Tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hoàn…
LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA
20/2
Thứ Bảy sau Thứ Tư Lễ Tro
Is 58:9-14; Tv 86:1-2,3-4,5-6; Lc 5:27-32
LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA
Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israen, cách sống mà thiên Chúa ưa thích, và đó cũng là cách sông hưởng được niềm vui của Thiên Chúa, là nhìn lại mối liên hệ với tha nhân. Với một điệp khúc được lặp đi lặp lại: “Nếu ngươi . . .”. Nhằm nhấn mạnh cho dân Israen thấy rằng, nếu ta nhân từ, bao dung, và quảng đại với tha nhân, thì chính lúc đó chúng ta không bị thua thiệt mà trái lại, chúng ta tìm thấy được lòng từ bi và nhân từ của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cho chúng ta ơn gọi thật đặc biệt của ông Lêvi khi ông còn đang ngồi ở bàn thu thuế. Chúa Giêsu trông thấy và gọi ông, ông đã vội vã đứng lên, bỏ lại sau lưng tất cả mà đi theo Người. Những câu văn của Thánh Kinh ghi lại thật ngắn gọn và súc tích đến nỗi ta có cảm giác rằng việc đáp lời của ông Lêvi đối với Chúa diễn ra quá nhanh như một quán tính, và việc mau mắn bước theo Chúa của ông như một hành động mang tính chất bồng bột nhất thời.
Nhưng không, khi nhìn từ kinh nghiệm cuộc sống, thì dường như ít ai có thể dễ dàng đánh đổi miếng cơm manh áo, đặc biệt là một nghề đang hái ra tiền để chọn lấy một hành động có giá trị kém hơn. Nhưng cũng chính nơi bàn thu thuế này, nơi mà Lêvi đã có những cảm nghiệm sâu lắng về sự ghẻ lạnh của đồng bào dành cho mình khi họ coi ông như một người tiếp tay cho đế quốc Rôma để bóc lột họ, ông cũng lắng nghe những tiếng kêu đầy ghê tởm của những đồng tiền chèn ép trên mồ hôi và nước mắt của người khác.
Khi Chúa Giêsu nhìn thấy Lêvi con ông Alphê, là một quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat đang ngồi tại bàn thu thuế, Chúa đã gọi ông và ông đã sẵn lòng bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, qua hành động mau mắn của Lêvi đáp lại lời mời gọi của Chúa, xin Chúa cho chúng con cũng biết mạnh dạn hăng hái chỗi dậy để đáp lại tiếng Chúa kêu mời, như Lêvi xưa khi gặp Chúa Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người.
Một hành động dứt khoát, Lêvi không chần chừ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Là người tín hữu Kitô, tất cả chúng ta đều được Chúa gọi mời tham dự vào chương trình ơn cứu độ của Chúa. Điều hệ trọng ở đây, chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không. Ơn gọi ở đây không chỉ dành riêng cho những người sống đời thánh hiến linh mục, giáo sĩ hay tu sĩ, mà Chúa sẽ mời gọi tất cả mọi người tùy theo khả năng, hoàn cảnh, kiến thức để phục vụ Chúa qua Giáo Hội, chẳng hạn với thành phần giáo dân, chúng ta sẵn sàng vâng phục khi được lời mời gọi của Chúa qua Hội Thánh, tích cực tham gia sinh hoạt ban hành giáo, sinh hoạt trong các đoàn thể Công Giáo, hướng dẫn giáo lý cho các dự tòng và các em thiếu nhi vì mục đích làm rạng Thánh Danh Chúa, đem nguồn ân sủng của Chúa đến với mọi người.
Vào thời kỳ Chúa Giêsu, tại đất nước Palestina người dân phải đóng rất nhiều loại thuế: Thuế trực thu, thuế gián thu, thuế đền thờ, các loại thuế và nghĩa vụ khác. Theo các nhà nghiên cứu phỏng định với một gia đình trung bình họ phải chi khoảng một nửa số thu nhập hằng năm để chi vào các loại thuế trên. Chính vì thế thời đó thu thuế là một nghề mà người dân không có mấy thiện cảm, có thể vì họ nghĩ quan thuế là những tay sai cho đế quốc để bóc lột dân. Lêvi nhận được sự tín nhiệm của Chúa qua lời mời gọi, sau đó ông Lêvi còn mở tiệc linh đình thết đãi Chúa, ông mời bạn bè thân thích của ông cùng làm nghề thu thuế như ông đến dự tiệc.
Các người biệt phái và luật sĩ khi nhìn thấy Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi ăn chung với giới thu thuế, họ cảm thấy không hài lòng và tỏ thái độ kiêu căng miệt thị “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?”.
Điều đặc biệt là trong các trình thuật Tin Mừng chúng ta lại thấy Chúa Giêsu có thái độ khác hẳn với nhóm biệt phái và luật sĩ, Chúa lại hay giao tiếp gần gũi với những hạng người mà xã hội khinh bỉ như các quan thuế hay gái điếm, giao tiếp đây không có nghĩa là Chúa Giêsu tán đồng hay khích lệ việc làm sai trái của họ, nhưng Chúa giao tiếp để kêu mời họ ăn năn quay trở về với đường ngay nẻo chính. “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.
Chính bởi những cảm nghiệm về tình Chúa nên đã thôi thúc ông quyết định đứng lên để thay đổi cuộc đời. Lời mời gọi của Chúa Giêsu như một sự thúc đẩy hướng ông về phía trước: sám hối và bước đến một con đường đầy ánh sáng trong tình yêu. Nếu một người trong lúc đau ốm cảm nhận được sự mỏng manh của phận người và sự cần thiết của sức khỏe bao nhiêu, thì chính Lêvi lại nhận ra sự cần thiết của việc chữa lành tâm hồn bấy nhiêu. Chính ông đã bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Chúa và làm tiệc lớn để đãi Chúa Giêsu. Chính nơi Chúa Giêsu mà ông cảm nhận được hơi ấm của sự bình an, của sự chữa lành mà bấy lâu nay ông khao khát từ trong chính tâm hồn.
Trong bức tranh vẽ về hình ảnh Lêvi rời bàn thu thuế để bước theo Chúa Giêsu, mắt hướng về Chúa mà tay vẫn còn thò lại đằng sau để nắm lấy túi tiền, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Tôi cũng như vậy đấy”.
Không riêng gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay Lêvi trong tranh vẽ, mỗi người trong chúng ta có lẽ ai cũng có những giây phút đắm mình trong tình yêu của Chúa, đầy hạnh phúc và vui sướng đến mức chúng ta sẵn sàng nhìn lại con người mình và quyết tâm sửa đổi cách mau mắn, nhưng đôi tay dường như vô tình vẫn còn thò ra đằng sau để nắm lấy tội của mình mà không chịu thả ra. Để rồi với năm tháng cuộc đời, sám hối rồi tái phạm, tái phạm rồi sám hối, một vòng chu kỳ ấy vẫn cứ xoay tròn và lặp lại như một điều bất di bất dịch cho phận người mỏng manh.
Chính trong những lúc này, lời Chúa lại vang lên: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”(Lc 5, 32). Chính trong những lúc đắm mình trong tội, chúng ta không được phép bỏ cuộc buông xuôi nhưng vẫn phải quyết tâm đứng dậy sám hối và trở về với Chúa, vì “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”(Rm 5,20)
Trong lắng đọng tâm hồn, ta thấy thái độ của Lê-vi rất can đảm và dứt khóat: ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Chúa Giêsu. Ông can đảm vì dám bỏ một “nghề hái ra tiền,” và không thắc mắc “rồi làm gì mà ăn?” Ông dứt khóat với quá khứ cũ tội lỗi, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Từ đây, Ông sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, là sông mối liên hệ với Chúa bằng việc bước đi theo Ngài. Về phần Chúa Giêsu, Ngài thực sự đã phóng thích ông khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, và cho ông cơ hội làm lại cuộc đời.