skip to Main Content

Kinh lạy cha – lời kinh của lòng sám hối và ơn tha thứ

Kinh lạy cha – lời kinh của lòng sám hối và ơn tha thứ

Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

Cuộc sống của con người là một chuỗi những bất toàn thiếu sót. Cho dù chúng ta đã được mặc áo trắng tinh tuyền khi Rửa Tội, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phạm tội, quay lưng lại với Thiên Chúa. Ðã vậy, chúng ta còn làm tổn thương anh chị em cách này hay cách khác. Nhìn về chính mình, ta phải sám hối để xin ơn tha thứ và làm mới lại các tương quan. Nhìn về anh chị em có lỗi với ta, ta phải mở lòng tha thứ. Tác giả Khaled Hosseini đã cho nhân vật Rahim Khan trong tác phẩm của mình chia sẻ một kinh nghiệm về vấn đề này rằng: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại.”1 “Tốt lành trở lại” vạch ra trước mắt chúng ta một ranh giới giữa quá khứ và tương lai. Ranh giới ấy là hiện tại, là tha thứ. Quá khứ là tội lỗi, là đổ vỡ tương quan, còn tương lai thì chứa đựng khả năng để “tốt lành trở lại”. Hiện tại là ranh giới mỏng manh, đòi hỏi một cố gắng liên lỉ. Ðối với người Kitô chúng ta, con đường để “tốt lành trở lại” rất đẹp trong tâm tình cầu nguyện mỗi ngày, nơi lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha cho anh chị em của chúng con”.

Hình ảnh có liên quan

Khi dạy lời kinh này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta phải tỏ lòng sám hối, khiêm tốn khi cầu nguyện và nỗ lực làm mới lại các tương quan bằng sự tha thứ. Chúa muốn, đừng ai trong chúng ta tự mãn như chẳng có tội lỗi gì, rồi tự cao tự đại mà hư hỏng thêm. Chúa cho chúng ta biết là ngày nào chúng ta cũng phạm tội, và Chúa truyền cho chúng ta ngày nào cũng phải xin ơn tha thứ.2 Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta. Vì thế, như người thu thuế trong Tin Mừng chúng ta hãy thưa với Chúa: “Xin thương xót con là kẻ có tội”3.

Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dạy: “Khi anh em cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ tha lỗi cho anh em, nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng không tha lỗi cho anh em”4. Chúng ta chỉ được ơn tha tội theo mức độ chính chúng ta tha thứ lầm lỗi của anh em.. Nguồn ơn thương xót của Thiên Chúa sẽ không vào được lòng ta, nếu chúng ta không tha cho những người có lỗi với chúng ta. Chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu ta không yêu mến anh chị em đang sống bên cạnh ta.

 Việc cầu nguyện như Chúa dạy, giúp chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù5 và biến đổi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu chí thánh. Khi được hiệp thông với Thiên Chúa đầy lòng tha thứ, “chúng ta biết tha thứ cho nhau ‘như’ Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Ðức Kitô”. Thiên Chúa chỉ ban ơn cho tâm hồn nào biết hòa nhịp với lòng thương xót của Người. Ðó là điều kiện căn bản để có sự giao hòa.6

Sự tha thứ mà chúng ta trao cho anh chị em bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên nó không có giới hạn hay mức độ. Khi thật lòng sám hối để xin ơn tha thứ là khi bắt đầu mở lòng ra để yêu thương. Nhiều khi, chúng ta vướng phải thói quen không biết tha thứ, hoặc khó tha thứ. Sự tắc nghẽn này chỉ có thể giải tỏa bằng cách nhìn ngắm Thiên Chúa, Ðấng đã thương yêu chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.7

Trong chuyến bay từ Colombia trở về, ký giả José Mujica, hỏi Ðức Thánh Cha về việc làm thế nào để trừng phạt những người tội lỗi và thối nát. Ðức Thánh Cha trả lời: Tôi đã đặt câu hỏi kiểu này: Kẻ thối nát có được ơn tha thứ hay không? Rồi Ðức Thánh Cha nói tiếp: chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi, và chúng ta biết rằng Chúa gần gũi chúng ta, Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Có một sự khác biệt: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ, nhưng người tội lỗi có xin lỗi không?… Kẻ thối nát mệt mỏi khi xin lỗi và quên phải xin lỗi làm sao… Họ không có khả năng xin lỗi… Do đó rất khó trợ giúp một người thối nát, rất khó. Nhưng Thiên Chúa có thể làm điều đó, và tôi cầu nguyện cho điều này.8

Tha thứ không phải là nhắm mắt cho qua những lỗi lầm, nhưng là cho một cơ hội để “tốt lành trở lại”. Xin ơn tha thứ là bước vào tiến trình hoán cải. Xin được tha thứ là chữa lành chính mình trước khi chữa lành anh chị em; là xây dựng tương quan trong trách nhiệm, là hàn gắn vết thương, là làm mới tâm hồn. Luôn có một con đường đẹp như thế. Luôn có một lời kinh, một tâm tình cầu nguyện mỗi ngày để biến đổi cõi lòng như thế. “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha cho anh chị em của chúng con”.

Nt. Maria Thérèse MINH THÙY, dòng Ðaminh Rosa Lima

___________________________________________________________

1. Khaled Hosseini, Người đua diều, 2016, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

2. Trích khảo luận của thánh Síprianô, Giám mục, về kinh Lạy Cha.

3. 1Ga 1,8-9; Lc 8,13.

4. Mt 18,23-35.

5. Mt 5,43-44.

6. 2Cr 5, 18-21; Ep 4,32.

7. Rm 5,8.

8. Lược trích phần đầu bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha dành cho các nhà báo trên chuyến bay Cartagena Roma, ngày 11/9/2017.

Back To Top