skip to Main Content

ĐỨC MARIA – MẸ SỰ HIỆP NHẤT

ĐỨC MARIA

MẸ SỰ HIỆP NHẤT

(Ga 17, 20 – 26)

Hàng năm, Giáo Hội tổ chức tuần Bát Nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu trước ngày lễ kính Thánh Phaolô trở lại, từ 18/1 đến 25/1. Trong tuần Bát Nhật này Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng với Đức Thánh Cha, các Đức GM, các linh mục, tu sĩ, các tín hữu Công giáo và các anh em ly khai thuộc Giáo Hội Đông Phương, Giáo hội tách biệt cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu trên toàn thế giới.

Trong ngày hành hương kính viếng Đức Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp “Mẹ của sự hiệp nhất” hôm nay, chúng ta thiết tha cầu xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội ban cho mọi Kitô hữu trên toàn thế giới biết hiệp nhất với nhau để làm chứng cho Đức Giêsu chết và Phục Sinh và dự phần tích cực vào việc làm cho nước Cha trị đến trên hành tinh này của chúng ta như trong Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc thường ngày “Xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Như trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng : “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” và như công đồng Vaticano II quả quyết “Chúa Kitô chỉ thiết lập một Giáo Hội và chỉ một Giáo Hội duy nhất mà thôi”. Giáo hội do Chúa Kitô thiết lập là một Giáo Hội duy nhất bằng chứng là chính Ngài đã trao cho tông đồ Phêrô chăn dắt Giáo Hội “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 17). Trước khi siêu thăng về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã ủy thác cho tông đồ Phêrô và các tông đồ trách nhiệm điều hành và phát triển Giáo Hội : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thiên hạ trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần và dạy cho họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 18-20). Trong cuộc đời truyền giảng Tin mừng cứu độ, Đức Giêsu đã rất nhiều lần tỏ bày ước muốn Giáo Hội của Ngài phải là Giáo Hội duy nhất khi Ngài giảng về một đoàn chiên duy nhất và một chủ chiên duy nhất. Khi Ngài tuyên bố : Một nước chia rẽ không thể đứng vững được. Khi Ngài trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô và hứa sẽ xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đá tảng Phêrô.

Mặc dù Giáo hội do Đức Giêsu thiết lập là một Giáo Hội “duy nhất thánh thiện, công giáo và tông truyền” nhưng thực tế, chỉ hơn ½ thế kỷ sau khi thiết lập, trong Giáo Hội đã có mầm mống chia rẽ do bất đồng ý kiến về đạo lý hay đường lối mục vụ … Cụ thể trong giáo đoàn Corintho có tới 4 phe : “Tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô” (1C 1, 12)

Đọc lịch sử Giáo Hội, người ta nhận thấy rằng : Vì  nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau trong Giáo Hội, không chỉ có những xích mích chia rẽ của một vài cá nhân vì bất đồng ý kiến … mà còn có cả những cuộc ly khai thật đáng buồn như cuộc ly khai của Giáo Hội Đông Phương vào năm 1054 giữa Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Constantinôpôli, cuộc ly khai Tây Phương vào Thế kỷ 16 giữa Công Giáo và Tin Lành … và như công đồng Vaticanô 2 đã nói “Những cuộc ly khai như thế công khai đi ngược lại với ý muốn của Đức Giêsu, làm gương mù cho thế giới và làm tổn hại cho sự nghiệp rao giảng phúc âm cho mọi thụ tạo”.

Trong ba năm ngược xuôi khắp đất nước Palestina truyền giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu không ngừng kêu gọi người ta hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy yêu thương nhau và đỉnh cao là sự tha thứ. Hãy thực thi công bình bác ái yêu thương, hãy làm lành lánh dữ … và một trong những khát vọng mà Đức Giêsu luôn canh cánh bên lòng là sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Ngài tỏ bày khát vọng hiệp nhất, trong lời nguyện hiến tế Ngài đã tha thiết cầu nguyện : “Con không còn ở trong thế gian. Phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ chúng trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như Chúng Ta … Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng cầu nguyện cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một. Lạy Cha, như Cha ở trong con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 11.20.21)

Thánh Phalô tông đồ trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã kêu gọi duy trì sự hiệp nhất bằng những lời tâm huyết sau đây : “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa, gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí … Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người (Ep 4, 2-6)

Là Kitô hữu, qua bí tích Thanh tẩy, chúng ta không chỉ thuộc về gia đình Chúa ba Ngôi mà còn thuộc về nhiệm thể Chúa Kitô. Vì là chi thể trong nhiệm thể mà Đức Kitô là đầu nên chúng ta phải giữ gìn sự hiệp nhất ấy, vì đó, không chỉ là khát vọng của Đức Giêsu mà còn là bản chất của Giáo Hội nữa, vì Giáo Hội Chúa Kitô chỉ là một. Tự nhận mình là công giáo vẫn chưa đủ mà còn phải có tinh thần hiệp nhất thật sự nữa.

Giáo hội mọi thời và mọi nơi đã không ngừng hoạt động cho đại kết, cho sự hiệp nhất của Giáo hội, đặc biệt dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan 23, Phaolô 6, Gioan Phaolô 2 và đương kim giáo hoàng Benedicto 16.

Đức Giáo Hoàng Gioan 23, vị giáo hoàng từng hoạt động rất tích cực cho sự hiệp nhất vào ngày lễ kính thánh Phaolô trở lại 1959 đã loan báo triệu tập công đồng Vaticanô II nhằm mục đích “tăng cường đức tin Công giáo, canh tân đời sống đạo đức, dung hòa kỹ thuật truyền giáo với nhu cầu và phương pháp của thời đại, để cho đời sống mới của Giáo Hội trở nên một tiếng gọi thân ái những anh em ly khai tìm về sự hiệp nhất”.

(thông điệp Ad Petricathrdram) người ta gọi công đồng vatican 2 là công đồng đại kết. Ngoài ra Ngài còn cho thiết lập một văn phòng đặc biệt lo việc hiệp nhất nhằm mục đích giúp anh em tách biệt có phương tiện theo dõi công đồng Vatican 2 và kêu gọi người Công giáo phải gạt bỏ những thành kiến và những hiềm khích bấy lâu nay hằng làm tổn thương đến bác ái giữa những người anh em tin vào một Chúa.

Kế vị Đức Giáo hoàng Gioan 23, Đức Giáo hoàng Phaolô 6 trong ngày khai mạc khóa 2 công đồng Vatican 2 đã đọc một bài diễn văn quan trọng về đại kết, trong đó Ngài đã công khai xin lỗi anh em tách biệt về những lỗi lầm trong quá khứ đã một phần nào gây ra hố chia rẽ giữa các kitô hữu. Ngõ lời với đại diện các giáo hội ngòai Công giáo tham dự công đồng với tư cách quan sát viên, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói như sau : “Nếu trong các nguyên nhân chia rẽ kia có một lỗi lầm nào khả dĩ đổ trên chúng tôi, chúng tôi khiêm tốn xin lỗi Thiên Chúa và chúng tôi cũng xin các anh em cảm thấy chúng tôi làm phật lòng, khoan hồng rộng lượng cho chúng tôi. Về phía chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm đến giáo hội Công giáo và bỏ qua những đau khổ Giáo hội phải gánh chịu một chuỗi thời gian dài dằng dặc những bất đồng và chia rẽ”.

Tiếp nối đường lối đại kết của công đồng Vatiacan 2 và của vị tiền nhiệm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 vào ngày 25/5/1995 đã công bố thông điệp đại kết có tên là “Để họ nên một” (ut omnes usum sint) . Trong thông điệp này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô nhấn mạnh tới việc dấn thân cho đại kết, Ngài kêu gọi “mọi người dấn thân cho đại kết phải không ngừng canh tân và hóan cải tâm hồn và sống trong sáng hơn theo Tin mừng vì họ càng hiệp thông mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bao nhiêu thì họ càng phát huy tình huynh đệ cách mật thiết và dễ dàng hơn bấy nhiêu”.

Ngoài ra, người dấn thân cho đại kết còn phải cầu nguyện luôn, vì cầu nguyện là linh hồn của đại kết, là phương tiện rất hiệu nghiệm để xin ơn hiệp nhất. Đức Giáo hoàng Benedicto đã phát biểu trước Ủy Ban Đối Thọai Thần học quốc tế giữa Công giáo và các giáo hội Chính Thống được tái tục sau nhiều năm ! Có nhiều cản trở bên trong lẫn bên ngoài như sau : “Để tiến đến được con đường hiệp nhất chúng ta phải khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa vì lẽ trên tất cả, sự đoàn kết, hiệp thông chính là hồng ân của Thiên Chúa và Cha mời gọi tất cả mọi người Kitô giáo hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất này”. Khát mong hiệp nhất “Để họ được nên một” của Đức Giêsu trong lời nguyện hiến tế cũng là mối bận tâm của Giáo hội mọi thời và mọi nơi và là ước mong của Đức Maia, Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo hội. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa bởi vì Mẹ cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa làm người. Đức Maria làm Mẹ Giáo hội vì Mẹ đã chấp nhận lời trăn trối của Đức Giêsu trước khi khép mắt lìa đời để trở thành Mẹ của tông đồ Gioan tức là Mẹ của toàn thể nhân lọai, Mẹ của Giáo hội mà Gioan là người đại diện.

Như vậy, Đức Maria không chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà còn là Mẹ của các chi thể  Đức Kitô, tức là Mẹ của các tín hữu. Hỏi có người mẹ nào mà lại không xót xa khi thấy con cái mình chia rẽ nhau, kình chống nhau ? Hỏi có người mẹ nào mà lại bỏ mặc con cái mình đang xa gia đình và mái nhà thân yêu ? Hỏi còn ai lưu tâm đến những lời cầu nguyện xin ơn hiệp nhất của con cái cho bằng Đức Maria, Mẹ chúng ta ? Mẹ của sự hiệp nhất ?

Chúng ta cùng hiệp ý với Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 dâng lên Mẹ Maria lời cầu nguyện đầy yêu thương này : “Lạy Mẹ là nữ tì đầu tiên của Thân Thể toàn vẹn Chúa Kitô, xin giúp chúng con, tất cả các tín hữu đang cảm nghiệm thảm kịch chia rẽ của lịch sử Kitô giáo biết kiên trì tìm kiếm con đường dẫn đến sự hiệp nhất hòan hảo cho Thân Thể Chúa Kitô.

Ước gì mỗi người chúng ta trở nên những khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa anh em tín hữu và với tất cả mọi người. Amen.

Ngợi khen Chúa Giêsu và Mẹ Maria

Back To Top