Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Trái tim yêu thương
16.6 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
2 Cr 4:7-15; Tv 116:10-11,15-16,17-18; Mt 5:27-32
Trái tim yêu thương
Nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu là nói về Tình Yêu của Chúa Giêsu, Tình Yêu của Thiên Chúa, một tình yêu được thể hiện qua việc Thiên Chúa tuyển chọn dân, quyến luyến dân, không phải do ta tốt, ta hay, “không phải do anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân”, Thiên Chúa thương dân, thương anh em chỉ vì Ngài là Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. Lẽ ra khi nói “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chúng ta phải yêu Thiên Chúa”, đàng này Sách Thánh lại nói “Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta phải yêu thương nhau”. Thiên Chúa coi việc chúng ta yêu thương nhau là thước đo việc chúng ta yêu Thiên Chúa.
Trong 1Ga 4, 20 nói “nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”.
Lòng Chúa yêu thương loài người Hình ảnh mà Êzêchiel và nhiều ngôn sứ khác đã phác họa là hình ảnh một mục tử lặn lội đi tìm chiên không quản ngại đường xa vạn dặm, khó khăn khôn lường. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần khẳng định lại chân lý ấy : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta, và đã cứu độ chúng ta trước khi chúng ta trở về, nghĩa là khi chúng ta còn ở trong sự tội và bất tín. Thái độ lên đường tìm kiếm con chiên lạc của dụ ngôn hôm nay là một minh họa sống động cho chân lý ấy.
Quả thật, Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt, hay vì một công trạng nào. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải tốt Ngài mới yêu thương, mà Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài yêu thương chúng ta chỉ vì Ngài là tình yêu, chỉ vì Ngài tốt lành. Quả thật, tình yêu của Ngài là tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhằm hạnh phúc của người được yêu. Chỉ một mình Thiên Chúa có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Tác giả sách “Đường hy vọng” đã có lý khi viết : “Tình yêu nhân loại giới hạn một nhóm người – Tình yêu nhân loại đáp trả sau – Tình yêu Thiên Chúa tình nguyện bước trước ; Tình yêu nhân loại kéo riêng về mình – Tình yêu Thiên Chúa hợp nhất muôn người ; Tình yêu nhân loại chỉ động đến con người – Tình yêu Thiên Chúa làm biến đổi và cải hóa con người”.
Người mục tử mà Ngôn Sứ Ê-giê-ki-en và Vua Đa-vít tiên báo không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu. Ngài chính là vị Mục Tử Nhân Hậu mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân. Không chỉ chăm sóc, bảo vệ, tình yêu của Đức Giê-su đối với chúng ta còn lên đến tột đỉnh khi Ngài hiến mạng sống mình cho chúng ta, như lời Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta”. Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là Ngài đã hy sinh cho chúng ta ngay lúc chúng ta đang còn là thù địch với Ngài, đang còn chống đối Ngài. Nhưng vì yêu thương, Ngài vẫn sẵn sàng hiến mạng sống mình, để chúng ta được sống và được giao hoà với Thiên Chúa là nguồn của mọi tình yêu. Chính nhờ cái chết của Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta nhận lãnh được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Kế đó, tình yêu của Mục Tử Giêsu đối với chúng ta không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn chúng ta. Tình yêu ấy đã thúc đẩy bước chân của Ngài lên đường ra đi tìm kiếm những con chiên đang sống trong lầm lạc của tội lỗi, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “Ai trong các ông có 100 con chiên và nếu mất một con, lại không để 99 con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm thấy sao ?” Thiên Chúa không đặt dấu chấm hết cho một người nào. Cho dù chúng ta có tội lỗi, xấu xa đến đâu đi chăng nữa, thì Mục Tử Giêsu vẫn hằng mở rộng vòng tay chờ đợi chúng ta trở về. Và không chỉ là một sự chờ đợi, Thiên Chúa còn lên đường tìm kiếm, để dẫn đưa chúng ta trở về với Ngài.
Trong thực tế cuộc sống hôm nay, vẫn còn rất nhiều người sống thiếu yêu thương. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh bạo lực xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Từ cảnh học sinh đánh nhau trước sự chứng kiến của bạn bè, thầy cô, đến cảnh vợ chồng “hạ cẳng tay, thượng cẳng chân” trước sự khóc lóc kêu la của con cái. Rồi, những cảnh bạo lực xảy ra nơi đường xá, chợ búa, thậm chí tại các cơ quan công quyền. Gần đây, theo dõi báo chí chúng ta biết, nhiều nạn nhân chết một cách đầy bí ẩn tại các trụ sở công an.
Bên cạnh đó, biết bao cảnh đời bất hạnh diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta: nghèo đói, bệnh tật, áp bức, tù tội, các nạn nhân của thảm họa môi trường, của bão lụt do thiên tai và nhân tai… Có thể người ta vẫn biết, vẫn thấy, vẫn nghe tiếng kêu gào đau đớn của họ. Nhưng người ta cứ làm ngơ, hoặc vì người ta bất lực, hoặc vì người ta sống vô cảm sợ liên lụy đến sự an toàn của bản thân. Như thế, người ta đang tiếp tay cho kẻ xấu, cấu kết và đồng lòng với họ như lời vua Napoleon I đã nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không chỉ vì tội ác của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng của những người tốt”.
Vì vô cảm nên người ta vẫn chứng kiến cảnh đánh nhau nhưng không can ngăn. Vì vô cảm nên người ta vẫn thấy cảnh đói nghèo, bệnh tật nhưng không cứu giúp. Đó là hành động đi ngược lại với tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xét mình lại, có lẽ nhiều lần chúng ta cũng đã trở thành những con người vô cảm như thế. Vì vậy, chúng ta hãy xin Thánh Tâm Chúa thứ tha và xin Ngài ban cho chúng ta một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết thổn thức, biết rung động, biết đập với nhịp đập của Thánh Tâm Chúa.
Hơn bao giờ hết, ngày nay chữ “Tình yêu” bị lạm dụng rất nhiều, người ta nói nhiều về tình yêu, chúng ta nói nhiều về tình yêu, nại vào tình yêu để giết nhau, để bớt người, bớt con cái, để loại trừ người không cùng phe, không cùng nhóm; bởi vì tình yêu của chúng ta chỉ là sự yêu mình: “tôi trên hết”, “tôi trước hết”, còn Thiên Chúa lại nói: Thiên Chúa trên hết, “hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.
Tình yêu như vậy, thế gian đã không hiểu, cũng chẳng muốn hiểu mà chỉ có những ai được Thiên Chúa tỏ ra, những ai khiêm tốn đón nhận mới hiểu, mới thấy nhẹ nhàng, êm ái. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh: “khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, vì một con người đã sinh ra trong thế gian” {Ga 16,21}.
Chính Tình yêu: tình yêu Thiên Chúa, tình yêu thương nhau, đã làm cho những gánh vất vả, những ách nặng nề lại trở nên nhẹ nhàng êm ái. Xin Chúa ban cho chúng con ơn huệ hiểu biết mầu nhiệm nước Trời, xin Chúa ban cho chúng con chính Chúa.
Hôm nay cũng là ngày xin ơn thánh hóa các linh mục: Linh mục là hiện thân của Đức Kitô, là Alter Christus (Đức Kitô thứ hai hay Đức Kitô khác). Nên Linh mục phải có lòng thương xót như Đức Giêsu. Lòng thương xót đó được thể hiện qua việc rao giảng, qua việc cử hành các Bí tích nhất là Bí tích Giao Hòa. Lòng thương xót đó còn được thể hiện qua việc thăm viếng mục vụ, quan tâm đến những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần. Linh mục phải như chủ chiên đi tìm con chiên lạc, như người đàn bà tìm kiếm đồng tiền bị đánh mất, như người cha chờ đợi đứa con đi hoang trở về. Nhưng vì linh mục cũng là một con người với những yếu đuối, lầm lỗi và thiếu xót.
Để thực hiện được vai trò “Kitô thứ hai”, và trở nên mục tử nhân lành, bản thân linh mục cần phải cố gắng không ngừng, đồng thời cần lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa. Cần sự cố gắng của bản thân để linh mục hoàn thiện mình, cần lời cầu nguyện của giáo dân để Chúa thánh hóa linh mục. Ước mong rằng, tất cả các linh mục trong Giáo Hội thực sự trở nên những linh mục như lòng Chúa mong muốn.