skip to Main Content

VÁC THẬP GIÁ : LỜI MỜI KHÓ

14.9 Tôn Vinh Thánh Giá

1 Cr 10:14-22; Tv 116:12-13,17-18; Lc 6:43-49

VÁC THẬP GIÁ : LỜI MỜI KHÓ

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Thánh giá là một nghịch lý trong đạo Thiên Chúa giáo nói chung và đạo công giáo nói riêng. Một đàng thánh giá là nguyên nhân thất vọng, tai họa và sự chết. Đàng khác Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống.

Trước khi Đấng Cứu thế đến, thánh giá là hình phạt khiếp sợ cho tội nhân. Bị coi là một tội nhân nên Đức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thánh giá với hai người trộm cướp. Ngày nay Thánh giá đã trở nên dấu hi vọng và toàn thắng cho người Kitô giáo. Đó chính là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định: Rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hi lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23-24).

Tin Mừng hôm nay nhắc đến một việc khủng khiếp xẩy ra cho dân Chúa trong sa mạc trên đường tìm về đất hứa. Khi dân chúng phàn nàn, kêu trách Chúa vì họ thiếu đồ ăn, nước uống, Chúa phạt họ bằng cách cho rắn độc đến cắn. Rồi với lòng thương xót, Chúa lại truyền cho ông Môsê làm cây gậy đồng để cứu chữa họ. Bất cứ khi nào ai bị rắn cắn, mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa khỏi (Ds 21,4b-9). Đức Giêsu coi việc treo con rắn đồng trong sa mạc là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,15). Thánh Phaolô cũng đã rao giảng về Đức Kitô chịu đónh đanh cho tín hữu Phi-líp-phê: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,8).

Như vậy theo Thánh kinh thì ơn cứu độ đến với loài người qua thánh giá và phục sinh. Thánh giá và phục sinh của Đức Kitô không thể nào tách rời được. Không có thánh giá, không thể có phục sinh. Không có phục sinh, không thể có sự sống vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao Giáo Hội có thể nói đến sự toàn thắng của thánh giá trong nền tảng thần học của thánh giá.

Người Kitô giáo không thể tin vào Đức Kitô mà lại chối bỏ thánh giá. Người Kitô giáo không thể chối bỏ thánh giá, mà phải tôn vinh Thánh giá như phương tiện cứu rỗi. Họ phải hãnh diện về biểu hiệu của Thánh giá. Tuy nhiên họ không được dừng lại ở thánh giá mà phải vượt qua thánh giá và tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá. Vì có sự liên hệ giữa thánh giá và phục sinh mà Đức Giêsu mời gọi người môn đệ vác lấy thánh giá để theo Người (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Tại một một tiểu chủng viện kia trong quá khứ, các chủng sinh được ban giáo sư tập cho thói quen đặt thánh giá bên gối đầu giường để khi chưa ngủ được thì suy niệm về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Sau khi chịu chức linh mục, có linh mục kia vẫn giữ thói quen để thánh giá bên gối đầu giường. Khi không thấy thánh giá, linh mục đó cảm thấy như thiếu thốn một báu vật gì khiến cho linh mục đó cảm thấy khó ngủ.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở người tín hữu về nền tảng của đức tin: qua thánh giá thì có triều thiên, triều thiên cứu rỗi, triều thiên đợi chờ những ai chạy tới cùng đích. Đối với người tín hữu, Thánh giá đã trở nên biểu hiệu của tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho loài người. Do đó mà thánh Gioan Newman đã có thể đặt bút viết: Thập giá Chúa Kitô đã khiến cho những giá trị nhân bản phải được xét lại, bằng cách bầy tỏ một tình yêu mạnh đến nỗi đã san bằng hố sâu giữa sự sống và chết.

Nhìn quanh, người ta thấy biết bao người đang phải mang vác thánh giá về đau yếu, bệnh hoạn và tật nguyền về thể lý, tâm lý và tinh thần. Có những người uống thuốc chữa trị nhiều năm mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Có những người đi bác sĩ, nằm nhà thương liên tiếp, mà bệnh tật vẫn còn đó. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh băn khoăn, lo âu, sợ hãi và hiểu lầm trong suốt cả cuộc sống.

Nhiều người còn phải mang vác thánh giá của cảnh nghèo túng và đói khát, ta cầu xin Chúa cho đất đai của họ trở nên mầu mỡ để họ có thể sản xuất thực phẩm. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh kì thị, ta cầu xin Chúa là sức mạnh và nguồn hi vọng của họ. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh bách hại vì tin vào Chúa ngay cả trong thời đại ta đang sống ở những miền đất khác nhau trên thế giới, ta cầu xin Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh của họ, ban chọ họ lòng can đảm, cậy trông. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh chia li, ta cầu xin Chúa cho họ được đoàn tụ với người thân yêu. Nhiều người khác phải mang vác thánh giá của cảnh li dị, ta cầu xin Chúa hàn gắn những vết thương lòng của họ.

Giáo hội cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, nhờ Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa về trời cao, vứt bỏ sau lưng tội lỗi thế gian để đạt tới sự thiện trên trời. Chúng ta hát mừng Chúa sống lại hiển vinh, vì bởi cây Thánh Giá niêm hân hoan tràn ngập khắp địa cầu. Còn hạnh phúc nào hơn từ cây Thánh Giá; vì chính nhờ cây Thánh Giá, nguồn vinh phúc, ơn cứu độ chúng ta được phục hồi.

Thật vậy, nếu không có cây Thánh Giá, Đức Kitô đã không bị đóng đinh, sự sống đã không bị treo lên gỗ giá, máu và nước, nguồn suối trường sinh đã không chảy ra từ cành sườn để rửa sạch tội lỗi thế nhân, bộ mặt kẻ tội lỗi đã không bị lột trần, chúng ta sẽ không được tự do và không được hưởng nhờ ơn phúc từ cây sự sống. Nếu như không có Thánh Giá, thiên đàng không được mở, sự chết không bị chôn vùi, mọi thủ đoạn của hỏa ngục sẽ không được phơi bày ra. Thánh Giá thật cao cả và quí giá biết bao. Cao cả, vì Đức Kitô đã chiến thằng khải hoàn trước mọi đau khổ, Thánh Giá phát sinh sự thiện với biết bao kỳ công. Quí giá, vì Thánh Giá vừa là sự khổ đau vừa là khí giáp của Thiên Chúa. Là khổ đau, vì chính nhờ cây thánh giá Đức Giêsu đã hoàn toàn chịu chết ; là khí giáp, vì ma quỉ đã bị tổn thương và đánh bại, sự chết đã bị Đức Giêsu tiêu diệt vĩnh viễn; cửa Hỏa ngục bị đập tan và Thánh Giá trở nên ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá được gọi là vinh quang của Đức Kitô, và tán dương Người. Chúng ta nhìn thấy nơi Thánh Giá, chén của ao ước và tất cả mọi khổ đau mà Đức Kitô đã phải chịu vì chúng ta.

Lời mời gọi bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá mãi mãi vẫn là lời mời gọi luôn luôn mới và giá trị trên cuộc đời của ta. Lời mời gọi đó quả là khó chứ không phải dễ dàng bước theo. Khi và chỉ khi ta nhìn nhận thật phận tôi đòi của chúng ta, thân phận thụ tạo của chúng ta thì khi ấy chúng ta lại nhẹ nhàng và thanh thản để đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Và, khi vâng phục đến tột đỉnh vác thập giá đời mình thì dĩ nhiên ta cũng sẽ được hưởng phần phúc cứu độ mà Đấng Cứu Độ trần gian bị treo trên thập giá đã hứa ban cho những ai ngày mỗi ngày bước đi theo Ngài.

 

 

Back To Top