Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Trên Ðường Emmaus
20.4 Thứ Tư tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lc 24, 13-35
Trên Ðường Emmaus
Sau thảm kịch thập giá của Đức Kitô, các môn đệ buồn sầu thất vọng và khủng hoảng. Niềm hi vọng về một cuộc giải phóng Israel chưa được thực hiện như họ nghĩ và họ muốn, mà Thầy đã chết. Họ không còn chút hi vọng nào, vì đã ba ngày mà Thiên Chúa không can thiệp để cứu giúp Ngài, vì họ xem Ngài là một ngôn sứ. Họ trở về quê Emmau với công việc trước đây của mình, để xây dựng cuộc sống tương lai.
Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.
Đang khi họ buồn sầu bàn luận với nhau về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, thì Ngài đến cùng đồng hành với họ, nhưng họ không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài bắt chuyện và hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?”. Một người trong họ đáp: “Chắc ông là người duy nhất ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện xảy đã ra trong thành mấy bữa nay”.
Chúa Giêsu hỏi “chuyện gì vậy?”. Họ trình bày về ông Giêsu là một ngôn sứ người Nazareth, đầy uy thế trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, thế mà các thượng tế và thủ lãnh Israel đã nộp Người, để Người bị án tử hình và đóng đinh vào thập giá. Có mấy phụ nữ ra mồ không thấy xác Ngài và họ nói có Thiên Thần hiện ra bảo họ “ Ngài vẫn sống” một vài anh trong chúng tôi cũng ra mộ và thấy mọi sự như các phụ nữ đã nói, nhưng họ không thấy Ngài. Chúa Giêsu nhắc lại lời Người đã loan báo trước đây về số phận Đấng Cứu Thế “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các trưởng lão và các văn sĩ chê chối, sẽ bị giết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9, 22; Lc 17, 25 ).
Ngài nhắc đến ông Maisen và lời các tiên tri làm thành những phần chính yếu trong kinh thánh thường được đọc ở Hội đường, đặc biệt là ( Is 53 ) nói về người tôi tớ đau khổ để làm chứng cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Ngài dần dần soi lòng mở trí cho hai ông, để hai ông ngộ được các biến cố, giúp hai ông khám phá Mầu Nhiệm Vượt Qua. Ánh sáng dần dần tỏ rạng trong tâm trí của hai ông và một ngọn lửa nội tâm sưởi ấm tâm hồn hai ông , như họ đã xác nhận “lòng họ rạo rực lên”. Chúa Giêsu đã thắp sáng lại niềm tin của họ.
Tiếp đến, họ mời Chúa Giêsu ở lại với họ khi Ngài giả vờ Ngài còn đi xa hơn nữa. Đây là cử chỉ có tính cách đề nghị và mời gọi hai môn đệ đón nhận Ngài. Chúa Giêsu đáp lại lời mời gọi của họ bằng việc bẻ bánh ra và mạc khải con người của Ngài “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ” Chúa Giêsu diễn lại bữa tiệc ly, thiếp lập bàn tiệc Thánh Thể. Đoạn Ngài biến mất và họ đã nhận ra Ngài, ngay lúc đó họ được biến đổi từ thất vọng đến hi vọng, họ chỗi dậy trở về Giêrusalem với anh em để báo tin cho họ: Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi, và các tông đồ cùng thuật chuyện Chúa đã hiện ra với Phêrô, vị thủ lãnh các tông đồ.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Thể. Ngài hiện diện cách vô hình chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng đức tin. Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta trong cuộc lữ hành về quê trời, chúng ta phải biết lắng nghe lời Chúa, học hỏi, suy niệm Kinh Thánh, để lòng chúng ta được sưởi ấm, mắt đức tin chúng ta mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, và thể hiện niềm tin bằng việc đi đến với anh chị em của mình.
Chúng ta cần tin tưởng vào Chúa, cả lúc chúng ta thất vọng chán nản. Chúng ta cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa để đón nhận giáo huấn của Ngài qua các dấu chỉ nơi những người cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta siêng năng học hỏi, đọc và suy niệm lời Chúa, để củng cố đức tin và sưởi ấm tâm hồn chúng ta thêm sốt sắng đạo đức, thêm lòng khao khát gặp gỡ Chúa trong các việc đạo đức, và chúng ta trở nên những tông đồ loan báo tin mừng phục sinh cho người khác.
Cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn.
Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: “Ðâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?”
Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Ðây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.