Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đến với Chúa để vượt qua cám dỗ
12/1 Thứ Ba trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
Dt 2:5-12; Tv 8:2,5,6-7,8-9; Mc 1:21-28
ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ VƯỢT QUA CÁM DỖ
Theo Tin Mừng Mác cô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ” (Mc 1,39). Sau khi kêu gọi những môn đệ đầu tiên, hôm nay Người dẫn các ông đến hội đường Caphácnaum vào ngày sa bát.. Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa Giêsu dùng lời nói đầy uy lực và phép lạ khống chế sức mạnh thần ô uế. Điều đó chứng tỏ rằng, Chúa Giêsu là Đấng có uy quyền trong lời nói cũng như trong việc làm.
Sau khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan (Mt 3,13-17), Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai bằng cách thực thi ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế để đem lại ơn cứu cho nhân loại.
Chức năng tư tế: Chúa Giêsu đã vào hội đường để cùng với mọi người cầu nguyện, nghe lời Chúa, dâng của lễ và những ước nguyện của mình lên Thiên Chúa trong ngày Sabat.
Chức năng ngôn sứ: Chúa Giêsu đã đọc Lời Chúa và giảng dạy. Lời giảng dạy của Người như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ, khiến mọi người thán phục.
Chức năng vương đế: Chúa Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị nó ám hại, trả lại quyền tự do làm chủ bản thân của con người.
Kitô hữu chúng ta, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Chúa cũng trao ban cho mỗi người ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Vì vậy, để thi hành các chức năng này cách hiệu quả, việc quan trọng cần làm là loan báo Lời Chúa cần phải đi đôi với hành động
Nhắc đến ssự dữ trong thế gian không phải chỉ do trách nhiệm của con người, hay do sự không hoàn hảo của các sự vật. Bởi vì, ở trong chúng ta và ở chung quanh chúng ta, còn có những thế lực đen tối, mạnh mẽ hơn chúng ta mà chúng ta quen gọi là thần ô uế, thần dữ, hay ác thần. Phúc Am kể lại, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã gặp những loại nầy, và ngài đã chiến thắng chúng. Dĩ nhiên là chúng ta cần phải tránh đừng tưởng tượng theo những hình ảnh xa xưa về ma quỉ có sừng, có nanh, có móng vuốt, có bộ mặt hù dọa. Nhưng chúng ta cũng không thể nào phủ nhận sự hiện diện của tà thần, luôn chống lại sự thánh thiện của Thiên Chúa, luôn hành hạ con người như trong Tin Mừng hôm nay.
Dân chúng sững sờ kinh ngạc. Họ nhận ra rằng có một vị ngôn sứ đang ở giữa họ với “giáo huấn mới, một cách có uy quyền”. Đó là vì lời nói của Chúa Giêsu thực hiện được điều Người diễn tả. Tác giả nhắc lại “lời giảng dạy – uy quyền” (c. 22 // c. 27) để “đóng khung” truyện trừ quỷ. Bằng cách đó, ngài vừa nói lên được hai nét chính trong sứ vụ của Chúa Giêsu (giảng dạy – trừ quỷ) vừa minh họa được quyền lực giải phóng của lời Người nói. Ngoài ra, ngài cũng chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu bằng cách ghi nhận rằng sự cố xảy ra tại Caphácnaum đã được đồn ra “khắp cả vùng lân cận miền Galilê”.
Ta biết là có ma quỷ. Tuy nhiên, không nên nghĩ nó giống như một con quái vật. Đúng hơn nó là sức mạnh làm cho con người chúng ta hành động không đúng với nhân tính chúng ta nữa. Ta chỉ thắng được tà thần không phải bằng một thỏa hiệp và nhượng bộ, nhưng nhờ thẳng thắn chiến đấu chống lại nó nhân danh Triều Đại Thiên Chúa: nó đã và sẽ phản ứng thô bạo, nó kháng cự, la hét. Chúng ta có tin tưởng mạnh mẽ và sống động vào Chúa Giêsu chăng? Chúng ta có xác tín rằng Người vượt lên trên tất cả các sức mạnh đối kháng, và nếu kết hợp với Người, chúng ta có thể đánh bại sự dữ và các sức mạnh thù nghịch?
Chắc chắn có sự dữ, mạnh mẽ hơn chúng ta, thống trị chúng ta mà chúng ta không hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bởi vì làm sao giải thích khác đi được những mãnh lực đã làm biến dạng nhân tính con người, như : sự kiêu ngạo thái quá, sự ham muốn tiền của, hay đam mê khoái lạc nhục dục trong con người chúng ta. Tất cả đã làm cho chúng ta có cảm tưởng: nhân loại là trò chơi của một kẻ thù nguy hiểm, ghê gớm và dấu mặt.
Để thoát khỏi những sự dữ trên đây, chúng ta cần đến sự trợ giúp thần thiêng của Chúa. Đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, sự cộng tác tích cực của chúng ta là điều không thể thiếu. Đó là những nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nhân bản hơn bằng những việc làm cụ thể. Đó là những quyết tâm, những thiện chí muốn đáp lại lời mời gọi sống thánh thiện theo sự hướng dẫn và lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Đó là sự hy sinh, hãm mình, ăn chay và cầu nguyện để có thể lướt thắng ác thần. Như thế, có được cứu thoát hay không là tuỳ ở chúng ta, bởi vì Chúa đến để cứu chúng ta, và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.
Hội Thánh của Đức Kitô hôm nay vẫn tiếp tục được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và thực thi những việc làm của lòng xót thương. Sứ vụ của Hội Thánh nhất định không phát xuất “từ một ước muốn thống trị hay quyền lực, nhưng từ sức mạnh của tình yêu, từ Chúa Giêsu đấng đã đến giữa chúng ta, và trao ban cho chúng ta không chỉ một phần của Ngài, nhưng trọn vẹn con người Ngài. Ngài trao ban cho chúng ta cuộc sống của Ngài để cứu độ chúng ta, và để tỏ cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa… Ngài không chỉ sai chúng ta đi, Ngài đồng hành với chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên chúng ta trong sứ vụ tình yêu của chúng ta”
Xin Chúa thêm ơn, giúp mỗi người biết thống nhất giữa lời nói và việc làm để những giá trị Tin Mừng mà chúng ta loan báo được người nghe đón nhận và tin rằng tình thương của Chúa luôn hiện diện giữa lòng nhân loại.