Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
BIẾN ĐỔI NÊN GIỐNG CHÚA
28/2
Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay
St 22:1-2,9,10-13,15-18; Tv 116:10-15,16-17,18-19; Rm 8:31-34; Mc 9:2-10
BIẾN ĐỔI NÊN GIỐNG CHÚA
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm chuyện Chúa biến hình trên núi như là hình ảnh báo trước vinh quang phục sinh đang chờ Người ở bên kia mầu nhiệm thập giá. Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Chúa Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Người, nhằm củng cố niềm tin cho các môn đệ để họ can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá.
Cuộc đời của Chúa Giêsu là một hành trình, một chuyến đi đường. Điều này, tác giả Mc đã cho thấy dọc theo tác phẩm của ngài với từ ngữ “con đường”, đặc biệt trong phân đoạn 8,27–10,45: ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu thường xuyên ở trên đường cùng với các môn đệ (8,27; 9,33.34; 10,32). Trên đường đi, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại cách Người sống. Người tìm cách giải thích cho các môn đệ rằng, mộtbên, do chương trình mà Người sẽ thực hiện theo lệnh của Thiên Chúa, bên kia do kế hoạch của các đối thủ muốn khử trừ Người, Người phải chọn lựa giữa đánh liều mạng sống và phản bội sứ mạng. Vì đã chọn vâng lời Thiên Chúa, Người đi lên Giêrusalem.
Mùa Chay là thời gian chuẩn bị mừng và sống sự kiện Chúa Giêsu chết và sống lại, để chúng ta cũng biết chết và sống lại theo gương Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay đã nói đến gương ấy. Đức Giêsu biến hình dạng : vinh quang của Ngài đã sáng chói từ nội tại ra đến y phục bên ngoài, đến nỗi mắt phàm cũng trông thấy. Bấy giờ ông Môsê và ông Êlia xuất hiện.
Đây là hai nhân vật Cựu ước đã ra đi và hôm nay, xuất hiện bên tả hữu Chúa Giêsu. Thấy Chúa Giêsu chói ngời, lại thấy hai nhân vật vĩ đại hiện ra, Thánh Phêrô xin được cất lều cho các Ngài. Cất lều, vì Thầy và hai khách quí cần phải có nơi trú ẩn và cũng có lẽ là vì bấy giờ là nhân dịp Lễ Lều.
Trong quang cảnh uy nghiêm ấy, bất ngờ Chúa Cha lại phán: “Đây là con Ta yêu dấu hãy vâng nghe Lời Người”. Khi công bố như vậy, Chúa Cha muốn nói hai điều. Một là Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, như Thánh Vịnh 2,7 đã tiên báo. Hai là Chúa Giêsu là vị Ngôn sứ vĩ đại mà Thiên Chúa đã hứa ban và dân Chúa phải nghe lời Ngài, như sách Đệ Nhị Luật cho biết (Đnl 18,15).
Chúa Giêsu đang tiến đến Giêrusalem đón nhận cái chết theo ý muốn của Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Đáp lại sự vâng phục đầy tình yêu của Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ ban lại vinh quang, danh dự và quyền năng tối thượng cho Người. Sự kiện biến hình do đó là hình ảnh tiên báo vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu mà Chúa Cha sẽ dành cho Người. Khi nghe Thầy mình tuyên bố về cuộc khổ nạn, các tông đồ mà đại diện là Phêrô đã cảm thấy bất an, lo âu và muốn tháo lui. Các ông đã ngăn cản Người lên Giêrusalem. Cho nên, việc Người biến hình cho các ông thấy trước vinh quang mà Người sẽ nhận được sau khổ nạn là lời động viên các ông hãy can đảm đón nhận những biến cố bi thương sắp xảy đến; cũng là lời khích lệ đức tin để các ông kiên tâm và bền đổ đi theo làm môn đệ của Người.
Qua Bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu cũng được biến hình với Đức Kitô, nghĩa là cũng chiếu tỏa vinh quang của Người cho con người và thế giới hôm nay. Nhưng vinh quang chỉ thực sự tỏ rạng khi băng qua những đau khổ và sự khiêm hạ của Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu sống vâng phục thánh ý Chúa Cha, người tín hữu hãy tin rằng sau sự vâng phục, sau sự khổ nạn luôn là niềm vui và vinh quang lớn lao.
Như Abraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện để can đảm dấn thân lên đường theo Lời Chúa và đã trở nên Cha của những kẻ tin; Thánh Phaolô khẳng định: “Theo Đức Kitô, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”. Ngày nay mỗi Kitô hữu cần trung thành với đức tin của mình và bền tâm vững chí hy vọng vào lời hứa của Chúa.
Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Ngài giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách. Đó là lý do tại sao câu chuyện Chúa Giêsu biến hình được sắp xếp cử hành trong Mùa Chay. Chỉ khi nào chúng ta tin theo Ngài và bước trên con đường thập giá với Ngài, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Ngài.
Cuộc Hiển Dung lại là mộttruyện nữa trong đó Đức Giêsu đưa riêng ba môn đệ chọn lọc là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi (x. chữa con gái Gia-ia, 5,35-43). Người chọn mộtquả núi cao, biểu tượng của tình trạng gần gũi với Thiên Chúa; Người chọn sự cô quạnh và biệt lập. Đức Giêsu đưa các môn đệ đi xa cuộc sống hằng ngày xô bồ náo nhiệt. Điều mà các môn đệ phải hiểu là một điều hoàn toàn lạ thường, nhưng không có gì là ngoạn mục hoặc gây cảm giác mạnh. Hoàn cảnh mà Người chọn và bố trí cho thấy rằng Người không muốn tạo ra một ấn tượng tức thời và hời hợt trên mộtđám đông, nhưng Người muốn biến đổi một vài người cách sâu xa và bền vững. Chỉ bằng cách để cho mình được dẫn vào nơi cô tịch và đến gần Thiên Chúa, ba môn đệ mới ở trong môi trường thuận lợi mà bước mộtbước quyết liệt đến chỗ hiểu biết mầu nhiệm bản thân Chúa Giêsu.
Ðối với người tín hữu, từ cõi chết sống lại nghĩa là gì trong đời sống mỗi người? Một biến cố rất quan trọng xẩy ra trong đời sống người, mang lại sự sống thiêng liêng cho tâm hồn là Bí tích Rửa tội. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta cũng được sống lại từ cõi chết. Tội nguyên tổ bị hủy diệt, và ta được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa.
Thế rồi từ đó trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng trải qua những cuộc chết đi sống lại nhỏ bé, không phải như các tông đồ, cũng không phải như các vị tử đạo. Khi ta sẵn sàng chịu thua thiệt, mất mát ở đời này, như mất bạn bè, mất việc làm, mất dịa vị xã hội, chỉ vì tin yêu vào Chúa, và tuân giữ giới răn Chúa, tức là ta đã chết đi cho mình một phần, để được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa. Khi ta sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính ươn hèn, chết đi cho tính tham lam, ích kỷ, lười biếng, chết đi cho tính nói hành nói xấu, ta sẽ được vươn lên thượng giới.
Người môn đệ của Ngài còn phải làm những gì Chúa Giêsu dạy bảo, là sống đạo và chu toàn nhiệm vụ Chúa trao cho, dầu đời sống và nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải vác thập giá hằng ngày. Thập giá đây là một cuộc sống lành mạnh và can đảm: Mến Chúa và yêu người thực sự. Mến Chúa là Đấng Sáng Tạo và tha thứ mỗi khi chúng ta sám hối sau khi lỗi lầm. Yêu anh em loài người, dù cho người anh em ấy không cùng quan điểm hoặc không tốt bụng với chúng ta. Đó chính là những thập giá đưa chúng ta đến vinh quang, đến đời sống vĩnh hằng.