skip to Main Content

Đức Thánh cha lên đường tông du Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan

Đức Thánh cha lên đường tông du Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan

 

Sáng ngày 31 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã lên đường khởi sự chuyến tông du thứ 40 tại nước ngoài, với hai chặng dừng: trước tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo cho đến sáng ngày 03 tháng Hai, và tiếp đó là tại Nam Sudan, cho đến ngày 05 tháng Hai.

 

Chuyến đi này lẽ ra diễn ra từ ngày 02 đến ngày 07 tháng Bảy năm ngoái, nhưng bị hoãn lại vì Đức Thánh cha bị đau đầu gối nặng.

Viếng Đức Mẹ

Như thói quen, để chuẩn bị, chiều thứ Hai, 30 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để cầu nguyện trước Ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và phó thác cho Đức Mẹ cuộc tông du thứ 40 của ngài.

Đây là lần thứ 102, Đức Thánh cha đến cầu nguyện tại Đền thờ này. Lần đầu tiên là sáng ngày 14 tháng Ba năm 2013, tức là hôm sau ngày ngài được bầu làm Giáo hoàng.

Vào Đền thờ, Đức Thánh cha đã đặt bó hoa trên bàn thờ trong nhà nguyện, trước ảnh Đức Mẹ, và ngồi cầu nguyện trong thinh lặng.

Lên đường

Lúc 7 giờ 30 sáng ngày 31 tháng Giêng, Đức Thánh cha đã rời Nhà trọ thánh Marta ở nội thành Vatican để ra phi trường quốc tế Fiumicino cách đó 30 cây số.

Liền trước khi rời nhà này, Đức Thánh cha đã gặp và chào thăm khoảng 10 người Congo di dân và tị nạn, từ Congo Dân chủ và Nam Sudan, cùng với gia đình họ, vốn được tiếp đón trong Trung tâm tị nạn Astalli do Dòng Tên phụ trách ở Roma và được Đức Hồng y Konrad Krajewski, Bộ trưởng Bộ Bác ái của Tòa Thánh, giới thiệu với Đức Thánh cha.

Khi tới phi trường Fiumicino, Đức Thánh cha đã dừng lại cạnh đài tưởng niệm các nạn nhân Kindu, nhắc nhớ 13 không quân Ý vị sát hại ngày 11 tháng Mười Một năm 1961, tại Congo. Ngài đã cầu nguyện cho nạn nhân vụ sát hại đó và tất cả những người đã bỏ mình trong các sứ vụ nhân đạo và hòa bình.

Tại phi trường, lúc quá 8 giờ, có nghi thức tiễn biệt Đức Thánh cha một cách đơn sơ, với sự hiện diện của các vị hữu trách của sân bay này. Rồi Đức Thánh cha lên máy bay Airbus A359 của hãng Ita Airway của Ý.

Cùng đi với Đức Thánh cha, như thường lệ, có ban tham mưu của ngài, gồm Đức Hồng y Quốc vụ khanh, Pietro Parolin và vị Phụ tá là Đức Tổng giám mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Paul Gallagher, người Anh, Đức Hồng y Antonio Luis Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, người Philippines, và Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, gần 30 vị khác trong đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế từ 12 quốc gia, trong đó có 2 nước Phi châu.

Máy bay cất cánh lúc 8 giờ 30 và trực chỉ phi trường quốc tế M’djili của thủ đô Kinshasa, thủ đô của Congo Dân chủ.

Vài nét về đất nước và Giáo hội Congo

Cộng hòa Dân chủ Congo rộng 2 triệu 344.000 cây số vuông, gấp 7 lần nước Việt Nam, với dân số hơn 105 triệu người thuộc 200 sắc tộc khác nhau.

Từ gần 30 năm nay, miền Đông Congo Dân chủ sống trong tình trạng khủng hoảng và trong năm qua càng gia tăng cường độ, đến độ giai đoạn chót là thành phố Goma, dự kiến trong chuyến viếng hồi tháng Bảy năm ngoái của Đức Thánh cha, đã bị hủy bỏ trong chương trình viếng thăm sắp tới đây, chủ ỵếu là vì lý do an ninh.

Goma ngày nay là biểu tượng một cuộc xung đột nội địa và liên miên, với sự can dự của 120 nhóm võ trang ở tỉnh bắc và nam Kivu, cùng với tỉnh Ituri. Trong số các lực lượng đó, có Lực lượng liên minh dân chủ (Allied Democratic Forces, Adf), một phong trào Hồi giáo gốc Uganda, hoạt động đặc biệt tại vùng Beni-Butembo, và Phong trào M23 được Rwanda láng giềng ủng hộ. Nhóm này chiếm được một vùng rộng bằng nước Bỉ, bao quanh và đe dọa Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu. Giáo phận Goma bị chia làm đôi, vì có 32 giáo xứ thuộc vùng do lực lượng phiến quân M23 chiếm đóng.

Nhóm M23 có tổ chức và võ trang hùng hậu hơn cả quân đội chính qui Congo và cả lực lượng bảo hòa Monusco của Liên Hợp Quốc. Hoạt động của nhóm này đã làm gia tăng số thường dân bị thiệt mạng và gần 400.000 người phải di tản, theo con số của Liên Hợp Quốc, không kể con số 5 triệu 600.000 người tản cư tại nước này.

Các cuộc tấn công của nhóm M23 đang gây căng thẳng lớn giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Quốc gia này bị Congo tố cáo là ủng hộ các phiến quân tại đây, còn Rwanda thì tố cáo Congo trợ giúp Lực lượng dân chủ giải phóng Rwanda, một nhóm phiến quân có căn cứ tại miền bắc Kivu.

Trong bối cảnh trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước khi lên đường, Đức Hồng y Quốc vụ Parolin nhấn mạnh rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại Congo Dân chủ cũng như Nam Sudan nhắm giúp cổ võ ngưng các hành động bạo lực và thăng tiến hòa giải. “Cuộc viếng thăm này có thể đánh dấu một khúc quanh trong những biến cố nhiều khi bi thảm tại hai nước liên hệ… Tình trạng tại Congo đã kéo dài quá lâu: bạo lực, đối nghịch và xung đột. Vì thế, sự kiện Đức Thánh cha gặp các nạn nhân của tình trạng đó, là một cử chỉ rất có ý nghĩa, chắc chắn mang lại sự an ủi cho các nạn nhân.”

Giáo hội Công giáo Congo

Giáo hội Công giáo tại Congo thuộc vào số những Giáo hội kỳ cựu nhất tại Phi châu, nam Sahara, có từ cuối thế kỷ XV với cuộc trở lại của nhà vua và hoàng gia, nhờ các thừa sai Bồ Đào Nha vào năm 1491. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay Giáo hội tại Congo Dân chủ tiếp tục là một trong những Giáo hội sinh động nhất ở Phi châu. Số tín hữu Công giáo tiếp tục gia tăng: trong số gần 106 triệu dân cư tại đây, hiện nay vào khoảng 49% dân số toàn quốc, tức là 52 triệu 200.000 người thuộc 48 giáo phận, do 62 giám mục coi sóc, với sự cộng tác của hơn 6.100 linh mục triều và dòng. Có hơn 1.300 tu huynh và 10.500 nữ tu. Số đại chủng sinh là 4.100 thầy. Nhiều linh mục Congo đang phục vụ Giáo hội tại các nước Phi châu khác, Âu và Mỹ châu theo diện “Fidei Donum”, Hồng ân đức tin.

Một đặc điểm quan trọng của Giáo hội Công giáo Congo là sự dấn thân tích cực của giáo dân, qua nhiều hội đoàn và phong trào giáo dân, họp thành Hội đồng Tông đồ giáo dân. Gần 77.000 giáo lý viên hoạt động trong các lãnh vực khác nhau. Trong lãnh vực truyền thông, Giáo hội Congo có hơn 30 đài phát thanh, nhiều kênh truyền hình giáo phận, và sách báo Công giáo.

Mặt khác, Giáo hội Công giáo Congo cũng phải đương đầu với nhiều thách đố: nạn mê tín, phù thủy và ma thuật vẫn còn lan rộng trong cả các cộng đoàn Công giáo. Ngoài ra, những giáo phái độc lập mệnh danh là Kitô cũng đang lan tràn tại nước này. Thêm vào đó, có vấn đề làm sao phòng ngừa người trẻ đừng can dự vào các băng đảng bạo lực, và các nhóm dân quân, nhất là tại miền Đông Congo.

Đến Kinshasa

Sau gần 7 giờ bay, vượt qua 5.420 cây số, máy bay chở Đức Thánh cha đã đáp xuống Kinshasa, thành phố có hơn 15 triệu 600.000 dân cư, ở phía nam bờ sông Congo, vì bên kia bờ sông này là thành phố Brazzaville, thủ đô Cộng hòa Congo. Kinshasa được thành lập cách đây hơn 140 năm và được gọi là Léopoldville, tên của vua Léopold II của Vương quốc Bỉ. Ngày nay, thủ đô Kinshasa rộng 10.000 cây số vuông và là một trong những thành phố lớn nhất Phi châu, cùng với Cairo của Ai Cập và Lagos của Nigeria.

Về mặt Giáo hội, Tổng giáo phận Kinshasa có 7 triệu 230.000 tín hữu Công giáo trên tổng số hơn 12 triệu 250.000 dân cư. Tại đây, có 160 giáo xứ và 94 nhà thờ, 270 linh mục giáo phận và hơn 400 linh mục dòng, 1.160 tu huynh và 540 nữ tu.

Đức Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, 63 tuổi (1960), Tổng giám mục Kinshasa, thuộc dòng Capuchino và là thành viên Hội đồng Hồng y Cố vấn của Đức Thánh cha, giống như Đức Hồng y tiền nhiệm Laurent Monsengwo.

Chào thăm các ký giả đồng hành

Khi máy bay bay trên không phận sa mạc Sahara, Đức Thánh cha nói với các ký giả cùng đi rằng: “Trong lúc này chúng ta hãy nghĩ đến, trong thinh lặng và cầu nguyện cho tất cả những người đang tìm kiếm một chút an sinh, một chút tự do. Họ tiến qua sa mạc này, nhưng không thành công. Bao nhiêu người đau khổ đến được Địa Trung Hải, sau khi tiến qua sa mạc, nhưng họ bị bắt và giam trong các trại tập trung và chịu đau khổ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người ấy”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Đây là một chuyến đi đẹp, tôi đã muốn đến thành Goma, nhưng với chiến tranh ta không thể đến đó, và chỉ dừng lại ở Kinshasa, rồi Juba. Cám ơn anh chị đã đi cùng với tôi.”

  1. Trần Đức Anh, O.P.
Back To Top