skip to Main Content

Xin vâng như lời sứ thần truyền

25.3 Thứ Bảy Lễ Truyền Tin

Gr 11:18-20; Tv 7:2-3,9-10,11-12; Ga 7:40-53

Xin vâng như lời sứ thần truyền

Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.

Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.

Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin” vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ : Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và lễ Đức trinh nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.

Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.

Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người”(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.

Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để làm quyết định; nhưng khi con người quyết định chọn điều gì, là con người phải lãnh nhận hậu quả do quyết định ấy mang lại. Thói quen của con người là không muốn phải vâng lời ai, muốn tự mình có thể quyết định mọi sự. Trong cuộc cám dỗ đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, con rắn gian manh biết Bà Evà không muốn vâng phục Thiên Chúa, nên cám dỗ Bà ăn trái cây “biết lành biết ác” mà Thiên Chúa đã cấm không được ăn. Hậu quả của cuộc bất tuân là ông bà mất nghĩa cùng Thiên Chúa, và truyền nọc độc của tội Tổ Tông cho con cháu.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù đã được tiên-tri Isaiah truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua Ahaz của Judah vẫn bất tuân sang cầu viện Ai-cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Babylon. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Kitô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quí sự vâng phục của Đức Kitô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, và hài nhi Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ.

Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ : “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra :”Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể”.

Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần :”Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền”.

Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46 – 55). Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7). Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu gía trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy. Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo. Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ. Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó. Rất rõ ràng. Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó. Cũng rất rõ ràng. Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

Như Mẹ Maria xưa đã đồng ý để Chúa dùng Mẹ như một phương tiện đến với nhân loại thế nào thì nhiệm vụ chính yếu của mỗi người Kitô hữu ngày nay cũng chính là việc sẵn sàng hiến cho Chúa một cơ hội để Ngài tỏ mình ra cho những người chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày: một nụ cười thân thiện, một ánh mắt thông cảm, một nghĩa cử bác ái, một sự nhịn nhục kẻ thù… tất cả sẽ là việc tông đồ nếu qua đó mà người ta nhận biết Chúa rõ ràng hơn, yêu mến Chúa sâu đậm hơn, và thương yêu tha nhân chân thật hơn.

Xin Mẹ Maria nâng đỡ phù trì để chúng ta ngày một tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin qua việc mở rộng tâm hồn sẵn sàng cộng tác với ơn soi động của Chúa Thánh Thần ngõ hầu Chúa Giêsu có cơ hội tiếp tục sinh xuống tâm hồn những ai chưa nhận biết Chúa.

 

Back To Top