Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
GIỜ CỦA CHÚA
21.5 Chúa Nhật thứ Bảy Mùa Phục Sinh
St 1:12-14; Tv 27:1,4,7-8; 1 Pr 4:13-16; Ga 17:1-11
GIỜ CỦA CHÚA
Bước vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến, để trong mọi sự con người tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.
Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, alléluia ; hồn con thưa cùng Chúa: mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia”.
Trong Tin Mừng Gioan từ “Giờ” của Chúa được nhắc đến khá nhiều. Quả thật, mọi việc Chúa làm có thể đều liên quan đến chữ “Giờ” kia. Trong tiệc cưới tại Cana, khi bữa tiệc hết rượu Đức Mẹ đã nói với Chúa Giêsu để Ngài giúp đỡ họ, nhưng Ngài đáp lại: “Thưa bà, việc đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,17b). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến “Giờ”. Nhưng hôm nay “giờ” mà Ngài nhắc đến đó là Ngài đã hoàn tất sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó, “giờ” Ngài được trở về và được Chúa Cha tôn vinh.
“Xin Cha tôn vinh Con Cha để con Cha tôn vinh Cha”. Đây là một sự trao đổi kỳ diệu giữa Chúa Con và Chúa Cha, sự trao đổi ấy luôn luôn sống động trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế gian để cứu chuộc loài người và Chúa Cha đã ban tất cả loài người cho Chúa Giêsu: “Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người” (c. 2).
Nhưng để cứu chuộc sự sống đời đời cho con người, Chúa Giêsu đã phải chết ô nhục trên thập giá, và cũng chính trên thập giá Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh vì Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách triệt để. Cái chết của Ngài là một lời mời gọi yêu thương, là lời vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Cái chết ấy không những mang lại sự sống đời đời cho con người mà còn trở thành cầu nối giữa Thiên Chúa và con người, cầu nối ấy đã bị rạn nứt khi con người bội nghĩa bất trung với Thiên Chúa, thì nay Chúa Giêsu đã đến và hàn lại chỗ rạn nứt đó. Có thể nói rằng Chúa Giêsu, Ngài đã làm tất cả những việc đó không phải để cho chính bản thân mình, cũng không phải để được người đời tôn vinh, nhưng Ngài làm những điều đó là để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và Ngài muốn thi hành thánh ý Chúa Cha một cách trọn vẹn.
Nhìn vào thế giới hôm nay, con người đang đắm chìm trong những đau khổ của bệnh tật và đại dịch Covid-19 đã cướp đi biết bao sinh mệnh. Đại dịch này như là một thảm họa trên khắp thế giới, nhưng với lăng kính của đức tin thì chúng ta tin rằng Đức Kitô lại đến để xoa dịu những đau thương ấy. Mặc dù Ngài không hiện diện một cách hữu hình, nhưng Ngài hiện diện ngang qua những y bác sĩ, những nhân viên y tế và những người có trách nhiệm đang ngày đêm chiến đấu để đem lại sự sống cho những bệnh nhân. Xưa Chúa Giêsu vì tình yêu Ngài dành cho loài người và vì vâng lời Chúa Cha mà đến thế gian để cứu chuộc loài người, thì hôm nay, những y bác sĩ vì lương tâm nghề nghiệp, vì tình yêu dành cho những người bệnh mà họ đã hy sinh tất cả: gia đình, thời gian, ý riêng, hạnh phúc và ngay cả mạng sống của mình để giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua những khó khăn. Những hình ảnh các y bác sĩ đang ngày đêm làm việc không ngừng chính là họ đang âm thầm làm sáng danh Chúa. Họ đã và đang sống lời mời gọi yêu thương của Chúa, như trong thư của thánh Phaolô nói: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta cũng được mời gọi hãy sống “giờ” của Chúa Giêsu, mà giờ ấy không chỉ trong một hai giờ hay trong một hai ngày, nhưng “giờ” đó đòi hỏi chúng ta phải sống liên lỉ mỗi ngày, có nghĩa là mỗi ngày chúng ta hãy vác thập giá của mình, vì thập giá ấy sẽ được tôn vinh bởi “qua thập giá đến vinh quang”. Con đường ấy chính Chúa Giêsu đã đi qua và Ngài cũng mời gọi chúng ta cũng hãy đi theo con đường ấy trong ơn gọi mà mình đang sống. Nhìn vào gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi hãy làm vinh danh Chúa Cha bằng cách vâng phục và thực thi ý muốn của Thiên Chúa, nhất là chúng ta hãy dùng tình yêu thương mà làm cho mọi người xung quanh nhận ra sự hiện diện của Chúa Cha.
“Xin Cha tôn vinh con bên Cha” (c. 4-5a). Chúa Giêsu đã luôn ý thức sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó, Ngài đã trải qua bao đau khổ mới có thể chu toàn thánh ý Chúa Cha một cách trọn vẹn. Còn đau khổ nào hơn khi bị chính những người thân của mình phản bội. Các môn đệ mà Ngài vẫn luôn yêu thương chăm sóc ,mà nay người này phản bội, người kia chối bỏ khi Thầy gặp khó khăn. Khó khăn đau khổ như vậy nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn giữ lòng trung tín với thánh ý Chúa Cha, để cho mọi người nhận biết Chúa Cha – Đấng vẫn luôn yêu thương loài người, bởi vì khi Chúa Giêsu “hoàn tất công trình Cha giao phó” đó chính là tôn vinh Cha. Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm đều nhắm đến một mục đích duy nhất đó là tôn vinh Chúa Cha và để cho thế gian được nhận biết Thiên Chúa Cha – Đấng duy nhất có quyền ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người, và Chúa Con là cầu nối duy nhất đưa chúng ta đến với Chúa Cha, vì: Như Chúa Giêsu đã nói không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho và không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ (x. Ga 6,44).
Sau khi đã hoàn tất sứ mạng của mình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin Cha ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng trước khi có thế gian” (c.5). Lời cầu xin của Ngài không hiểu như là một công trạng cũng không hiểu như một người làm công đáng được chủ trả công, nhưng với Chúa Giêsu, đó là những điều vốn dĩ thuộc về Ngài, vì Ngài là Con Một của Thiên Chúa Cha. Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu với vai trò là một người được sai đi, để làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa, và Ngài đã làm với tất cả trách nhiệm và bổn phận của mình. Chúa Giêsu đã trao ban cho họ tất cả những gì Ngài đã đón nhận được từ Chúa Cha để giúp họ hiểu và nhận ra Chúa Cha “vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con, họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con” (Ga 17,8).
Nhưng để nhận biết được Thiên Chúa, chúng ta không phải dùng không phải dùng khoa học hay do trí hiểu, mà đó là một ân huệ mà Thiên Chúa ban cho, có nghĩa là chúng ta phải có đức tin vì “đức tin đi tìm sự hiểu biết”.
Thực tế của xã hội ngày nay đã cho thấy, con người đang đánh mất đức tin vốn có của mình, vì họ cho rằng con người có thể làm được tất cả, con người có thể làm chủ vũ trụ, họ tự tôn mình lên trên Đấng đã làm ra vũ trụ này. Họ đã quên rằng tất cả những gì họ làm ra đều được bắt đầu từ cái có sẵn.
Thái độ sống vô ơn này không phải là thái độ sống mà Chúa muốn, vì chúng ta không là gì nếu không có Thiên Chúa và chúng ta không có gì nếu Thiên Chúa không ban cho vì mọi sự chúng ta có đều thuộc về Chúa. Như Chúa Giêsu, mặc dù Ngài là Con Một nhưng Ngài luôn ý thức rằng: “Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con, và con được tôn vinh nơi họ” (c. 10). Chúa đã sống tâm tình này và cũng như để dạy chúng ta rằng: những gì chúng ta đang có hiện nay không phải những gì thuộc quyền sở hữu của ta, nhưng chúng ta chỉ là những người quản lý mà Thiên Chúa gửi đến thế gian.
Sau khi đã hoàn tất sứ mạng và trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu xin Chúa Cha cho những người còn đang ở thế gian “con cầu xin cho chúng, con không cầu xin cho thế gian”. Ngài ý thức được sự yếu đuối mỏng giòn của con người, nên Ngài đã xin Chúa Cha gìn giữ họ và ban cho họ ơn trung thành trong đức tin khi gặp phải những khó khăn thử thách.
Bên cạnh đó, khi chúng ta đã được đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa thì chúng ta cũng phải có nghĩa vụ trao ban tình yêu ấy cho mọi người xung quanh, nhất là những người đang gặp khủng hoảng về đức tin, để họ cũng được đón nhận tình yêu ấy nhờ đó họ nhận ra Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêu thương và dõi bước theo họ.