C. Bữa ăn theo Nghi thức Do Thái vào thời Chúa Giêsu
Lễ Vượt Qua là lễ quan trọng nhất của người Do Thái và kéo dài đến một tuần. Chiều ngày 14 tháng Nisan (khoảng tháng Ba, tháng Tư dương lịch), người ta sát tế chiên (cừu) tại Đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên đổ dưới chân bàn thờ. Đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên Vượt Qua theo gia đình hay theo nhóm, họ không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà (x. Xh 12,7.22). Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia.
Trong Bữa tiệc Vượt Qua, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Ngoài ra họ còn uống với nhau 4 chén (tuần) rượu là: 1] Chén Khởi Ca, 2] Chén Ký Sự, 3] Chén Chúc Tụng, 4] Chén Cảm Tạ. Những chén rượu này được vị chủ tọa chúc lành để kỷ niệm 4 lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái: 1/ Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi ách nô lệ Ai Cập; 2/ Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng; 3/ Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi; 4/ Ta chọn các ngươi làm dân riêng của Ta và Ta sẽ làm Thiên Chúa các ngươi.
Diễn tiến Nghi thức như sau:
1. Nghi thức mở đầu:
Thắp đèn – đọc lời chúc tụng trên chén thứ I – uống chén thứ I. Thật ra, mỗi thực khách trong bữa tiệc đều có chén rượu riêng và muốn uống bao nhiêu tùy thích. Ngoài ra còn có một chén chung theo nghi lễ mà chủ nhà sẽ đọc kinh, sẽ uống trước và chuyền cho mỗi thực khách cùng uống.
2. Phần tường thuật:
Người con út hay người trẻ nhất trong bàn ăn phải hỏi về ý nghĩa của nghi thức đặc biệt này. Nhân đó, gia trưởng vừa dâng lời tạ ơn Chúa vừa thuật lại những nhục nhã dân Do Thái phải chịu trên đất Ai Cập và việc Thiên Chúa đã ra tay để giải thoát dân Israen (Haggadah) thế nào. Người ta hát phần thứ nhất bài ca chúc tụng, tức các Thánh vịnh Hallel (Tv 112; 113,1-8) và sau mỗi câu những người dự tiệc cùng thưa: Alêluia. Tiếp đó, họ uống chén thứ II (chén ký thuật (sự) hay chén Haggadah) rồi rửa tay.
3. Phần bữa ăn :
Gia trưởng cầm lấy một trong những tấm bánh không men, đọc lời chúc tụng Thiên Chúa trên bánh: “Lạy Thiên Chúa nhân từ, Đấng thương ban cho chúng con được dự những ngày của Đấng Mê-xi-a và đời sống của thế giới tương lai! Đấng đã ban ơn cứu độ cho vua của Người và ân sủng trên những kẻ được xức dầu, trên Đavit và dòng dõi người đến muôn đời! Đấng xây dựng các tầng trời cao thẳm và đổ tràn bình an trên chúng con và dân Israen. Xin chúc tụng Chúa! A-men!”. Tiếp đến, vị gia trưởng bẻ bánh ra và phân phát. Người ta ăn thịt chiên (dịp lễ Vượt Qua) trước, sau đó họ có thể ăn và uống tùy ý. Ăn xong, gia trưởng cầm lấy chén ở trước mặt, đổ đầy rượu, rồi đứng lên, nâng chén và đọc kinh Tạ Ơn sau bữa ăn. Sau kinh Tạ Ơn, người ta chuyền nhau uống chén thứ III, gọi là chén chúc tụng và hát hết phần cuối các Thánh vịnh “Hallel” (Tv 113,9; 1l7,29. 135).
4. Phần kết thúc
Hát bài ca chúc tụng cuối cùng, người ta cạn chén thứ IV.
D. Nghi thức Bữa tiệc Cuối cùng của Chúa Giêsu
1. Nghi thức mở đầu:
Vào thời Đức Giêsu, không còn phải ăn theo kiểu “… lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy, và ăn vội vã” nữa (x. Xh 12,11), nhưng nằm thoải mái theo kiểu người La Mã. Đức Giêsu nằm ở vị trí người chủ nhà. Người nói với các môn đệ:
“Thầy những khao khát mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn Lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,15-16).
Sau khi nói xong, theo tập tục, Người cầm chén rượu thứ I, đọc lời chúc tụng: “Chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con, Người là vua vũ trụ, là Đấng ban cho chúng con sản phẩm từ cội nho”, các môn đệ cùng thưa: “A-men!”. Đức Giêsu uống và trao chén rượu cho những người chung quanh. Đang khi mọi người cùng uống, Đức Giêsu phán:
“Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (Lc 22,17-18).
Uống rượu xong, phải rửa tay (đợt I). (Có lẽ đây là lúc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ!).
Tiếp đến người ta ăn khai vị gồm có rau tươi nhiều loại, nhưng bắt buộc phải có rau đắng và Haroset, một thứ nước chấm gồm có trái cây như vả, nho, táo… được nghiền ra, pha với gia vị, đặc biệt là giấm. Mỗi người tự do ăn khai vị, rau chấm với nước giấm. Ở đây, rau đắng có liên quan đến việc Chúa Giêsu tuyên bố sự phản bội của Giuđa (x. Mt 26: 21-25; Mc 14: 17-21; Lc 22, 21-23), vì thế đang khi ăn rau, Đức Giêsu nói:
“Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy” (Mc 14,18).
Sau đó, người ta dẹp các món khai vị và dọn tiệc lên. Nếu có chiên nướng, đây là lúc dọn chiên và bánh không men. Người ta rót thêm rượu cho chén chung và mỗi ly thật đầy, nhưng không ai được đụng đến thức ăn cũng như thức uống.
2. Phần tường thuật:
Như chúng ta biết, theo Nghi thức Vượt Qua của Do Thái, nếu trong gia đình, người con út lúc này sẽ hỏi cha mình về ý nghĩa cuộc lễ. Người cha giải thích cách long trọng cuộc giải thoát của Đức Chúa và cuộc Vượt Qua. Sau đó, mọi người đứng lên hát phần đầu các Thánh vịnh Hallel gồm Thánh vịnh 113 và phần đầu của Thánh vịnh 114.
Bây giờ, Nghi thức Vượt Qua mới thực sự bắt đầu. Người chủ nhà sẽ cầm lấy bánh không men đọc lời khai mạc, tường thuật về những khổ cực tại Ai Cập và những việc lạ lùng Chúa đã làm để giải thoát dân Israen: “Ha lachma anja! Đây là bánh khổ nạn, cha ông chúng ta đã ăn bánh này trên đất Ai Cập. Ai đói hãy đến mà ăn! Ai cần, hãy đến và dùng Bữa tiệc Vượt Qua với chúng tôi”. Thế nhưng, thay vì đọc lời truyền thống như người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lại phán một lời mà đối với các môn đệ lúc đó thì thật khó hiểu: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Chính tại đây, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể dưới hình bánh. Ngài bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ. Họ chia tấm bánh không men này với nhau và cùng ăn.
Tiếp theo, mọi người uống chén rượu thứ II. Uống xong lại rửa tay. Sau đó, đọc một lời chúc tụng ngắn, rồi nhập tiệc. Ăn uống thoải mái: ngoài thịt chiên, còn có trứng, thịt cá và các món ăn khác. Buổi tiệc có thể kéo dài hằng giờ.
3. Phần bữa ăn:
Ứng với đọc lời chúc tụng trên bánh của Nghi thức Vượt Qua, Chúa Giêsu đọc lời truyền phép “Đây là Mình Thầy”. Sau khi đọc lời này, đang còn cầm Chén Chúc tụng trong tay, Đức Giêsu đọc lời chúc tụng trên chén rượu thứ III. [cũng được gọi là chén chúc tụng hay chén chúc phúc (x. Cr 10,16)]. Ngài nói những lời không có ghi trong Luật: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,27-29). Cuối bữa ăn, rửa tay một lần nữa. Chủ tọa nhận nước từ tay một người đầy tớ, hay nếu không có đầy tớ, từ tay thực khách trẻ tuổi nhất. So sánh với Nghi thức Vượt Qua của người Do Thái, trong bữa Tiệc Ly (x. Ga 13, 3tt), hình như thánh Gioan đã giữ nhiệm vụ này, còn Chúa Giêsu, tại phần này, tức ứng với phần Nghi thức Thanh Tẩy, Ngài đã tự tay cầm bình nước, không phải để rửa tay, nhưng là rửa chân cho các môn đệ.
4. Phần kết thúc:
Sau khi rửa tay, gia chủ hay vị chủ tọa đứng trước chén rượu có pha nước được đưa tới để trước mặt, kêu mời mọi người dự tiệc tạ ơn:
– Hãy tạ ơn Chúa chúng ta!
Mọi người đồng thanh đáp lại:
+ Chúc tụng Chúa bây giờ và mãi mãi.
Gia chủ đọc tiếp khi mọi người đang cúi đầu:
– Hãy chúc tụng Đấng đã cho chúng ta được tham dự vào gia sản của Ngài (Đất Thánh).
Mọi người thưa:
+ Chính nhờ lòng nhân ái của Ngài mà chúng ta được sống.
Tiếp đó, gia chủ đọc lớn tiếng 3 kinh Tạ Ơn nữa. Đọc những kinh Tạ Ơn xong, mọi người hiện diện chuyền tay nhau uống chén rượu này.
Cuối cùng, để kết thúc người ta hát phần II của các Thánh vịnh Hallel (Tv 113, 9; 117, 29 và 135), Chúa Giêsu cùng với các môn đệ cũng hát Thánh vịnh như thế (Mt 26,30; Mc 14,26). Như trong tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu cùng các môn đệ uống chén rượu thứ IV (còn gọi là chén cảm tạ) và rời bàn tiệc.
Căn cứ vào diễn tiến trên đây, Đức Giêsu đã truyền phép trên bánh sau chén rượu thứ II, và, sau buổi tiệc, Người truyền phép Máu Thánh trên chén rượu thứ III.
Đối với người Do Thái, trước thời Chúa Giêsu và cho đến thời của Ngài, phụng tự thường diễn ra tại hai nơi: Hội đường và Đền thờ. Phụng tự tại Hội đường chỉ gồm cầu nguyện và giảng dạy, trong khi đó phụng tự tại Đền thờ gồm cầu nguyện và dâng hy lễ. Chính nền phụng tự này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của thánh lễ hiện nay vì thánh lễ của chúng ta phối hợp cả hai phụng tự này.
Phần đầu của thánh lễ tương ứng với phụng tự tại Hội đường và được gọi là Phụng vụ Lời Chúa. Còn phần thứ hai của thánh lễ tương ứng với phụng tự tại Đền thờ và được gọi là Phụng vụ Thánh Thể.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể