Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Xin cho được cảm nghiệm ở trong Chúa
28/5 Thứ Bảy trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 18:23-28; Tv 47:2-3,8-9,10; Ga 16:23-28
Xin cho được cảm nghiệm ở trong Chúa
Trước đây, Chúa Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn và chỉ khi ở riêng với các môn đệ, Ngài giải thích cho các ông hết thảy mọi điều. Bây giờ đã đến lúc Chúa Giêsu không dùng dụ ngôn để giảng dạy, nhưng Ngài nói thẳng cho họ hiểu về Cha với cách thức thân tình giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Ðược chọn làm môn đệ nên họ được giải thích tường tận, vì những gì đã nghe biết nơi Cha thì Chúa Giêsu đã tỏ lộ hết cho họ. Chia sẻ các hiểu biết là yếu tố căn bản xây dựng mối thân tình. Càng nhiều hiểu biết được chia sẻ thì mối thân tình càng được thắm thiết.
Con người ai cũng quí trọng bạn tri kỷ vì chỉ với người bạn này họ mới chia sẻ hết mọi điều và họ hiểu hết được nỗi niềm. Khi gửi gắm nỗi niềm tâm sự vào các môn đệ, Chúa Giêsu cũng muốn họ là bạn tri kỷ của Ngài. Ðây không chỉ là một gửi gắm lời tâm sự mà thôi, nhưng còn tất cả con người của Ngài.
Việc trao ban trong bí tích Thánh Thể là dấu chứng Ngài muốn kết hiệp với họ. Hãy hành động với Ngài và trong Ngài thì họ sẽ gặp được điều mong ước. “Vì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Cha thì Người sẽ ban cho”. Từ thân phận tôi tớ nô lệ, các môn đệ được nâng lên hàng bạn hữu vì Chúa Giêsu muốn họ sống như Ngài trong chức phận làm Con Thiên Chúa – một giá trị đã bị con người đánh mất và được Ðức Kitô phục hồi bằng chính sự tự hiến của Ngài. Vậy qua cái chết của Ðức Kitô, không chỉ các môn đệ mà còn tất cả những ai tin Ngài đều được đón nhận tước vị ấy.
Và nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu cũng được lãnh nhận tước hiệu làm con Thiên Chúa. Ðây không phải là một tước hiệu khoác lên con người, nhưng là một tiếp xúc với sự sống Thiên Chúa. Với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, điều Kitô hữu cầu xin sẽ được nhận lời. Ðức Kitô đã đem lại cho tín hữu một giá trị mới nhưng đồng thời Ngài đòi buộc họ sống xứng đáng với giá trị ấy: “Chính Cha yêu mến chúng con bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Tin nhận và yêu mến Ðức Kitô sẽ cho phép người tín hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như các tông đồ, Kitô hữu cũng được Chúa Giêsu chọn làm bạn tri kỷ của Ngài. Tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa đã được gói gọn trong lời Ngài, và chẳng thể được gọi là bạn tri kỷ hoặc là kẻ yêu mến Ngài một khi lời Ngài bị đuổi đi không được đón nhận và đáp trả.
Chúa Giê-su đang tâm sự với các môn đệ trong bầu khí của bữa tiệc li, nghĩa là bầu khí của tình yêu đến cùng được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua mầu nhiệm Thánh Thể. Trong bầu khí này, Đức Giê-su nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8).
Và hoa trái mà Chúa Giêsu chờ đợi nơi người môn đệ để tôn vinh Chúa Cha, chính là tình yêu các môn đệ dành cho nhau: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (15,17). Tình yêu các môn đệ được mời gọi dành cho nhau, không phát xuất từ chính nỗ lực của các môn đệ, nhưng phát xuất từ Tình Yêu Ba Ngôi: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9); và “chính Chúa Cha đã yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy” (c. 27).
Vậy, khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xin: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”, chúng ta, với tư cách là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ xin điều gì, để Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta và làm cho chúng ta ở trong niềm vui trọn vẹn, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ “sinh nhiều hoa trái”? Thế mà, người môn đệ “sinh nhiều hoa trái” mà Chúa Giê-su mong muốn, là những người biết yêu thương nhau và làm lan truyền tình yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa và cho Vinh Danh Chúa Ba Ngôi, trong giáo xứ, cộng đoàn, gia đình và trong môi trường sống của mình.
Nhưng Chúa Cha không chỉ sẵn lòng ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nhưng còn bày tỏ chính ngôi vị của Người cho chúng ta nơi Chúa Giêsu: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Nếu chúng ta hiểu lịch sử cứu độ là lịch sử qua đó Thiên Chúa bảy tỏ khuôn mặt đích thật của Người, khuôn mặt mà ma quỉ đã làm cho con người hiểu lệch lạc (x. St 3), thì lời này của Chúa Giêsu là điểm tới, là điểm hoàn tất của lịch sử cứu độ. Như Ngài sẽ nói trên Thập Giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 28-39).
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Cha, không còn qua những dụ ngôn nữa, hay nói rộng hơn, qua những dấu chỉ nữa, nhưng là qua chính ngôi vị của Chúa Giêsu, qua chính Lời của Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta cảm nếm chính Thiên Chúa, khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua.
Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến, và Ngài trở về với Chúa Cha ngang qua hành trình Vượt Qua. Như thế, đường đi của Ngài không phải là con đường «thăng thiên» trực tiếp quang vinh, nhưng là con đường đi ngang qua cái chết, và là cái chết bi đát nhất.
Nhưng Chúa Giê-su đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy… Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha”. Như thế, con đường Thầy đi qua và cùng đích Thầy hướng đến đều hội tụ nơi ngôi vị của Chúa Giêsu. Nhưng tất cả vấn đề là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường «điên rồ và sỉ nhục». Nhưng, đối với Thiên Chúa, đó lại là con đường của “sự thật và sự sống”, là con đường của «sức mạnh và khôn ngoan», là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Đó là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong Thiên Chúa Cha, đang được Chúa Cha yêu mến, khi đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi.
Ước mong rằng mỗi người chúng ta biết vui mừng và vinh dự vì địa vị làm con Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống xứng đáng với địa vị này, bằng cách tin, cậy và yêu mến Chúa Giêsu, để luôn được cư ngụ mãi mãi trong tình yêu của Người.