skip to Main Content

TRÁNH THÓI BÈ PHÁI VÀ TẬP ỨNG XỬ BAO DUNG

26  20  X  CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN.

Ca vịnh tuần II.

Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48.

TRÁNH THÓI BÈ PHÁI VÀ TẬP ỨNG XỬ BAO DUNG

Tin Mừng hôm nay cho thấy óc phe nhóm và tinh thần bè phái cục bộ ngay trong hàng ngũ các môn đệ Chúa Giêsu: Khi thấy có người khác không theo Chúa Giêsu nhưng đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ, ông Gioan đã ra sức ngăn cản họ và báo cho Chúa Giêsu hay biết sự việc để có hướng xử lý (Mc 9, 38). Ông không thể chấp nhận có người không thuộc Nhóm Mười Hai, lại dám cậy nhờ danh Thầy của ông để trừ quỷ, mặc dù họ cũng đã trục xuất được quỷ ra khỏi người bị nó ám. Ông muốn giữ độc quyền nhân danh Thầy để trừ quỷ cho Nhóm của ông.

Vào thời ông Môsê cũng vậy. Giôsuê cũng muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bẩy mươi Kỳ Mục, nên đã yêu cầu Môsê hãy ngăn cấm hai ông Enđát và Mêđát, không thuộc Nhóm Bảy Mươi, mà cũng được Thần Khí tác động để nói tiên tri. Môsê đã trả lời cho môn đệ như sau: “Anh ghen giùm tôi hay sao ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29).

Trong quá khứ, Hội Thánh cũng đã lần do muốn bảo vệ sự độc quyền chiếm hữu Thiên Chúa của mình, nên đã có những hành động cục bộ khép kín, có những quyết nghị nặng tính trừng phạt răn đe đối với những ý kiến bất đồng…, làm mất đi sự trong sáng của khuôn mặt bao dung nhân hậu của Đức Giêsu trước mặt anh em dân ngoại. Nhưng từ Công Đồng Vatican II, Hội Thánh đã mở ra một trang sử mới, khi trong những văn kiện không còn những lời kết án, miệt thị những tư tưởng khác biệt. Thay vào đó Hội Thánh khiêm tốn chân thành nhìn nhận giới hạn của mình, và công nhận có những điều chân thiện mỹ nơi các tôn giáo và các nền văn hoá khác.

Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa, Ngài đã khẳng định, Ngài đến thế gian này là để tìm kiếm và cứu chữa những người tội lỗi, để tìm con chiên lạc, vì thế có thể nói ngược lại nếu thế gian này không có người tội lỗi không có chiên lạc, thì Đức Kitô đã không cần phải đến thế gian. Trong kinh tin kinh lát nữa chúng ta tuyên xưng cũng khẳng định như vậy: Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Chúa Giêsu đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm và kêu gọi những con chiên lạc, những tâm hồn thiện chí khi đón nhận Tin Mừng của Ngài và quyết tâm hoán cải thì đều được đón nhận vào Nước trời, còn trái lại những người kiêu căng tự mãn sẽ đánh mất cơ hội của mình.

Câu chuyện trong trang Tin Mừng hôm nay được nói cho các Thượng Tế và Kinh sư trong dân Do Thái là những người thế giá đứng đầu trong dân, những người tự cho mình là những người công chính, luôn tuân hành mọi lề luật, nhưng thực ra họ giống như người con thứ hai trong dụ ngôn, khi được cha mời đi làm vườn nho, thì anh ta ngon ngọt thưa vâng con sẽ đi, trên mội miệng mà thực tế anh không hành động, không đi làm, không vào vườn nho. Còn trái lại, những người thu thuế và tội lỗi, xem ra bên ngoài họ là những người từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa: Con không đi, thế nhưng sau đó họ hối hận và đã đi làm.

Dụ ngôn hôm nay còn cho thấy một Thiên Chúa hết sức nhân từ bao dung, Ngài chính là Người cha trong dụ ngôn chúng ta vừa nghe. Ông không hề nổi giận trước câu trả lời như tạt nước của đứa con thứ nhất: Con không đi, ông cũng không trách nó nửa lời, ông như người cha cắn răng chịu đựng sự ngỗ nghịch của những đứa con, ông lại lặng lẽ đến với đứa con thư hai, vẫn một thái độ ân cần như năn nỉ: Con hãy đi làm vườn nho cho cha! người cha này đã chờ đợi cả hai đứa con vào làm vườn nho, thế nhưng đứa con đã từ chối ông làm ông khổ tâm, lại là đứa mang đến cho ông niềm an ủi vì sự hối hận của nó, còn đứa ngon ngọt kia lại là kẻ gây đau khổ cho ông khi nó nói có mà không làm, khi nó hứa mà không giữ lời.

Như vậy, điều làm hài lòng Thiên Chúa không phải là những lời lẽ trên môi hay những câu kinh vô hồn mà là một tấm lòng và thái độ đáp lại cụ thể lời mời gọi của Chúa. Và Thiên Chúa Ngài không kể gì đến quá khứ của con người khi con người đã hối hận và thật lòng quay trở về với Ngài.

Chúng ta phải sống với Chúa như thế nào cho trọn đạo làm con? Thánh Phaolô trong thư Philip đã giới thiệu cho chúng ta tấm gương của một người con đó là Đức Giêsu, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, vậy mà Ngài đã chấp nhận từ bỏ mọi vinh quang sống hoàn toàn vâng phục Cha trong mọi sự, chấp nhận mang thân phân con người, hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết; Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người đặt Ngài làm Chúa tể trên trời dưới đất.

Đó chính là tấm gương của một người con thảo hiếu với Thiên Chúa, mà chúng ta cần noi theo. Để noi theo tấm gương này, Thánh Phaolô cũng chỉ cho chúng ta là, mỗi người hãy có những tâm tình như Chúa Giêsu đó là tâm tình vâng phục trong yêu mến dành cho Thiên Chúa, và gắn bó thông hiệp với Chúa Giêsu trong Thần Khí, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết sống cho phải đạo làm con.

Trong Tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (10/11/1994). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi hồi tưởng lại trong lịch sử những thái độ lạc xa Thánh Thần của Đức Kitô và Tin Mừng… Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Ngài.

Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành phần khác, đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại với ý muốn của Đức Kitô và là cớ vấp phạm cho thế giới” (số 34).

Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô hôm nay cần học tập Thầy Giêsu để sẵn sàng giơ tay ra với mọi người thiện chí và mời gọi mọi người cùng hợp tác trong các việc tốt. Đồng thời tránh sự loại trừ, bất hợp tác với người khác trong các việc mang lại ích lợi cho môi trường sống và trật tự xã hội. Tinh thần bao dung này phải mang tính bao dung không biên giới, không đóng khung trong một phe nhóm hay tổ chức nào. Tinh thần đó phải vượt lên trên mọi khác biệt, vì “Thần Khí Chúa được ban cho mọi người không phân biệt ai”.

Ngày hôm nay cũng vậy, đôi khi chúng ta thấy có những anh em Phật tử hay vô tín ngưỡng làm được những việc tốt như: vệ sinh môi trường, hiến máu nhân đạo, chia sẻ cơm áo gạo tiền cho người nghèo khó bất hạnh, mổ mắt miễn phí… hoặc khiêm tốn phục vụ những bệnh nhân ung bướu, HIV-AIDS… thì hãy nhớ rằng: những anh em đó cũng thuộc về Thiên Chúa như chúng ta và họ đang làm công việc tốt lành của Thiên Chúa Tình Thương giống như chúng ta, như lời thánh Gioan: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 7-8).

 

Back To Top