Ở đó, tôi cảm thấy đúng tâm tình dấn thân của Dòng Chúa Cứu Thế, tức là sống giữa người nghèo, và cho người nghèo tất cả những gì mình có. Nhà dòng bị trộm cướp hoài, nhưng đó chỉ là một phần cảm nghiệm được khi mình sống với người nghèo thôi. Thương họ lắm.”

Cũng tại giáo xứ này, lần đầu tiên ông được sinh hoạt với cộng đồng người Việt. “Cộng đồng người Việt ở đó cũng nghèo.” Giọng ông kể chợt chùng xuống, trong ánh mắt, ông như muốn chia sẻ hết khó khăn của giáo dân người Việt ở đó mà chẳng biết cách nào.

“Nhưng họ sống chân thành, yêu thương, đùm bọc nhau. Tôi thấy đó là một dấu ấn rất quý trong thời gian tôi ở bên họ.”

Năm 1989, ông về một giáo phận tại North Carolina. Ở đó cũng có một cộng đồng người Việt nhỏ, mới hình thành, mỗi tuần phải đi mượn nhà thờ làm lễ tiếng Việt.

Năm 1993, ông xin phép Bề Trên được đến trại tỵ nạn Hong Kong. “Ở đó đang cần linh mục, nên tôi xin đến đó giúp dân mình. Tính đi chừng sáu tháng rồi về,” Linh Mục Trần Công Vang kể.

“Nhiều đồng bào mình ở Hong Kong không ‘xin’ được hai chữ ‘tị nạn’ nên họ luôn nơm nớp lo sợ bị trả về nước. Đời sống thanh lọc của họ nhiều thách đố lắm, những người có đạo rất cần linh mục chỉ dẫn họ, để họ được chia sẻ, và làm chỗ dựa tinh thần khi bị ngược đãi. Ở đó lại thiếu linh mục dấn thân, nên tôi xin ở lại cho đến khi trại đóng cửa năm 1997.”

Trước khi quay trở lại Mỹ năm 1997, ông thực hiện một chuyến về quê hương. Chính chuyến đi này, đã thay đổi cuộc đời tu sĩ của mình.

Xin “vác thánh giá” trên cao nguyên

“Hồi chiến tranh, mình đâu có biết đất Bắc, dân Bắc như thế nào, nên dịp đó về cũng là để cho biết. Đi Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Phần chính cũng là để gặp gỡ các anh chị em bị cưỡng bức hồi hương từ trại Hong Kong. Tôi muốn về thăm họ, gởi họ một chút quà,” Linh Mục Trần Công Vang kể.

Chuyến đi thăm của ông đến những người anh em bị cưỡng bức hồi hương từ Hong Kong, trải dài từ Nam ra Bắc nhận được nhiều cái ôm, tiếng cười và những giọt nước mắt. Qua chuyến đi, ông hiểu nỗi cơ cực, cay đắng của những người mà ông gọi là “đồng bào.”

Ông kể lại rằng, trong chuyến đi đó, ông được gặp người đàn bà bị phong cùi và đứa bé trong một ngôi làng trên Tây Nguyên. Chính hai mẹ con này đã giúp ông và đồng bào hải ngoại có cơ hội thay đổi số phận của rất nhiều trẻ em nghèo sắc tộc (dân tộc thiểu số) sau này.

“Anh em dắt tôi vào một ngôi làng, vắng lắm. Xa xa dưới một gốc cây, có bóng người người đàn bà đang ngồi ôm, xoa đầu con. Chúng tôi dừng xe honda bên đường, tính hỏi thăm. Nhìn bàn tay chị, tôi hoảng hốt khi thấy hai bàn tay không còn ngón tay nào. Lần đầu tiên tôi gặp người phong cùi. Tôi không biết nói gì cả. Tôi nhìn chị, rồi nhìn đứa bé, tự dưng như thấy Chúa đến hỏi mình ‘Con có muốn về đây với dân làng không?’ Tôi thực sự bàng hoàng khấn với Người: ‘Nếu Chúa muốn, xin Chúa hướng dẫn con, con sẽ chọn đây là gia đình mới của con. Đứa bé này là con của con.’”

Năm sau, Linh Mục Trần Công Vang thành lập Nhóm Việt Tộc, để “đồng hành với người sắc tộc nghèo khó.” Từ một “đứa con” ông nhận ban đầu, nay Việt Tộc có hàng trăm đứa con sắc tộc phải cưu mang trong tình thương của đồng bào hải ngoại.

Tiếp tục hành trình làm sáng Đức Tin

“Người sắc tộc thường bị ngược đãi, coi thường. Gần họ mới thấy, bên cạnh cái đói, cái nghèo, cái bất công họ gánh vác, họ có những cái đẹp của họ, có giá trị của họ. Họ bất hạnh, nhưng luôn có những ước mơ, họ sống chân thành,” Linh Mục Trần Công Vang nhận xét.

Nhận xét của ông nghe chua xót và nghịch lý, nhưng lại là sự thật. Chính sự đói nghèo khiến người sắc tộc không thể sống hạnh phúc, dù họ có chân thành đến đâu. Giúp họ thoát nghèo không chỉ bằng đồng tiền hay một gùi gạo, cho dù đó cũng thật sự cần thiết.

“Việt Tộc mong muốn không chỉ mang đến cho họ miếng cơm manh áo, mà còn muốn họ rời khỏi cuộc sống mặc cảm, bất hạnh đó bằng các giúp trẻ em đến trường, nâng cao học vấn. Từ đó, các em tự tin hơn, biết cách giúp mình và cộng đồng mình, buôn làng, giúp cho giáo hội, cho thế giới này tốt đẹp hơn.”

Để thực hiện sứ mạng này, ông dựa vào các linh mục, nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế địa phương, sau đó nhờ đến các nhà dòng khác giúp. Nhờ đó, ông biết rõ từng dân tộc sống bằng nghề gì, cuộc sống họ ra sao, khó khăn như thế nào, để lên kế hoạch giúp đỡ hiệu quả, tới tận tay người cần giúp.

Chương trình giúp các em đi học, phải tổ chức người theo dõi, giúp đỡ thêm. Những gia đình có chuyện buồn, cử người đến vực dậy tinh thần cho các em,…

“Vòng tay chúng tôi đến từng địa phương ngày càng lớn và hiệu quả nhờ những mối liên kết chặt chẽ như thế,” Linh Mục Trần Công Vang kể trong niềm vui sáng lên trong ánh mắt.

“Đồng bào hải ngoại của mình có lòng thành lắm. Khi biết chương trình nào có mục tiêu rõ rệt, trong sáng, và thực sự hiệu quả, anh chị em không tiếc công, tiếc của đóng góp. Nhờ đó chúng tôi mới có tài chánh để thực hiện những chương trình ích lợi cho người nghèo sắc tộc.”

Nhìn lại chặng đường 22 năm, Linh Mục Trần Công Vang hiểu ông sẽ chẳng làm được gì khi không có đồng bào hải ngoại song hành tiếp tay. Cứ mỗi năm trôi qua, Việt Tộc lại giúp được nhiều đứa trẻ đến trường hơn, giúp khám chữa bệnh cho người nghèo, an ủi những mảnh đời bất hạnh bị phong cùi, tạo môi trường sống lành mạnh,…

Ông cho biết thêm: “Những năm đầu cực lắm, khi nào có tiền thêm thì giúp thêm. Chúng tôi liệu cơm gắp mắm thôi. Trung bình mỗi năm chúng tôi mong ước có khoảng $400,000. Những năm trước còn tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ, năm nay vì đại dịch COVID-19 nên không thể làm. Ngoài ra, ân nhân biết qua các chương trình truyền hình, truyền thanh, họ đóng góp thường xuyên. Phần đóng góp thường xuyên chiếm khoảng một phần ba quỹ.”

22 năm Việt Tộc như một “chặng đường thánh giá” mà Linh Mục Trần Công Vang nguyện mang vác vì người dân tộc Tây Nguyên. Cùng với đồng bào hải ngoại, các vị tu sĩ và thiện nguyện viên khắp nơi, Việt Tộc đang từng bước khai mở dân trí cho những vùng đất nghèo khổ nhất trên quê hương Việt Nam này. [kn]

(*) Tìm hiểu hoạt động Nhóm Việt Tộc: www.viettoc.org. Đóng góp tại: Zelle: (714) 829-7860. Uyên Bình: (714) 724-1349. Phương Thảo: (714) 222-7004.

Back To Top