skip to Main Content

HIỆP NHẤT

20  09   Tr     Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh.

(Tr) Thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, Linh mục.

Cv 22,30;23,6-11; Ga 17,20-26.

HIỆP NHẤT

Trước khi từ giã các môn đệ thân tín để trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã dâng lời nguyện tế hiến (Chương 17) để cầu nguyện cho các môn đệ thân yêu của Ngài còn ở trần gian.

Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly. Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện, nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta, những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).

Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự. Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người. Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ, theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác. Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b). Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một. Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21). Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất. Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con. Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con: “để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21). Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.

Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều giữa Cha, Con và các môn đệ. “Con ở trong họ và Cha ở trong Con… Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23). “Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26). Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta. Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế với thế giới siêu việt của Cha và Con.

Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian. Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng “Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21), “Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23). Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới. Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương, hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.

Mỗi người chúng ta cũng có phần trong lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (c.20). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu thật tha thiết và cảm động, được xuất phát từ thâm tâm sâu lắng của Ngài. Lời cầu nguyện đặc biệt này đủ để an ủi và động viên các môn đệ, giúp các ông thêm mạnh mẽ và can đảm làm chứng tá cho Ngài giữa bao gian nan thử thách. Đời chứng tá của chúng ta chắc chắn cũng được nâng đỡ và phù trợ bằng sức mạnh chuyển cầu của chính Đức Giêsu bên cung lòng Chúa Cha.

Trọng tâm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu chính là “Xin cho chúng nên một” (cc. 21-23). Đây là yếu tố nền tảng để các môn đệ có thể chu toàn sứ mệnh chứng tá giữa trần gian. Yếu tố này cũng là dấu hiệu thiết thực nhất để mọi người tin vào sứ điệp Tin Mừng mà chúng ta mang đến cho họ.

Nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c.21). Chúa Giêsu đã thực sự “ở trong Cha” với một tình yêu tuyệt đối khi Ngài tự nguyện xuống trần gian, hoà mình trong kiếp nhân sinh, để hoàn tất thánh ý Cha qua cái chết và phục sinh của Ngài, nhờ đó cả nhân loại được ơn cứu độ. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi hãy thành tâm tìm kiếm và chu toàn thánh ý Chúa Cha, bằng một tình yêu tinh ròng như Chúa Giêsu trong cuộc đời mỗi người, để chúng ta cũng được hoà nhập vào trong tình yêu của Cha và Con ngay từ cuộc sống trần thế này. Chúa Giêsu đã chia sẻ cho các môn đệ vinh quang phục sinh của Ngài. Vinh quang ấy chính là sự sống viên mãn trong tình yêu hiệp nhất với Chúa Cha, và nhờ đó các môn đệ được “nên một như chúng ta là một” (c. 22). Mỗi chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh của Đức Giêsu bằng đức tin và lòng mến, nếu mỗi ngày sống chúng ta biết trung kiên vác thập giá theo Ngài.

Trong tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, có sự hiện hữu của mỗi chúng ta theo chương trình yêu thương của Ngài “Con ở trong họ và Cha ở trong Con” (c.23). Chính sự hiệp nhất trong một tình yêu kỳ diệu ấy, là dấu hiệu căn bản để thế gian nhận ra sự hiện diện gần gũi và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trong ý nguyện sâu thẳm này, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy đi sâu vào mối tương quan thân mật với Chúa Cha và với chính Ngài, bằng một đời sống tâm linh tràn sức sống yêu thương. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể hiệp nhất với nhau trong một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ . . . Bởi lẽ chính sự hiệp nhất trong một tình yêu duy nhất này, mới có sức xoá tan mọi bất hòa, chia rẽ, để tạo nên một bầu khí chan hòa yêu thương trong an bình và hiệp nhất.

Kiếp nhân sinh chỉ là một cuộc sống tạm gởi, cuộc sống mai hậu mới là viên mãn trường cửu. Chúa Giêsu đã đi trước dọn chỗ cho chúng ta trong cung lòng yêu thương của Chúa Cha nơi Quê Trời vĩnh phúc: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (c.24). Hạnh phúc thật sự của chúng ta là có được một vị trí nơi Quê hương Nước Trời, chứ không phải là những thành công, địa vị mau qua nơi trần thế này.

Back To Top