Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Clara Pautasso dấn thân phục vụ người nghèo châu Phi
Clara Pautasso dấn thân phục vụ người nghèo châu Phi
Clara Pautasso, người Ý, năm nay 40 tuổi, hiện đang sống ở Torino và làm việc trong bệnh viện Molinette. Nhưng trước đây cô đã có những trải nghiệm đặc biệt dấn thân phục vụ người nghèo ở châu Phi. Giờ đây cô vẫn muốn tiếp tục ra đi đến vùng đất nghèo khổ nhưng theo cô đầy tình người khi có cơ hội.
Clara kể lại vào năm 18 tuổi, khi kỳ thi tốt nghiệp trung học đang tới gần, cô cảm thấy có một lời mời gọi cho một lựa chọn. Cô nói: “Tôi nhớ rất rõ vào mùa xuân năm đó, trong khi đang ăn tối với gia đình, tôi thông báo cho mọi người biết tôi sẽ đi châu Phi vào tháng 9 tới”.
Lớn nên trong sự ngưỡng mộ hình ảnh Mẹ Têrêsa Calcutta, Clara muốn dấn thân trong một môi trường thực tế. Qua bạn bè, cô gặp được một nữ tu truyền giáo ở Tanzania. Từ đó trong cô nảy sinh ý định ra đi. Cô muốn tận mắt thấy được tình trạng của những người mà cho tới lúc đó cô chỉ nghe kể lại hoặc thấy trên các phương tiện truyền thông. Đó là những em bé đang phải sống trong các hoàn cảnh nghèo đói, bệnh tật, không có ai an ủi, vỗ về.
Clara làm việc trong suốt mùa hè năm đó để đủ tiền chi trả cho chuyến đi, làm bài kiểm tra đầu vào cho khoá đào tạo y tá, và vào tháng 9 rời quê hương trong hơn một tháng rưỡi. Cô chia sẻ: “Thực tế này đã đi vào tâm hồn tôi. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã cảm thấy như ở nhà. Chuyến đi đã thay đổi tôi. Trước hết, tôi phục vụ tại trạm xá Kibiti, sau đó ở Dar es Salaam và khoa hộ sinh ở Iringa. Khi trở về, tôi bắt đầu học đại học chuyên ngành y tá, và ngay khi kỳ nghỉ cho phép, tôi đã đến Kenya, Matiri, Taraka, đến bệnh viện thánh Ursula. Ở đây, tôi làm tất cả mọi việc mà tôi thấy cần phải làm, không chỉ các công việc liên quan đến y tế”.
Khi trở về lại Torino, cô y tá trẻ tiếp tục theo học và lấy bằng thạc sĩ chuyên về các bệnh nhiệt đới và bắt đầu làm việc. Cô làm việc 6 năm trong khoa chỉnh hình, rồi khoa cấp cứu. Đối với Clara, cô cảm thấy tất cả những gì được chọn dường như để chuẩn bị cho cô. Trên hành trình này cũng có một cuộc tìm kiếm nội tâm, trước hết là quyết định dành trọn cuộc đời cho ngành y, sau đó vào năm 2018 là chọn rời bỏ con đường đã được đảm bảo để theo đuổi ước muốn cống hiến hết mình trong việc giúp đỡ những người đang cần được trợ giúp.
Vào tháng 5/2018, Clara bắt đầu một giai đoạn suy nghĩ nhiều. Cô nói chuyện với điều phối viên của bệnh viện về quyết định rời khỏi nhóm làm việc trong những tháng tới. Kể từ đó, cô bắt đầu một loạt những chuẩn bị trong việc bỏ lại một công việc ổn định, ngôi nhà, gia đình, bạn bè cùng những cuộc vui chơi.
Cô nói: “Ở Tanzania, tôi nhận ra tất cả mọi thứ tôi trải qua giống như một bộ trang phục được may sẵn cho tôi. Sau khi làm việc ở khoa cấp cứu, tôi làm việc trong một khu chăm sóc đặc biệt chỉ vừa mới mở cách đó hai tháng”.
Ở đây đội ngũ y bác sĩ nghèo nàn, chủ yếu các chuyên gia tình nguyện ở các nước phương tây. Việc đầu tiên của Clara là củng cố đội ngũ chăm sóc sức khoẻ. Cô giải thích: “Hơn cả việc học cách đo huyết áp hoặc đọc điện tâm đồ, tôi muốn có thể truyền tải mong muốn được chăm sóc bệnh nhân vốn là nền tảng công việc của y tá. Tôi thực sự chứng kiến sự trưởng thành của nhiều người trong số họ”.
Chín tháng ở Ikonda của Tanzania, biết bao điều đã xảy ra với Clara. Có trường hợp, một người thanh niên bị ung thư dạ dày không muốn để Clara chăm sóc vì cho rằng cô là người da trắng, nhưng sau đó vì không thể tự mình làm được gì và trước sự kiên nhẫn của Clara người này đã đồng ý để cho cô chăm sóc và anh đã ra đi bình an. Về trải nghiệm này, Clara nói: “Anh qua đời vài ngày sau đó. Nhờ anh, tôi hiểu rằng cảm nhận được yêu thương có thể là một trong những liều thuốc hữu hiệu nhất, ngay cả khi không thể làm được gì, ngay cả khi gần tới giờ chết”.
Sau thời gian phục vụ ở châu Phi, Clara trở về Ý và lại đăng ký cho chuyến đi vào năm 2019. Chính trải nghiệm ở châu lục này đã làm cho Clara nhận ra rằng đây là chân trời mà cô được mời gọi để trao ban trọn cuộc sống. Thế nhưng do đại dịch bùng phát cô không thể di chuyển, sau đó do thiếu nhân viên y tế cô được chuyển đến bệnh viện Mauriziano làm ở khoa cấp cứu, điểm tiếp nhận đầu tiên dành cho các bệnh nhân Covid. Cô nhận ra lại một lần nữa Chúa Quan Phòng đã chuẩn bị cho cô làm công việc này trong thời điểm khẩn cấp. Những gì cô đã học được áp dụng một cách thiết thực để cứu mạng sống nhiều người. Giờ đây ý định trở lại châu Phi phục vụ vẫn còn nơi Clara. Cô luôn tin vào sự quan phòng của Chúa trong việc hướng dẫn từng bước trong hành trình cuộc đời cô. Cô sống tâm đắc câu Lời Chúa “Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng đã được đếm cả rồi”. Với Lời Chúa cô an tâm vững bước trong hành trình phục vụ những người nghèo khổ.
Ngọc Yến