Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Uy quyền trên quỷ dữ
30.1 Thứ Hai
Thứ Hai trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Dt 11:32-40; Tv 31:20,21,22,23,24; Mc 5:1-20
Uy quyền trên quỷ dữ
Chúa Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lai được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. (Mc. 5, 1 -3)
Trình thuật về phép lạ Chúa chữa người bị quỷ ám và đàn heo biến mất đặt ra những vấn đề khó xử và có nhiều điều khác thường tưởng chừng như mê tín dị đoan.
Hình như đây là những sự kiện biệt lập được ghép lại với nhau. Chúa Giêsu lúc đó đang ở vùng Ghêrasa nằm phía đông Biển Hồ Ghen-nê-xa-rét là vùng đất dân ngoại, nơi nuôi heo là thú vật ô uế đối với người Do thái. Khi Chúa chữa cho một người bị quỷ ám ở đây thì có một sự cố xảy ra trong một trại nuôi heo lớn. Có lẽ là hai sự kiện này xảy ra vào cùng kỳ, nên được tác giả lợi dụng ghép lại với nhau để sự kiện này giải thích cho sự kiện kia và rút ra một bài học luân lý. Đó cũng là một lối kết cấu câu chuyện có tính cách bình dân vậy.
Sau khi dẹp yên bão tố ở biển hồ Tiberia, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trực chỉ sang miền Gêsara, là một thành phố dân ngoại thuộc miền thập tỉnh Gêsara nằm về hướng tây nâm biển hồ có núi đồi mấp mô chạy dài tới biển Địa trung hải.
Chúa vừa bước chân lên đất liền, thì gặp ngay một người bị quỉ ám thân mình trần trụi (Lc 8, 27), sống chui rúc ở các mồ mả, tiến ra (c. 2). Hắn khỏe vô địch, xiềng xích sắt gông cùm hắn bẻ gẫy như củi khô (c. 3-4). Hắn lấy đá rạch nát mình mẩy và thu trếu nghe dễ sợ mà không ai trị nổi. Cũng vì vậy mà ít ai dám qua lại vùng này.
Thế mà hôm nay Chúa Giêsu đến đó. Ngay từ đàng xa đã thấy Chúa, người bị ám xông tới như gặp một con mồi. Nhưng đến nơi hắn lại quì sụp xuống van xin “Xin đừng làm khổ tôi” (c. 27) “và Chúa truyền cho thần ô uế ra khỏi người ấy” (Lc 8, 29). Ở lại trong một người vẫn còn sướng hơn về hỏa ngục. Nói khác đi, con được một thân chủ là hỏa ngục còn rộng hơn được một chút. Ma quỉ biết rằng Chúa đến tiêu diệt uy lực của chúng, uy quyền mà chúng có từ khi Adong, Evà pahm tội. Nay Chúa đến, chúng dần dần mất chủ quyền mà trở về nơi khóc lóc khổ sở…
Khi Chúa phán hỏi: “Tên ngươi là gì ?” (c. 9) thì người đó nói “Tên tôi là cơ binh” (c. 9). Cơ binh là một đạo quân La mã thời ấy có khoảng 6826 người lính. Điều này muốn nói lên rằng thần dữ ở trong người xấu số rất là đông đảo, và cũng nói lên rằng ngoài satan, còn vô số quỉ thần khác nữa. Cho nên, khi nhập vào nạn nhân là chúng làm chủ trí khôn tình cảm, lý chí, nạn nhân sẽ không làm chủ mình được nữa.
Tin Mừng cho thấy kẻ bị ám có sức mạnh phi thường dù gông cùm xích sắt cũng vô ích, đá sỏi rạch nát mình mà không đau đớn. Một người thường không thể làm như thế. Khi được lệnh xuất ra chúng còn xin được nhập vào bầy heo đang ăn ở sườn núi (c.11), rồi chạy xồng xộc xuống biển chết ngộp lối hai ngàn con (c.13). Đấy còn là sức mạnh của ma quỉ. Chúng ta còn thấy được sức mạnh đó không. Ma quỉ thường thổi phồng trong tội trọng của điều răn thứ V, VI, VII, VIII…
Chúa Giêsu đem ơn cứu độ đến cho mọi người, đây là ý tưởng mà thánh Marcô không ngừng nêu bật trong các trình thuật của Ngài. Không như các kinh sư đương thời ngồi chờ đợi người ta đến với mình, Chúa Giêsu đã ra đi gặp gỡ con người, nhất là những người khốn khổ và bị khinh miệt nhất. Ngài không đóng khung trong gia đình, nơi thị trấn hay dân tộc của Ngài, nhưng vượt qua mọi ranh giới và cấm kỵ để đến với mọi người.
Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt: chỉ có ma quỷ mới biết rõ Ngài là ai, nhưng chúng không thể hoán cải được nữa; các luật sĩ và biệt phái ngày càng tỏ ra chai lì; bà con thân thuộc của Ngài thì chỉ nhìn về Ngài bằng những tính toán vụ lợi; dân chúng thì không nhận ra ý nghĩa đích thực của sứ mệnh cứu thế của Ngài; còn dân ngoại thì xin Ngài rời xa họ để họ khỏi mang họa vào thân. Chính khi Chúa Giêsu chiến thắng ma quỷ, thì đó cũng là lúc Ngài bị tẩy chay, và trong tình thế như thế, cái chết trên thập giá đối với Chúa Giêsu là chuyện đương nhiên.
Trong đời sống thiêng liêng, đôi lúc chúng ta cũng phải chiến đấu giữa cái thiện và cái ác thường giằng xé trong nội tâm chúng ta. Muốn thắng được cái ác, chúng ta phải thiết tha cầu xin ơn Chúa giúp và năng sống đời cầu nguyện kết hợp với Chúa. Nếu chúng ta luôn giữ mối thân tình sâu xa với Chúa thì không quyền lực nào có thể làm chúng ta gục ngã. Trái lại, những ai sống khô khan nguội lạnh sẽ không có đủ sức mạnh để thắng vượt cám dỗ, sẽ bị dục tình đeo bám như sư tử gầm thét rình mồi cắn xé tâm hồn chúng ta.
Đứng trước cái thiện và cái ác, chúng ta phải dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đã trao trọn tình yêu để thu phục cái ác đưa nhân loại về hiệp nhất sâu xa trong Thiên Chúa là nguồn sự thiện và sự sống. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm được ý nghĩa cuộc sống mình. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng xác quyết: “Con người mang trong mình một khát vọng sự vô tận, một nỗi nhớ nhung sự vĩnh cửu, một kiếm tìm vẻ đẹp, một ước mong tình yêu, một nhu cầu ánh sáng và sự thật đẩy nó tới với Đấng Tuyệt Đối: con người mang trong mình ước mong Thiên Chúa. Và trong một cách thức nào đó, con người biết nó có thể hướng tới Thiên Chúa và cầu khấn Ngài”.
Xin Chúa nâng đỡ yếu đuối để từng ngày qua đi, chúng ta vươn lên sự thánh thiện và viên mãn trong tình thương của Thiên Chúa.