skip to Main Content

TU VIỆN Ở ROMA, NƠI ẨN NÁU CHO “NHỮNG NGƯỜI BỊ ÁP BỨC” TRONG MỌI CUỘC CHIẾN

TU VIỆN Ở ROMA, NƠI ẨN NÁU CHO “NHỮNG NGƯỜI BỊ ÁP BỨC” TRONG MỌI CUỘC CHIẾN

Clare Graziani

 Trước đây, những người Do Thái ở Roma chạy trốn cuộc đàn áp của Đức Quốc xã đã tìm được nơi ẩn náu trong một tu viện ở ngoại ô thủ đô, do các Nữ tu Dòng Phanxicô Thương xót tổ chức. Ngày nay, những cánh cửa của ngôi nhà đó vẫn mở rộng để chào đón và ôm lấy những người chạy trốn khỏi mọi cuộc chiến.

“Chị cũng sống ở đây à?” “Vâng, tất nhiên, ngôi nhà là của tất cả chúng tôi”. “Của các chị?” “Đúng vậy, nhưng nó sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn”. “Vậy các chị thật tốt” Một phụ nữ trẻ người Somali xinh đẹp và mang khăn che mặt theo phong cách Hồi giáo, ngạc nhiên nhìn kỹ hơn người phụ nữ cũng đội khăn, người mà cô đã quyết định trao đổi những lời đầu tiên.

Asha đến Roma từ một trại tị nạn trên một hòn đảo của Hy Lạp, nơi cô sinh con dưới một chiếc lều bằng nhựa không thể bảo vệ cô khỏi cái lạnh, động vật hay kể cả con người. Rời khỏi Somalia, bị người chồng không còn yêu thương đuổi đi, Asha, ở tuổi đôi mươi, lần đầu tiên lên đường từ địa ngục Libya để đến hố đen của hòn đảo Lesbos, trại di cư, nơi cô tin rằng cuộc chạy trốn vô ích của mình kết thúc ở đó.

Những ngày vô vọng, đầy hỗn loạn, kinh hoàng và ồn ào dưới chiếc lều nhựa, bám lấy đứa con gái nhỏ mà cô bảo vệ như một con sư tử cái, trong khi một đứa trẻ khác đang lớn lên trong bụng mẹ để chào đời trong vô vàn nguy hiểm. Asha có đôi tay mạnh mẽ, giống như những người Somalia trẻ tuổi. Nhưng cô chưa bao giờ gặp được điều gì tốt. Sau đó, cô hỏi người phụ nữ đội lúp: “Các con của chị đâu?”. “Tôi không có con,” người này trả lời. “Vậy chồng của chị đâu?” “Tôi không có chồng.” “Không có chồng? Không chứ?”, Asha mở to đôi mắt. “Không. Không có chồng. Tôi được thánh hiến cho Thiên Chúa.”

Asha, người được cộng đồng Thánh Egidio tìm thấy dưới chiếc lều nhựa đó, cuối cùng đã đến Roma, đến tu viện của các Nữ tu Dòng Phanxicô Thương Xót. Với Noor và Fatima, 6 và 3 tuổi, cô được đưa lên tầng hai, nơi cô sắp xếp đồ đạc của mình trong một căn phòng, nơi mà cô không biết rằng nhiều năm trước, vào năm 1943, đã được mở ra cho những người mẹ khác, cho những đứa trẻ bỏ trốn. Những người bị áp bức được giải cứu khỏi sự bách hại của bọn Quốc xã-Phát xít. Họ được các nữ tu cứu sống bất chấp nguy hiểm đến mạng sống.

Asha không biết. Nhưng gia đình của những người phụ nữ không có chồng đã đáp lại ơn gọi này trong nhiều năm. Hãy là con tàu cứu hộ cho bất cứ ai chạy trốn sự ác. Nơi cập bến, đường Poggio Mojano số 8, thành phố Roma, vùng ngoại ô phía bắc. Có một cánh cửa ở đó, nếu bạn gặp khó khăn, sẽ mở ra cho bạn mà không cần thắc mắc. Một câu chuyện bắt đầu khi ở Roma, vào cuối Thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã đã săn lùng từng nhà một để tìm người Roma gốc Do Thái và đưa họ lên tàu hỏa đến trại tập trung Auschwitz. Điểm đến tiêu diệt cuối cùng.

Tuy nhiên, ở Roma vào năm 1943, nơi bị chiếm đóng bởi Đức quốc xã, các dấu hiệu về một “ước muốn” của Giáo hoàng đã lan truyền giữa các tu viện. Che giấu người Do Thái, bị Đức quốc xã truy lùng với sự đồng lõa của bọn phát xít Ý, những kẻ đã lập danh sách những người Roma bị vây bắt. Tu viện ở đường Poggio Mojano số 8 đã mở cửa khi mẹ bề trên thời đó, mẹ Elisabetta, như đã ghi lại trong nhật ký của mẹ mong muốn của Đức Giáo hoàng rằng người dân cho “những người bị bách hại được trú ẩn”. Không phải tu viện Roma nào cũng làm theo ý ngài. Tuy nhiên, tại tu viện đường Poggio Mojano, mong muốn đó của Giáo hoàng gần như được thực hiện trước.

Người đầu tiên đến là một giáo viên tiểu học. Sau đó, đến lượt các gia đình chạy trốn. Tất cả được che giấu trên tầng hai, trong 7căn phòng được che khuất khỏi tầm nhìn của những kẻ săn tìm, nơi các nữ tu đặt tượng Đức Mẹ Luxembourg để bảo vệ những người bị đàn áp. Các nữ tu đã xin phép những vị khách Do Thái của họ trước. Với lòng dũng cảm và táo bạo, các nữ tu đã giấu họ trong cùng một cơ sở, nơi mà cho đến ngày 3/10, quân Đức quốc xã đã chiếm đóng để làm bệnh viện quân đội. Và chính sự táo bạo đã hỗ trợ họ mỗi khi các đám lính quay lại tiến hành lục soát. Các nữ tu đã đánh lạc hướng bằng những lời nói dối thánh thiện và sự ứng biến liều lĩnh, cho đến khi quân Đức bỏ đi, vì bị đánh lừa.

Trong thời gian hoà bình, tu viện bắt đầu mở trường mẫu giáo và trường tiểu học Thánh Phanxicô. Nhiều thế hệ trẻ em, trong đó có nhà văn, lớn lên trong những lớp học đó, xếp hàng trên cùng những vạch đen mà chúng không biết rằng lính Đức quốc xã có vũ trang đã xếp hàng vào ngày 3/10/1943. Không ai trong số những đứa trẻ thời bình đó từng biết, cho đến năm 2019 (khi L’Osservatore Romano tiết lộ), câu chuyện che giấu người Do Thái của gia đình của những người phụ nữ đã dạy chúng sự dịu dàng yêu thương của Chúa Giêsu và của Thánh Phanxicô và không bao giờ đánh mất niềm hy vọng.

Nhưng chiến tranh đã đang rình rập. Tham nhũng, buôn bán vũ khí, khí hậu điên cuồng, sự mất ổn định sâu sắc ở Châu Phi, Trung Đông, sự đàn áp của các chế độ độc tài, đã tạo ra những người bị áp bức mới. Do đó, cánh cửa đường Poggio Mojano số 8, một cách tự nhiên, lại mở ra cho những người bị áp bức, những người không còn là người Roma như năm 1943, mà là người Rumania, người Nga, người Ucraina, người Somalia, người Congo, người Syria, người Afghanistan, người du mục Rôm.

Hiện tại, có 12 khách ở trong 7 phòng trước đây thuộc sở hữu của Đức Quốc xã và sau đó là của những người tị nạn Do Thái. Các nữ tu dòng Thánh Phanxicô dành cho họ tầng 2 của tu viện. Và mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới. Các trẻ em đến, thậm chí có các em bé được sinh ra. Những bà mẹ lòng đầy đau khổ đến, với những đứa con chào đời trong sợ hãi, đôi khi vì bạo lực, được trải nghiệm như một số phận không thể tránh khỏi. Tu viện một lần nữa là một bệnh viện chữa trị cho những con người bị tổn thương. Con tàu đó sẽ luôn sẵn sàng khởi hành từ đường Poggio Mojano số 8 để đón “những kẻ bị áp bức” trong mọi cuộc chiến.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Back To Top