skip to Main Content

LỜI CHỨNG CỦA GIOAN

18Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay

– Thánh Xy-ri-lô, Giám mục Giê-ru-sa-lem, Tiến sĩ Hội Thánh.

– Các bài đọc Lời Chúa: Xh 32,7-14; Ga 5,31-47.

LỜI CHỨNG CỦA GIOAN

          Cy-ri-lô nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem. Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.

          Nhiều lương dân và người Do thái trở lại, Cy-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.

          Mục đích đầu tiên của Cy-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.

          Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chứng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : – “Hãy in dấu thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu thánh giá trong mọi hành động”.

          Là mục tử gương mẫu, thánh Cy-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bị đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.

          Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.

          Giữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Cy-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.

          Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Cy-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô. Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Cy-ri-lô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.

          Với trang Tin mừng hôm nay, trước sự chất vấn của người Do Thái về việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa người bại liệt đã 38 năm trong ngày Sabát (Ga 5, 5-16), Chúa Giêsu đưa ra hai ‘nhân chứng’ cho hành động của Ngài.

          Ngài không nại đến nhân chứng là con người, dù người đó là Gioan. Điều Ngài nại đến chính là Chúa Cha và Sách Thánh.

          Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Cha là ‘Đấng làm việc liên lỉ’ (Ga 5, 17) thì Ngài là Chúa Con cũng làm việc như vậy, dù đó là ngày Sabát. Các phép lạ Ngài làm, nhất là phép lạ chữa lành và làm cho người ta được sống, minh chứng Ngài là con Chúa Cha, vì Cha là Đấng làm cho người ta sống (Ga 5, 21). Hành động của Chúa Giêsu là hành động ban sự sống: người què đi được, người điếc được nghe, người mù được thấy, kẻ chết sống lại. Lời Chúa Giêsu nói và việc Ngài làm minh chứng hiển nhiên sứ vụ cứu thế của Ngài.

          Quả vậy, Ngài được Chúa Cha sai đến để làm ‘công việc của Thiên Chúa’; mọi việc Ngài làm là làm theo ý Chúa Cha (x. Ga 5, 30). Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện cho biết Chúa Cha chứng nhận việc Ngài làm.

          Những lời chứng trên đây trở nên vô ích đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42), không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44). Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này mà Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.

          Lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35) là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Chúa Giêsu (Ga 1, 8-9). Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy. Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36). Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai. Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40). Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39). Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).

          Ta thấy Kinh thánh Cựu ước loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế, cũng như về sứ vụ của Ngài; và giờ đây, Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế đã xuất hiện với tất cả nhhững việc mà Kinh thánh cựu ước đã loan báo.

          Thế nhưng, những người Do Thái lại không tin Ngài; bởi đó chính Môsê, người mà người Do Thái luôn tin tưởng, sẽ tố cáo họ.

          Mùa Chay là dịp để ta nhìn lại bản thân mà hoán cải, canh tân cõi lòng cứng cỏi, mê muội của ta. Hình ảnh thiên chúa do trí óc ngập tràn đam mê, lợi lộc trần gian của ta bày vẽ ra phải được thanh lọc để ta có thể gặp gỡ vị Thiên Chúa đích thực nơi Chúa Giêsu, Đấng sẵn sàng hiến mình trên thập giá để cứu vớt ta ra khỏi bóng tối của đam mê, tội lỗi, sự ác và sự chết muôn đời.

Back To Top