skip to Main Content

Nguồn gốc thánh lễ (P1)

Nguồn gốc thánh lễ (P1)

LỄ VƯỢT QUA DO THÁI

Giáo hội cử hành thánh lễ theo lệnh truyền của Đức Kitô:

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11, 23-26).

Rõ ràng, bữa Tiệc Ly này như có hình thức của một Bữa tiệc Vượt Qua. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, Bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái được coi là nguồn gốc thứ nhất của thánh lễ. Ngoài ra, không thể không nhìn nhận thánh lễ còn chịu ảnh hưởng bởi Phụng vụ Hội đường và Phụng vụ Đền thờ, vì đây là hai hình thức phụng tự chính của dân Do Thái.

Tuy nhiên, Tiệc Ly có là Tiệc Vượt Qua hay không lại có nhiều tranh luận. Có ý kiến cho rằng bữa Tiệc Ly là nghi thức thánh hóa ngày Sabat và ngày lễ, mệnh danh là “Kiddus”; một ý kiến khác quả quyết bữa Tiệc Ly là bữa ăn xã hội thường được tổ chức giữa những người bạn hay các thành viên của một nhóm, một hội nhỏ mà người Do Thái gọi là “Chaburah; ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất là của cha Jeremias: ngài cho rằng bữa Tiệc Ly của Chúa là Tiệc Vượt Qua, một phần vì các tác giả Tin Mừng nhất lãm được coi là đã dùng sử liệu đáng tin cậy hơn nguồn của Tin Mừng thứ IV vốn quan tâm đến tính biểu tượng nhiều hơn,[1] mặt khác đó là ý kiến đồng nhất của Tin Mừng nhất lãm: Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái (x. Mc 14,12.16; Mt 26,17.19; Lc 22,7.11.13). Thế nhưng, trong Tin Mừng Gioan lại có sự khác biệt: Lễ Vượt Qua năm ấy cử hành vào chiều ngày Chúa chịu chết (x. Ga 18,28; 19,31), tức thứ Sáu, mà Tiệc Ly lại cử hành vào chiều thứ Năm. Bởi vậy, hình như theo thánh Gio-an, Tiệc Ly của Chúa không phải là Tiệc Vượt Qua. Quan điểm này gần đây được ủng hộ nhiều hơn. [2]

A. Thời Môsê và Aharon

Lễ Vượt Qua có thể là lễ tế mà người Israen xin vua Pharaô được đi vào sa mạc cử hành (x, Xh 3,18; 5,11…). Như vậy, có lẽ nó đã xuất hiện trước cả Môsê và thời kỳ trốn khỏi Ai Cập. Lễ Vượt Qua bắt nguồn từ nếp sống du mục của người Do Thái. Đây là lễ xuất phát khi người ta bắt đầu lùa đoàn súc vật tới các đồng cỏ xanh tươi lúc mùa Xuân trở lại. Chính trong lễ này, một con chiên bị giết để làm lễ tế cầu an và họ cầu xin cho đàn gia súc tăng lên ngàn vạn. Máu chiên được bôi lên cửa nhà nhằm xua đuổi tà thần ám hại con người. Đó là nguồn gốc và ý nghĩa nguyên thủy của lễ Vượt Qua. Thế nhưng, dần dần tính chất du mục và gia đình này đã nhường chỗ cho việc tưởng niệm biến cố xuất khỏi Ai Cập do sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa.

Về thời gian, lễ Vượt Qua được cử hành vào đêm trăng tròn của ngày xuân phân, tức ngày 14 tháng “abib”, sau gọi là tháng “Nisan”. Trong dịp này, người ta dâng tiến Đức Chúa một con chiên hay một con dê đực không tì vết (x. Xh 12,3-6), và không được bẻ gẫy một xương nào (x. Xh 12,46; Ds 9,12); máu nó được bôi trên khung cửa từng nhà để đề phòng sự tru diệt (x. Xh 12,7.22); thịt chiên được ăn trong một bữa ăn vội vàng với y phục sẵn sàng để lên đường (Xh 12, 8-11). Gần gũi với lễ Vượt Qua là lễ Bánh Không Men (x. Xh 12,15-20) được mừng từ ngày 15 đến 21 cũng trong tháng Nisan. Lễ này gợi lại việc người Do Thái lên đường vội vã đến nỗi phải đem theo bột chưa kịp lên men (x. Xh 12,34. 39). Trong lịch phụng vụ, có khi lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men được cử hành chung với nhau (x. Đnl 16,1-8; 2Sb 30,1-13), nhưng có khi lại mừng riêng (x. Lv 23, 5-8; x. Er 6, 9-22; 2Sb 35,17).

Ý nghĩa của lễ Vượt Qua được nói rõ trong Xh 12,26- 27: “Khi con cháu anh em hỏi anh em: Nghi lễ này có Ý NGHĨA gì? Anh em sẽ trả lời: đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã Vượt Qua các nhà của con cái Israen tại Ai Cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn”.

B. Thời kỳ tiếp theo

Trải qua thời gian, lễ Vượt Qua đã có sự phát triển và có nhiều thay đổi. Điều quan trọng nhất là ngày lễ truyền thống của gia đình này đã biến thành lễ của Đền thờ như một thứ luật (x. Đnl 16,1-8), có lẽ dưới thời ngôn sứ Êdêkia (2 Sb 30; x. Is 30,29). Vào thời Giôsia, luật này đi vào thực tế (2 V 23,21…; 2 Sb 35). Như vậy lễ Vượt Qua được thích nghi theo sự tập trung bao quát của việc thờ phượng. Máu được vẩy trên bàn thờ (2 Sb 35,11); các tư tế và thầy Lêvi là những nhân vật chính của buổi lễ.[3]

Trong thời ngôn sứ Giêrêmia, dân Do Thái bị đi đày ở Babylon. Trở về sau cuộc lưu đày này, tục lệ mừng lễ Vượt Qua dần dần được thay đổi, chủ yếu là phong cách của thực khách: “…Không đi giầy. Không cầm gậy. Không ăn hối hả như khi xưa. Họ chỉ nằm nghiêng trên sập mà ăn, khoan thai như khi ăn yến tiệc vậy..”. Thời kỳ này, lễ Vượt Qua trở thành lễ chính mà nếu bỏ không mừng kính thì dẫn đến sự khai trừ thật sự (x. Ds 9,23); những người chịu cắt bì phải tham dự lễ ấy (x. Xh 12,43-49); trong trường hợp cần thiết, lễ này có thể dời lại một tháng (Ds 9,9-13; x. 2 Sb 30,2…). Từ đó trở đi, những điều cụ thể của luật tư tế này ấn định một pháp chế không thay đổi. Lễ Vượt Qua đã trở thành một trong những dịp hành hương lớn, một trong những ngày lễ trọng của năm Phụng vụ Do Thái giáo. Qua việc tưởng nhớ cuộc giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, lễ Vượt Qua nuôi dưỡng niềm hy vọng về cuộc giải phóng sắp tới. Ở đây, có một mối nguy đánh thức dân tộc chủ nghĩa: thường thường, chính vào thời điểm lễ Vượt Qua mà nhiều phong trào chính trị ra tay hoạt động (x. Lc 13,1…), làm cho sự giận dữ tôn giáo gia tăng (x. Cv 12,1-4). [4]

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể

________________________________

1 Xc. Enric Mazza, The Celebration of the Eucharist: the Origin of the Rite and the Development of Its Interpretation, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville, Minnesota : The Liturgy Press, 1999), 24.

2 Xc. Trần Đình Tứ, Phụng Vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 2-3 và Enric Mazza, op. cit., 25.

http://www.daminhvn.net/tai-lieu/4822-tu-vung-than-hoc-thanh-kinh-le-vuot-qua-.html

4 Ibid, loc. cit..

Back To Top