Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CÁM DỖ VÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA
21/2 Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay
St 9:8-15; Tv 25:4-5,6-7,8-9; 1 Pr 3:18-22; Mc 1:12-15
CÁM DỖ VÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA
Thiên Chúa có ý định dựng nên con người bất toàn, để con người cộng tác với Người trong công trình sáng tạo để hoàn thiện chính mình. Vì thế con người có nhu cầu. Và Thiên Chúa đã dự liệu cho con người khi ban cho con người mọi loài trên mặt đất này. Chính vì thế mà tự bản chất mọi sự đều có sức hấp dẫn đối với con người.
Thế nhưng sử dụng nó thế nào? Đó là quyền tự do và sự khôn ngoan của con người. Thuốc bổ nhưng dùng quá liều cũng hại, ngược lại người ta cũng có thể lấy độc trị độc! Cám dỗ suy cho cùng cũng là một sự hấp dẫn. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng nó nhằm mục đích gì?
Và ta thấy khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã dành một thời gian 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện trong sa mạc, đã chịu ma quỷ cám dỗ giống như dân Do Thái trong sa mạc 40 năm, và cũng giống như Ađam chịu thử thách trong vườn địa đàng. Ađam đã sa chước cám dỗ. Dân Do Thái đã thất trung. Còn Chúa Giêsu đã chiến đấu và đã thắng Satan nhờ làm theo Lời Thiên Chúa. Sau hành động quyết liệt đương đầu với Satan, Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng và kêu gọi thống hối: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).
Là người tin theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể chiến thắng như Người nếu biết đứng về phía Thiên Chúa, biết lắng nghe lời Người mà thay đổi nếp sống. Đó cũng là ý nghĩa và mục đích của Mùa Chay, thời gian 40 ngày chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong Tuần Thánh, tuần lễ đặc biệt bước theo Chúa Giêsu Khổ nạn và Phục sinh. Khi khi chiến thắng sự chết nhờ sự sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành Adam mới, Trưởng Tử của một dân mới, đem lại sự sống đã mất do tội, thiết lập Giao ước mới.
Trong lịch sử dân Israel, Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã giúp họ vượt qua sa mạc đầy thử thách để thanh luyện họ và đem họ vào Đất Hứa, rồi thiết lập Giao ước với họ trên Núi Sinai. Trong lịch sử dân Israel mới, Ðức Giêsu đã chiến đấu trước những thử thách để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thiết lập Giao ước mới nhờ cái Chết và sự Phục sinh của Người.
Ở trong vườn địa đàng, Adong đã bị cám dỗ. Con cái Noe sống trong Giao ước cũng đã gặp thử thách. Dân Chúa trong sa mạc còn gặp nhiều hơn nữa. Tất cả đều nói lên rằng hạnh phúc con người ở trần gian này có thể bị tan vỡ. Tình yêu Thiên Chúa ở nơi ta có thể bị thử thách. Và rõ rệt tất cả loài người đã sa ngã, đã phạm tội. Adong đã phạm tội; con cháu Noe cũng vậy; dân Chúa ngày xưa cũng thế. Trong Cựu Ước, xem ra chỉ có một người không sa ngã.
Nói đúng hơn chỉ có câu truyện một người bị cám dỗ mà vẫn không sa ngã, để làm gương cho ta: đó là truyện ông Yob, một truyện được xây dựng có mục đích răn bảo, nên không cần đặt vấn đề có hay không. Nhưng điều mà sách Yob gợi lên, đề cao sự trung thành với Thiên Chúa qua bất cứ gian nan thử thách nào, điều đó đã được thực hiện nơi Ðức Kitô. Ở trong sa mạc, Ngài bị Satan cám dỗ, nhưng Ngài đã lướt thắng một cách bình an chân thật, báo trước việc Ngài sẽ đi qua con đường thập giá đau thương mà cuối cùng vẫn trung tín thưa cùng Chúa Cha: Con xin phó mạng sống con trong tay Cha.
Ta thấy rằng “tin vào Tin Mừng” chính là đón nhận Giao ước: một bên là Thiên Chúa yêu thương con người trước, một bên là con người đáp lại tình thương đó bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. Như thế, Giao ước vừa là một ân huệ Chúa ban, vừa là một thử thách đối với con người vì họ luôn bị cám dỗ làm ngược lại ý Thiên Chúa. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử đức”, đây chính là đức tin, là tín thác vào Thiên Chúa, chỗ dựa duy nhất để chiến thắng Satan.
Thật vậy, các bài đọc hôm nay chủ yếu nói với chúng ta về Giao ước. Bài đọc thứ I trích sách Sáng thế (St 9, 8-15) muốn nhắc nhớ thời gian nhân loại được sống hạnh phúc sau khi được Thiên Chúa cứu thoát nạn lụt 40 đêm ngày. Giáo hội muốn dùng bài Sách Thánh đó để nói đến thời gian Ân sủng của 40 ngày Mùa Chay. Thời gian ấy, hiện ta đang sống đây, như bài đọc II (1 Pr 3, 18-22) cho thấy: chúng ta là những người đã chịu phép Rửa của Ðức Kitô, đã được cứu thoát nạn lụt tội lỗi, để được tái sinh trong tình thương của Thiên Chúa mà mầu nhiệm Phục sinh đem lại. Vì thế, có người giải thích con số 40×7=280 ngày, thời gian người mẹ vất vả cưu mang để sinh ra người con mà mình yêu thương.
Chúa đã yêu thương bằng và với ân sủng của Ngài đó là đi tìm ta đưa vào sa mạc. Ngài chịu gian khổ để dẫn ta qua dòng nước Rửa tội. Ta đang sống trong Nước Trời và trong tình nghĩa của Ngài. Hôm nay ta còn đến đây để dự lễ, để thấy Chúa thương ta như ta vừa hiểu qua các bài đọc Sách Thánh, để còn uống thêm chén giao ước của Ngài trong Thánh Thể mà ta cử hành bây giờ. Chúng ta còn có thể có thái độ nào khác hơn là dứt khoát đứng về bên Chúa, chọn Lời Chúa làm lẽ sống, lấy tình Ngài làm hạnh phúc. Có như vậy chúng ta mới thật sự sống với Ðức Kitô trong mầu nhiệm sa mạc, trong mùa Chay 40 ngày mà ta đang cử hành.
Như vậy, Mùa Chay trước tiên là thời gian Ân sủng, thời gian Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn mời gọi chúng ta trung thành với Giao ước tình yêu. Chỉ với những tâm tình đó, chúng ta mới hiểu được hết ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu là mẫu gương trung thành với Thiên Chúa Tình Yêu, và mời gọi chúng ta “sám hối và tin vào Tin Mừng” để trở nên “con yêu dấu” của Chúa Cha. Việc “Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn” cũng đòi hỏi “sám hối mục vụ” để đổi mới cung cách ứng xử với nhau cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Thực tế, chúng ta chỉ có thể đáp lại lời mời gọi đó nhờ sức mạnh của Thánh Thần.
Và ta thấy rằng không giống như Tin mừng Matthêu (4,1-11) và Lc (4,1-13), Tin mừng Maccô không giải thích cách thức Satan cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa. Các câu chuyện Israel đi trong hoang địa, cũng như Ađam và Evà ở trong vườn là những ví dụ về thế nào là bị cám dỗ và sa ngã. Những câu chuyện về Môsê và Êlia là những thí dụ về thế nào là bị thử thách và đứng vững. Nếu tin tưởng vào Lời Chúa thì đứng vững; nếu không tin tưởng vào Lời Ngài thì sẽ sụp đổ. Đức Giêsu luôn trung thành với Thiên Chúa, do đó, dã thú sống hoà bình với Người, còn các thiên thần thì hầu hạ Người.
Và rồi nếu như ai nào đó muốn chuẩn bị lòng trí đón Chúa đến, người ta phải triệt để quay về với Thiên Chúa, phải cậy dựa vào Lời Chúa và tín thác đời mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa.