skip to Main Content

TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

03  23  Đ  Thứ Năm Tuần IX Thường Niên.

Thứ năm đầu tháng. Ngày các Linh mục.

Thánh Ca-rô-lô Loan-ga (Lwanga) và các bạn tử đạo, lễ nhớ.

Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng, Giáo dân (U1862), Tử đạo.

Tb 6,10-11;7,1.9-17;8,4-10; Mc 12,28b-34.

TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

Người ta ấn định ngày này để nhớ đến 22 vị thánh tử đạo Châu Phi da đen, bị giết tại Ouganda giữa 26 tháng 5; 3 tháng 6 năm 1886; và 27 tháng 1 năm 1887. Ngày 3 tháng 6 nhắc lại cuộc tử đạo của Thánh Charles Lwanga và 12 bạn chịu thiêu sống sau khi chịu nhiều cực hình khủng khiếp, tại Rubaga (03.06.1886). Các ngài là những của lễ hy tế đầu tiên trong cuộc bách hại do Mwanga chủ xướng. Ông là vị vua thâm độc và khát máu trong miền Đại Hồ (Grands Lacs). Các ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV phong chân phước năm 1920 và được Đức Phaolô VI phong hiển thánh năm 1964, nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Châu Phi.

Ouganda trước tiên được các linh mục Hội truyền giáo Châu Phi (Pères Blancs) rao giảng Tin Mừng năm 1879. Năm 1882, họ bị đuổi khỏi nơi này, nhưng hai năm sau họ trở lại theo lời yêu cầu của vua Mwanga. Sau đó, chính ông lại bách hại các Kitô hữu hết sức tàn bạo.

Để trả thù, một viên chức bị bắt trong khi âm mưu chống vua Mwanga đã thúc đẩy vua trước hết giết một số Kitô hữu và giám mục Anh Giáo Hannington (1885), bị cáo gian làm gián điệp. Sau đó vua sai chém đầu Joseph Mukusu, trưởng đội những người phục vụ. Họ bị cáo là “những người cầu nguyện” (17 tháng 11 năm 1885).

Charles Lwanga là người đầu bếp mới của triều đình, đã chuẩn bị cho mười hai bạn được phúc tử đạo. Sau khi bị kết án tử hình, các ngài bị dẫn đến địa điểm hành hình ở Kampala. Trong lúc đó, người bạn của vua là André Kagwa, bị chặt đầu rồi hỏa thiêu. Hôm sau, một nhân vật nổi tiếng khác cũng bị giết cách tàn bạo, đó là Matthias K.Mulumba. Các văn kiện của vụ án phong thánh đều ví Matthias K. Mulumba như “đoá hoa đẹp nhất trên chiếc triều thiên” của các thánh tử đạo này.

Sau khi trở lại đạo và chịu phép thánh tẩy, ngài không còn quan tâm đến các danh vọng bổng lộc ban cho ngài với tư cách là nhân vật cao cấp trong triều, ngài nói: “Tôi không phải là một người nô lệ, nô lệ của Đức Giêsu Kitô sao ?”

Sau vài ngày cần thiết chờ đợi để chuẩn bị ra pháp trường và trong khi vài kiếm đồng đã bị giết chết dọc đường, người ta xiềng xích các tù nhân. Người đầu tiên phải lên giàn hỏa thiêu là Charles Lwanga. Rồi những người khác, lần lượt bị thiêu sống. Trong nhóm họ có con trai của người trưởng toán lý hình. Anh không chấp nhận được tha bổng và trả lời cha: “Vua đã ra lệnh cho cha phải giết con. Con muốn chết vì Đức Giêsu Kitô”. Jean-Marie Jamari được mệnh danh là bậc “tiền bối” do bởi dáng vẻ oai nghi trang trọng và luôn sẵn sàng giúp đỡ người thân cận, hai năm sau cũng bước theo các bạn tử đạo của mình; ngài bị nhấn chìm trong hồ ngày 27 tháng 1 năm 1887.

Do đó, thật xứng đáng khi Đức Piô XI công bố Charles Lwanga là thánh Bảo Trợ cho Công Giáo Tiến Hành và giới trẻ châu Phi.

Trở về với Tin Mừng, trình thuật Tin Mừng hôm nay tường thuật về cuộc trao đổi thân tình và cởi mở giữa Chúa Giêsu và một kinh sư về một chủ đề thần học rất quan trọng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo. Câu hỏi được vị kinh sư đặt ra là “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu? tức điều răn nào quan trọng nhất?” Đức Giêsu trả lời cho ông biết một điều cốt lõi của luật đó là: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là Đức Chúa duy nhất. Người phải yêu mến Đức Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”.

Do Thái được mệnh danh là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn và ưu ái ban cho Bộ luật Torah như là bảo chứng của lòng trung thành giữa Dân với Thiên Chúa. Người Do Thái tôn thờ Luật Chúa, họ đặt cuốn sách luật ở chỗ cao nhất trên bàn thờ và hàng ngày cầu nguyện bằng Torah. Nếu họ không giữ luật có nghĩa là họ phản bội Thiên Chúa của họ.

Trong sách Torah ghi nhận gồm có 613 điều luật dạy, nhưng thời Chúa Giêsu người Do Thái chỉ còn giữ khoảng 300 điều. Vì vậy họ dễ bị rơi vào “mê cung” của luật lệ, họ không thể nào nhớ hết tỉ mỉ từng điều từ luật kính thờ Giavê Thiên Chúa cho đến luật giữ ngày sabát, luật thanh tẩy…Một lần nữa Chúa Giêsu gỡ cho họ một mối thắc mắc lớn, một đáp số chính xác nhất, một hướng sống minh bạch nhất trên hết các điều luật đó là “Mến Chúa và yêu người”.

Vì sao chúng ta lại phải “yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Địa lý Do Thái nằm trong vùng lưỡng hà địa, cái nôi của những nền văn minh và các tôn giáo lớn. Vì thế người Do Thái thời Cựu Ước tiếp cận với rất nhiều tư tưởng, triết thuyết và nhiều thần giáo, họ dễ bị lẫn lộn giữa Giavê Thiên Chúa với các vị thần khác. Người kinh sư đặt ra một câu hỏi thật xác đáng và Chúa Giêsu cũng đã chỉ rõ điều luật quan trọng nhất đó là “Kính mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Đây là điều răn quan trọng và cũng là điều khó thực hiện.

Vì bản tính con người là thích chạy theo tà thần với vẻ hào nhoáng bên ngoài, những vị thần của quyền lực, tiền bạc, dục vọng …có khả năng làm thỏa mãn những nhu cầu của con người. Đòi hỏi của Thiên Chúa có tính quyết liệt, dứt khoát phải tôn thờ Thiên Chúa trọn cả con người với mọi ước muốn thâm sâu trong tâm hồn và thể xác. Con người thường có thái độ “chân trong chân ngoài”, nghĩa là theo Chúa nhưng còn tìm kiếm và chạy theo những vị thần khác. Những vị thần có hình tướng và cả những vị thần vô hình vô tướng, đó là một thứ thần nguy hiểm và đáng sợ.

Đó là thần tham lam dối trá, ghen ghét, thù hận, đam mê xác thịt, hưởng lạc và nhiều những thói hư tật xấu khác. Đó là những thứ thần ngấm ngầm ăn sâu vào tận xương tủy con người. Hơn ai hết Chúa Giêsu hiểu được rằng con người dễ chạy theo những quyến rũ của thế gian mà lãng quên hoặc tôn thờ Chúa một cách nửa vời, đó là một mối nguy hiểm.

Điều thứ hai không kém phần quan trọng đó là “yêu người thân cận như chính mình”. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì Người là Đấng sáng tạo và làm chủ muôn vật muôn loài, trong đó con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa cứu chuộc bằng giá máu và mạng sống của Chúa Giêsu Con Một yêu dấu của Thiên Chúa. Kính mến Thiên Chúa cụ thể là yêu thương tôn trọng con người. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ canh cánh có một điều là yêu thương và cứu chuộc loài người.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng đã hạ mình xuống mang thân phận con người để cứu chúng ta khỏi ách tội lỗi và sự chết. Yêu người một cách “sơ sơ” thì dễ nhưng “yêu như chính mình” thì thật khó. Yêu thương những người nổi tiếng, lịch sự, xinh đẹp, giàu có thì dễ, nhưng thật khó biết bao khi yêu thương những người nghèo khổ, dốt nát, người hay gây phiền toái cho ta. Yêu thương những người mang lợi lộc đến cho ta thì dễ nhưng khó mà yêu thương kẻ thù của ta, những người hàng xóm khó tính, keo kiệt, những người nghèo lang thang đầu đường xó chợ…Đòi hỏi của Chúa thật quá khó, điều răn ấy đụng chạm và cứa vào cái tôi ích kỷ của con người. Chỉ với ơn Chúa giúp chúng ta mới sống được điều răn Chúa dạy.

 

Back To Top