Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Đức Thánh Cha tiếp cộng đoàn Học viện Giáo hoàng Pio Mỹ Latinh
Đức Thánh Cha tiếp cộng đoàn Học viện Giáo hoàng Pio Mỹ Latinh
Sáng ngày 28/11, Đức Thánh Cha tiếp khoảng 50 học viên của cộng đoàn Học viện Giáo hoàng Pio Mỹ Latinh ở Roma. Ngài khuyến khích các học viên trở thành các môn đệ và nhà truyền giáo.
Học viện Giáo hoàng Pio Mỹ Latinh ở Roma là nơi dành cho các chủng sinh thuộc nhiều nước khác nhau của Châu Mỹ Latinh đến Roma để tu học. Với sự đa dạng từ quốc tịch và văn hoá này của các học viên, Đức Thánh Cha cho thấy các Kitô hữu đầu tiên cũng thuộc nhiều dân tộc và nền văn hoá khác nhau. Chính Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên họ và làm cho họ trở nên “một lòng một ý” (Cv 4,32), nói cùng một ngôn ngữ – ngôn ngữ của tình yêu – và trở thành môn đệ và thừa sai của Chúa Giêsu cho đến tận cùng trái đất (x. Mt 28,19).
Với lễ thánh tông đồ Anrê vào thứ Tư tới, Đức Thánh Cha chia sẻ với các học viên hai điểm về người môn đệ và các nhà truyền giáo.
Về người môn đệ, Đức Thánh Cha nói rằng thánh Anrê là một trong những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Trước sự băn khoăn muốn biết Thầy là ai, và trước lời mời “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39), ngài đã đến và xem nơi Thầy ở và ở lại với Thầy ngày hôm đó. Chính tại đây mà cuộc đời của ngài đã thay đổi hoàn toàn. Cũng vậy, các học viên được mời gọi canh tân cuộc gặp gỡ với Chúa, chia sẻ Lời của Người, thinh lặng trước Người để xem Người nói gì, Người làm gì, Người cảm thấy thế nào, Người im lặng ra sao, và để yêu Người. Đây chính là của việc trở thành môn đệ của Người.
Khi đã trở thành môn đệ thì Anrê không ở yên và khoanh tay đứng nhìn, nhưng ngài đã đi loan báo về những gì đã trải qua. Và người đầu tiên ngài gặp để kể là với Simon Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (Ga 1,41), ngài nói và dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Đây là cách Anrê trở thành một nhà truyền giáo.
Thánh sử Maccô đã tóm tắt lời kêu gọi trở thành môn đệ và nhà truyền giáo bằng những lời: Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ để họ “ở với Người và được Người sai đi rao giảng” (c. 14). Đức Thánh Cha khẳng định: “Đây là ý nghĩa cuộc sống của chúng ta.”
Đức Thánh Cha nhắc nhở các học viên: “Đừng quên trở về với Người, lưu ý là với Người chứ không phải với màn hình điện thoại, mỗi tối, sau một ngày dài cố gắng và mệt mỏi, cần nghỉ ngơi đôi chút trước sự hiện diện của Người và thưa với Người mọi điều các con đã sống (x. Mc 6,31). Người biết chúng ta cần gì và có lời để nói với chúng ta vào mọi dịp.” (CSR_5075_2022)
Văn Yên, SJ