Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
TIN CẦN PHÓ THÁC
Thứ Ba tuần IV MC
Ga 5, 1-3a. 5-16
TIN CẦN PHÓ THÁC
Chúa Giê-su đã mang lấy thân phận của con người. Người đã hiểu được nỗi đau đớn khốn khổ của ốm đau bệnh tật. Khi thi hành sứ vụ tại thế, Chúa Giê-su đã tìm đến những mảnh đời bất hạnh, đau khổ để cảm thông, an ủi, xoa dịu nỗi đau và chữa lành những bất toàn nơi thể xác lẫn tâm hồn của họ.
Hôm nay tại hồ Bết-da-tha, Chúa Giê-su đã đoái thương thân phận của người bị bại liệt nằm ở đó đã 38 năm, không có người thân bên cạnh giúp đỡ đưa xuống hồ nước, mỗi khi nước hồ khuấy động lên. Chúa Giê-su đã khơi gợi ước vọng “muốn khỏi bệnh” của anh ta. Và Người đã mang lại cho anh ta một đời sống mới: Được khỏi bệnh, trỗi dậy vác chõng và đi đứng bình thường.
Hồ Bếtdatha khá lớn, những bệnh nhân đến đây để với một niềm hy vọng là được chữa khỏi bệnh. Dọc bên bờ hồ này có rất nhiều loại bệnh tật khác nhau, chờ đợi để được xuống hồ chữa cho khỏi bệnh. Anh bại liệt 38 năm cũng là một trong số những người nằm chờ để được ai đó đưa xuống hồ, nhưng chắc chẳng ai quan tâm và không ai giúp đỡ anh ta: “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”. Có lẽ Chúa Giê-su đã quan sát quang cảnh náo động và hối hả của dân chúng tranh giành để được lành bệnh tại hồ nước Bếtdatha và hiểu thấu được tâm trạng thấp thỏm và mòn mỏi để được ai đó đem xuống hồ cho khỏi bệnh, nên dù chưa yêu cầu hay van xin, Chúa Giê-su đã hỏi anh bại liệt lâu năm: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” (c.6) Anh không trả lời trực tiếp câu hỏi của Chúa Giê-su “có hay không”, nhưng anh lại trả lời bằng một cách lý giải “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”.
Anh đã mòn mỏi trông mong được chữa lành thân xác bại liệt lâu năm của anh, thế nhưng Chúa Giê-su đã đặt vấn đề “lành mạnh”, tức phục hồi thân xác bại liệt của anh và cả tinh thần lành mạnh của anh nữa. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể phán một lời với anh bại liệt thì anh có thể đứng lên và đi lại được…nhưng ở đây thì không! Chúa Giê-su lại bảo anh: “hãy đứng dậy, vác chõng, và đi”. Chúa Giê-su cần sự hợp tác của anh để giúp anh được lành mạnh: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Thiên Chúa không làm thay tất cả cho con người, nhưng mỗi người – để được chữa lành về thể xác lẫn tâm linh – điều đầu tiên là phải có lòng mong muốn, bày tỏ lòng khao khát, và điều quan trọng phải có can đảm làm bước bột phá vượt lên trên chính mình, là “đứng dậy! quyết tâm! Và bước đi!” như người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay. Anh thật liều lĩnh làm theo lời Chúa Giê-su để bước ra khỏi bệnh tê bại lâu năm, để đứng thẳng và bước đi.
Trước mặt người bại liệt là một vùng trời tối, tối cả tương lai. Đã bao lần anh muốn thoát khỏi số phận nghiệt ngã, nhưng căn bệnh cứ trì kéo đeo đẳng anh. Mỗi lần anh xuống được hồ nước thì cơ hội lành bệnh lại vụt mất. Đã ba mươi tám năm nay, anh đã mòn mỏi, tuyệt vọng, cam chịu số phận rồi chăng? Cuộc trở lại của anh đã quá muộn màng chăng? Dường như Chúa Giê-su đợi đến lúc này để khơi lại cho anh niềm hy vọng, lúc mà theo như Bossis kinh nghiệm: “Khi tình hình đã tuyệt vọng xét theo nhân loại, thì đó chính là lúc hy vọng Ki-tô giáo bắt đầu”. Đối với Chúa Giê-su, không có cuộc hoán cải nào là quá muộn màng. Ngài luôn luôn mong chờ tội nhân sám hối, cho họ bắt đầu lại cuộc sống mạnh mẽ như một tạo vật mới. Chỉ muộn màng khi tội nhân chưa đặt mình đối diện với Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện, dù họ đã có nhận thấy quá khứ lỗi lầm của mình.
Nếu người bệnh nhân nằm liệt 38 năm trời được nhắc đến trong bài Tin mừng hôm nay cứ khăng khăng sống theo thói quen tự nhiên, thì chẳng bao giờ anh ta đươc chữa lành. Trái lại, anh ta đã sẵn sàng làm theo điều như thể là bất thường mà Chúa truyền cho anh ta làm. Anh đang nằm liệt; ấy vậy, Chúa truyền cho anh ta cứ can đảm đứng dậy, vác chõng mà về! Đã liệt thì làm sao mà đứng dậy được! Hơn nữa, đã liệt làm sao còn có khả năng vác chõng về nhà?! Ấy thế, Chúa bảo làm sao, anh ta nghe và làm theo như vậy. Kết quả là anh đã được chữa lành.
Có thể nói được rằng, người được Chúa Giêsu chữa lành trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo bệnh tật nằm bên bờ giếng gần thành Giêrusalem, lúc mà Chúa Giêsu đi ngang qua. Anh nằm chờ từ 38 năm nay, có biết bao nhiêu người đi qua, kể cả những vị lãnh đạo trong dân Do Thái, những kẻ thuộc nằm lòng Kinh Thánh và muốn tuân giữ luật Chúa dạy cho đến tận cùng, với đủ mọi chi tiết. Họ đã đi ngang qua đó, nhưng không nhìn thấy người anh em đang cần được giúp đỡ. Nhưng, Chúa Giêsu đã nhìn thấy và Ngài đã chữa anh được lành bệnh. Ðó là việc Ngài thực hiện những dấu lạ: cho người què được đi, cho kẻ bệnh tật được lành mạnh để kêu gọi những người đang chờ dấu lạ của Ðấng Cứu Thế sắp đến hãy mở mắt ra và nhìn nhận Ngài là Ðấng Cứu Thế.
Thế nhưng, không ai mở mắt tinh thần ra để nhìn sự hiện diện của Chúa. Người được chữa lành không nhận ra Chúa và những người Do Thái khác lãnh đạo tôn giáo đang có mặt ở đó cũng không nhận ra Chúa. Họ chỉ nhìn thấy trường hợp lỗi luật ngày Sabat và muốn gây sự với Chúa, hơn là vui mừng vì một người anh em được lành bệnh.
Phần Chúa Giêsu, Ngài không dừng lại ở việc chữa lành tật bệnh thể xác, nhưng Ngài muốn tiến xa hơn nên đã kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần linh hồn quan trọng hơn: “Anh đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu đã thực hiện cả hai công tác phát triển và cứu rỗi chung cả nhân loại.
Là chi thể của nhiệm thể, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để gánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người nghèo khổ, là quả tim để khắc khoải yêu thương, là miệng để nói những lời bác ái, an ủi. Nhờ tông đồ mà Hội Thánh hiện diện giữa thế giới ngày nay.
Mỗi người chúng ta cầu xin Chúa ban cho mình có một tâm hồn và đôi mắt như Chúa, để yêu thương và giúp đỡ khi nhìn thấy nhu cầu của anh em xung quanh đang cần đến. Công việc tông đồ của chúng ta không phải là việc làm của con người, nhưng là việc làm của Thiên Chúa, nên cần có những tâm tình của Ngài.