Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Vai trò người phụ nữ trong Tin Mừng
20.9 Thánh Andrê Kim, Lmtđ, Phaolô Chong, và các Bạn Tử Đạo
1 Cr 15:12-20; Tv 17:1,6-7,8,15; Lc 8:1-3
Vai trò người phụ nữ trong Tin Mừng
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Andrê Kim và Thánh Phaolô Chung cùng các bạn tử đạo tại Giáo Hội Đại Hàn.
Phải nói Giáo Hội Đại Hàn đã được bắt đầu như một phép lạ. Nói theo cái nhìn của Chúa Giêsu thì Giáo Hội đó được bắt đầu như một hạt cải nhỏ bé nhưng bây giờ nó đã lớn lên, lớn lên mạnh mẽ và oai hùng trước sự kinh ngạc vả cảm phục của nhiều người.
Nào có ai ngờ được rằng chỉ có một người. Người đó tên là Li Sung Hung. Người ta gọi Li Sung Hung là một học giả. Li Sung Hung đã đến Bắc Kinh năm 1784. Li Sung Hung được học đạo và rửa tội tại đây. Sau khi được trở thành một Kitô hữu, Li Sung Hung thấy mình là người được hạnh phúc. Li Sung Hung đã không muốn một mình vui hưởng niềm hạnh phúc đó. Li Sung Hung muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho đồng bào ruột thịt trên quê hương đất nước của mình. Thế là chỉ với một ít sách báo, tài liệu hiếm hoi, Li Sung Hung đã lên đường về nước rồi với nhiệt tình nóng bỏng truyền giáo, Li Sung Hung đã làm cho ngọn lửa Đức tin được bùng cháy lên.
Việc làm lúc đầu tưởng chừng chỉ là đơn độc và khó lan truyền, thế nhưng như lời Chúa tiên báo ngọn lửa đó đã bùng cháy lên.
Một Giáo Hội đã được thành hình. Không linh mục, thậm chí không có một nhà truyền giáo, chỉ có một giáo dân, rồi từ từ lan toả, từ từ lớn lên, bất chấp mọi trở ngại, bất chấp mọi khó khăn nhất là những hiểu lầm lúc khởi đầu.
Rồi ngay sau đó, nhờ những nỗ lực của một nhóm học giả Hàn quốc tìm tòi, nghiên cứu về đức tin công giáo qua các sách vở mà ông Li Sung Hung đã mang về từ Trung Hoa, những người giáo dân Hàn quốc này bắt đầu dạy giáo lý cho những người khác và rửa tội cho họ. Mãi tới 11 năm sau (1784- 1795), nhờ sự học hỏi tìm hiểu sâu rộng, nhóm giáo dân công giáo đầu tiên này mới bắt đầu nhận thấy: họ cần có một linh mục. Thế là một đại diện ngoại giao đoàn đã được gửi sang Bắc kinh. Đức giám mục Bắc kinh đã chấp thuận ngay lập tức. Và vào năm 1795, cha Chumuymô, vị linh mục thuộc giáo phận Bắc kinh đã chính thức được cử sang Đại hàn và trở thành nhà truyền giáo đầu tiên tại đây.
Giáo hội Đại Hàn bắt đầu lớn lên và càng ngày càng lớn nhanh, lớn mạnh. Thế nhưng cũng như bất cứ Giáo hội nào của Chúa, như một định luật chung, cứ bắt đầu thành hình, lớn lên là bắt đầu chịu nhiều cản trở, cấm đoán cản ngăn, thậm chí nhiều khi còn đi đến chỗ bị bắt bớ tiêu diệt.
Giáo Hội Đại hàn đã phải trải qua một cơn đại hoạ kéo dài 100 năm như thế.
Trong khoảng thời gian kéo dài gần 100 năm đó, lịch sử còn ghi lại con số 103 vị tử đạo. Trong số 103 vị tử đạo này có 92 giáo dân thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội, 45 người nam và 47 phụ nữ. Nổi bật nhất là vị linh mục đầu tiên tại đất nước Hàn quốc là Andrê Kim Têgôn và mười nhà truyền giáo Pháp. Trong số 103 vị tử đạo, 79 vị đã được phong chân phước năm 1925, họ là nạn nhân của cuộc bách hại đầu tiên, và 24 vị được nâng lên hàng chân phước năm 1968, là nạn nhân của cuộc bách hại sau này.
Cha Chumuymô cũng được phúc tử đạo. Cùng chịu tử đạo với ngài lúc đó, có khoảng 300 người mới trở lại đạo trong đó có ông Phaolô Chung, một nhân công trong một xưởng dệt dây thừng, một gương mặt tiêu biểu cho những người công nhân, đã được rửa tội năm 30 tuổi, và đã hoạt động tích cực trong việc truyền bá đức tin công giáo bằng cách giấu ẩn các tín hữu trong vùng khi họ đến nhận lĩnh các bí tích. Ông đã bị bắt vào năm 1839, bị tống ngục và bị tra tấn dã man. Vì không chịu đựng được những cực hình, ông đã đồng ý chối đạo, và được trả lại tự do. Tuy nhiên, sau đó ông hối hận và trở lại nói với chánh án, là ông muốn rút lại lời tuyên bố chối đạo. Một lần nữa, ông bị bắt giam tù và bị đánh đập. Ông chết vì các vết thương làm độc, năm ấy ông 41 tuổi.
Năm 1984, Giáo hội công giáo Hàn quốc mừng lễ kỷ niệm 200 năm ngày học giả trẻ tuổi Li Sung Hung đến Bắc Kinh năm 1784, được rửa tội tại đây, đoạn trở về quê hương với một số sách đạo và một ánh lửa đức tin, để rồi sau đó làm bùng cháy ngọn lửa đức tin công giáo tại Hàn quốc.
Ngày 6.5.1984, tại Seoul, Nam Hàn, trong một thánh lễ phong thánh đầu tiên được cử hành ngoài Rôma kể từ thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng 103 vị tử đạo lên bàn thờ và gọi dịp này là ngày vui mừng nhất, ngày trọng đại nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Hàn quốc.
Đồng hành với Đức Giê-su, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có các phụ nữ – là những người đã được Ngài trừ cho khỏi quỷ và chữa lành bệnh. Tác giả Lu-ca còn cho biết thêm, họ “lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, đi theo ông thầy Giê-su, họ còn bị đòi hỏi nhiều hơn nữa: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Như vậy, tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, kể cả hạng người tội lỗi, thu thuế hay chài lưới… đều có cơ hội như nhau trong việc bước theo Đức Giê-su. Chỉ cần họ dám sẵn sàng từ bỏ mọi sự để cùng đi với Ngài.
Chúa Giêsu làm một cuộc cách mạng, trả lại cho phụ nữ một nhân phẩm và giá trị bình đẳng trong xã hội thời bấy giờ. Chúa Giêsu bằng lòng để cho các phụ nữ có mặt trong hành trình truyền giáo của Ngài. Các bà này, hoặc vì lòng cảm mến, hoặc vì mang ơn Chúa, đã đi theo để giúp đỡ Chúa và các môn đệ. Điều đó cho thấy trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng. Tất cả đều được mời gọi cộng tác vào công cuộc truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Hình ảnh này được tiếp tục diễn tả trong Hội Thánh của Chúa ngày hôm nay.
Khi cảm nhận được vinh dự làm môn đệ Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô đã sung sướng kêu lên: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Với thánh Phao-lô, không một sức mạnh nào có thể cản bước ngài trong việc dấn thân cùng Chúa Ki-tô để phục vụ Tin Mừng.
Có lẽ chuyện một vài người phụ nữ đi theo các cha hay các thầy như là vai trò “hậu cần” trong công việc mục vụ trong bối cảnh hôm nay không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Ngày xưa, các giáo sĩ Do Thái coi thường phụ nữ nên không nhận làm môn đệ. Thế nhưng, vào thời Chúa Giê-su-cách đây hơn 2000 năm thì thật là chuyện kỳ cục lắm, nhất lại là những phụ nữ chẳng mấy danh dự gì. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám. Thế nhưng, Chúa Giê-su là người rất cách mạng và là người rất hiểu biết về tâm lý, nên đánh đúng vào thế mạnh “nhậy bén và nhiệt thành” của những người phụ nữ trong công việc truyền giáo. Ngài đã chứng minh phẩm giá và khả năng phục vụ của những người phụ nữ khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Phẩm giá của con người không hệ tại vào nguồn gốc, xuất xứ hay những định chế của xã hội, nhưng được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Mặc dù hiện diện âm thầm, không tước vị của những người phụ nữ, nhưng có thể nói họ là những người âm thầm xuyên suốt và hiệp thông trong mọi biến cố quan trọng trong công cuộc truyền giáo của Chúa Giê-su: từ việc rao giảng Tin Mừng, đứng dưới chân thập giá, mầu nhiệm sống lại…vì thế, dù âm thầm, nhưng chỗ đứng này không thể thay thế trong mầu nhiệm hiệp thông trong thân thể của Chúa Ki-tô. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: “Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô”.
Bên cạnh việc mời gọi những người phụ nữ tham gia vào nhóm mười hai ngay từ buổi ban đầu của công cuộc truyền giáo, điều đó cho thấy Chúa Giê-su đã rất quan tâm đến tính cấp bách và tính phổ quát của việc truyền giáo không phân biệt tuổi tác, địa vị, giới tính, trình độ, thời điểm…
Xin cho mỗi người chúng con biết thao thức với sứ mạng truyền giáo và biết tận dụng hết những sức mạnh vật chất cũng như sức mạnh con người để tất cả hướng đến việc rao giảng Tin mừng.