skip to Main Content

Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm

Lv 25:1,8-17; Tv 67:2-3,5,7-8; Mt 14:1-12

Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Lắng nghe là hoạt động thường diễn ra trong cuộc sống của mỗi người. Hàng ngày, anh, chị và tôi tiếp nhận biết bao thông điệp nhờ vào việc lắng nghe. Dầu vậy, nghe cho có hiệu quả xem ra không đơn giản, đặc biệt là lắng nghe lời sửa dạy của người có trách nhiệm, lắng nghe tiếng lương tâm mình, và lắng nghe tiếng Chúa nói với mình.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cái chết tức tưởi của Gio-an tẩy giả, vì ông dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philípphê, người anh cùng cha khác mẹ với mình. Giá như Hêrôđê biết lắng nghe lời can ngăn của Gioan thì tốt đẹp biết mấy: Lịch sử sẽ nhắc đến tên Hêrôđê bằng một sự quý trọng; ơn gọi “tiền hô” của Gio-an cũng chu toàn một cách tốt đẹp mà không phải đổ máu…

Một ngôn sứ can đảm dám bênh vực chân lý, đạo đức luân thường; không khuất phục mặc bạo quyền dù biết rằng làm như thế sẽ mất mạng sống của mình. Và một vì vương ham mê tửu sắc, nuông chìu dục vọng, hèn nhát, sẵn sàng ra tay tàn độc với mưu mô giảo quyệt của mụ đàn bà lăng loàn, độc ác.

Gioan đã sống thật cho sứ mệnh ngôn sứ mà Thiên Chúa trao phó cho ông và sẵn sàng dám chết cho sứ mệnh ấy. Ông chu toàn bổn phận Thiên Chúa đã giao cho mình.

Tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.

Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: “Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.

Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay là tấm gương cho sự dũng cảm khi dám lên tiếng bênh vực lẽ phải. Chẳng phải “kẻ phản động” muốn lật đổ chính quyền Hêrôđê, ngài chỉ lên tiếng phản đối việc hắn muốn lấy chị dâu thôi đã phải đầu rơi máu đổ. Ngài đã dám chống lại tên hôn quân dù biết rằng việc đó sẽ gây bất lợi cho mình nhưng vì Thiên Chúa, vì lẽ phải của Người mà ông dám nói lên điều đó. Tấm gương ấy đáng để chúng ta noi theo.

Con người hiện đại ngày càng thờ ơ, bàng quan trước những sai trái của kẻ xấu, không dám chống lại chúng đã đành, họ còn chẳng dám lên tiếng để bênh vực sự thật, tất cả cũng chỉ vì sợ hãi thế lực của bọn xấu xa ấy. Có lẽ vì đặt lợi ích của mình lên hàng đầu nên người ta không muốn suy nghĩ đến những điều xa vời hơn, họ chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, đủ chơi là được, còn ai làm gì mặc kệ. Chính sự lãnh đạm của họ đã khiến kẻ xấu ngày càng lấn tới, ngày càng lớn mạnh và vào một ngày nào đó, họ sẽ mất tất cả không thể phản kháng. Tất cả đều do họ đã chọn im lặng thay vì lên án chúng.

Hãy nhìn lại xã hội chúng ta đang sống, bao nhiêu kẻ xấu xa vẫn nhởn nhơ ngồi trên pháp luật, chẳng ai dám động đến chúng vì có bè lũ cao cấp hơn chống lưng. Thế nhưng, người ta thà chịu từng đồng lương mất dần, mất dần đến khánh kiệt còn hơn lên tiếng chống lại chúng để rồi rước họa vào thân. Điều vô lý nằm ở chỗ những người tạo ra của cải cho chúng cướp lại sợ bọn chúng như thể nếu không có bọn chúng thì không có mình. Họ quên mất rằng người dân mới là chủ đích thực, chúng ta muốn chúng no là chúng no, muốn chúng đói là chúng đói…

Tóm lại, nếu chúng ta càng sợ hãi, càng im lặng thì bọn bất nhân sẽ càng lấn tới, chúng sẽ lấn át đến khi nào chúng ta kiệt quệ mới thôi. Chính vì thế, mỗi người chúng ta phải biết can đảm, dám chống lại sự bất công, chống lại bọn gian manh, xảo trá đang lừa gạt chúng ta mỗi ngày; phải biết dũng cảm đối diện sự thật và lên tiếng bảo vệ sự thật vì chính Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đồng thời, chúng ta cũng phải biết siêng năng cầu nguyện, xin Chúa ban ơn phù trợ để chúng ta được bình an khi đứng về phía Người.

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

Back To Top