skip to Main Content

Hang đá và cây thông giáng sinh

Hang đá và cây thông giáng sinh

1. HANG ĐÁ – MÁNG CỎ 

a. Lịch sử

Hang đá Giáng Sinh là một khám phá tuyệt vời của Thánh Phanxicô thành Assisi. Chính ngài là người có công phổ biến thực hành làm hang đá Giáng Sinh trong đời sống Giáo Hội. Tác giả Omer Englebert kể rằng: vào năm 1223, chỉ còn đúng hai tuần lễ nữa là đến ngày mừng lễ Chúa giáng sinh, Phanxicô Assisi lúc đó đang trên đường từ Rôma trở về làng Assisi, quê hương của ngài. Khi đi ngang qua làng Greccio, Phanxicô đã gặp một thầy tập sinh tên là Jean Velita, ngài liền ngỏ lời với thầy rằng: “Ta mong ước cử hành lễ Giáng Sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bêlem, nhưng để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi con dẫn một con lừa và một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa hài đồng năm xưa”. Thế là thầy vâng lời, đi làm một hang đá giống như lời Phanxicô dặn. Kể từ máng cỏ đầu tiên này tại Greccio, tập tục làm hang đá nhanh chóng trở nên phổ biến khắp Giáo Hội. Hằng năm, tại các giáo xứ, nơi công cộng và nhà tư trên khắp thế giới, người ta làm hang đá cùng với cây thông để mừng lễ Chúa giáng sinh.

b. Ý nghĩa

Hang đá Giáng Sinh không phải chỉ hình ảnh và cảnh tượng trang trí tạo cảnh sắc lễ hội nhưng là để cung kính suy tôn Chúa ra đời trong máng cỏ ở Bêlem. Thay vì đi hành hương đến tận Đất Thánh để chiêm ngưỡng nơi hài nhi Giêsu chào đời như nhiều người Kitô hữu vẫn làm từ thế kỷ III,1 chúng ta có thể chiêm ngưỡng và tôn vinh Ngài ngay tại hang đá Giáng Sinh gần ngay nhà mình. Khi nhìn vào hang đá, chúng ta gặp thấy ở đó, Đấng là Chúa trời đất đã chấp nhận sinh ra làm người trong máng cỏ bò lừa tượng trưng cho sự nghèo hèn tột độ. Còn chiếc khăn trắng quấn Chúa hài nhi Giêsu như là dấu hiệu báo trước chiếc khăn sẽ liệm xác Ngài sau này.

Từ năm 1400, tượng Mẹ Maria mới được trưng bày trong Hang đá như một người đang chìm sâu trong sự thờ lạy, yêu mến và suy ngắm mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Cứu Thế.

Trong hang đá, chúng ta thấy tượng Thánh Giuse thường mang một chiếc áo choàng rộng, tượng trưng cho sứ mệnh cao cả nhưng đầy khó khăn mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho Thánh nhân. Đó là sứ vụ bảo vệ và dưỡng nuôi Con Một Thiên Chúa cũng như trợ giúp cho Đức Trinh Nữ Maria trong mái ấm gia đình Nazaret. Thánh Giuse cũng cầm trong tay chiếc đèn thắp sáng nhằm nói lên sứ mạng chăm sóc và gìn giữ hài nhi Giêsu.

Tượng Thiên Thần nơi hang đá gợi lại cho chúng ta hai sự kiện: 1] Ca đoàn các Thiên Thần ca hát mừng Chúa Hài Đồng từ trời cao “Gloria in excelsis Deo” (Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương); 2] Các Thiên Thần loan báo tin vui cho các mục đồng: “Hôm nay, Đấng cứu độ đã ra đời”.

Tượng các mục đồng biểu tượng cho từng lớp người nghèo mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Con Thiên Chúa đã muốn trở nên một trong những người bé nhỏ như họ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn và khiêm tốn (Mt 25, 40).

c. Mục vụ phụng vụ

Nên làm hang đá từ ngày 17/12, tức là giai đoạn thứ II của mùa Vọng hoặc trước Kinh Chiều I lễ Giáng Sinh. Ngoại trừ trường hợp nhà thờ quá nhỏ và không tìm đâu ra nơi thích hợp, còn nói chung vị trí của hang đá không được ở dưới hay trước bàn thờ mà nên nằm ngoài Cung Thánh để tránh hướng sự chú ý của mọi người về nơi này hơn là những điểm quy hướng khác trong Thánh Lễ như ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ. Tuy nhiên, nên để hang đá trống rỗng cho đến ngày Giáng Sinh (trước Thánh Lễ ban đêm hay trước giờ kinh Sách nếu giờ kinh này đọc chung trong Thánh Lễ) để diễn tả sự khát vọng và đợi chờ của chúng ta về hài nhi Giêsu sẽ được sinh ra trong máng cỏ. Đêm Giáng Sinh có thể đặt thêm tượng Chúa hài đồng, tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse. Lễ Giáng Sinh có thể thêm tượng các mục đồng. Ngày lễ Ba vua thì thêm tượng ba vị này cùng ngôi sao chỉ đường để hoàn tất trọn vẹn máng cỏ.

● Không có nghi thức chính thức để đặt tượng Chúa hài đồng vào trong máng cỏ. Chúng ta có thể tiến hành theo một trong hai hình thức sau: 1] Vị chủ tế sẽ mang tượng Chúa hài đồng trong đoàn rước nhập lễ của Thánh Lễ ban đêm. Khi tới hang đá, chủ tế quỳ xuống và đặt tượng Chúa hài đồng vào nơi thích hợp trong hang đá; 2] Vị chủ tế đứng đợi tại trước bàn thờ trong khi một gia đình đại diện hay vài thiếu nhi mang trượng Chúa hài đồng đến cho ngài để ngài đặt vào hang đá. Khi tượng đã đặt vào hang đá thì chủ tế xông hương và/hoặc làm phép hang đá. Sau đó, cộng đoàn tiếp tục hát trở lại bài ca nhập lễ. Chủ tế cùng những người giúp lễ tiến đến bàn thờ để xông hương Thánh giá và bàn thờ, rồi về ghế chủ tọa để bắt đầu Thánh Lễ.

● Hãy khuyến khích thiếu nhi trong giáo xứ mang quà tặng đến dâng cho Chúa hài đồng và đặt chúng tại hang đá. Những phần quà này sẽ được dành cho các trẻ em nghèo.

● Trước máng cỏ tại gia, các thành viên trong gia đình nên cùng nhau cầu nguyện ít phút hay đọc các đoạn Kinh Thánh liên quan đến việc Chúa giáng sinh.2

2. CÂY THÔNG GIÁNG SINH

Cùng với hang đá, cây thông Giáng Sinh là đối tượng phổ biến nhất trong ngày lễ Giáng Sinh. Do cây thông vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi và vẫn tươi xanh ngay trong khí hậu khắc nghiệt của mùa Đông cho nên được coi là lời mời gọi không lời hướng chúng ta tới hy vọng và hân hoan, hay là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới trong lễ hội đón chào năm mới.3 Tại các gia đình Kitô hữu, cây thông Giáng Sinh không chỉ như một biểu tượng của ngày lễ, tăng thêm bầu khí của ngày lễ, là nơi người ta ca hát và nhảy múa mà còn là nơi để cầu nguyện. Tại các nhà thờ cũng vậy, cây thông vừa có giá trị như một biểu tượng của ngày lễ, làm đẹp cho không gian thánh đường, lại vừa tăng thêm bầu khí của ngày lễ Giáng Sinh. Bởi thế, một số quốc gia có cả nghi thức làm phép cho cây Giáng Sinh. Họ bật đèn trang trí cây Giáng Sinh lên vào lúc chiều tối khi cử hành Giờ kinh Chiều.4

Tuy nhiên, cây Giáng Sinh không phải là yếu tố thiết yếu của phụng vụ, cho nên khi sử dụng tại khu vực thánh đường, cần lưu ý những điểm sau: 5

● Nếu có thể, sử dụng cây thông tự nhiên hơn là cây thông nhân tạo.

● Trang hoàng cho cây Giáng Sinh (như đèn điện, ngôi sao, vòng hoa, kim tuyến, trái châu…) một cách vừa phải để không làm mất đi vẻ đẹp của nó.

● Cây thông nên được dựng cách thích hợp ở bên ngoài Cung Thánh và nhà thờ, tốt nhất là ở tiền sảnh hoặc sân nhà thờ. Đây đã là một tập tục trên Quảng trường Thánh Phêrô từ thời Đức Gioan Phaolô II.

● Không đặt cây Giáng Sinh trong cung thánh vì:

Thứ nhất, không có văn kiện nào của Giáo Hội ủng hộ thực hành này. Dựng cây Giáng Sinh nơi cung thánh hoàn toàn không phải là thực hành phổ biến trong Giáo Hội Công giáo.

Thứ hai, theo nguyên tắc phụng vụ, các trang trí theo mùa phải “củng cố việc cầu nguyện và sự hiểu biết của cộng đoàn giáo xứ”. Trong khi đó, cây Giáng Sinh xuất hiện trong cung thánh làm cho người tham dự Thánh lễ chia trí hơn là “củng cố việc cầu nguyện và hiểu biết” của họ, ngay cả khi đèn nhấp nháy tắt đi. Mặt khác, cây Giáng Sinh có thể dễ dàng gợi lên khía cạnh vật chất và thương mại của mùa lễ hơn là khía cạnh tâm linh.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.

___________________________________________________

 Hélène đã xác định được hang đá nơi Chúa sinh ra và cho xây một thánh đường ở đây (thế kỷ IV) và trở thành trung tâm hành hương danh tiếng của Đất Thánh.

2  HĐGM-VN (Ủy ban Văn hóa), Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ (năm 2001), số 104.

 Xc. G. Thomas Ryan, The Sacristy Manual (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 178.

4  Xc. Peter Mazar, To Crown the Year (Chicago: Liturgy Training Publications, 1995), 260.

5  Xc. Edward McNamara, “Overdoing the Christmas Decorations” trong ZENIT Daily Dispatch  [12 DEC. 2006]; “Christmas Trees in the Sanctuary” [11 DEC. 2012]

Back To Top