Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ban cho tất cả các linh mục “được giải tội phá thai cho những ai đã phạm tội này mà ăn năn xin ơn tha thứ”. Quyết định này cho thấy thực trạng phá thai không chỉ xảy ra với người ngoài Công giáo.
Phá thai là lấy khỏi bụng mẹ một con người không thể sống được dựa vào một phương pháp nào đó của con người, hoặc bằng cách giết nó trước khi lấy ra khỏi bụng mẹ, hoặc bằng cách làm cho nó phải liều mạng khi sống ngoài bụng mẹ” (Karl H. Peschke – Thần học luân lý chuyên biệt (Special Moral Theology), tập II, trang 285).
Vấn đề đặc biệt được nêu ra là chính xác khi nào phôi thai là một con người đúng nghĩa? Từ xưa đến nay đã có hai lý thuyết khác nhau.
Aristote và Thánh Tôma Aquinô cho rằng linh hồn có lý trí chỉ được phú cho thân xác sau khi trứng thụ tinh ấy phát triển tới một mức nào đó. Còn trước đó, phôi thai chỉ có một sự sống thực vật và động vật.
Các học giả gần đây cho rằng phôi thai đã có linh hồn ngay từ khi thụ thai.
Giáo hội không đưa ra lời tuyên bố chính thức nào, tán thành hay phi bác một trong hai lý thuyết vừa kể. Tuy nhiên, vì cả hai ý kiến đều có khả năng đúng và vì đứng trước một vấn đề nghiêm trọng là sự sống con người, nên Giáo hội chỉ còn cách là phải chọn theo hướng hành động nào an toàn hơn. Trong trường hợp có sự hoài nghi thì phải theo ý kiến nào đảm bảo hơn, vì nó tránh được nguy hiểm lỗi luật mà phạm tội, đó là luôn luôn đối xử với một trứng thụ tinh và còn sống như một con người, với đầy đủ quyền lợi của một con người, bất kể nó đang ở trong giai đoạn phát triển nào.
Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (GLHTCG. số 2271).
Theo Giáo luật hiện hành, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho những ai đã phá thai thành công: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (GL 1398).
Vạ tuyệt thông tiền kết có thể được gỡ bỏ ở tòa trong hoặc do đấng bản quyền. Trong trường hợp bình thường, “lúc ban bí tích, cha giải tội có thể tha ở tòa trong vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trọng suốt thời gian cần thiết để bề trên có thẩm quyền định liệu” (Điều 1357.1). Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân, nếu bất tuân, thì sẽ mắc vạ lại, trong vòng một tháng phải thượng cầu lên bề trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của ngài; trong khi chờ đợi, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết; cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này, nhưng không nêu danh tính của hối nhân (Điều 1357.2).
“Hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhưng chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không được dành riêng cho Tông Tòa, thì có thể được đấng bản quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó; bất cứ giám mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban Bí tích Giải Tội” (Điều 1355.2).
Việc ĐTC Phanxicô cho phép tất cả các linh mục được giải tội phá thai, một tội bị vạ tuyệt thông tiền kết, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, như một đặc ân của Tông Tòa, giúp các tín hữu cảm nghiệm sâu sắc về LTX Chúa được thấm nhuần và tiếp nối nơi Giáo hội. Tuy nhiên, đòi hỏi con người thành tâm hối cải, trở về đường ngay lành và không tái phạm. Bởi vì, tội lỗi tự bản chất đối nghịch với nhân bản và lòng nhân, trong đó, lòng thương xót là một biểu hiện nổi trội.