Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Mối quan tâm hàng đầu
8.6 Thứ Năm trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm
Tb 6:11; Tv 128:1-2,3,4-5; Mc 12:28-34
Mối quan tâm hàng đầu
Mối quan tâm hàng đầu là một danh từ thời đại. Nhà nước đặt mối quan tâm hàng đầu vào chính sách kinh tế; một học sinh đặt mối quan tâm hàng đầu vào đèn sách để thi đậu vào đại học… Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi, đó là câu hỏi hợp lý có thể áp dụng vào mọi sinh hoạt cuộc sống, nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn cả là câu hỏi: Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi đối với cuộc sống của một người Kitô hữu?
Ðó cũng là vấn nạn mà một luật sĩ đặt ra cho Chúa trong Tin Mừng hôm nay, khi ông ta hỏi: “Thưa Thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?” Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng và đơn sơ, giới răn đứng đầu, mối quan tâm hàng đầu của người Kitô hữu chính là tình yêu.
Nếu tình cờ chúng ta được một người nào đó đặt câu hỏi như trên, liệu chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta có phát biểu được câu trả lời tuyệt diệu, nghe êm tai và nêu bật giá trị cao đẹp của con người chúng ta không? Và thành thật với lương tâm, liệu câu trả lời đó có phản ánh chính cuộc sống chúng ta không, bởi lẽ khi cho một câu trả lời đúng, chúng ta có thể lừa dối người khác và tự lừa dối mình? Thành thật với lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe, danh vọng.
Các câu hỏi của người luật sĩ trong bài Tin mừng là một vấn đề nan giải của người Do thái bấy giờ. Họ phân luật thành 613 điều khác nhau: 248 điều phải thi hành và 365 điều cấm. Vì giới luật quá nhiều nên họ không thể xác định được đâu là điều chính yếu và quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã cho họ câu trả lời thật xác đáng và đồng thời chứng tỏ Người là Chúa của Lề luật. Người cho biết tất cả các giới luật đều quy về giới răn duy nhất: mến Chúa – yêu người, hai điều này không thể tách rời nhau.
Con người là sinh vật có xã hội tính, tức là có nhu cầu sống chung với nhau. Tuy nhiên, vì con người còn có tự do, nên để sống chung hoà thuận, mỗi quốc gia hay tập thể cần có luật quy định các bổn phận và trách nhiệm của mỗi người, để không ai đụng chạm và làm mất lòng người khác.
Thời Chúa Giêsu, nước Do thái cũng có bộ luật gồm hàng trăm khoản luật khác nhau, và họ không biết điều nào là quan trọng nhất. Vì thế hôm nay, một luật sĩ hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi hóc búa: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đã trả lời rằng: hai giới luật quan trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Như vậy, cốt lõi của mọi điều luật là lòng yêu mến. Mến Chúa yêu người tuy là hai giới răn khác nhau, nhưng lại không thể tách biệt nhau.
Như vậy, cốt cách của đạo chúng ta là “Mến Chúa – yêu người”. Nếu chúng ta muốn dùng một chữ thôi để diễn tả đạo Chúa qua Kinh thánh, thì không chữ nào thích hợp hơn là chữ “yêu”, đó là yêu Chúa và yêu người. Tuy nhiên yêu Chúa, có thể nói: dễ hơn, vì Chúa dễ yêu lắm, ai yêu Chúa cũng được, và yêu Chúa hết lòng, hết sức. Còn yêu người? Khó hơn, nên chúng ta cần nói nhiều hơn về yêu người.
Nói về yêu người, chúng ta cũng đã nghe nói nhiều rồi, nhưng cũng chẳng bao giờ nói đủ, nghe đủ. Vì thế, chỉ xin nhắc lại một vài điều: Thứ nhất, yêu người là một trắc nghiệm không thể chối cãi được của tình yêu đối với Thiên Chúa, nghĩa là nếu chúng ta nói: chúng ta yêu Chúa lắm mà lại đối xử tệ với người khác, bất kể người đó là ai, chúng ta vẫn là người nói dối, và Chúa sẽ không nhận lòng yêu mến của chúng ta. Thánh Gioan nói: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối”.
Thứ hai, yêu người không phải chỉ là yêu thương theo tình cảm, bởi vì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù. Nếu chúng ta chỉ yêu thương những người yêu thương mình, quý mến mình, là chuyện bình thường, không cần gì phải nói.
Thứ ba, yêu người là sẵn sàng giúp đỡ họ bằng lời nói, thái độ, việc làm, tinh thần hay vật chất. Sau hết chúng ta ta hãy nhớ: tới ngày phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu cụ thể này, tức tình yêu người, tình yêu thương anh em.
Tình yêu là nền tảng cho đời sống đạo. Không thấy bóng dáng của tình yêu thì cuộc sống sẽ trở thành gánh nặng. Sống đạo là đi vào trong tương quan giao ước tình yêu, để sống với cả con tim, cả khối óc, cả cuộc đời. Tình yêu con người lấy tình yêu Thiên Chúa làm mẫu mực, vì thế, Chúa Giêsu đã nối kết điều răn yêu người thân cận với điều răn thứ nhất. Và ai là người thân cận với ta nhất nếu không phải là những người trong gia đình?
Như vậy, điều trước tiên chúng ta phải làm để hoán cải và canh tân là thành thật thú nhận rằng cho đến nay chúng ta đã đặt sai mối quan tâm hàng đầu của cuộc sống, kể cả mối quan tâm hàng đầu trong cách thức chúng ta biểu lộ niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ, bởi vì những cách thức này thường được sử dụng như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc sống đạo, nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân.