Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Ước gì lửa bùng lên
26.10 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Rm 6:19-23; Tv 1:1-2,3,4,6; Lc 12:49-53
Ước gì lửa bùng lên
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su khẳng định Ngài đã mang lửa xuống thế gian và mong muốn cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên. Bài đọc 1 trong đêm Giáng Sinh, sách Tiên tri Isaia quả quyết: “ Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (Is 9,2). Như vậy Đấng Cứu Thế đến trần gian như một ngọn đuốc soi sáng thế gian u mê. Chúa Giêsu đến để giải thoát con người ra khỏi vòng tăm tối tội lỗi, đem đến cho nhân loại chân lý và sự thật.
Chân lý ấy là vũ trụ cùng nhân loại này được tạo dựng lên do bởi Thiên Chúa. Còn sự thật đó là Đấng Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ và muốn cho loài người được ơn cứu rỗi. Ai đón nhận chân lý và sự thật ấy thì chính là đón nhận ngọn lửa mà Ngài mang đến. Ngọn lửa đó biểu hiện cho niềm tin, lòng tôn kính Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân.
Trong nghi thức thanh tẩy, người tân tòng được trao cho ngọn lửa và qua việc nhận lãnh một ngọn nến cháy sáng với lời nhắn nhủ của vị chủ tế: “ Anh, chị đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, anh, chị luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong đức tin. Khi Chúa Kitô đến anh, chị xứng đáng ra nghênh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”.
Ngọn lửa mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta cũng chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Trước khi về trời Ngài đã chẳng thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ để các ông thay Ngài mà đi rao giảng Tin Mừng đó sao? (Ga 20,21-23) Và vào ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người và ai nấy đều tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. (Cv 2,1).
Chúa xuống thế gian để mang ngọn lửa và Ngài muốn ngọn lửa ấy không những phải được mãi sáng trong chúng ta mà còn phải được bừng lên lan tràn đến mọi người chung quang nữa, vì vậy chúng ta sẽ không ngừng sống đời sống chứng nhân bằng cách sống yêu thương tha nhân và luôn tôn thờ Thiên Chúa.
Có những người cho rằng đây là một thứ lửa đã được đốt lên, nên dịch là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy còn ước mong gì nữa, nếu lửa ấy đã bùng lên rồi” (Bản dịch Anh giáo; Crampon; Joüon; NTT…); đây là y như thể Chúa Giêsu chẳng còn gì mà mong ước, nên chỉ còn việc chờ đợi chịu Thương Khó (c. 50) hầu hoàn tất sứ mạng. Bản Nova Vulgata dịch theo hướng này: “Ignem veni mittere in terram et quid volo? Si iam accensus esset!” Nhưng đa số các tác giả nghĩ rằng Đức Giêsu diễn tả một nguyện ước, nên đã dịch: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Bản Vulgata cũ dịch theo nghĩa này là: “Ignem veni mittere in terram et quid volo nisi ut accendatur?”; đây cũng là cách dịch của Segond, Zorell, Lagrange, BJ, TOB, CGKPV…
Trong Cựu Ước, “lửa” đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiện để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy từ ngữ “lửa” của Lc 12,49 có nghĩa nào? Có tác giả cho rằng lửa này quy về Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3): Đức Giêsu hiện đang mang Chúa Thánh Thần và ước mong là tất cả mọi người được đầy Thánh Thần (thánh Grêgôriô Cả, thánh Ambrôsiô, thánh Xyrillô Alêxandria, thánh Giêrônimô). Nhưng lửa này cũng được giải thích là quy chiếu về phán xét (x. 3,17): Đức Giêsu đưa lại sự chia cắt giữa người tốt và kẻ xấu và muốn rằng sự chia cắt này xảy ra trọn vẹn (Knabenbauer; BJ).
Dù có chọn nghĩa nào, “lửa” cũng cần được liên kết với Lc 3,16, là câu trả lời của Gioan: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Qua câu này, ta nhận thấy “lửa” có nghĩa tượng trưng. Thật ra dựa theo ngữ pháp (hai danh từ nối với nhau bằng liên từ “và”), chúng ta đã có thể giải thích rằng “Thánh Thần và lửa” có nghĩa là “Thánh Thần là lửa”, và từ đó có thể đi đến những nghĩa khác như là hệ quả, chẳng hạn “sự thanh luyện”, hay là “sự biện phân”, “sự xét xử” như là những tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, nối tiếp câu này là c. 17 cũng có “lửa”: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. “Lửa” này chắc chắn không có nghĩa như “lửa” trong c. 16.
Muốn tìm ra nghĩa chính xác của “lửa”, nên tìm hiểu xem Chúa Giêsu đến để làm gì? Người muốn đạt được điều gì nhờ hoạt động của Người? Chẳng lẽ Người không muốn mang bình an đến, kêu gọi loài người thông cảm nhau hơn, đối xử nhân hậu và từ bi với nhau hơn? Chính Chúa Giêsu đã diễn tả rõ ràng về mục tiêu sứ mạng của Người và những hậu quả phát sinh từ đó: Người đến ném lửa vào mặt đất; có một phép rửa Người phải chịu; Người đến để gây chia rẽ. Thật ra những lời lẽ này không mô tả hết ý nghĩa của sứ mạng của Chúa Giêsu. Nhưng các phương diện thuộc sứ mạng của Người được nhắc đến ở đây cần được cứu xét.
Nói đến việc “Người đến”, chúng ta nhớ đến những lời khác: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10). Một yếu tố cốt yếu của sứ mạng Người là nhân ái đối với những kẻ tội lỗi, nỗ lực đưa họ về lại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đầy lòng tốt lành và từ bi thương xót (x. 7,36-50). Nhưng Người không hề nhắm biện minh cho mọi sự, triệt tiêu sự phân biệt giữa tốt và xấu, làm cho mọi sự hòa hợp với nhau. Mục tiêu của Người không phải là sự yên tĩnh và bình an của một thỏa hiệp chung. Người đã đến ném “lửa” vào trần gian. Đó là ý muốn thâm sâu của Người: trái đất được bao trùm trong “lửa” ấy và bốc cháy. Ghi nhận rõ ràng những đường nét của câu nói của Chúa Giêsu, ta thấy các cách giải thích trên về “lửa” dường như quá gò ép.
Có thể nói Đức Giêsu gán cho toàn thể hoạt động của Người đặc tính của “lửa”. Người đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Người cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Người bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp người ta, nắm bắt người ta một cách thâm sâu.
Điều mà Người làm không chỉ là một đóng góp trung lập, không hứng thú. Theo cách làm của Người, không có chỗ cho sự dửng dưng và chán chường, không có bức tường vô phương xuyên thấu đẩy bật mọi sự trở lại, không có một tấm bạt tráng dầu trên đó mọi sự trôi tuột đi. Hành động của Chúa Giêsu có đặc tính của “lửa”: nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm và xa cách; nó muốn đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.
Những lời Chúa Giêsu nói trong đoạn Tin Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Chúa Giêsu nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, “nóng cháy”, với loài người. Trái tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã quy định cho Người. Mục tiêu Người nhắm không phải là một sự hài hòa bên ngoài, nhưng là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi đã gặp gỡ cao độ với Người. Từ chỗ này có thể phát sinh các chia rẽ. Người ta không được hy sinh việc lấy lập trường theo Chúa Giêsu hầu đạt được một thỏa hiệp cho việc đi tìm sự hài hòa.